Friday, April 30, 2021

Mai Thảo - Thằng Côn

 

Thằng Côn  

Trò chơi của trí nhớ

Thế giới tuổi nhỏ được gọi về và làm sống lại trong văn chương và tiểu thuyết chúng ta, ở một tác phẩm này, là những sợi dây lả tả rời đứt của một gốc nguồn đã lạc. Ở một tác phẩm khác, là những ngón tay cuống quýt thất đảm gõ đập liên hồi vào một cánh cửa quá khứ bằn bặt đóng kín. Cánh cửa dầy, nặng, không mở. Phía bên kia, căn phòng thơ ấu tối đen, lạnh tanh, không hơi thở, bởi tuổi vàng kia tuổi vàng ấy đã bay xa, vĩnh viễn không còn nghe thấy nữa những tiếng kêu tuyệt vọng của người.Chín trong mười trường hợp những người viết truyện tuổi nhỏ của chúng ta đều viết từ một tâm trạng tiếc thương ngậm ngùi lũy tiến phóng lớn theo từng bước chân trên con đường trở lại. Con đường ấy xa thẳm. Cuộc hành trình muôn vàn cực nhọc. Con đường ấy mịt mùng. Bên kia những núi nhớ. Trên một lối hồi tưởng mưa bay, tiểu thuyết và thơ truyện về những tháng năm đẹp nhất một đời người của chúng ta phần lớn đã như thế. Đã ghé vào một bến tuổi hồng, như một bờ bãi mù sương. Đã chạm đụng lại một tuổi ngọc, một tuổi ngọc chỉ còn là hình bóng.

Hành động và ý hướng trở về tuổi nhỏ, với văn chương hiện đại, nói chung, do đó đã được giải thích như biểu hiện cho một nhu cầu tâm linh xao xuyến cần một điểm tựa, một trú ẩn, kẻ đi đường không có một điểm ánh sáng nào dẫn tới chân trời trước mặt, phải nhận đường bằng điểm lửa xa chiếu về từ một phía sau lưng. Từ liên hệ và nhu cầu này, cuộc sống của người lớn, với hiện đại y, được coi như một thất bại, một ngờ vực, một thua trận, một cùng đường. Trở về với cái cấu thành với cái từ đầu của mình, hàm chứa hy vọng lấp đầy một hụt hẫng và một mất mát lớn, sống lại một phần đời đã sống bằng một lần sống thứ hai. Những kiếm tìm ấy cuối cùng chỉ đưa tới con số thành này là tuổi trẻ đã bị đổi thay từ hình dáng đến thể chất. Những tháng năm đẹp nhất của một đời người đã trở thành những tháng năm hắt hiu buồn thảm nhất của một đời người với Le Petit Chose, của Daudet, với Những Ngày Thơ Ấu, của Nguyên Hồng. Giam nhốt trong tiềm thức người như một ám ảnh siêu hình, tuổi nhỏ chỉ còn là một vang vọng buốt lạnh. Và cả một thế hệ người lớn bây giờ, bước nối hàng theo một hành lang hồi tưởng xám, đã về cùng tuổi thơ như nhẩy qua một vực thẳm, chui vào một hầm đá tối. Và, ở cuối đường hầm kia, tuổi nhỏ hiện ra, hoang đường và xa lạ buồn, mang cái hình ảnh tôi vừa dùng: một bờ bãi mù sương. Cái ga tuổi vàng tới rồi. Nhưng người chỉ tới khi buổi chiều đã xuống.

Bằng một bắt gặp khác biệt, riêng Duyên Anh đã về tới tuổi vàng mình vào khoảng bảy giờ sáng. Một buổi sáng tháng giêng, xanh trời, một buổi sáng mùa xuân lộng lẫy. Ga tuổi vàng hiện ra, rực rỡ. Cái mái nó đỏ chói từng hòn ngói lên tám. Trường nó mở toang khắp bốn phía những khung cửa lên mười. Kim đồng hồ trước cửa ga chỉ đúng vào con số giờ óng ánh nhẩy múa của một ngày vừa dựng. Nắng đã lên, lồng trong như hạt sương là ngọc. Nắng đã dấy, trên mầm thật nan, trên búp thật mới, trên những đầu cành rung rinh, trên những thân lá phơi phới. Tầu tới, còi hú từng hồi tu tu, bánh lăn từng vòng tươi cười, cỏ giậm chân bịch bịch, đất vỗ tay làm nhịp, đá lăn mình rượt kịp, cây vui nghiêng theo tầu, tầu đầy một chuyến gió. Và từng chuyến tầu chở tuổi nhỏ đến cùng tuổi nhỏ ấy, bánh chưa ngừng lăn, thằng Côn đã nhẩy xuống. Côn tới. Từ phút này, cái thế giới nghiêm trang, đầy đặc những nếp nhăn buồn bã những khoảng trũng của người lớn đã mất Côn rồi. Mất, mất hẳn. Côn đã đi thật xa, bay thật cao, trên những đường đồng, trên những con suối, hóa thân làm bướm, bốc thoát thành nắng. Côn sống làm cho người lớn hoa mắt, Côn chạy làm cho người lớn chóng mặt. Khoảng khắc, từ cái ga bình minh của một tuổi vàng gặp lại, Côn và chúng bạn, tay trong tay nắm, tuổi lá non kề tuổi hàm tiếu, đã ở thật xa, giữa trung tâm một thế giới hồng.

Không trò chơi văn chương nào tuyệt vời bằng trò chơi của trí nhớ. Đời sống là giới hạn, lệ thuộc, và tâm thức: một cái lồng giam nhốt quằn quại ngột ngạt. Riêng trí nhớ bay bổng không cùng, trí nhớ hoàn toàn tự do, hiện năng và vận dụng của hồi tưởng vô cùng vô tận, trí nhớ đích thực là một kho tàng nguyên vẹn, nó là tư hữu duy nhất toàn viẹn mỗi phút sống một phong phú hơn mãi của người, trí nhớ có đôi cánh thần tiên, mỗi khi muốn, là lượn bay cùng khắp tới những đáy trời huyền ảo. Chỉ cần nhớ lại. Là đủ. Không cần tưởng tượng. Chỉ cần nhớ lại. Là thừa. Không cần thêu dệt. Chỉ cần một ngụm gió nhớ thổi lên, một hạt lửa nhớ nhen hồng, là đã những thời gian bắt kịp, những không gian chụp gọn, không cần tìm kiếm. Và thế là, đã điệp điệp trùng trùng, đã tuôn tuôn nối nối thành những xâu chuỗi tình tự hồi phản dằng dặc - nếu như trí nhớ muốn sắp xếp – và thế là đã từng nhánh xum xuê, từng chùm chồng chất - nếu như hồi tưởng muốn thả lỏng dây cương - những cõi hình ảnh lớp lớp, những cõi mầu sắc từng từng, bất tuyệt, miên man, tràn đầy, đồng thời sống lại. Cỏ của trí nhớ xanh ngắt ngay từ thước đường thứ nhất. Và trí nhớ chỉ cần nghiêng thân, đã một trời kỷ niệm đậu xuống bờ vai, chỉ khẽ cúi đầu, đã những sợi tóc quá khứ buông rủ một vầng trước mặt.

Tuổi nhỏ với Duyên Anh, với cái thế giới hồn nhiên, sáng láng, nhấp nhổm, tinh quái của Duyên Anh, chính là hiện tượng thích thú sảng khoái nhất cái trò chơi tuyệt vời của văn chương vừa nói. Được mùa, nó đựng đầy trong một bao bố lớn. Trong căn phòng có nắng múa trên từng thành cửa sổ của Duyên Anh, ấu thơ, lên tám, lên mười, những tóc như tơ, những trán như gương, những chân sáo nhẩy, những mắt thỏ non, đã lũ lượt về, chất ngất một rương đầy. Viện bảo tàng tuổi nhỏ của tác giả thằng Vũ, thằng Côn, có hàng nghìn cái giá treo cao, hàng nghìn ngăn đựng mở rộng, thò tay vào đã lấy đủ một nhánh hồng, vục tay xuống, đã đầy tay những chùm biếc, và như thế, liền kế, dễ dàng, không phải vén một tấm rèm, đuổi một lớp khói, đi hết một đường hầm, nhẩy qua một vực thẳm nào. Nhiều nhà văn viết truyện tuổi nhỏ, chỉ quy định và chụp bắt được ấu thơ trong từng khu vực một. Gặp con suối thì lỡ thấy cánh rừng. Nhặt được hòn bi lại bỏ rơi cục tẩy. Thấy được con chào mào mỏ đỏ trên cành, lại quên cây súng cao su gạc ổi cầm tay. Tuổi nhỏ chỉ được dừng lại, trên từng cạnh khía rời lẻ, như một ngọn đèn pha xe hơi di động trong đêm tối đường trường, ánh sáng dọi tới một vùng cỏ lá mới thì cũng lại có nghĩa là vùng cỏ lá sáng rõ một giây trước đó đã chìm vào tối đen. Tuổi thơ được làm sống lại bởi vậy chỉ là những mảnh vụn, những phiến nhỏ, mà không phải là cái toàn thể cái toàn diện bát ngát của tuổi vàng. Giữa những hòn đảo ấy lác đác nổi hình của một hồi tưởng đứt đoạn thả từng giọt một từ một hình kỷ niệm đã nhạt nhòa trừu tượng, cho một nối tiếp, một lấp đầy, trí nhớ phản phúc yếu hụt không hòa nhập được tận cùng vào cái trò chơi kỳ diệu, đành phải điền vào những khoảng trống bằng những vá chắp người lớn, những vá chắp này không đồng chất chỉ là những đột nhập phá rối.

Với Duyên Anh, không thế. Thế giới tuổi nhỏ bằng tiểu thuyết Duyên Anh, được tạo dựng thuần bằng những chất liệu đích thực, nguyên khối, không pha phách chế biến. Khí hậu, thời tiết, mưa nắng, gió tới từ phía tả như mưa bay từ phía hữu, không khí, rung động, giòng sông, ngọn cỏ, khuôn mặt của buổi sáng, cảnh tượng của buổi chiều, đến cả những sự việc của thế giới và xã hội người lớn như đổi rời, cách mạng, đói kém, mất mùa, chân phù lính Tầu và lưỡi lê Nhật, hết thảy đều được nhìn, sống, nhận thức phán đoán, tiếp thu, bằng những khối óc lên tám, bằng những trái tim lên mười. Qua cái lăng kính luân lý, đạo đức phơi phới hồn nhiên, trong vắt và đôn hậu nhất của tuổi thơ.

Không có trò chơi nào của văn chương tuyệt vời bằng trò chơi của trí nhớ. Trí nhớ của Duyên Anh có một trăm ngăn đựng sáng láng, một nghìn ngăn đựng tươi hồng. Trước thằng Vũ, thằng Côn, sau thằng Côn, thằng Vũ, bằng ngòi bút viết về những tháng năm đẹp nhất của một đời người phong phú và sinh động nhất của văn chương tuổi nhỏ hiện nay, trò chơi tuyệt vời kia với Duyên Anh, vẫn còn tiếp tục.

MAI THẢO

Nguyễn Dương Quang

 

BI KHÚC 

Không có gì trên núi chiều nay
gió ở đâu chừng không lên tới
trải cô đơn ra sầu cỏ đợi
tiếng thời gian im ắng trong cây

vạt nắng chiều buồn như điệu hát
con nai ngóng tiếc lá thu nào
hồn suối cạn đá trơ khô khốc
cọng hoa rừng mỏi dáng gầy hao

đất trời đâu đó màu thê thiết
bóng cừu cúi mặt cỏ khô cong
triều đại nào tích tuồng hưng, phế
cũng có trang buồn chuyện nhiễu nhương

những bình minh qua hoàng hôn đến
đã bao nhiêu nước chảy qua cầu
sậy một mình hát lời buồn thảm
rừng hoang mang cây ngại ngùng nhau

chiều nay không có gì trên núi
quanh quất nhìn đâu cũng thấy buồn
chút hồn treo vào chòm mây lạc
buông mình lăn xuống núi hoàng hôn

BIỂN TRONG KÝ ỨC KẺ DU CƯ

Kẻ du cư đã gác đời mình trên đỉnh núi
nhưng trong anh vẫn là dòng máu mặn biển xa
buổi chiều lặng yên trên đồi cỏ mượt
nhìn trời xanh anh ngỡ biển quê nhà

Quê nhà anh xưa trải dài trên cát
cát ngủ cùng anh từ trên chiếc võng nôi con
anh lớn lên dưới bóng dừa che chở
trong từng chiếc vỏ ốc khô đều ẩn giấu linh hồn

Anh đã sống và yêu bên biển
ôi! người anh yêu và biển anh yêu
rất xinh đẹp, lúc dịu hiền, khi giông bão
nên đời anh hạnh phúc nép thương đau

Có lúc một mình anh bên gành vắng,
khi cùng ai cuối bãi đợi bình minh
anh cô đơn, biển bao la cô đơn kinh khiếp
anh yêu, yêu đã đầy chưa biển tình?

Những đêm mùa hè anh nằm gối tay trên cát
biển ru anh vào những giấc mơ,
biển nói cùng anh về tình yêu thương, lòng tàn bạo
về những nỗi âm u sâu thẳm khôn dò

Biển đã thấm vào anh tình yêu, nỗi đau và niềm yên ủi
anh ra đi, lạc vào cõi sương mù
anh vẫn mơ ngày cuối cùng trở về chốn cũ
mãi mãi là con sóng nhỏ biển thiên thu.

CHIỀU QUA TÀ DÔN NHỚ NGUYỄN BẮC SƠN

chiều ngang qua Tà Dôn
gió hát se se buồn
lời xưa đau kẽ đá
đìu hiu hương rạ thơm

qua rồi mùa chinh chiến
không là những cốt khô
tao với mày hoá trẻ
ra chút hồn ngu ngơ

ngực Tà Dôn vẫn thở
thời gian tàn lụi mau
những trái tim bất lực
ngàn năm lăn về đâu

chiều ngang qua Tà Dôn
bóng mây theo cũng buồn
tao quên mình đang sống
làm sao quên mày? Sơn!

CHIỀU TRÊN RỪNG TRONG MẬT KHU LÊ HỒNG PHONG

Chiều đã đầy trên rừng cây thấp
nắng trải dài xa những đỉnh xa
ta ngồi lắc bidon vừa cạn nước
nhấp môi khô mà nghĩ một quê nhà

Kì lớp đất bám trên da mặt cháy
vết môi hôn nhuộm đỏ mặt trời chiều
Tà Dôn xa mướt như cồn ngực nhỏ
thở hoàng hôn Phan Thiết nhập giờ yêu

Cây khẩu cầm mang theo ngày cầm súng
mi sol… sol mi do fa…
ôi khúc O’Cangaceiro dồn dập
nửa đời ta một thuở không nhà

Ngồi trên cát nhai thịt dong nướng
vẫn ngon hơn Đồng Khánh với gà quay
ngu quá đỗi quên mang theo xị đế
thắp cho đêm còn có chút mặt trời

Dăm tiếng nổ mon men bên triền dốc
vài ba anh du kích, mấy A.K
ta quơ súng, bỏ dong cho đàn kiến
mi sol… sol mi do fa…

Đêm đã đầy trên rừng cây thấp
nắng ngủ đen xa những đỉnh xa
ta ngồi thở như chưa từng biết mệt
gai ô rô ơi, em thật mặn mà

Đêm đã im trên rừng cây thấp
bầy te te xa đã nhỏ giọng hò
như chàng cao bồi ngủ bên chân ngựa
Ohé! O’ Cangaceiro...

CHUYỆN TÌNH Ở MỘT NƠI NGUỒN SÔNG SÀI GÒN

Ơi Sài Gòn! Ơi sông mênh mông!
trôi.. trôi.. trôi.. trôi có nhớ nguồn
nhớ con suối nhỏ từ thăm thẳm
dòng Đa Tam chìm trong mù sương?

Nơi ấy, một mối tình rất đẹp
chàng làm thơ, nàng đẹp như thơ
nắng sớm trải hồng lên đôi má
trăng khuya ngủ mượt tóc huyền mơ

Khung cửa trăng sao nghe nàng hát
người thơ đàn dây tỉnh dây say
con suối đệm đều theo ngây ngất
đám côn trùng hoà giọng ngất ngây

Mưa bay gió cuốn cuộc tình lỡ
một đời sông, đời khe núi cao...
chiều trở lại Đa Tam hiu hắt
buồn trông thời gian đã xám màu

Nắng ngợp lênh đênh đường phố rộng
hoa mắt tìm em giữa Sài Gòn
hỡi ơi suối chỉ là nhánh lỡ
sầu trôi quanh đá cỏ rêu rong

Thiên thu môi mắt thầm thì hát
mùi hương xưa ướp mộng không rời
nợ em một đời thơ chưa dứt
hạnh phúc buồn vui Ngọc Dung ơi!


ĐÊM CUỐI NĂM VIẾT CHO MÁ
Đêm nay con ngồi một nơi rất xa Má
Đếm tuổi con bằng nước mắt Má đong
Trong đêm thoảng giọng hiền Má gọi
Con vừa nghe, muốn khóc, rất bâng khuâng

Ở làng này không ai đốt pháo
Đêm thật buồn như bước đông đi
Con còn có ít giờ hưu chiến
Biết đâu chừng...thôi, nghĩ làm chi

Mấy năm nay con không có tết
Hình như năm chỉ có ba mùa
Con không buồn xuân chê đời lính
Buồn xa Má như trời mưa

Từ xa Má con làm con nhiều Mẹ
Lúc nào cũng vui lúc nào cũng buồn
Có kẻ vui luôn, người buồn mãi
Mình con của Má cười rưng rưng

Con nghe những dòng sông kể chuyện
Biển xa năm họp mặt một lần
Chuyện những xác cầu, xác người chìm nổi
Chuyện đồng loại như là phù vân

Hình như cây súng con lạ lắm
Sao nó rung lên khi đạn lên nòng
Tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
Một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không?

Trước mặt con: những ngọn đồi cát máu
Đêm thì thầm cùng những nấm xương
Ôi, trái tim con mãi tôn thờ Má
Đã dạy con hai tiếng yêu thương

Từ Má lỏng bàn tay dìu dắt
Con bơ vơ giữa cuộc phù sinh
Dòng nước nào xa nguồn mà không đục?
Sợ một mai con lạc dấu chân mình

Thôi, Má ngủ đêm nay thật ngon giấc
Con ngồi đưa chiếc võng rách quê nhà
Đạn vòng cầu đừng đi trong đêm tối
Lệ sẽ đầy giấc Má nhớ con xa
1969 

ĐÊM ÔM ĐÀN UỐNG RƯỢU MỘT MÌNH… .
Nàng trăng đẹp quá lại gần đây
đất bỏ trời buông nhé! đêm nay
thế gian biết có còn ai thức?
hồn ta sân vắng quá trăng ơi

Gió mây mây gió hãy ngừng bay
chở mộng lòng ta ghé bến này
rượu hết đàn im mây gió sẽ
bay mãi ngàn năm, ta vẫn đây

Này rượu đào chôn chửa ngàn năm
tình chửa thiên thu, mộng chửa vàng
tóc trắng rơi trên đàn run rẩy
mạch máu dòng men chảy lang thang

Vằng vặc trăng kề rượu trắng trong
ấm hồn ta một kiếp lưu vong
trên mặt đất đời ta vẫn sống
buổi quay về nghe tiếng dòng sông

Trăng sắp tàn chưa? sương tiếp sương
đàn say bao khúc mấy tơ chùng
đêm chung thủy, bao dung… đêm biết
con người nhỏ bé giữa mông lung.
2012 

DRAN NGÀY VỀ

Mây ngu ngơ theo gió về lối cũ
lòng ngỡ như trôi lạc cõi xa xôi
cây đa xưa già chưa mà đã chết?
và người bên giếng hẹn đã đi rồi

Xa lắc một thời chim quanh miệng tổ
lối mộng đầu còn lãng đãng chiêm bao
hồn hiu hắt bên sông buồn vắng nước
gió đã bạt đời lỗi đoạn ca dao

Tôi yêu Dran hơn yêu tôi, Dran làm sao biết được!
tôi là giọt sương Dran sớm, giọt sương Dran chiều
tôi yêu ai hơn yêu tôi, ai làm sao biết được!
ngày ai chưa biết làm duyên, tôi vừa biết yêu

Cô hàng bánh canh vui chiều cố xứ
khóm quỳ xưa đáy mắt em long lanh
môi em hé ngày xưa dòng suối nhỏ
ôi,một chút gì thuở tóc tôi xanh

Đêm ngồi đợi sương mù buông hư ảo
chuyện xưa xui thác mộng đổ ngàn hàng
mai xa, hồn nhánh thông bên đèo vắng
một đời vi vu khúc nhạc tình Dran.

ĐÊM KÍCH DƯỚI CHÂN ĐỒI PÁ

Dù đợi người qua trên lối chết
lạ sao ta thấy rất bâng khuâng
có rất nhiều điều thật khó nói
đêm sơ giao sẽ chỉ một lần

Cỏ ơi, có thấy ai trên đồi
vẫn thường vác hận thù đi xuống?
mà sao ta thấy cỏ không vui
cỏ lạnh lùng hơn là sương mỏng

Cỏ biết không, ta không lòng thù hận
lũ chúng ta một thuở thế thôi
ngày mai cỏ sẽ thành đồng lúa
cỏ sẽ thấy người nắm tay người

Đồng lúa ơi, sao đồng lúa gầy
lúa buồn không trong mùa gặt muộn?
chim đã ngủ một trời nào khác
và gió rồi cũng chẳng thấy bay

Lúa có nghĩ rằng ngày mai sẽ khác?
súng sẽ dùng để đúc lưỡi cày
mỗi ba trăng lúa vàng tròn hạt
chim sẽ ca và gió thổi lúa say

Ta vừa nghĩ một điều rất tầm thường:
ngọn đồi này mai sẽ thành rẫy
bởi lòng người lúc nào cũng đẹp
dẫu tầm thường cũng rất mến thương.

EM Ạ! CHÚNG TA VÀ NỖI CÔ ĐƠN

Hình như con người không thể thấy
được hết nỗi cô đơn của mình
dù khi em viết những dòng thơ tình
đã tự xé lòng đau đến vậy

Bài thơ em khúc nhạc buồn chơi vơi
con chim hít cô kêu trong chiều hiu hắt
ta, cùng nỗi mênh mang một hồn gió giạt
mưa xanh, nắng bạc rũ bên trời

Có khi ta thầm hỏi lòng da diết
tại sao mình không thể thiếu cô đơn?
muốn thành trăng tự tròn, khuyết rồi tan
đọng thành mây rồi trôi… trôi biền biệt

Khi tha thẩn trên đồi cao hay bên bờ biển vắng
lòng ta biêng biếc cõi tình quên
làm sóng hát cùng con thuyền trống
làm gió đùa cùng đám lá đầu non

Em ạ! làm sao chúng ta san sẻ được nỗi buồn?
mỗi người riêng một trái tim chưa khép
vậy xin ấp yêu đoá hoa lòng thật đẹp
là Cô Đơn! chất ngất cô đơn.

KHÔNG ĐỀ

Vừa mọc trong căn phòng lặng lẽ này
cây bồ đề già lá non mươn mướt
ta dựa lưng vào thành giường nhắm mắt
thấy lờ mờ có một cõi hư không
những bầu trời luôn đổi sắc bao năm
đang dồn dập tranh giành nhau hiển hiện
đang âm thầm dắt dìu nhau tan biến
đám côn trùng rả rích mãi hồi chuông

Tâm hồn ta trót một sân khấu tuồng
những vận nước, mệnh người cười dở khóc
vẫn còn đó nụ cười chen nước mắt
tiếc thời gian tàn lụi những tăm hoa

Đoá hạnh nào sẽ nở sót trong ta
cánh đồng trống hay bờ sông hoang vắng?
còn bóng tối hoà tan vào tịch lặng
đưa hai tay ôm tưởng gốc bồ đề
kinh không lời trời đất tụng…
… đêm khuya.

KHÚC RONG CA CỦA KẺ LÃNG DU

Có những lúc ta say như ngọn gió chiều
lướt thướt trên sông hát cùng đám lau,
có lúc ta vui như làn mây trắng
bên đồi kia ta quên ta là mây

Có lúc sao ta như con dế buồn
lủi thủi nghêu ngao đêm rừng cỏ non,
có lúc sao ta như vầng trăng khuyết
bên trời kia cô đơn trong chiều sương

Có những lúc ta ngồi như đá
chờ cơn sóng đến ôm bờ vai
bờ cát trắng chân còng mệt mỏi
còn lang thang suốt đêm trần ai

Có lúc ta ngơ như một anh hề
tỉnh tỉnh điên điên nắng chợ gió quê
có lúc ta si như thiền sư lẩn
quên lời kinh, quên ta giữa biển mê.

LỬA TRÊN ĐỒI

sáng nay ta đốt lửa trên đồi
lửa soi ta nhìn ta sống sót
lòng mặc áo sương nên lòng quá lạnh
mắt mở từng đêm nên mắt quá sâu

ôi đêm qua đạn mưa súng bão
ta là ai giữa đồ trận săn người?
cuối mặt trời sau đuôi C.47
viên đạn đồng vỡ giọt máu tươi

kịch đêm qua trên đồi đã dứt
ai kéo màn từ một rừng xa
có tim người ứa một giòng sông
máu chảy âm thầm suốt cõi hồn ta

hỡi người anh em đêm qua nằm xuống
lửa ta nhen xin ấm hồn người
tay đã nhẹ không còn nâng ngọn súng
hãy bình yên như giòng nước trôi

cám ơn người đã tặng ta khẩu súng
mai về đem đổi chiếc huy chương
buổi chiều tha thẩn trên đường phố
mà quên người nằm lại sa trường

hỡi bếp lửa quê nhà yêu dấu
khói tranh đùn sương sớm rủ nhau tan
chân mới bước mà đã xa quá đỗi
và chút hồn mới lớn đã lang thang

hỡi bếp lửa trên đồi hoang vắng
làm sao soi từng ngõ ngách mơ hồ?
đời vẫn sống dài theo năm tháng
vết hồn mòn theo đế giày saut

dẫu thế nào cũng xem là hạnh phúc
chiến tranh sờn vai áo trận màu rêu
có hề gì lửa reo như nhịp súng
viên đạn đồng mũm mĩm thân yêu.

TIỄN NGUYỄN BẮC SƠN, VỘI MẤY LỜI VỚI BẠN

Trong ba ngàn thế giới hoài hoài sinh diệt
đời người chỉ thoáng qua như một đám mây bồng
ngươi đến rồi đi là chuyện nhỏ
ồ! Sao ta lại thấy mênh mông?

những ngày đèo ngươi nhẹ hều trên chiếc xe đạp
ta ngỡ như cõng nặng một gã khùng
cứ lãi nhãi lắm lời nghe chừng vô tưởng
đang phàm phu bỗng giở giọng hiền triết, lung tung

nhưng thơ ngươi.. hình như Lê Văn Chính nói đúng
có thánh thần nhập vào thành thơ thánh thơ thần
ngươi tuyệt mù ngang tàng, hào sảng,
ngươi thăm thẳm bi hài một thuở chiến tranh

ngươi đã đùa khinh trò chơi xương máu
giận, ghê những bàn tay bẩn đẩy đưa,
với giai nhân ngươi điệu đàng rất mực
những lời thơ tình nồng nàn đôn hậu say sưa

sáng nay, dù với ta vũ trụ lạnh cóng
nhưng có ngọn lửa ấm áp đang phủ kín một con người
ngươi thành bụi vàng, thành mây thành gió
lại phiêu bồng trong cõi khác, Sơn ơi!

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...