Wednesday, May 27, 2020

Bình tho 1


Vài nét GIỮA BỘN BỀ TÔI của Miên Trường

Mảnh đất văn chương là mảnh đất thơ mộng, lung linh đầy huyền ảo, mảnh đất dung chứa sự lãng mạn bất tận, bất tuyệt, thế nhưng nó cực khó tính, thế gian lầm tưởng nhất là thời nầy, khá nhiều người cứ nghĩ viết dăm ba bài thơ đăng báo, xuất bản vài bản thơ là nghiễm nhiên trở thành “nhà thơ” có trước bạ rõ ràng giữa thanh thiên bạch nhật trong hội nầy hè kia.

Thi ca không có giới hạn – nó vô biên không có điểm cùng. Ai có tâm hồn, nghị lực văn chương giàu ngôn ngữ ra sức chăm bón cây văn thơ sẽ trổ cành tươi tốt và ngược lai.
Vậy, Nói đến văn chương là nói đến tác phẩm và tác phẩm của tác giả lại do sự đinh đoạt của độc giả, vì lẽ độc giả rất ư công bình, dư sức cảm thụ và nhận đinh.

Miên Trường làm thơ dẫu hơi muộn nhưng từng bước khá vững vàng, không vội vả cầu danh, chị viết cho chính mình trang trải nổi buồn chính cái tôi của mình trước nổi đời mà tự nhận ra nổi đa đoan ấy trong cuộc làm người, có lẽ ai cũng vậy, bởi “ đời là biển khổ” cơ mà.

Bề dày trải nghiệm, thực chứng trong cuộc tồn lưu nhân thế với trách nhiệm, bổn phận làm mẹ của những sáu đứa con chị phải làm việc vượt giới hạn chính mình và cũng may có đức lang quân cùng nhau chèo chống dù những phong ba bão táp ở cường độ rất cao và rồi mọi nổ lực của chị cũng được đáp đền và bây giờ gia đình chịcũng trong yên ngoài ấm, các con cái đã tự lập thân nên chị thong thả hơn .

Vài năm gần đây chị dành nhiều thời gian cho đọc và sáng tác thơ hơn nhìn lại chặng đường đi qua chúng ta mới thấy hết sự nổ lực của chi, nếu như bắt đầu với nhóm chúng tôi thi phẩm CÒN LẠI DẤU YÊU ra mắt năm 2014 thì năm 2016 có CHIỀU NẮNG VỠ , năm 2017 có CHẠM KÝ ỨC ĐÊM và bây giờ một đứa con tinh thần nữa ra đời khá tuấn tú mà chúng ta có trên tay là GIỮA BỘN BỀ TÔI xuất bản 2019, Tôi nói như vậy để các bạn thấy cả một sự nổ lực rất tuyệt vời của chính chị.

Cho phép tôi hân hoan chúc mừng chị.

Muôn đời muôn kiếp đời người buồn nhiều hơn vui, với Miên trường cũng vậy, tuy nhiên nếu tinh ý các bạn sẽ thấy chị từ tốn xô nổi buồn vào góc khuất cho nhẹ lòng, gửi cho mây gió bay về ngàn phương “ Buồn tôi/gửi gió xa bay/ Giấu/ Khao khát nhớ chân mây cuối trời” ( Từ tôi). Sự huân tập ấy tôi nghĩ rất tích cực, hy vọng chịsẽ ném những muộn phiền trôi xa dành niềm vui cho tâm hồn phấn chấn để có những thi phẩm với chất liệu tươi mới, biên độ rộng hơn.
”Giọt trăng/ đọng giữa sương mù/ Từ Em/ ta thấy cánh phù du bay/Cầm hạt mưa vỡ trên tay/Thế gian/ai biết mình say một mình” (cánh phù du bay) hình ảnh thi ca khá đẹp rất tượng trưng, sự lãng mạn của mê say khá nhẹ nhàng nhưng ý vị cảm thụ cho chính mình trong khoảnh khắc “bề bộn tôi” ấy khá độc đáo.

Bao dung và độ lượng là thái độ bỏ qua những cái gì, điều gì dù mình chẳng muốn tí nào, mà bỏ qua là buông bỏ những cái chẳng cần thiết nếu khư khư đối đãi giận hờn ắt sẽ mỏi mệt, vốn đời đã mỏi mệt hà cớ gì phải thêm những điều ấy, đó cũng là sự huân tập để đi đến an lành cho tâm hồn, kết quả là ai cũng vui cùng. Cuộc sống như thế quả là vui và hạnh phúc.

“Đốt lò/ hương ngát từ tâm/nghe trong sâu thẳm/ nảy mầm cỏ hoa” hay “ Mở lòng độ lượng bao dung/Là trăm năm ấy/người cùng ta vui” ( hạt bao dung)
Vài nét về GIỮA BỘN BỀ TÔI của chị tôi phát thảo với tâm tình của người làm thơ, viết văn, yêu thích văn chương, tuy nhiên còn những hạn chế nhất đinh trong tác phẩm mà có lẽ nhiều lý do nên ý tứ và ngôn ngữ còn nhiều trùng lặp, nếu như cẩn thận tí nữa trong biên tập chắc chắn sẽ thăng hoa, phong phú hơn trong đề tài, Nói như nhà thơ Đặng Nguyệt Anh trong lời giới thiệu “ GIỮA BỘN BỀ TÔI chưa phải hoàn hảo, xuất sắc nhưng sẽ dễ nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ bạn đọc. Nếu tác giả cố gắng tìm tòi, suy nghĩ mở rộng đề tài, mở rộng biên độ cảm xúc để tránh trùng lặp ắt hẳn sẽ thành công hơn…”

Với người làm thơ thi phẩm mình hiện diện với độc giả, với bạn yêu thơ là hạnh phúc rồi, Mong rằng chị sẽ tiếp tục hành trình đam mê với con chữ "có linh hồn" trước trách nhiệm của người cầm bút cùng cuộc sống đang ngày một rộn ràng và phức tạp hơn.
Thân mến,
Ngã Du Tử

Bình thơ


Khi đọc những bài bình thơ, cảm nhận thơ gần đây của nhiều người và đặc biệt là anh Hai Nguyên Bình cũng đã từng viết cho tôi nhiều bài.
Tôi bỗng giật mình...
Có một người tôi thường gọi là chú Hai với bút danh LƯU NGUYỄN & LƯU GIANG
Năm nay chú 82 tuổi , chú sống ẩn tại Suối Cát XL. Tôi có gởi tặng tác phẩm và chú đã viết cảm nhận cho bài thơ TÌM NHAU của VMT trong tập thơ in chung CÒN LẠI DẤU YÊU 2014 và
bài cảm nhận cho tập thơ CHIỀU NẮNG VỠ của VMT năm 2015...
Vì chú không chơi FB, không sử dụng đt thông minh .. chú chỉ viết bằng tay trên giấy đã ố vàng và nhờ người đánh máy gởi đường bưu điện cho tôi...
Với vòng quay cuộc sống... Cơm, áo, gạo, tiền ... tôi đọc xong rồi quên mất.
Thật có lỗi với chú khi cứ để những bài cảm nhận từ gan ruột của chú cho những bài viết của mình bị mai một .., tôi thấy mình có lỗi và hình như còn nợ chú điều gì đó thật ray rức ...
“Con đưa bài viết của chú Hai lên đây như thay lời cảm ơn chân thành đến với chú nhé ”
Bài TÌM NHAU ... sẽ úp sau.
VÕ MIÊN TRƯỜNG & CHIỀU NẮNG VỠ
Tôi vừa đọc xong tập thơ của Võ Miên Trường.
Tính hoài niệm của một nhà thơ và tính kiên cường của một phụ nữ giàu trãi nghiệm đấu tranh đã kích thích , lôi cuốn tôi rất mạnh
Tính kiên cường cho tôi cảm giác tâm đắc khi xem tác phẩm “Bạt Phong” của Đặng Võ Truyền: Mấy thân cây oằn mình trong cơn bão . Tàn cây bị gió đùa về một phía. Có tiếng gió rít man rợ trong vòm lá tả tơi ... cây vẫn biên ngang đứng nguyên. Tôi khẽ ngâm: “bấm chân trượt, người đàn bà ngược gió ... ngược nỗi đau”(bài thơ “Ngược” trong tập thơ “chiều nắng vỡ” của MT)
Ngược dòng, ngược dốc, ngược gió, ngược sóng... Muốn chinh phục lý tính dòng dốc, gió, sóng... tâm tính phải mạnh, cứng.
Lý tính và tâm tính luôn đối nghịch nhau mãnh liệt. Tất cả phẩm tính này thể hiện trong suốt tập thơ...
Nhìn nắng chiều loang lỗ vỡ tung, tác giả đã bối rối một lúc rồi dõng dạt đứng lên “nhặt đa đoan buộc mình”. Và một hôm , nỗi nhớ thương quá khứ dẫn tình cảm người đàn bà đi hoang vào miền thăm thẳm xa xưa để mà “nhặt nỗi buồn chưng cất niềm đau”, nhưng dấu yêu vẫn cứ nghìn trùng cách biệt:” dấu yêu ơi sao thương nhớ cứ xa dần”
Nỗi đau âm thầm dồn nén , chất chứa ùa về từ quá khứ, khiến bước chân “ ngẩn ngơ như phải lòng sỏi đá “
Miên Trường đã để cho nỗi đau theo motip trên, trong Chiều Nắng Vỡ tản mạn như những bông cỏ may, lãng đãng trong gió chiều giữa bầu trời bồng bềnh mây trắng.
“Chiều Nắng Vỡ”. Tuổi nào cũng có chiều trong ta. Mênh mông, lặng lẽ, dịu vợi, xa xăm...
Mãi mãi chiều vẫn còn đó với màu tím hoang dại. Có tiếng lá hát trong lá, tiếng vạt kêu đêm, tiếng gà trưa trên sông xen giọng hò trong trèo khơi gợi nỗi nhớ quê hương.
Chiều về hiền hoà , lãng mạn trên sông của Huy Cận ...
“ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Sông dài trời rộng bến cô Liêu “
Mãnh liệt , dữ dội như “ Nhớ Rừng của Thế Lữ ...” Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng “ ..
Tâm trạng lớn , trầm mặc đầy triết lý như bức tranh “ Nước và Lửa” của V. Gogh trong phim “ La vie passionnee de V.Gogh”
V. Gogh rắc lửa trên nền trời Tây, Thế Lữ trút máu lênh láng trên nền “CHIỀU “ của núi rừng Việt Bắc bao la ...
Võ Miên Trường không rắc lửa, trút máu như hai tác giả trên mà để cho màu nắng vỡ tung ra những nỗi niềm lả tả, chập chờn trên nền trời tím ... tím cả lòng mình và lòng người.
Dường như VMT đã nhuộm tím hết những trang thơ “Chiều Nắng Vỡ”
Nắng vỡ trong chiều tím mênh mông , trong tâm trạng rưng rức đau ...
VMT thấy màu nắng chiều vỡ toang , bay phất phới trong gió “ giữa mây chiều tím ngắt một mình ta “ . Cô đơn dâng cao chất ngất ngập màu chiều
Lý tính và tâm tính trong “Chiều Nắng Vỡ” vô biên và vô lượng như lá “ Rừng Thu “ của A. France ... nỗi đau “ Chiều nắng Vỡ “ cũng lớp lớp trùng trùng ...
“Khung trời xưa “ dấu yêu thế nào mà tác giả cảm thấy “rưng rức”?
Cũng bậc bằng Trắc của từ ngữ phô diễn nốt nhạc tình cảm tuyệt vời.
Ôi những con đường xưa sỏi đá chông chênh , bầu trời xưa ôm ấp bao dấu yêu kỷ niệm ... nay đã xa vời , bảo sao ta không rưng rức, bảo sao không thao thức với “Dấu yêu ơi ! Sao thương nhớ cứ xa dần”, bảo sao không “xôn xao một vùng xưa vẫy gọi để rồi Soi bóng mình thăm thẳm nhớ ngày xưa!
Tâm tính hoài niệm của nhân loại xưa nay vốn thường hằng - thường hằng như nhịp đập trái tim. Lý tính hiện tại hay lý tính quá khứ cũng đều khiến cho tâm tính rung lên hiệu ứng.
Màu tím chiều vỡ tung như có ai vô tình vất lon sơn lên nền lụa hồng tự nhiên và thản nhiên, không tình ý. Nhưng VMT nhìn chiều bằng con mắt và tâm trạng rưng rức: “Em rưng rức với khung trời xưa cũ “thao thức “Đợi đêm dài thao thức nguyệt cầm rơi” , thăm thẳm nhớ “Soi bóng mình thăm thẳm nhớ ngày xưa”, chới với quên nhớ đẩy xô nhau: “Ta chới giữa hai bờ nắng đổ, giữa ngọt ngào quên nhớ đẩy xô nhau”
Buồn hồn nhiên , tự tình hồn nhiên như nắng chiều tan vỡ  VMT khéo léo dẫn dắt ta về miền ký ức đã xa mờ và cho ta thăm thẳm nhớ ngày tháng vời vợi qua mau, trong nhớ mong nuối tiếc.
Có ai hay những buổi Chiều Nắng Vỡ đến rồi đi bao nhiêu lần trong đời mà không biết.
vô tình hay vô tâm? VMT đã đưa ta về miền thăm thẳm ấy. Vui buồn biết bao, đằm thắm biết bao, thao thức biết bao . Ta như con chim mệt mỏi, ta như dòng sông mênh mang chảy đi đâu về đâu, ta như hạt mưa trong bao la, ta buồn lãng đãng như chim vịt kêu chiều.
Chiều đã đưa ta đi đâu, về đâu?
Trong nỗi niềm riêng tư VMT đã bắt nhịp được tâm trạng chất chưa với nắng chiều để bố cục bức lụa thân yêu của mình trong tập thơ “ Chiều Nắng Vỡ” gây xao xuyến cho người đọc , đồng thời giải phóng hết năng lượng từng nung nấu trong lòng mình.
Tôi ngỡ như đang gieo vần cùng nhà thơ vì chợt nhận ra mình đang rón rén lẫn khuất trong “Chiều Nắng Vỡ”
Lưu Nguyễn

---------------


Nhớ Trịnh Công Sơn  - Trần Mạnh Hảo.
Không có nền tự do sáng tác của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, không có hiện tượng âm nhạc Trịnh Công Sơn. Anh Sơn mà sống trên đất Bắc Việt trước năm 1975 thì chỉ có nước ngồi tù vì một câu hát của anh: "hai mươi năm nội chiến từng ngày". Cộng sản có sai lầm lớn không thể sửa chữa là chính trị hóa mọi điều trong đời sống xã hội. Do vậy, chúng ta – những người tử tế không nên dùng chính trị làm hệ quy chiếu để phán xét cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc thiên tài Trịnh Công Sơn. Qủa là, việc Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh Sài Gòn kêu gọi người dân miền Nam đừng bỏ chạy…chiều ngày 30-4-1975 đã làm không ít người trong phe “thua cuộc” đến nay còn ghim gút hoặc căm giận. Nhưng không thể dùng điều này làm cái cớ xóa bỏ sự nghiệp âm nhạc quá lớn của anh từng đóng góp cho đất nước dân tộc, như một số bạn vào “còm” trong FB của chúng tôi để lên án anh Sơn.. Xin quý vị đừng học thói chính trị hóa mọi điều trong cuộc sống của cộng sản. Hãy trả văn nghệ về cho văn nghệ, trả âm nhạc lại cho trái tim con người, bởi cái gì ra cái đó …Nhân chuyến thăm Huế, nhớ lại 41 năm trước, tôi và nhà thơ Phạm Tiến Duật khi vào Huế đã được Trịnh Công Sơn cho tá túc tại nhà ông trên một căn hộ ở đường Nguyễn Trường Tộ gần nhà thờ Phủ Cam, nên xin in lại bài viết này về Trịnh Công Sơn:
Trần Mạnh Hảo (Danlambao) - Mười một năm qua, Trịnh Công Sơn đã đi vào cõi bất tử. Anh chọn ngày cá tháng tư- ngày nói dối toàn thế giới để ra đi. Hóa ra, tin anh đi khỏi cuộc đời này, về thực chất là một tin bịa đặt. Trịnh Công Sơn không bao giờ chết khi các ca khúc tuyệt vời của anh còn sống mãi với dân tộc.
Trịnh Công Sơn là bạn với cả nước. Hỏi có gia đình Việt nào không một lần mê mẩn vì các ca khúc “gây nghiện” của anh... Trong chừng mực ấy, kẻ viết bài này cũng là bạn của Trịnh.
Nhớ cuối năm 1992, ngồi uống café với Trịnh Công Sơn trước Hội Âm nhạc TP.HCM. Anh bảo: “Hảo có thơ gì mới đọc cho mình nghe với?” Hầu như lần nào gặp nhau, có cơ hội yên lặng là anh hỏi tôi có làm được bài thơ nào mới, đọc cho “moi” nghe chơi! Thơ phú lênh láng một hồi xong, Trịnh Công Sơn bảo: “Mình sắp in một tập nhạc có tựa đề: “Bên đời hiu quạnh”, đã xin được giấy phép, do Hội Âm nhạc thành phố đứng ra in, đây là tập nhạc đầu tiên của mình được phép ra trong chế độ mới ( CS) nên phải cẩn thận. Từng bản nhạc đã được “cơ quan chức năng” duyệt, kể cả lời tựa do bạn mình là Bửu Ý viết. Mình muốn Hảo viết cho mình mấy dòng in trân trọng nơi bìa bốn, đồng ý chứ?” Tôi hơi bất ngờ, bảo anh: “Anh Sơn này, theo Hảo, anh nên mời anh Nguyễn Quang Sáng hoặc anh Nguyễn Duy, hai bạn nhậu của anh viết cho có phải thú vị hơn không?” Anh Sơn bảo: “Sáng và Duy có viết về mình mấy bài in báo, nhưng dài quá, không thể trích mấy dòng nơi bìa bốn của tập nhạc được; vậy “moi” mới nhờ Hảo, cũng muốn có một kỷ niệm với Hảo cho vui…”. Tôi đồng ý!

Hai ngày sau tôi chưa kịp viết thì anh Trịnh Xuân Tịnh, người em trai thứ hai của anh Sơn tìm tôi giục, rằng: “Bìa một đã làm, anh Sơn bảo chờ mấy dòng của anh Hảo mới làm tiếp bìa bốn của tập nhạc…” Tôi ngồi viết ngẫu hứng mấy dòng sau đưa cho anh Tịnh:
“Nghệ thuật hi vọng của Trịnh Công Sơn là nghệ thuật băng qua tuyệt vọng, có đi qua lò bát quái của phần số, nhân tính mới còn cơ phát lộ. Trong lò lửa luyện ngục của anh, chúng ta được gặp cái mát lành của tuyết đầu mùa. Anh chỉ ra rằng băng tuyết cũng có thể dùng để sưởi ấm. Anh làm ta tin vào khả năng lặng im của loài quạ. Thực ra thiên chức của nghệ thuật là thức tỉnh nỗi cô đơn cùng tận của con người. Chính cô đơn là hình ảnh tư duy của chàng Hamlet. Chừng như sự chết và hư vô là hai tên gọi khác của nỗi cô đơn? Thức tỉnh nỗi cô đơn, nghệ thuật đồng thời cũng thức tỉnh cả cái chết và niềm hư vô. Âm nhạc của Sơn làm ta có cảm giác vừa rơi lên đỉnh vực nỗi cô đơn. Chỉ có thể đi hết cái tôi, chúng ta mới có cơ gặp cả loài người”- Trần Mạnh Hảo 10-1992 (Bìa bốn, tập nhạc BÊN ĐỜI HIU QUẠNH –TRỊNH CÔNG SƠN -Tình khúc -Nhân Bản 1973-Hội Âm Nhạc TP-Giấy phép xuất bản số 345 ngày 9 tháng 01 năm 1993- In và nộp lưu chiểu tháng 06 năm 1993).
Bằng thiên tài của mình, quả thực Trịnh Công Sơn đã đi hết nỗi cô đơn kiếp người, đi hết niềm hư vô và đi băng qua cái chết để đến với sự bất tử của anh trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới. Trịnh Công Sơn không chỉ là một hiện tượng âm nhạc hậu bán thế kỷ thứ XX của Việt Nam; anh còn là một hiện tượng văn hóa của dân tộc đau thương và bất hạnh vào bậc nhất của thế giới này. Tuồng như không phải anh cô độc ôm đàn hát lên nỗi niềm day dứt mê ly của mình mà chính là những vết thương của lịch sử đang cất tiếng hát, vết thương của nỗi cô đơn, vết thương của tình yêu, vết thương của bất hạnh và hạnh phúc, vết thương của vô thường, vô ngã, vô vi, vô ưu, vô vọng, vô biên, vô lượng… cùng cất tiếng hát.
Trịnh Công Sơn, chính anh mới là cây đàn của mẹ Việt Nam. Mẹ Việt Nam đã ôm anh vào lòng như bức tranh người đàn ông ôm cây Tây Ban Cầm của Pablo Picasso để hát lên tình yêu và nỗi buồn vô tận của kiếp người. Hay nỗi buồn mượn anh mà hát lên những giai điệu có thể làm “đá ngây ngô” cũng ứa nước mắt? Hay cỏ cây, mây trời, núi sông, ruộng đồng… đã mượn anh mà hát lên nỗi niềm vạn thưở của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…?
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn không chỉ là ma thuật giai điệu hài hòa với phần lời rất thi ca sâu thẳm mà còn là thiền học, triết học cất lời, rót vào tâm hồn người cả nỗi ưu tư của đất trời, những thắc thỏm, u hoài trần thế, những băn khoăn, day dứt, sầu thương, hoài vọng, hoài nghi, hụt hẫng, ngơ ngác nhân sinh. Tôi cho rằng một số nhạc sĩ chê phần nhạc của Trịnh Công Sơn là đều đều, đơn điệu… là vô căn cứ nếu không phải là do đố kị tài năng. Nhạc Trịnh bỏ lời đi, vẫn vô cùng quyến rũ, vẫn làm mê mẩn hàng triệu người. Phần lời của nhạc Trịnh quả tình siêu việt, là thi ca được hát lên. Bằng chứng là rất nhiều bài hát Trịnh Công Sơn được hòa tấu không lời vẫn cứ tuyệt vời, làm thổn thức hàng triệu triệu trái tim người nghe.
Đánh tên Trịnh Công Sơn lên công cụ tìm kiếm Google, sẽ thấy rất nhiều bài báo vu cho Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, là tên văn công hạng bét, là phản bội Việt Nam cộng hòa, nơi đã sản sinh ra thiên tài Trịnh… Ngay cả một người bạn thân của anh Sơn là họa sĩ T.C. cũng cho Trịnh có ý đồ chính trị…Không, Trịnh Công Sơn trước hết là một con người phi chính trị, một văn nghệ sĩ thuần túy.
Âm nhạc của anh vượt lên mọi đối kháng chính trị trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Nếu Trịnh từng là Việt Cộng nằm vùng, không đời nào năm Mậu Thân 1968, anh lại viết bài hát “Tôi đã thấy”: “Chiều đi lên Bãi Dâu hát trên những xác người…” than khóc cho hàng nghìn người bị quân đỏ tàn sát? Nếu Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, không bao giờ anh viết về cuộc chiến Việt Nam là: “hai mươi năm nội chiến từng ngày”? Nếu Trịnh là Việt Cộng, không bao giờ anh dám viết bài hát (Requiem - Kinh cầu hồn) “Cho một người nằm xuống” là đại tá Lưu Kim Cương bị quân đỏ bắn chết năm Mậu Thân 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất? Nếu Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, sau năm 1975, sinh viên Huế sao lại dám mang nhạc anh ra đấu tố, anh phải đi lao động cải tạo trồng sắn trên núi; và quan trọng hơn là nhạc của anh mấy năm liền vẫn bị cấm hát? Anh phải bỏ Huế vào Sài Gòn sống với mẹ và các em.
Sau năm 1975, tôi có dịp sinh hoạt chi bộ với nhà văn Nguyễn Quang Sáng lúc anh Sáng bắt đầu cặp kè với Trịnh Công Sơn như bóng với hình. Chi bộ hỏi anh Sáng về chuyện đó, anh Sáng khai: “Thành ủy và anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) chỉ thị cho tôi bám sát Trịnh Công Sơn để lôi kéo anh ta về phía cách mạng. Trên bảo: nhạc sĩ này là thành phần đáng ngờ, có thể anh ta từng làm việc cho CIA, cần phải theo dõi anh ta trong mọi nơi mọi lúc”. Có thể vì chưa hiểu được nhiệm vụ cách mạng này của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà nhà văn Đặng Tiến (bên Pháp) mới viết rất không đúng rằng: “Nguyễn Quang Sáng và Nguyễn Duy điếu đóm cho Trịnh Công Sơn” chăng? Có thể vài bài hát của Trịnh Công Sơn như: “Huyền thoại mẹ”,” Em ở nông trường em ra biên giới”, “Ngọn lửa Matxcơva”… anh làm trong lúc bị “phê” rượu Tây với sự tranh thủ hết sức thân tình của Nguyễn Quang Sáng chăng?
Nếu anh Sơn là Việt Cộng, anh đã để cho nhà nước tổ chức đám tang mình ở Hội văn nghệ hay tại nhà tang lễ Lê Qúy Đôn giành cho những cán bộ công khai và cán bộ ngầm có công với hai cuộc kháng chiến. Anh Sơn trối lại cho các em là tang lễ anh sẽ chỉ tổ chức tại nhà mình 37D Phạm Ngọc Thạch mà thôi! Nếu anh Sơn là Việt Cộng nằm vùng, ít nhất anh đã được giải thưởng quốc gia về văn học nghệ thuật?
Trịnh Công Sơn không phải người của quân đỏ hay quân xanh. Anh là con của mẹ Việt Nam, đến đất mưa bom bão đạn này để hát lên niềm hi vọng về nỗi tuyệt vọng con người, hát lên tình yêu bi thảm kiếp người, hát lên nỗi buồn mang mang thiên cổ nhân sinh của một gã du tử đến từ khu vườn các thiên sứ.
Chừng như từ khi sinh ra Trịnh Công Sơn đã bị thần thi ca, thần âm nhạc Apollon cướp mất cả hồn xác, biến anh thành âm nhạc, thành thi ca thuần túy. Bao nhiêu người đàn bà đẹp mê anh, yêu anh chừng như đã không giành được thân xác anh và linh hồn anh mãi mãi? Tình yêu anh đã hiến tế cho âm nhạc, thi ca, cho triết học, thiền học, không còn chỗ cho phái đẹp cư trú.
Những người đàn bà ghé qua âm nhạc anh trú ngụ ít ngày rồi cũng “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Nói cho cùng, tình yêu của Trịnh Công Sơn dành cho các người đẹp là một tình yêu thiên sứ. Mà thiên sứ thì chỉ yêu bằng tâm hồn thôi! Còn thể xác anh đã tận hiến cho đất trời, cho cát bụi, cho Phật, cho Chúa… cho âm nhạc của mình muôn thưở trường tồn cùng dân tộc Việt Nam. Mười một năm trước, Trịnh Công Sơn đã mang nguyên vẹn niềm trinh nguyên thiên sứ của mình về với cát bụi để mãi mãi thủy chung cùng cõi hư vô, thủy chung cùng thần Apollon mà bất tử với cây đàn Lia vĩnh cửu trên Niết Bàn ẩn cư trong trái tim mỗi người Việt yêu nhạc Trịnh...
Sài Gòn ngày 30-03-2012

-----------
KHÍ TIẾT CỦA NGƯỜI QUÂN TỬ
NHƯ HOA MAI NGẠO NGHỄ
NỞ TRONG GIÓ TUYẾT
Hoa mai là loài hoa nằm trong Tứ Quân tử đại diện cho những phẩm chất, khí tiết hơn người của bậc đại trượng phu. Bạch mai (hoa mai trắng) là biểu tượng của sự thuần khiết, thanh cao, vươn mình lên khoe sắc giữa nghịch cảnh nhưng lại không quá phô trương. Đất trời hẳn là hữu ý, nên mỗi nhành cây, nụ hoa đều có nhắn gửi đạo lý cho con người. Chỉ đợi người nán lại, nhìn mà cảm nhận để rồi vỡ òa trong sự giác ngộ mà thôi.
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”
(Mười năm chu du tìm gươm báu
Một đời chỉ cúi lạy hoa mai)
Hai câu thơ bất hủ về hoa mai này được cho là của Tri phủ Hán Dương, Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tử Giản, nhưng cũng lại được người đời gán cho là của Chu Thần Cao Bá Quát. Bởi nó quá phù hợp với hình ảnh người quân tử khí phách, cốt cách thanh cao của ông.
Không rõ nguồn gốc thật sự của những câu thơ này là từ đâu, thế nhưng nó đã trở thành một “tuyên ngôn” kính ngưỡng đối với triết lý nhân sinh mà Thiên Địa đã gửi gắm vào trong loài hoa khiêm nhường này
Khai nở đầu xuân khi tiết trời còn lạnh, tuyết chưa ngừng rơi và băng giá trên mặt đất vẫn còn chưa tan. Tuy thân mình gầy guộc đen đúa, cánh hoa mỏng manh, nhỏ bé, nhưng trắng muốt tinh khôi, hương thơm thì vô cùng dịu dàng thanh khiết hàm chứa sự kiêu dũng của người quân tử.
Vượt qua mọi gió sương băng hàn của mùa đông khắc nghiệt, vẫn kết nụ, đơm hoa, chồi lên từ tuyết lạnh, khi các loài hoa khác còn đang co ro và trụ lại cho tới khi những bông hoa cuối cùng của mùa xuân đã lụi tàn.
Vừa có cả sắc cả hương, lại có sức sống mãnh liệt, dáng vẻ thanh tao, tinh khiết, mai được phong là bách hoa khôi, đứng đầu trăm hoa, ví như thanh niên ưu tú, tuấn tài. Mai cũng lại thuộc bộ Tứ Quân tử (lan, cúc, trúc, mai) đại diện cho những phẩm chất của người quân tử: lan thanh khiết, trúc chính trực, cúc khiêm nhường và mai kiên cường, cao quý.
Cành mai có những nét uốn lượn, đâm xổ đến bất ngờ. Vừa cương nghị đâm ngang, xổ dọc mạnh mẽ, vừa uốn cong dịu dàng. Người xưa thích chơi mai trong chiếc chậu nhỏ như loại cây thế cũng là bởi đường nét làm “đã mắt” người thưởng thức.
Nó bất ngờ đâm ngoạc, vút lên đơn độc giữ không trung và nở một nụ hoa trinh bạch. Lúc lại đi sang trái rồi quặt lại sang phải hay buông lơi nghiêng ngả một góc trời và để lại sự bất ngờ thích thú đầy cảm xúc cho người ngắm bằng một chùm hoa mãn khai chen lẫn nụ hàm tiếu e ấp.
Trước những cao nhân mặc khách, hoa mai không chỉ là một biểu tượng tuyệt đẹp của khí chất quân tử, mà còn là người bạn tâm giao, là bậc thầy gửi gắm triết lý nhân sinh cho bậc tu hành ngộ đạo.
Hiền sỹ Lâm Hòa Tĩnh đời nhà Tống xem mai là vợ, hạc là con. Nhà nho Lee Hwang, hiệu Thụy Khê thời Joseon khi trút hơi thở cuối cùng, đã nói: “Hãy tưới nước cho nhành mai!”.
Thiền sư Mãn Giác đời thứ 8 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông lại dùng hoa mai để nói lên đạo lý mà mình ngộ được từ tầng thứ của mình trước khi viên tịch.
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Nhà thơ Ngô Tất Tố có dịch lại bài “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư như sau:
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai.
Vũ trụ vốn có quy luật bất biến của mình, thiên nhiên hay con người luôn phải tuân theo mà chẳng thể thay đổi. Quy luật với thiên nhiên là “Xuân qua trăm hoa rụng/Xuân tới trăm hoa cười”. Quy luật với con người là “Trước mắt việc đi mãi/Trên đầu già đến rồi”. Thế nhưng vẫn có những điều huyền diệu, thần kỳ xảy ra.
Vì Pháp lý của vũ trụ có vô số tầng thứ, tầng trên có thể siêu xuất tầng dưới. Con người có thể vượt qua được sự chi phối của quy luật sinh tử bằng cách tu luyện, rũ bỏ dục vọng, nhân tâm, để trong sạch hơn mà thăng thượng lên các tầng thứ cao hơn. Thế nên..
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước, một nhành mai”.
Hoa mai không chỉ quá đẹp trong áng thơ, văn cổ, nó còn là một biểu tượng của sự kiên cường đến từ sức mạnh nội tâm và lòng dũng cảm dám nói lên sự thật, tìm lại chính nghĩa trong chính thời đại ngày nay.

(St)


Võ Miên Trường

Ảo ảnh - Ấy là người dưng – Bàn ta – Bàn tay sấp ngữa – Cạn – Cần nhau – Chạng vạng – Chiều nhớ - Cổ tích ta – Dạ khúc cho người – Đa mang một nữa vẫn Kiều – Dại thừa là em – Đóa từ bi – Dấu ấn kỳ co …Qui Nhơn – Em – Em hát – Em Ta – Em vè sỏi đá vui – Em xanh – Gánh – Giấu – Giữ lại chút tôi – Hoàng hôn – Khẽ gọi – Khi không – Là tôi – Lạc mình – Mê hoang – Một chút – Một em một đàn bà – Một người một tôi – Một nửa mùa xa – Mưa – Mùa phai – Mưa phố - Mưa tháng tám – Một – Một tôi một em – Nắng…nắng…nắng – Ngẫm – Nghiệp chướng – Ngộ - Nhật ký ức mưa – Ơn nhau – Phận lá – Sóng mùa xa – Sông nhớ - Thân phận – Tháng tư – Tháng tư niệm – Tháng tư qua – Thay lời tiễn – Thu ơi – Tỉnh mộng đêm trôi – Trà sáng – Tự - Tự nhiên – Tự khúc – Về thôi – Vỡ - Vu vơ – Vụn 

ẢO ẢNH

Ta đột quỵ giữa ta bà kiêu hãnh
Giữa lằn ranh thương hận cuồng phong xanh
Giọt nước mắt khóc cõi người mai một
Nhỏ xuống thềm miền ảo ảnh long lanh

ẤY LÀ NGƯỜI DƯNG

Một thời chị cũng người dưng
Hôm nay em lại bỗng dưng ..chị à
Dịu dàng em vẫn cứ là
Mặn nồng - ấm lạnh nơi nhà chị thôi
Chị đừng cay thế chị ơi
Áo xưa chị cũng một thời xuân xanh
Giời đày em phải lòng anh
Sớt chia một chút tình xanh ..chị thừa
Thương mình như giọt nắng thưa
Vô duyên ôm ngọn gió mùa trở giông
Biết là chẳng thể như không
Biết là phận mỏng má hồng lẳng lơ
Trái tim loạn nhịp dật dờ
Gom câu định mệnh em khờ khạo ... quên 


BÀN TAY
Bàn tay níu phía người dưng
Chắt chiu giọt nắng lưng chừng vỡ lay
Bàn tay tìm gặp bàn tay
Thấy trong tiền kiếp đã bày biện đau
Bàn tay năm ngón ủ nhàu
Cuồng quay nhật nguyệt lạc nhau cõi nào
Bàn tay nắm níu hư hao
Thời gian như lá cuốn vào thinh không
Bàn tay sấp ngừa mênh mông
Được thua vuốt mặt giữa dòng phù hoa
Bàn tay vừa chạm hôm qua
Mà vô lượng kiếp đã xa xôi ... và ...

Thời gian rủ áo không quay lại
Lãng đãng nghìn năm sương khói ơi ...

BÀN TAY SẤP NGỮA
Có hay không lật bàn tay sấp ngữa
Cuộc vô thường em tất bật hơn thua
Chiều lặng lẽ đưa chân ngày chạm sóng
Lá hồn nhiên rơi ... giữa chạng vạng mùa
Em ... Cặm cụi vẽ lên vách đời bẩn chật
Đặt cược mình Trên chiếu bạc hư không
Sóng linh lan vo tròn đêm thần thoại
Sáng tối dùng dằn ruỗng mục giấc miên du
Có hay không lem lấm giữa bụi mù ô trợt?
Nắng nứt chiều sương trãi lụa đêm cong
Cuộc rong chơi ... thôi dừng lại - quay về
Trăm năm nữa có hay không
lật bàn tay sấp ngữa?

CẠN
Cạn chiều níu giấc mơ xanh
Đánh rơi giọt nắng đành hanh cuối ngày
Hoàng hôn vướng víu chân mây
Sao còn núm níu xây xước mình?

CẦN NHAU

... Và cố giấu nỗi buồn không chịu cũ
Gió ngược mùa vạt cỏ xót xa ... đau
Bóng tối đêm cùng hoang ngôn lẫn khuất
Gõ cách đời tất tả cuộc phù du
Bàn tay níu nỗi buồn nghiêng dốc đợi
Đêm gọi ngày cháy khát một bình minh
Người cứ hẹn rồi chân mây góc bể
Ngày nối ngày hương lửa chạng vạng đêm
Trăng mấy thuở gọi tên rằm thao thức
Em mịt mùng mây trắng ngàn năm
Khúc serenade trãi niềm riêng rưng rức
Trên phận người đã trổ nhánh hoang vu
Đời quá chật xin rộng lòng ru biển
Sóng vỗ bờ đau ngần ấy vẫn cần nhau ...

Ta ngồi mấp mé bờ đông vội
Thả nốt giọt ngày lặng lẽ trôi
Cánh lá vàng phai rưng rức gió
Cũng đường nghiệt ngã bạc tình phơi 

CHẠNG VẠNG
Em cặm cụi xếp ngày
Gấp vạt nắng quái mặt trời chiều hấp hối,
nhập nhoè sáng tối, vai diễn cuộc đời hạ màn kết thúc
Em ngước mặt rưng rức nụ trăng non
Mắt thắp lửa hoàng hôn
Cô đơn vấp chạng vạng ngày vỡ giấc

Thêm một mùa trở bấc
Buốt tràn đêm tràn đêm

CHIỀU NHỚ
Đôi mắt nhớ chiều bến sông thấp thoáng
Bóng đổ dài xâm xấp mặt trời loang
Vời vợi trông trên bến cũ triều giang
Rưng rức nhớ mùa nước tràn, nước nổi.
Mắt hoàng hôn ngã màu chiều xuống vội
Gió vẫy chào hát khúc tiễn ngàn năm
Em xa mờ từ độ ánh trăng tan
Lòng se thắt, chơi vơi - gầy vai lạnh.
Chiều phôi phai, chiều sương nhoà hiu quạnh
Soi bóng mình dội lại vách bờ đau
Em góp nhặt gởi vào đêm hoang hoải
Nỗi nhớ chiều khánh kiệt giấc mơ xanh 
CỔ TÍCH TA
Ngày Vàng phơi nỗi nhớ
Đêm Gối mộng chờ trăng
Ta tìm nhặt mảnh vỡ
Gom tro bụi cuộc đời
Ngày Hững hờ hấp hối
Đêm Bối rối đợi người
Ta rong rêu ngạo nghễ
Hoang phế đời trôi nhanh

Giữa Đêm tàn nguyệt lạnh
Ngậm ngùi Trăng xô tan
Xanh xao miền lăng tẫm
Đền đài cổ tích ta!

DẠ KHÚC CHO NGƯỜI
Mời nhau ly đời đắng
Phong ba cuộn trắng trời
Lá xoay vòng số phận
Người thả giọt thơ rơi
Tàn Xuân chiều nắng vợi
Tiếng chuông vẳng cuối ngàn
Ngại ngần chi im ắng
Đợi tàn một mùa hoa
Chiều nhuộm trắng mây qua
Hoa xuân từng cánh rã
Tiếng đêm cùng nghiệt ngã
Nửa vầng trăng chia đau
Ừ thì ta mời nhau
Ly đời đắng tình đông
Hư không tìm vạn cõi
Sương khói bạc đầu .. nhau 
ĐA MANG MỘT NỬA VẪN KIỀU

Cho em một nửa yêu người
Nửa còn giữ lại hong đời bạc đen
Nhỡ sau giông gió làm quen
Vốn em còn nửa tình riêng để dành
Dám thôi
một nửa yêu anh
Cầm lòng em giấu tròng trành vào thơ
Từ người đánh thức ngẩn ngơ
Nửa em phong kín những khờ khạo yêu
Đa mang một nửa vẫn Kiều
Tự xanh trút lá tự liều lĩnh em
Tự khơi sóng mắt môi mềm
Đoan trang nào dám mở then vượt rào
Em mang một nửa chênh chao
Vùi sâu vào giấc chiêm bao... giữa ngày

Phù du xuôi ngược dòng danh lợi
Chưa chạm bờ tóc đã trắng phù vân


DẠI THỪA LÀ EM

Cả tin vấp khúc quanh đời
Lòng người như thể lá rơi theo mùa
Em giờ gom những được thua
Đa đoan Phận mỏng Dại thừa là em
Ngồi đây cùng chị và đêm
Nghe thời gian nấc bên thềm trăng soi
Người ta đã cạn tình rồi
Thương em Giọt nước mắt đời đục trong
Dại khôn đã trót bế bồng
Ngước lên mà ước cho vòng xoáy qua
Em tôi Đau quá Đàn bà
Cứ nương bất trắc để mà bạc đen
Tự gom nắng đốt muộn phiền
Tự khâu vá mảnh truân chuyên đã từng
Bây giờ người đã người dưng
Thì chôn đi thủa đã cùng... được không

Cạn mình em nhận bão giông
Cạn đêm chị vắt kiệt lòng...Thương em

ĐÓA TỪ BI
Nụ em cười vỡ hạt mưa
Mùa thương ta trổ nhánh vừa tương tư
Hiên nhà thắm nụ chân như
Búp sen nở vội đóa từ bi em 

DẤU ẤN KỲ CO ... QUI NHƠN
Trăm năm làm nhân chứng
Nghe sóng vỗ khơi trùng
Đá vô thường tĩnh lặng
Biển mênh mông hoà hiền
Ta phù du đi đến
Vô lượng nụ an nhiên
Đá cúi đầu mặc niệm
Trầm tích miền hoang mơ ...
Âm vang sóng xô bờ ...

EM
Em ngồi vớt nắng hoàng hôn
Hong khô ngày cạn phơi buồn đêm căm
Mòn vai gánh cuộc trăm năm
Gánh thiên thu đổi một rằm trăng mưa
Em ngồi đong nắng vườn xưa
Đo lòng chật hẹp Mà thưa thốt lời
Chiều em chiều cứ lần hồi
Trăng non hắt chiếc bóng người ngoài hiên
Em ngồi Đếm giọt sương nghiêng
Gõ đều lên phiến lá miền ... rêu em ...
Xin cám ơn đời mỗi sớm mai
Cám ơn vạt nắng vướng chân ai
Cám ơn hạt mưa đang mềm tóc
Và cám ơn NGƯỜI vẫn ở đây 

EM HÁT ...
Sài Gòn đỏng đảnh ướt mưa
Phố đêm sóng sánh nhặt thưa lối về ...
Ghi ta GỖ ... góc cafe
Liêu trai tiếng hát em lê thê .. buồn ...

Chung nhau một chuyến vô thường
Tôi - Anh cùng một nẻo đường phù vân
Là tôi gánh cuộc trầm luân
Anh nằng nặng những nợ nần ... trả vay

EM - TA
Em mong manh phận cỏ
Nghiêng lệch miền nhân gian
Ta lang thang góc nhớ
Giữa bão đời gian nan
Những dòng sông khô cạn
Bên lỡ nhớ bên bồi
Em - ngậm ngùi trong đục
Ta - biền biệt tăm hơi
Em bận bịu kiếp người
Bon chen miền cơm áo
Đa đoan trãi chợ đời
Đo lòng người chìm nổi
Cuộc tỉnh - say ta ngồi
Đi về riêng một cõi
Chân rã rời bước mỏi
Nghoảng lại đời trăm năm 

EM VỀ SỎI ĐÁ VUI
Bao lâu rồi em nhỉ
Kỷ niệm chật ngăn tim
Cửa rừng xưa đã khép
Tiền kiếp ta trốn tìm
Bao lâu rồi ta đợi
Một phép mầu phục sinh
Dòng sông em khát đói
Đáy chạm vào hư không
Tiếng gì như tiếng sóng
Dội vào góc mùa đông
Vọng trùng khâu trầm tích
Phía mù tăm thiên di
Bao năm rồi em nhỉ
Đi về phía mặt trời
Tìm chưa ra sợi nắng
Trãi mùa em hong phơi
Chân dẫm nứt gai đời
Chưa giáp vòng mưa nắng
Đêm thắp nguyệt đợi rằm
Bờ trăm năm thần thoại
Đường chân trời mời gọi
Em về sỏi đá vui ...
Lệ người rơi đã tràn tay
Dấu đinh thập giá mỗi ngày thêm sâu
Oằn mình ngọn cỏ nghiêng đau
Lời kinh xâu hạt niệm câu ... di đà

Hoàng hôn vừa chạm chân mây
Lưng chiều nắng khép cửa ngày ... huyền vi

Hoàng hôn đã hạ đường bay
Sao còn nắm níu chút ngày ... tím ơi 

EM XANH
Em gói giọt mưa nhanh
Tưới lên mầm ươm lạnh
Trên tháng ngày cô quạnh
ngập ngừng quên xanh
Em ngắt ngọn hao hanh
Giắt lên nụ môi lành
Xanh em miền an hạnh
Trầm tích màu thiên thanh 

GÁNH 
Khúc chiều nghiêng gánh reo vui
Bụi vương cát bám chân ngùi ngùi xa
Gầy vai gánh cuộc phù hoa
Gánh phong ba nhớ lệch tà áo bay
Nương đời dỗ kiếp thương vay
Sông đời tắm gội em gầy guộc bơi
Giáp vòng mưa nắng đầy vơi
Phong phanh phận mỏng gánh cười khóc em
Trật trầy chân bước trượt đêm
Gánh đời chỉ một riêng em thác ghềnh ...

GIẤU
Giấu trăm năm được mất
Vào góc đời tất bật
Mời bình mình rực rỡ
Sưởi cõi người phù du
Giấu nhật nguyệt vào thu
Ru khóc cười sóng dậy
Giữa dòng trôi run rẩy
Tâm mắt bão mịt mùng
Giấu lệ buồn mắt trũng
Ủ ấm miền gối chăn
Trở trăn mùa yêu muộn
Tâm kinh chiều chênh chao

Em giấu biệt xanh xao
Vào giấc mơ khánh kiệt
Giấu một miền cổ tích
Đủ đầy một chiêm bao
Giấu nước mắt gởi trao
Vào tim người độ lượng
Giấu dòng sông vay mượn
Chảy miên man cuộc người 

GIỮ LẠI CHÚT ... TÔI
Về gom chút nắng thắp chiều
Đêm treo lấp lánh giọt liêu trai ...người
Trật trầy cuộc lữ mòn hơi
Vẫn xanh biếc lá dỗ đời thiên di
Trăm năm đá sỏi mơ gì?
Người ...ngàn năm đợi xuân thì phôi phai
Nổi nênh chiều lại chớm say
Chợt hoàng hôn níu chân ngày gọi đông
Đôi vầng nhật - nguyệt song song
Đi - về quang gánh những tròng trành tôi
Xin còn giữ lại chút tôi
Chút tình tri ngộ luân hồi ... trùng lai

LÁ THỜI GIAN RỤNG VÀNG SÂN CỔ TÍCH
BÀN TAY EM GOM NHẬT NGUYỆT ... SAO VỪA?

HOÀNG HÔN
Chiều lặng lẽ xô nghiêng hoàng hôn tím
Ráng vàng còn tỏa rạng bến sông xưa
Rưng rức níu ngày dài thêm chút nữa
Ta và chiều hai chiếc bóng song song
Ngày giã biệt gió hững hờ chao sóng
Tình em còn miên viễn có trong ta
Hoàng hôn khuất bến sông buồn cô tich
Sắc cầu vồng chấp chới phía xa xa ..
Ta chới với giữa hai bờ hư thực
Giữa lằn ranh sáng tối đẩy xô nhau
Ta khắc khoải đếm đông tàn ngày tận
Giữa đêm cùng ... vẫn nhớ nắng hoàng hôn


Đủ nắng hoa nở rợp vườn
Đủ duyên hạnh ngộ mùa ươm lộc đầy
Rưng rưng tay nắm bàn tay
Ngỡ ngàng quen lạ ta bày cuộc vui


KHẼ GỌI
Khẽ gọi thu về yêu dấu ơi
Sương lay sợi tóc lạc xa vời
Heo may trở giấc nhoà đêm nhớ
Đọng mãi trong ta thuở yêu người
Khẽ gọi mây còn lơ lững phiêu
Lênh đênh vạn nẻo gió lưng chiều
Hợp tan đã bao lần trăn trở
Gởi lại cho đời giọt đắng yêu
Khẽ gọi em về vơi nhớ nhung
Biền biệt thu xa cõi miên trùng
Về đâu ánh mắt mơ màng ấy
Xa vắng vàng phai dấu lạnh lùng
Khẽ gọi mưa về tím thu phong
Long lanh mắt biếc giọt vô thường
Thời gian chếch bóng thềm rêu úa
Khẽ gọi ... em về lệch bước mong
Ở quê nhà vàng hanh trời mùa hạ
Melbourne đông lá trút ngỡ ngàng rơi
Khúc biến tấu màu chiều ta bối rối
Tôi nhặt hạt nắng rơi
Cuối đường chiều vương vãi
Biết không ngày trở lại
Bến sông buồn chơi vơi

KHI KHÔNG ...

Khi không mưa lại lấp chiều
Hoàng hôn khép cửa trốn liêu xiêu ngày
Cầm hạt mưa vỡ tràn tay
Em nghe khát giữa vơi đầy ... mưa xa
Mưa giăng mềm góc phố qua
Khi không em lại vấp va .. nỗi đời
Cùng mưa nhập cuộc rong chơi
Mắt hoàng hôn thắp bời bời lửa đêm
Khi không chợt nhớ chợt quên
Khi không mưa phủ xanh miền ... tương tư 

LÀ TÔI
Là tôi bụi giữa vô thường
Vô ngôn -vô ngã dọc đường hành mê
Sắc - Không chung cuộc đi về
Bóng chiều đổ xuống trên bề bộn tôi
Là tôi dấu lặng bên đời
Cô đơn cuộc lữ đâu người tri âm ?
Đi - Về suốt cuộc phù vân
Từ trong vô lượng bước lần chông chênh
Với tay gõ nhẹ cửa thiền
Thoáng hồi chuông độ vỡ miền tử sinh
Chập chờn trong cõi u minh
Tôi về tìm lại bóng mình thực hư
Luân hồi lạc bến chân như
Vừa tôi khẽ chạm bóng phù du tôi
Từ tôi nhập cuộc rong chơi
Đi về sấp ngữa góc đời trùng xô
Là tôi ngụp lặn cõi chờ 


LẠC MÌNH ...

Lạc mình giây phút tim say
Tinh cầu vụn vỡ lấp đầy chiều không
Thả lênh đênh nhớ theo dòng
Em nương cánh gió thổi tròng trành duyên
Lạc mùa mòn cuộc nhớ quên
Bao nhiêu cho đủ lấp phiền muộn em
Ừ thôi một chút lạc mềm
Biết đâu chút ấy tràn đêm ... lạc mình ...

MÊ HOANG

Đêm nghe tiếng gió trở mình
Trên đôi mắt lá em hình như sông
Mây cuồng thiên địa mênh mông
cơn bão nổi ngược dòng mê hoang
Giật mình sương tạt thềm loang
Đêm xao xác lạnh thương hoàng hôn em

MỘT CHÚT
Một chút hương một chút hoa
Chút tình phơn phớt đủ qua mùa buồn
Chút sương lành lạnh vừa buông
Chút e ấp nắng em hồn nhiên ... vui
Thế thôi một chút bên người ...
Xin đừng vạch lá tìm sâu
Tôi còn gì nữa ngoài câu thơ buồn
Xin người nhẹ tiếng đau buông
Cho thơ tôi chạm nhánh buồn trổ hoa

MỘT EM - MỘT ĐÀN BÀ
Một em ...
một chạng vạng ngày hao khuyết
Một đàn bà nhặt cỏ phía trùng khâu
Hoàng hôn sâu Giấc mơ ngày cạn kiệt
Một đợi chờ bóng ngã nhá nhem đêm
Một em một đàn bà quên nhớ
Một dại khờ phận mỏng sóng lênh đênh
Bình minh nghiêng đường chân trời mời mọc
Bước trật trầy loang lỗ góc đời xô
Một em ...
một canh bạc đỏ đen trầy xước
Một đàn bà ... Vừa sấp ngữa đa mang
Ngựa mỏi vó quỵ bên dòng nước cạn
Cất tiếng buồn vuốt mặt tạ ơn nhau
Một em một đàn bà và cuộc người vay trả
Một hao gầy ngần ấy vết thương sâu ...

Lá thời gian Rụng Vàng sân cổ tích
Gầy Tay em Ôm Nhật nguyệt sao vừa?

MỘT NGƯỜI - MỘT TÔI
Bộn bề phân vân
Quán đời lận đận
Ngụm cafe tan
Đắng vàng thân phận
Lỡ - bồi dòng chảy phù vân
Ta tìm nhau giữa đời ngần ngại mơ
Thiên di gọi gió
Nguyệt lạnh như tờ
Cạn đêm bóng vỡ
Chập chờn thân khô
Buồn tôi thả giọt ơ hờ
Mà chiêm bao đã chực chờ ... ngày phơi
Thả nỗi buồn trôi
Ngược dòng sông đợi

Bên bờ hao khuyết MỘT TÔI
Lưng chừng nhật nguyệt MỘT NGƯỜI ... đợi quên 

MỘT NỬA MÙA XA
Nửa chừng dang dở cuộc cờ
Nửa sân nửa hận nửa khờ khạo ... khôn
Nửa vầng trăng vỡ chiều hôm
Nửa đại dương cũng thẳm buồn mênh mang
Nửa tôi giãy chết lâm sàng
Nửa người vừa đủ hoá vàng ... đời nhau! 

MƯA
Mưa nhoà nhạt góc phố quen
Lung linh hạt nhớ rơi chèn giấc tôi
Nằm nghe tiếng lá buồn rơi
Hình như có tiếng chân người ... đâu đây
Nắng lui về góc vườn xiêu
Gió cuồn cuộn gió ngập chiều ... và mưa 

MÙA PHAI
Ta nhón nhặt từng sợi buồn rơi vãi
Lặng gom về gieo hạt góc vườn ai
Bờ hao khuyết áo phai mùa bương chải
Hạ chưa qua nắng hoang hoải chân ngày
Em trầm mình giữa trùng khơi sóng dậy
Bến mê đời chạng vạng nối lời yêu
Dòng sông ấy đã chạm mùa khô hạn
Nguyễn Du ơi ai khóc cạn trang Kiều
Ai gọi nắng tràn vai em gầy guộc
Tay cầm chiều níu lệch gánh thi nhân
Ta hành khất từng lời kinh cứu rỗi
Mùa nảy mầm trên Thập giá sinh sôi 

MƯA PHỐ
Trở về miền khát chiều mưa
Trăm năm phố vẫn như vừa hôm qua
Hạt mưa lem gót chân ngà
Hạt gầy nỗi nhớ .. hạt xa xót buồn
Mưa về ...ướt sủng hoàng hôn
Phố căng mình đón những cuồng phong em
Rưng rung chạm ký ức đêm
Buồn tôi ngồi đấy khát thèm trần gian .
Phố chìm theo bước gian nan
Trôi theo miền nhớ mưa tràn dại khôn
Chập chờn phố thoáng mênh mông
Đường Phượng bay * hoá thành sông ...khóc cười 

MƯA THÁNG TÁM
Người đàn bà Rót đêm tràn nước mắt
Đi nhặt mặt trời Khi mưa nhoà tím phố
Du mục mình dâng hiến kiệt cùng xanh
Gió khát mê cuồng Thổi cong vênh tầng mây thấp
Mưa lún mùa Mưa ngập ngày Mưa rát mặt
Và ... mưa ...
Tháng tám mưa thu Ẩm ương ngõ hẹp
Người đàn bà Khép mặt trời - mưa chưa cạn ...
Bối rối chiều .. Chạng vạng ... Đắm đuối mưa ...
Lênh loang nhớ trượt ngang Người đàn bà xô dọc
Bấu víu đêm tìm .. lửa thắp mặt trời đêm ...
Tháng tám mưa ... mềm như gió 

MỘT
Thôi trở về đây ta với ta
Một ly một tách một chung trà
Vào ra đếm lá hoàng hôn rụng
Một kiếp phù trần cũng nhẹ qua

MỘT TÔI - MỘT EM
Một tôi ...
một chạng vạng ngày hao khuyết
Một lưng chiều vạt cỏ rối trùng khâu
Hoàng hôn sâu giấc mơ ngày cạn kiệt .
Một đợi chờ ...bóng ngã nhá nhem đêm ...
Một tôi một mơ hồ quên nhớ
Một tròng trành phận mỏng sóng lênh đênh
Bình minh lên vẽ chân trời mời mọc .
Một ngày vàng loang lỗ góc đời xô
Một em
một canh bạc đỏ đen - trầy xước .
Một phận tằm chưa đủ một nong dâu
Ngựa mỏi vó quỵ bên dòng cạn nước
Cất tiếng buồn Cúi mặt tạ ơn nhau
Một tôi một em một cuộc người vay trả
Một hao gầy Ngần ấy vết thương sâu 

NẮNG .. NẮNG ... NẮNG
Nắng cong vênh vách nhớ
Gõ vào giấc mơ trưa
Nắng giòn như cốm vỡ
Nắng đùa ngọn gió thưa
Nắng sổ sàng hắt lửa
Ngùn ngụt hạ đỏ rang
Sa mạc mùa khép cửa
Cỏ oằn mình khát khô
Bầy ve sầu cắc cớ
Bản hợp âm dật dờ
Nắng nung ba bảy độ
Nắng níu mặt trời nghiêng
Đổ từng chùm hoa lửa
Lên phận người chông chênh
NẮNG - NẮNG - NẮNG ngông nghênh
Giấc mơ trưa vỡ nghiến 


NGẪM ...

Tôi nghe rõ Tiếng thời gian ... tích tắc
Giọt phù du ... ẩn hiện .. nỗi nhọc nhằn
Là ... Bụi bờ sinh tử ..cõi trầm luân
Là ...Thập giá ...của phận người mang vác 

NGHIỆP CHƯỚNG
Với tay hái nụ vô thường
Tặng nhau một đóa nên vương cõi tình
Di Đà tụng suốt mùa kinh
Mà sao nghiệp chướng cứ rình rập em
Em về đốt đuốc tìm xem
Thì ra cái tội ... đốt đền ... đòi thương
Lại còn cạn chén Quỳnh tương
Cùng người đối ẩm áo vương sân chùa
Nghe ra nghiệp chướng cũng vừa ...
Thôi về tụng nốt nửa mùa kinh em 

NGỘ ...
Một làn gió thổi qua
Thoảng hương đời như mộng
Chiếc lá vàng lay động
Chao nhẹ vào hư không ...
Nhặt hạt nắng mênh mông
Ngộ ra ... đời sinh - tử ...
Ừ ...trăm năm cuộc lữ
Ta ...từ đâu ...? về đâu ...???

NHẶT KÝ ỨC MƯA
Mưa ...Chạm miền ký ức
giọt ... giọt
Lặng rơi trên đôi tay gầy guộc
Giọt thương vay
Giọt tấm tức - giọt đời
Mưa vỡ toang buồn phong kín ... ngày qua
Mưa ...
Người đàn bà
Đi tìm mặt trời khi mưa nhoà tím phố
Thời gian cuồng như gió
Thổi cong vênh tầng mây thấp
Mưa ngập chiều Mưa xối xả
Và ... mưa ...
Người đàn bà Thấy mặt trời - mưa chưa cạn ...
Chợt ..hoàng hôn hấp hối Chạm đêm ...
Em - đàn bà đã cũ
Vẫn cứ là say say
Dẫu một ngày - mãi cháy
Giữa cuộc người ... trả vay 

ƠN NHAU
Em cầm một chút tình vui
Chút hao khuyết phận chút bùi ngùi duyên
Thời gian khuyến mãi bên thềm
Em về thanh lý những phiền muộn phơi
Ơn nhau ngần ấy đủ rồi
Còn dăm nỗi nhớ lần hồi cũng qua 

PHẬN LÁ
Mùa hối hả lá cũng vàng vội vã
Ngỡ ngàng bay tơi tả gió xoay vù
Cội nguồn đâu cho lá hoá phù du
Đời phải trái dùng dằn rơi lá vỡ
Ta cúi nhặt lá vàng gom góc nhớ
Đợi chân ngày nghiêng sóng dội dung nhan
Lá lặng lẽ đủ vòng đời vay trả
Chút nhựa còn day dứt gởi mầm xanh
Lá có thể cùng người se sắt lạnh
Áo mùa đông nhung gấm lấm lem chiều
Tuổi lá buồn rêu phủ góc em xanh
Người góc bể chân mây hoàng hôn khuất
Ta khắc khoải giữa mùa đông tất bật
Hồn hoang phiêu trót cập bến mê đời
Thuơng phận lá ... phận mình đong đếm vội
Mơ bình yên ngồi xếp lá ... phận người 

SÓNG MÙA XA
Tiếng gì như tiếng sóng
Vỗ dọc tháng tư buồn
Giấc mơ nào lóng ngóng
Gõ mạn thuyền âm quen
Em về nghe biển hát
Giữa chập chờn nhớ quên
Hình như lòng đang khát
Kiệt cùng phút bão giông
Tiếng gì như tiếng sóng
Xô ngang tháng tư người
Áp thấp đời nông nỗi
Bão tràn bờ hoàng hôn 


SÔNG NHỚ
Về theo chuyến đò cuối
Lặng nhìn con nước trôi
Nghe sóng vỗ ngậm ngùi
Giữa đôi bờ chơi vơi
Như đám lục bình trôi
Ta về dòng sông nhớ
Nghe bềnh bồng một thuở
Lạnh bờ môi hững hờ
Gió ngược chiều lao xao
Thổi tung bờ hư ảo
Lật tìm trong vạt nắng
Chút tình ngày hanh hao

Ta một đời lao đao
Thương sông buồn vẫn chảy
Chùng neo rưng rức đợi
Đò dừng ... sông vẫn trôi 

THÂN PHẬN
CHIẾC LÁ THU PHAI rã cánh vừa
HOA VÀNG MẤY ĐỘ thoáng hương đưa
BÊN ĐỜI HIU QUẠNH sầu loang mãi
GIỌT LỆ THIÊN THU ngỡ sóng đùa
CÚI XUỐNG THẬT GẦN nhận diện ta
Chiều ơi nhân ảnh đã
PHÔI PHA
RU ĐỜI ĐI NHÉ lời ru cuối
TUỔI ĐÁ BUỒN vương nhẹ gót ngà
Ở TRỌ nơi này vương vấn chi?
Tung mù
CÁT BỤI bước thiên di
SÓNG VỀ ĐÂU đó xô bờ cát
ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI chẳng tiếc gì
NHƯ CÁNH VẠC BAY về cuối trời
TÌNH SẦU theo gió cuốn mây phơi
Vang vang đâu đó
LỜI BUỒN THÁNH
CỎ XÓT XA ĐƯA mấy phận người
LẶNG LẼ NƠI NÀY ta với ta
RỪNG XƯA ĐÃ KHÉP lại ngày qua
PHÚC ÂM BUỒN khóc lần đưa tiễn
MỘT CÕI ĐI VỀ lặng ... lẽ ta

 THÁNG TƯ
Tháng tư ơi ...nghe không lời nói nhỏ
Hoàng hôn người - hạ đỏ mắt tìm nhau
Đành lỗi hẹn tháng tư buồn như cỏ
Cả cuộc người dang dỡ tháng tư đau
Hè đỏ lửa tiếng ve hoà tiếng sóng
Cuộc trùng tu cơm áo lạc phương trời
Góc phố nhỏ Trượt chân người bước vội
Vẫy tay chào là biết nhớ mênh mông
Tháng tư nhặt dấu chân người trên cát
Tháng tư tìm những đóm lửa soi đêm
Phong phanh mỏng áo em bay ngược bấc
Nhấp nhô thuyền vuốt mặt sóng trùng khơi
Không là roi mà quất lòng đau nhói
Không là chiều mà nhuộm khói hoàng hôn 

THÁNG TƯ NIỆM
Tháng tư ơi ...nghe không lời nói nhỏ
Hoàng hôn mùa hạ đỏ mắt tìm nhau
Đành lỗi hẹn tháng tư buồn như cỏ
Thương cuộc người dang dở tháng tư đau ...
Hè đỏ lửa tiếng ve hoà tiếng sóng
Cuộc trùng tu cơm áo lạc phương trời
Góc phố nhỏ trượt chân người bước vội
Vẫy tay chào là biết nhớ mênh mông
Tháng tư nhặt dấu chân người trên cát
Tháng tư tìm những đóm lửa soi đêm
Phong phanh mỏng áo em bay ngược bấc
Nhấp nhô thuyền vuốt mặt sóng trùng khơi ...
Tháng tư ơi ...Không là roi mà quất lòng đau nhói
Không là chiều mà nhuộm khói hoàng hôn 

THÁNG TƯ QUA
Cơn gió đi qua sợi buồn vương lại
Giăng ngang đời ái ngại một làn sương
Mênh mông nhớ hương loang mùa từ tạ
Tay em cầm ướt đẫm một hoàng hôn

Nửa chừng dang dở cuộc cờ
Nửa sân, nửa hận - nửa khờ khạo khôn
Nửa vầng trăng vỡ chiều hôm
Nửa ta phế tích vô ngôn cuộc người

THAY LỜI TIỄN

Không tiếng súng Tháng tư buồn như khóc
Chẳng bom mìn Dò dẫm bước chân đi
Người khát người Một vòng ôm mưa móc
Có linh hồn Vừa tháo lớp khẩu trang
Gói phận người Đau từng vuông vải trắng
Thế kỷ nhọc nhằn Giăng mắc mảnh khăn sô 


THU ƠI

Giật mình vai chạm heo may
Đêm nghe tháng sáu nhắc này ... thu ơi
Hình như hạ đã mòn hơi
Nắng mưa cũng đã rã rời dại khôn
Hình như có chút bồn chồn
Vọng từ cõi thức vô ngôn hẹn mùa
Giật mình nghe tiếng chèo khua
Nghe răn rắt vỡ bóng đùa sông mê
Bấm tay đã một tuổi hè
Thu ơi ... tóc gió thổi nhoè ... hoàng hôn


TỈNH MỘNG ĐÊM TRÔI
Nửa đêm ...Ngồi ngắm bóng mình
Chợt thương ...Năm tháng vô tình ...phù du
Bốn mùa ...Nhật - Nguyệt ảo hư
Dang tay ...Hứng giọt sa mù chiều đông
Nửa đêm ...Khơi ngọn nến hồng
Chợt thương ...Sông cạn, cánh đồng ... đời khô
Nhập nhằng Hạt bụi hư vô
Nến tàn ...Đêm cạn giấc mơ chưa đầy
Thương đêm cổ tích hao gầy
Từ vô lượng đã vẽ bày cuộc chơi
Đốt đêm thắp rạng cõi người
Từng câu ... Kinh tụng rót lời ru êm

Giật mình tỉnh mộng trôi đêm
Ô hay nắng mới chạm thềm hạ rơi

TRÀ SÁNG
Tách trà ướp vị thơ ca
Chắt từ sương sớm em pha mời người
Chia nhau đắng ngọt vị đời
Hoa từ tâm hé nụ cười bao dung
Hạt thơ gieo giữa vô cùng
Đất cằn vẫn nở trùng trùng mầm duyên
Cạn chung trà sáng bình yên
Lá hồn nhiên rụng ưu phiền xa bay
Hương trà phảng phất đâu đây
Hiên nhà nắng đã gọi ngày đong đưa 

TỰ
Phù du xuôi ngược dòng danh lợi
Chưa chạm bờ tóc đã trắng phù hoa
Vầng nhật nguyệt trên vai người khánh kiệt
Chợt thương mình không vượt nổi một sát na 


TỰ NHIÊN
Tự nhiên buồn trổ nhánh xanh
Buồn giăng sợi nhớ nghiêng thành quách em
Tự nhiên buồn muốn đốt đền
Buồn bày biện những giọt phiền ra hong
Tự nhiên nhớ tự nhiên mong
Tự nhiên sóng dội chia dòng phù sa
Tự nhiên một phút ơi à
Buồn tôi phút ấy gọi là buồn thương 

TỰ KHÚC
Biết chiều rồi nắng sẽ phai
Biết em rồi cũng một mai ... nẻo về
Thương mình ngày giữa bộn bề
Thắp đêm vắt cạn giọt mê ... tỉnh này ...
Biết là sương khói thơ bay
Biết người cười dỗ đời bày... biện đau
Biết mình hao khuyết góc nhàu
Nhá nhem chiều muộn tím màu trăng non

Tự tay chạm nhánh vô thường
Tự em đã biết thiên đường không xanh

VỀ THÔI
Về thôi ...gom góp bi hài
Chắc chiu từng giọt đắng ngày gió lơi
Ta chừ gom lá vàng phơi
Bao lần vay trả lỡ bồi phận sông
Về thôi ...nắm níu hư không
Thả trôi ngày muộn giáp vòng nắng mưa
Chào nhau mỉm nụ vâng thưa
Giọt đời cay đắng thiếu thừa riêng tôi

VỠ
Bầu trời vỡ trắng màu mây
Rừng cây vỡ biếc tôi đây vỡ gì?
Lá vàng vỡ tiễn mùa đi
Dốc quanh vỡ vạt cúc quỳ vàng bông
Một ngày sóng vỡ thành sông
Chảy xuôi về phía lập đông tím mùa
Thương rằm vỡ mảnh trăng xưa
Hoàng hôn nắm níu giọt mưa vỡ lời
Thị phi vỡ giữa cõi người
Muộn phiền tôi vỡ bến đời ... đục trong

Tím vẫn nơi đây một góc trời
Người về bến cuối cuộc rong chơi 

Thời gian nghiêng nắng gầy vai mẹ
Rọi xuống đời con bóng cả che 

VU VƠ
Lội sông Em vớt trăng ngày
Lặn Tìm ảo ảnh Nhặt gầy guộc đêm
Lội đời Tìm những ấm êm
Em du mục Đếm ngọt mềm ... vu vơ 

VỤN ...
Cựa mình cơn gió lật nghiêng đêm
Xô nhớ loang qua lạnh góc thềm
Nhấp nháy sao hôm đùa phiến lá
Lập loè đom đóm cợt ngoài hiên

Trái tim rung khẽ lần tràng hạt
Rong rêu đời xin (1) góc bình yên ...

Em về gọi gió hoàng hôn cũ
gom lạnh sương chiều khơi bếp thu
Đốt ngọn đèn đêm tìm ảo ảnh
Đắng lòng thương lắm nhánh mù u ...

Đừng thêm nữa gió thôi lay
Lốc chiều thổi rát mặt ngày không nhau
Sấy khô giọt nước mắt nhàu
Mà nghe sóng dội bờ đau nứt chiều

Từ buổi ấy em quên bài nhật tụng
Anh thả lòng du mục cõi gió mây
Mưa rưng rức khóc nhau từng hạt rụng
Câu kinh chiều vỡ vụn gió bung lay

Em - đàn bà đã cũ
Vẫn cứ là đà say
Còn một ngày - mãi cháy
Giữa cuộc người ... trả vay 


Có hay không lật bàn tay sấp ngửa
Cuộc vô thường em tất bật hơn thua
Chiều lặng lẽ đưa chân ngày chạm sóng
Lá hồn nhiên rơi giữa chạng vạng mùa

Tôi đang mơ giấc mơ đời tương ngộ
Phút Liêu trai mộng mị đổ nghiêng mành
Giữa nghìn trùng xô kiếp phận lênh đênh
Bờ bến ấy nỗi nênh mùa chia gió ...

Xếp ngày nắng quái đốt rang
Nghe chiều Giãy chết lâm sàng mà đau
Cạn ngày ta gấp bóng ta
Giấu vào góc khuất ướp hoa ... dỗ mình

... Người đàn bà làm thơ
Như bao bà mẹ tảo tần
lội trên cánh đồng chữ nghĩa
Một tay bịt trái tim đau
Tay kia lau nước mắt
Tay bồng con, tay viết sách
Mà trãi lòng, mà phẩn nộ ... đớn đau ...
(trích bài Người đàn bà làm thơ ...)
Xin đồng cảm và chúc mừng TRẦM HƯƠNG
Em nói gì với biển
Mà sóng bỗng lặng yên
Núi nghiêng chiều mặc niệm
Dã tràng di tản đêm 



CHƯA GIEO LÒNG ƯỚC HOA CƯỜI
GIEO RỒI MỚI BIẾT MÙA TRÔI BẼ BÀNG

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...