Monday, May 16, 2022

Hồ Huy

 Tự tình với điếm canh

Trăng đang xanh, trăng đang mải mê tròn vành, trăng đi từ biển, trăng về từ núi, trăng ngã dúi dụi vào đồng quê. Người ta bảo trăng ở biển thì ấm, trăng lên núi thì lạnh, trăng về đồng bằng trăng tạnh chiêm bao.    

Nào ai biết trăng đã tạnh chiêm bao, tôi trở về quê hương sau những hao gầy, sau những mải mê cơm áo no đầy, sau những chập chờn mộng mị, sau những ngày đi tháng nghĩ, sau những bước chân bền bỉ, chỉ thấy một đêm trăng đang lên em xanh.

Điếm canh làng Việt, một thứ quê hương đã tựa lưng vào những  vui buồn, đã âm ỉ những mùa nắng cạn, đã thơi thới những mùa mưa giông, đã trông chừng những mùa mắt anh mắt em ngập ngừng. Thương nhớ!

Điếm canh chỉ như một dấu chấm xanh nhỏ nhoi vậy đấy, mà điếm canh đã như một nốt nhạc in lên khuông đời em, in lên khuông đời tôi, ngân nga và tha thiết. Điếm canh là một kiến trúc công cộng được xây dựng khá phổ biến ở nông thôn, ra đời trong quá trình hoàn thiện đơn vị cư trú cơ bản ở nông thôn Việt truyền thống: làng, xã. Chỉ một thôi điếm canh mà ngôi làng xanh lên bờ bãi. Chỉ một thôi điếm canh mà triền đê ngọt ngào mãi mãi. Chỉ một em, chỉ một tôi, chỉ một dòng sông lở bồi và ở đâu tự bao giờ bồi hồi điếm canh trong mắt ai xanh?

Tôi ngập ngừng khi điếm canh đơn sơn sơ dựng bằng  tre pheo. Tôi bền chắc và chững chạc khi điếm canh  xây bằng gạch, đá ong, kèo gỗ, lợp ngói. Nhưng dù lớn đến mấy tâm hồn tôi cũng không thoát nổi một điếm canh không quá 3 gian, dáng dấp gọn gàng, tường xây bít đốc.

Điếm canh làng Việt thoạt nhìn tưởng chừng như không có trang trí, như một gã nông dân quê mùa. Nhưng nhìn kỹ ta lại thấy điếm canh chi tiết khúc chiết gọn gàng, mộc mạc, không  hề có cái thừa ở điếm làng. Các chi tiết như hơi to, thậm chí quá cỡ so với khung và khối của điếm, đắc dụng ở cái chắc, thưa thoáng, cái nào ra cái ấy. Bởi vậy mà nhìn từ xa điếm canh như một chỗ tựa lưng để thở, ngả vai để yêu và dõi mắt lên trời xanh mây trắng để mùa vụ nối tiếp tháng ngày.

Theo những ghi chép từ xa xưa điếm canh có lẽ là công trình được hưởng đặc quyền  nằm ngoài lũy tre làng, có khi ta thấy nó khá xa mép làng do chức năng như một trạm canh phòng của làng xóm. Cũng bởi vậy mà điếm canh như một nơi giữ nhịp tim làng, người ở xa về tìm hướng điếm canh, người ở nhà chầu chực điếm làng. Chẳng phải đó là nơi cho ta hò hẹn những mùa bể dâu.

 Một chiều vãn năm , tôi từ phương xa trở về. Đứng trên triền đê Trà Lý mà nhìn dòng sông âm thầm biển cả. Dõi mắt về phía xa xa ở dưới chân đê, ở dưới những chân khói nhà ai ngơ ngác đang bay, điếm canh nhập nhòa trong hơi thở của dòng sông trễ nải.

Đã bao năm rồi, đã bao tháng rồi, đã bao ngày rồi, đã bao đời rồi, điếm canh vẫn tồn tại và hiện hữu từng chân quê, thửa ruộng bờ đê. Quê hương tôi đã lên thành phố từ lâu rồi, dòng sông tôi đã kè đá hai bên bờ từ lâu rồi, vậy mà những điếm canh vẫn còn đó nghiêng ngó cuộc đời.

Có gì mà lạ đâu, điếm canh vẫn như những con mắt nhân gian của anh, của em, của muôn vàn nương náu hồn quê, tình quê mà thao thức dòng đời. Điếm canh cũng chính là con mắt của lịch sử, chứng kiến những đổi thay, ghi dấu những tốt xấu, ám ảnh những trái ngang buồn thương còn vương mai sau đời sau ngày sau, ai nắm tay nhau.

Chiều lại chiều thêm, ngày lại ngày thêm, tiết trời cuối năm đổ lên đầu con đê bao khói sương bảng lảng. Đời ai huyền hoặc, chân ai thoăn thoắt, đời ai ngoảnh mặt, bàn tay ngoăn ngoắt? Vội gì đâu mà qua điếm canh, buồn gì đâu mà sầu điếm canh, yêu gì đâu mà tình điếm canh, quên gì đâu mà nhìn điếm canh?

Thả xuống dòng trôi đâu đây những nụ cười chín đỏ hây hây. Dòng sông Trà lặng thinh soi gương điếm canh, tôi lặng thinh soi gương lòng em, ai lặng thinh soi gương đời ai. Bờ vai phủ đầy bóng tối.

Bóng tối đã triền xuống ải đê bao, đê vùng, bao nhiêu con đê làng xưa lũy xưa, bao nhiêu tình quê, nghĩa quê, đời quê cũng ngả vào dáng dấp điếm canh nửa tỉnh nửa mê.

Dòng sông trôi như tôi, thời gian ngang như vai, đời ai mặn nhạt,thân ai ngọt bùi, đời ai dấp dúi, cơ hồ điếm canh? Tôi ngả về đâu những vạt ngô non mùa vụ thương nhớ cỏn con. Tôi bới ở đâu khoai vùi đầu bãi. Lòng tôi rộng rãi, phố xá chật chội. Đời tôi ái ngại dòng sâu đời xa.

Ai đã vén màn đêm trên con đê quê nhà ăm ắp kỷ niệm, tôi bước lại gần điếm canh mà nhắc những chặp tha hương. Bóng tôi nhỏ bé, bóng trăng đổ dài, thương yêu nhỏ bé, điếm canh vươn vai. Tình tôi nhỏ bé, hồn tôi nhỏ bé, đời tôi bé nhỏ điếm canh dông dài…

 

Những con mắt Hà Giang

Mỗi năm, khi những lạnh lùng bắt đầu từ xứ Bắc manh nha quay quắt vùng cao, những ngọn nắng như những đốm lửa cuối mùa nhảy nhót trên khung dệt người Pà Thẻn, những ưu tư từ đâu vòm sâu tắt bóng tối đèn rục rịch quay về, thì cũng là lúc loài hoa mang tên tam giác mạch lại đồng loạt bật những yêu thương, bừng sáng trên các thửa ruộng bậc thang, các sườn núi cheo leo nơi cao nguyên đá. 

Trở lại Hà Giang, trở lại Hoàng Su Phì, Xín Mần, Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú, Ma Lé, những địa danh khiến cho lòng tôi bậm bọe, lảnh lót đàn môi, nhữngyêu thương, vươn vai ngời ngợi, bập bùng nhớ ai đợi ai chờ ai ngập ngừng bếp lửa. Tôi lại có dịp hỏi trái tim mình: này mày thương ai, này mày nhớ ai, mà mỏi đường dài, mà quên đường dài, mà sớm mai tình, mà chiều nay tình, mà sương khuya lặng thinh, những cánh hoa trĩu nặng hồn đất, ẩn dật hồn rừng, nghiêng nghiêng cuối thu ngả ngả chạm đông những cánh đồng tam giác mạch hoa về lách tách Hà Giang.

Tam giác mạch như một cô gái, nó tự đặt chiếc đồng hồ báo thức của mình, cuối tháng 10, đầu tháng 11 loài hoa có vòng đời ngắn ngủi này bất chợt reo vui hồn nhiên, ngỡ ngàng loang loáng sắc trắng nét hồng, rồi âm thầm chuyển nhựa mà tím mê tím mải. Hà Giang thêm một lần con đường xa ngái trở nên gần gụi, gió đông về cũng chẳng làm buồn phiền những đọt đá cao, chẳng làm ưu tư những bờ tường rào, chỉ thấy tình đất, tình quê, tình người cứ âm thầm bung những dải màu trắng hồng cho đến tím tím ngan ngát đến tận chân đèo đến tận những thửa ruộng bậc thang nhà ai sớm nay chiều mai.

Không biết tôi có phải là người ẵm cái duyên tiền kiếp với Sủng Là mà cứ mỗi lần vòi vọi vùng cao thì tôi lại mải mê thương nhớ bóng người Sủng Là, âm thanh điệu khèn Sủng Là, ngóng người phía núi mà rạo rực mùa tam giác mạch đang ấp ủ rọc rạch bao nguồn nhựa sống từ Sủng Là này, từ nơi đá nở hoa này.

Cao nguyên đá thêm một lần trầm ngâm, vài điệu khèn mê tơi buông xuống ấp ủ những thung sâu còn lâu mới tối. Cô gái Mông ngẩng mặt bẽn lẽn thắp những ánh đèn vào buổi chiều diệu vợi. Chàng trai Lô Lô ngồ ngộ nâng bước chân cao đuổi ánh mặt trời mỗi sớm Mèo Vạc, Đồng Văn.

Và hoa tam giác mạch lại thêm một lần bước ra từ cổ tích, mỗi đốm hoa bé xíu bé xinh như con mắt Hà Giang, như con mắt cô gái Mông, như những con mắt tình tứ của thảo mộc chăm bẵm những buổi chiều yêu thương ngủ bên bờ nương rẫy. Con mắt ấy nhìn tôi, con mắt ấy nhìn bạn, những con mắt ấy bảo nhau say đắm ngẩng đầu. Trời xa còn sâu. Màu hoa tình thâu, những đêm dài mê mải. Hà Giang…

Thức dậy một ban sớm ở giữa Sủng Là, tôi đã quên mình đến từ đâu, tôi đã quên mình thương từ đâu, tôi đã quên mình yêu từ đâu, tôi đã ngỡ mình vừa bung ra từ cánh hoa này, từ vạt hoa này, từ khắp đồi khắp núi khắp thung màu hồng loang tím này. Ấy là đôi mắt của tình tôi, ấy là đôi mắt của hồn tôi, ấy là nụ cười cô gái vụng dại ngỡ là chiêm bao tình lắm vùng cao. Hoa tam giác mạch đấy, nhẹ thôi nhé, khẽ thôi nhé, những hơi thở của đại ngàn, những mỏng manh của tơ đàn. Chúm chím nhìn nhau. Như em nhìn về phía anh. Như anh nhìn về phía em. Ngọt lừ trong veo réo rắt, những cung bậc Hà Giang, những con mắt Hà Giang. Những con mắt chỉ thấy niềm hân hoan, những con mắt choàng lên mùa đông ấm áp. Chứa chan…

Khi ánh mặt trời đẩy tôi lên đỉnh cao Lũng Cũ, tôi nhìn mảnh đất ngờm ngợp dưới kia, tôi nhìn những phập phồng đất đai ban sơ dưới kia, những vạt áo tam giác mạch như trăm ngàn con mắt phản chiếu thứ hồng quang cờ đỏ sao vàng. Tổ quốc thêm một lần tái hiện bằng những con mắt của hoa, của núi, của rừng và hơn tất thảy là những con người thấm đẫm ngọt bùi Hà Giang.

Chiều hôm ấy, như những buổi chiều loài họa mi Hoàng Su Phì lượn mình xuống thung sâu, thả những giọt âm thanh cất cao từ đâu, tôi lặng ngắm những con mắt đang nhảy nhót ngày đông Hà Giang. Ngập ngừng Phó Bảng, cũng là một nơi tưởng chừng cô đơn nhất thế gian, người đời từng gọi là thị trấn bị quên lãng. Tôi lại thấy nơi đây thật tuyệt vời để những con mắt nhìn chan chứa mắt. Ngày đông úp mặt, tháng đông ngoảnh mặt, mà yêu thương vẫn chẳng ngừng tuôn ra từ trăm ngàn con mắt. Những con mắt còn đang thắp mày ủ mạch. Những con mắt Hà Giang cứ làm mỗi bước chân người đến vùng cao thêm rộn ràng và quyến luyến.

Này là đôi mắt em. Này là đôi mắt anh. Này là đôi mắt của bao người. Những con mắt Hà Giang… Như khi em nhìn về phía anh…

 

Cô gái dã quỳ

Dã quỳ bừng lên, dã quỳ ngời lên, dã quỳ vàng lên, dã quỳ quên tên trong âm hưởng của Tây Nguyên rạo rực. Tiếng cồng ôm ngực, tiếng chiêng yêu ngực, tiếng đàn rưng rức, như đàn chim thiêng chầu chực bay vào đêm huyền bí. Dã quỳ thênh thang.

Dã quỳ thênh thang, dã quỳ thênh thang, dã quỳ thênh thang, dã quỳ miên man cho cao nguyên như cô gái điệu đà. Dã quỳ người ta, dã quỳ của tôi, dã quỳ của em, dã quỳ ẩn nấp những gương mặt người lạ kẻ quen. Này em cô gái dã quỳ.

Này em cô gái dã quỳ. Không hiểu sao tôi vẫn luôn ám ảnh về loài hoa dã quỳ dịu dàng như một cô gái Tây Nguyên, cô gái Kon Tum, cô gái Gia Lai, cô gái Đăk Nông cô gái Lâm Đồng. Những cô gái của tôi luôn lơ đãng như một Nụ cười Tây Nguyên.

Không riêng gì ở Tây Nguyên mới có dã quỳ, những người yêu hoa, yêu sắc vàng mê mải cũng có thể tìm gặp dã quỳ ở một số vùng miền núi Tây Bắc. Nhưng trung thực mà nói chỉ có ở Tây Nguyên, chỉ có ở Đà Lạt thì hồn vía dã quỳ mới thênh thang như một cô gái chưa chồng.

Cô gái chưa chồng bỗng một ngày cuối tháng Mười nhoẻn miệng cười vàng hoe. Một bông mỉm cười, hai bông mỉm cười, ba bông mỉm cười, con dốc mỉm cười, sườn đồi mỉm cười, những cô gái mỉm cười. Tình yêu mỉm cười.

Mỗi một loài hoa đều gắn sắc của nó, hương của nó, vẻ đẹp của nó một truyền thuyết, một sự tích hay một huyền thoại. Loài dã quỳ cũng vậy, dã quỳ là câu chuyện tình yêu của nàng H’limh dành cho chàng trai K’lang. Và dã quỳ đã trổ bông đầu tiên từ mũi tên hận thù của La rihn con trai tộc trưởng Lasiêng găm vào cô gái bất tử H’limh.

Trả đũa hận thù bằng những bông hoa, loài dã quỳ đã tươi tắn vẽ lên bức tranh đẹp của cuộc đời. Yêu là tha thứ? Bởi vậy mà dã quỳ luôn khiến những trái tim ngẩn ngơ khi những đọt mưa cuối cùng ngấm ngầm thảo thơm vào lòng đất. Dã quỳ an nhiên.

Dã quỳ an nhiên. Dã Quỳ chẳng sức đâu mà muộn phiền. Thời gian của nó không nhiều bởi vậy với dã quỳ sống là đam mê. Khi những cơn mưa buổi chiều nơi cao nguyên Lâm Viên không còn thảng thốt những nỗi cô đơn. Dã quỳ bắt đầu nhen nhóm lên màu vàng của nó. Dã quỳ đến thật đúng lúc, nó sưởi ấm cho những sườn đồi, nó bá vai khoác tay tình nhân, nó tần ngần luyến lưu hạnh ngộ, nó thổ lộ hương rừng ngai ngái sương đêm. Dã quỳ tình tự ai nỡ lòng quên.

Khi những ban mai còn mơ nỗi trăng tròn, khi những yêu thương còn tình tự sao khuya, khi những hơi ấm mà lòng người còn đang dè dặt thì dã quỳ hổn hển nắng vàng. Trời ơi là nắng, cơ man là nắng, yêu thương là nắng, mải mê là nắng, thỏa thuê sắc vàng trên những con đường nắng, sau những lùm cây, sắc vàng trong mắt ai đây?

Là dã quỳ đó, nó bật ra khỏi hơi lạnh co ro, nó xòe cánh mỏng, nó bung mật vàng, nó loanh quanh trườn dốc, nó hối hả chân đèo, nó bò, nó leo, nó vặn mình trên cao nguyên màu mắt em bình yên, màu mắt tôi thản nhiên, màu nắng, màu hoa, màu không gian ngọt vàng sầm sẫm. Dã Quỳ em ơi!

Từ đường vào làng hoa Vạn Thành là đoạn đường vào sân bay Cam Ly cũ. Có thể cũng chính vì những đặc điểm riêng của cung đường này mà vì thế mà hai bên đường không còn bị chặt phá, dã quỳ cứ vàng dại vàng hoe.

Trở mình tìm em trên cao nguyên Langbiang cung đường với thung lũng vàng, tôi thấy em, tôi thấy nàng, tôi thấy dã quỳ đang mơ màng thơm ngái. Đố ai nhận ra mùi hương của dã quỳ? Phải là người yêu Tây Nguyên, phải là người yêu rừng, phải là người yêu những nụ hôn ngập ngừng thì mới nhận ra mùi hương của dã quỳ.

Đừng so sánh hương dã quỳ với hương hoa hồng, hương hoa sữa, hay bất kỳ một mùi hương của loài hoa nào khác. Bởi đơn giản dã quỳ mang mùi hương của núi, dã quỳ mang mùi hương từ trái tim cô gái H’limh, quê mùa dân dã mà vẹn nguyên chung tình. Một khi bạn nhận ra mùi hương của dã quỳ đang ngai ngái sương mai là khi bạn đã yêu dã quỳ tới mức yêu là cống hiến.

Có những lý lẽ vô cùng giản đơn ở giữa cuộc sống xô bồ. Đó là khi bạn yêu thương một loài hoa thì bạn sẽ nhận được mùi hương và vẻ đẹp của nó dành cho bạn. Khi bạn không có yêu thương thì cho dù loài hoa ấy có đẹp đến cỡ nào, có thơm đến nhường nào thì vĩnh viễn nó chỉ là một loài hoa tầm thường vô tri. Như bạn từng tầm thường và vô tri trong suy nghĩ của người khác…

 Một ngày dã quỳ, tôi phong thanh những cơn gió lành lạnh từ hơi núi phả ra, một vài con đường đã khô khan mùa mưa cuối. Nhìn lên phía trên kia cao nguyên đang bừng tỉnh, tôi cúi đầu mà cười, tôi ngoảnh mặt mà hiền, tôi se sắt mà yêu, tôi dùng dằng mà thương, tôi hối hả mà nhớ, tôi cũng thấy mình vàng dại vàng hoe. Này em cô gái dã quỳ!


Tháng Sáu, Hà Nội, em và những cơn mưa

Mỗi khi có dịp trở về Hà Nội tôi lại dông dài với những cơn mưa tháng Sáu, những cơn mưa kỷ niệm, những cơn mưa em còn bày biện nỗi nhớ học trò, trên những con phố nhỏ, quả sấu chín rụng vào đêm đèn khuya bay lên.

Dọc con phố Phan Đình Phùng, thủa xưa tôi thường qua đây, đám học trò vẫn như chưa biết điều gì sắp xảy ra với cuộc chia ly âm thầm sắc đỏ. Vẫn còn đó là phố, vẫn còn đó là những hàng sấu già nua, vẫn còn đó là những cơn mưa, ngóng đợi ngày dài vời vợi.

Mưa về ngang phố, mưa về ngang tay, mưa về ngang cây, mưa còn đợi mây, mưa sầm mưa sập, mưa rối mưa bời, mưa thỏ thẻ lời, phố ơi còn tôi, mưa bỏ quên rồi, phố ơi còn em…

 Phố ơi còn em, chiều vội lên đèn, phố Phan Đình Phùng, phố Mai Xuân Thưởng, là phố Hàng Cót là phố Hoàng Diệu, là phố Đặng Dung kéo về Hàng Bún. Phố lên màu nhớ, phố bờn bợt mưa, ở đâu phố vừa một tà áo trắng, ở đâu phố vừa giọt mưa câm lặng, ở đâu phố vừa sấu rơi  đường khuya?

Sấu rơi đường khuya, mưa rơi đường khuya, nhớ rơi đường khuya, buồn rơi đường khuya, tôi rơi đường khuya, em còn đường khuya?

Em còn đường khuya, mưa vùi tháng Sáu, em còn đường khuya, bầy sẻ nương náu, em còn đường khuya phố già chết lặng, em còn đường khuya tôi chờ ai kia?

Những cơn mưa tháng Sáu như một bản tình ca của em, của ai, của tôi, người của muôn nơi, những góc phố, những tâm tình phố, những bờ vai phố, những nhớ nhung phố, những thở dài phố, Hà Nội trầm ngâm…

Nếu tháng Năm là một tháng ồn ào và náo nhiệt thì tôi lại thấy, lại nghĩ tháng Sáu ở Hà Nội mỏng manh, mươn mướt, thườn thượt hoài niệm.

Có những buổi chiều Khâm Thiên, con phố trổ mình trong mưa, con phố trắng xóa, con phố nênh nổi, con phố chìm bọt, con phố chiều rơi mù khơi. Theo người, theo xe, theo những ngược xuôi mà nghe, mưa đổ về thành phố. Qua Nguyễn Lương Bằng, qua Tôn Đức Thắng, tôi bùi ngùi Ngã Tư Sở, tôi dầm dề Nguyễn Trãi, tôi mưa Thanh Xuân, tôi đăng đàn tháng Sáu, và tôi chết lặng một hồ sen  Phùng Khoang.

Phùng Khoang là một làng cổ của Hà Nội, gọi là hồ sen nhưng đó chỉ là một khoảng hồ nhỏ trước mặt của chùa Phùng Khoang nằm kế bên cổng làng. Chùa Phùng Khoang là một trong những công trình kiến trúc có quy mô lớn và theo ý nghĩa của người xưa thì chùa Phùng Khoang có tầm quan trọng ảnh hưởng tới sự tín ngưỡng, tôn giáo tạo nên một không gian văn hóa vô cùng đặc biệt. Bởi chùa Phùng Khoang là hợp thể của các đơn nguyên kiến trúc có thể kể đến như: tam quan gác chuông, toà tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu và tăng phòng…

Trong những giấc mưa của thành phố, trong những bụi bặm mà cơn mưa xô xuống vệ đường, những đóa sen nhỏ nhoi ven hồ vẫy mưa mà lên, vẫy mưa mà quên, vẫy mưa mà tình mà tự, vẫy mưa mà thương em nhớ ai.

Nhắc đến sen ở Hà Nội  người ta sẽ phải kể ngay đến sen Hồ Tây, hay đầm sen Xuân Đỉnh nằm ở ngõ 408 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, được xem là một trong những chốn sen lâu đời  và có diện tích rộng nhất của thành phố, bởi không có nơi nào trồng được thứ sen đẹp, nhiều cánh, lâu tàn, hương thơm lâu như sen ở chốn này.

Dẫu vậy thì mỗi khi vào mùa, mỗi khi tháng Sáu, mỗi khi Hà Nội trở mình thơm tho, lòng tôi lại vụng về những cơn mưa bên những cánh sen mỏng chen vài bông súng tím ngơ tím ngát ở cái hồ nước chẳng lấy đâu mà thênh thang Phùng Khoang.

Đời người kể cũng lạ, đôi khi chỉ là một ánh mắt, một cái nắm tay, thì cơn mưa dẫu có ngang qua đời bạn một lần thôi cũng đủ để những bong bóng phập phồng một đời, bọt mưa một thời, lòng dạ rối bời. Em về ngang phố chiều nay, tháng Sáu mưa, tháng Sáu say, tháng Sáu chẳng kịp thề nguyền. Hà Nội mưa… bay… bay…

Hà Nội mưa, ừ thì mưa, mưa cho lên chưa một vạt chiều thẫm, mưa cho như xưa một cánh sen hồng, mưa tần ngần dắt phố, vào những câu chuyện của mình. Mưa ơi còn rơi? Cánh chuồn lạc phố, Hà Nội long lanh…như màu áo em xanh…

Những cơn mưa trong tôi không ngừng lên khơi, buông lơi thành phố, chơi vơi thành phố, trầm ngâm thành phố, tháng Sáu về ướt dầm Hà Nội. Ký ức bừng tỉnh trong mưa, song thưa, sen hồng một đóa, mắt mưa một thủa, như một con phố dài tự kỷ, tôi đón những ngày mưa về chưa?

Hà Nội cứ thế tôi, Hà Nội cứ thế em, Hà Nội cứ thế mưa, Hà Nội cứ thế sen, Hà Nội cứ thế những vòm sấu xanh non tháng Sáu. Tháng Sáu chẳng dành cho những tâm tình vội vã, tháng Sáu chẳng dành cho những nhớ thương hời hợt. Và Hà Nội cũng thế, chẳng dành cho một tháng Sáu riêng em riêng tôi. Tháng Sáu, Hà Nội và những cơn mưa dành cho cả bao người.

Chiều nay, không giống như những buổi chiều xưa, cơn mưa về ngang thành phố biển, tôi nhớ đến tháng Sáu Hà Thành. Ở một nơi nào, những đóa sen còn hồng lên màu nhớ, ở một nơi nào đường phố rơi những quả sấu mà tôi cứ ngỡ, thanh xuân. Rồi tự ru lòng bằng một Khúc mưa của Đỗ Trung Quân:

“Giá trời đừng mưa anh chẳng cần xuống phố
  Hoa cúc vàng nhà ai thả từng chùm
 Hoài nhớ
áo em vàng…

Tháng sáu…Trời buồn…
Lũ chim sẻ hiên nhà đi mất
Như em…Như em…”

 

No comments:

Post a Comment

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...