Wednesday, May 27, 2020

Bình thơ


Khi đọc những bài bình thơ, cảm nhận thơ gần đây của nhiều người và đặc biệt là anh Hai Nguyên Bình cũng đã từng viết cho tôi nhiều bài.
Tôi bỗng giật mình...
Có một người tôi thường gọi là chú Hai với bút danh LƯU NGUYỄN & LƯU GIANG
Năm nay chú 82 tuổi , chú sống ẩn tại Suối Cát XL. Tôi có gởi tặng tác phẩm và chú đã viết cảm nhận cho bài thơ TÌM NHAU của VMT trong tập thơ in chung CÒN LẠI DẤU YÊU 2014 và
bài cảm nhận cho tập thơ CHIỀU NẮNG VỠ của VMT năm 2015...
Vì chú không chơi FB, không sử dụng đt thông minh .. chú chỉ viết bằng tay trên giấy đã ố vàng và nhờ người đánh máy gởi đường bưu điện cho tôi...
Với vòng quay cuộc sống... Cơm, áo, gạo, tiền ... tôi đọc xong rồi quên mất.
Thật có lỗi với chú khi cứ để những bài cảm nhận từ gan ruột của chú cho những bài viết của mình bị mai một .., tôi thấy mình có lỗi và hình như còn nợ chú điều gì đó thật ray rức ...
“Con đưa bài viết của chú Hai lên đây như thay lời cảm ơn chân thành đến với chú nhé ”
Bài TÌM NHAU ... sẽ úp sau.
VÕ MIÊN TRƯỜNG & CHIỀU NẮNG VỠ
Tôi vừa đọc xong tập thơ của Võ Miên Trường.
Tính hoài niệm của một nhà thơ và tính kiên cường của một phụ nữ giàu trãi nghiệm đấu tranh đã kích thích , lôi cuốn tôi rất mạnh
Tính kiên cường cho tôi cảm giác tâm đắc khi xem tác phẩm “Bạt Phong” của Đặng Võ Truyền: Mấy thân cây oằn mình trong cơn bão . Tàn cây bị gió đùa về một phía. Có tiếng gió rít man rợ trong vòm lá tả tơi ... cây vẫn biên ngang đứng nguyên. Tôi khẽ ngâm: “bấm chân trượt, người đàn bà ngược gió ... ngược nỗi đau”(bài thơ “Ngược” trong tập thơ “chiều nắng vỡ” của MT)
Ngược dòng, ngược dốc, ngược gió, ngược sóng... Muốn chinh phục lý tính dòng dốc, gió, sóng... tâm tính phải mạnh, cứng.
Lý tính và tâm tính luôn đối nghịch nhau mãnh liệt. Tất cả phẩm tính này thể hiện trong suốt tập thơ...
Nhìn nắng chiều loang lỗ vỡ tung, tác giả đã bối rối một lúc rồi dõng dạt đứng lên “nhặt đa đoan buộc mình”. Và một hôm , nỗi nhớ thương quá khứ dẫn tình cảm người đàn bà đi hoang vào miền thăm thẳm xa xưa để mà “nhặt nỗi buồn chưng cất niềm đau”, nhưng dấu yêu vẫn cứ nghìn trùng cách biệt:” dấu yêu ơi sao thương nhớ cứ xa dần”
Nỗi đau âm thầm dồn nén , chất chứa ùa về từ quá khứ, khiến bước chân “ ngẩn ngơ như phải lòng sỏi đá “
Miên Trường đã để cho nỗi đau theo motip trên, trong Chiều Nắng Vỡ tản mạn như những bông cỏ may, lãng đãng trong gió chiều giữa bầu trời bồng bềnh mây trắng.
“Chiều Nắng Vỡ”. Tuổi nào cũng có chiều trong ta. Mênh mông, lặng lẽ, dịu vợi, xa xăm...
Mãi mãi chiều vẫn còn đó với màu tím hoang dại. Có tiếng lá hát trong lá, tiếng vạt kêu đêm, tiếng gà trưa trên sông xen giọng hò trong trèo khơi gợi nỗi nhớ quê hương.
Chiều về hiền hoà , lãng mạn trên sông của Huy Cận ...
“ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Sông dài trời rộng bến cô Liêu “
Mãnh liệt , dữ dội như “ Nhớ Rừng của Thế Lữ ...” Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng “ ..
Tâm trạng lớn , trầm mặc đầy triết lý như bức tranh “ Nước và Lửa” của V. Gogh trong phim “ La vie passionnee de V.Gogh”
V. Gogh rắc lửa trên nền trời Tây, Thế Lữ trút máu lênh láng trên nền “CHIỀU “ của núi rừng Việt Bắc bao la ...
Võ Miên Trường không rắc lửa, trút máu như hai tác giả trên mà để cho màu nắng vỡ tung ra những nỗi niềm lả tả, chập chờn trên nền trời tím ... tím cả lòng mình và lòng người.
Dường như VMT đã nhuộm tím hết những trang thơ “Chiều Nắng Vỡ”
Nắng vỡ trong chiều tím mênh mông , trong tâm trạng rưng rức đau ...
VMT thấy màu nắng chiều vỡ toang , bay phất phới trong gió “ giữa mây chiều tím ngắt một mình ta “ . Cô đơn dâng cao chất ngất ngập màu chiều
Lý tính và tâm tính trong “Chiều Nắng Vỡ” vô biên và vô lượng như lá “ Rừng Thu “ của A. France ... nỗi đau “ Chiều nắng Vỡ “ cũng lớp lớp trùng trùng ...
“Khung trời xưa “ dấu yêu thế nào mà tác giả cảm thấy “rưng rức”?
Cũng bậc bằng Trắc của từ ngữ phô diễn nốt nhạc tình cảm tuyệt vời.
Ôi những con đường xưa sỏi đá chông chênh , bầu trời xưa ôm ấp bao dấu yêu kỷ niệm ... nay đã xa vời , bảo sao ta không rưng rức, bảo sao không thao thức với “Dấu yêu ơi ! Sao thương nhớ cứ xa dần”, bảo sao không “xôn xao một vùng xưa vẫy gọi để rồi Soi bóng mình thăm thẳm nhớ ngày xưa!
Tâm tính hoài niệm của nhân loại xưa nay vốn thường hằng - thường hằng như nhịp đập trái tim. Lý tính hiện tại hay lý tính quá khứ cũng đều khiến cho tâm tính rung lên hiệu ứng.
Màu tím chiều vỡ tung như có ai vô tình vất lon sơn lên nền lụa hồng tự nhiên và thản nhiên, không tình ý. Nhưng VMT nhìn chiều bằng con mắt và tâm trạng rưng rức: “Em rưng rức với khung trời xưa cũ “thao thức “Đợi đêm dài thao thức nguyệt cầm rơi” , thăm thẳm nhớ “Soi bóng mình thăm thẳm nhớ ngày xưa”, chới với quên nhớ đẩy xô nhau: “Ta chới giữa hai bờ nắng đổ, giữa ngọt ngào quên nhớ đẩy xô nhau”
Buồn hồn nhiên , tự tình hồn nhiên như nắng chiều tan vỡ  VMT khéo léo dẫn dắt ta về miền ký ức đã xa mờ và cho ta thăm thẳm nhớ ngày tháng vời vợi qua mau, trong nhớ mong nuối tiếc.
Có ai hay những buổi Chiều Nắng Vỡ đến rồi đi bao nhiêu lần trong đời mà không biết.
vô tình hay vô tâm? VMT đã đưa ta về miền thăm thẳm ấy. Vui buồn biết bao, đằm thắm biết bao, thao thức biết bao . Ta như con chim mệt mỏi, ta như dòng sông mênh mang chảy đi đâu về đâu, ta như hạt mưa trong bao la, ta buồn lãng đãng như chim vịt kêu chiều.
Chiều đã đưa ta đi đâu, về đâu?
Trong nỗi niềm riêng tư VMT đã bắt nhịp được tâm trạng chất chưa với nắng chiều để bố cục bức lụa thân yêu của mình trong tập thơ “ Chiều Nắng Vỡ” gây xao xuyến cho người đọc , đồng thời giải phóng hết năng lượng từng nung nấu trong lòng mình.
Tôi ngỡ như đang gieo vần cùng nhà thơ vì chợt nhận ra mình đang rón rén lẫn khuất trong “Chiều Nắng Vỡ”
Lưu Nguyễn

---------------


Nhớ Trịnh Công Sơn  - Trần Mạnh Hảo.
Không có nền tự do sáng tác của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, không có hiện tượng âm nhạc Trịnh Công Sơn. Anh Sơn mà sống trên đất Bắc Việt trước năm 1975 thì chỉ có nước ngồi tù vì một câu hát của anh: "hai mươi năm nội chiến từng ngày". Cộng sản có sai lầm lớn không thể sửa chữa là chính trị hóa mọi điều trong đời sống xã hội. Do vậy, chúng ta – những người tử tế không nên dùng chính trị làm hệ quy chiếu để phán xét cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc thiên tài Trịnh Công Sơn. Qủa là, việc Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh Sài Gòn kêu gọi người dân miền Nam đừng bỏ chạy…chiều ngày 30-4-1975 đã làm không ít người trong phe “thua cuộc” đến nay còn ghim gút hoặc căm giận. Nhưng không thể dùng điều này làm cái cớ xóa bỏ sự nghiệp âm nhạc quá lớn của anh từng đóng góp cho đất nước dân tộc, như một số bạn vào “còm” trong FB của chúng tôi để lên án anh Sơn.. Xin quý vị đừng học thói chính trị hóa mọi điều trong cuộc sống của cộng sản. Hãy trả văn nghệ về cho văn nghệ, trả âm nhạc lại cho trái tim con người, bởi cái gì ra cái đó …Nhân chuyến thăm Huế, nhớ lại 41 năm trước, tôi và nhà thơ Phạm Tiến Duật khi vào Huế đã được Trịnh Công Sơn cho tá túc tại nhà ông trên một căn hộ ở đường Nguyễn Trường Tộ gần nhà thờ Phủ Cam, nên xin in lại bài viết này về Trịnh Công Sơn:
Trần Mạnh Hảo (Danlambao) - Mười một năm qua, Trịnh Công Sơn đã đi vào cõi bất tử. Anh chọn ngày cá tháng tư- ngày nói dối toàn thế giới để ra đi. Hóa ra, tin anh đi khỏi cuộc đời này, về thực chất là một tin bịa đặt. Trịnh Công Sơn không bao giờ chết khi các ca khúc tuyệt vời của anh còn sống mãi với dân tộc.
Trịnh Công Sơn là bạn với cả nước. Hỏi có gia đình Việt nào không một lần mê mẩn vì các ca khúc “gây nghiện” của anh... Trong chừng mực ấy, kẻ viết bài này cũng là bạn của Trịnh.
Nhớ cuối năm 1992, ngồi uống café với Trịnh Công Sơn trước Hội Âm nhạc TP.HCM. Anh bảo: “Hảo có thơ gì mới đọc cho mình nghe với?” Hầu như lần nào gặp nhau, có cơ hội yên lặng là anh hỏi tôi có làm được bài thơ nào mới, đọc cho “moi” nghe chơi! Thơ phú lênh láng một hồi xong, Trịnh Công Sơn bảo: “Mình sắp in một tập nhạc có tựa đề: “Bên đời hiu quạnh”, đã xin được giấy phép, do Hội Âm nhạc thành phố đứng ra in, đây là tập nhạc đầu tiên của mình được phép ra trong chế độ mới ( CS) nên phải cẩn thận. Từng bản nhạc đã được “cơ quan chức năng” duyệt, kể cả lời tựa do bạn mình là Bửu Ý viết. Mình muốn Hảo viết cho mình mấy dòng in trân trọng nơi bìa bốn, đồng ý chứ?” Tôi hơi bất ngờ, bảo anh: “Anh Sơn này, theo Hảo, anh nên mời anh Nguyễn Quang Sáng hoặc anh Nguyễn Duy, hai bạn nhậu của anh viết cho có phải thú vị hơn không?” Anh Sơn bảo: “Sáng và Duy có viết về mình mấy bài in báo, nhưng dài quá, không thể trích mấy dòng nơi bìa bốn của tập nhạc được; vậy “moi” mới nhờ Hảo, cũng muốn có một kỷ niệm với Hảo cho vui…”. Tôi đồng ý!

Hai ngày sau tôi chưa kịp viết thì anh Trịnh Xuân Tịnh, người em trai thứ hai của anh Sơn tìm tôi giục, rằng: “Bìa một đã làm, anh Sơn bảo chờ mấy dòng của anh Hảo mới làm tiếp bìa bốn của tập nhạc…” Tôi ngồi viết ngẫu hứng mấy dòng sau đưa cho anh Tịnh:
“Nghệ thuật hi vọng của Trịnh Công Sơn là nghệ thuật băng qua tuyệt vọng, có đi qua lò bát quái của phần số, nhân tính mới còn cơ phát lộ. Trong lò lửa luyện ngục của anh, chúng ta được gặp cái mát lành của tuyết đầu mùa. Anh chỉ ra rằng băng tuyết cũng có thể dùng để sưởi ấm. Anh làm ta tin vào khả năng lặng im của loài quạ. Thực ra thiên chức của nghệ thuật là thức tỉnh nỗi cô đơn cùng tận của con người. Chính cô đơn là hình ảnh tư duy của chàng Hamlet. Chừng như sự chết và hư vô là hai tên gọi khác của nỗi cô đơn? Thức tỉnh nỗi cô đơn, nghệ thuật đồng thời cũng thức tỉnh cả cái chết và niềm hư vô. Âm nhạc của Sơn làm ta có cảm giác vừa rơi lên đỉnh vực nỗi cô đơn. Chỉ có thể đi hết cái tôi, chúng ta mới có cơ gặp cả loài người”- Trần Mạnh Hảo 10-1992 (Bìa bốn, tập nhạc BÊN ĐỜI HIU QUẠNH –TRỊNH CÔNG SƠN -Tình khúc -Nhân Bản 1973-Hội Âm Nhạc TP-Giấy phép xuất bản số 345 ngày 9 tháng 01 năm 1993- In và nộp lưu chiểu tháng 06 năm 1993).
Bằng thiên tài của mình, quả thực Trịnh Công Sơn đã đi hết nỗi cô đơn kiếp người, đi hết niềm hư vô và đi băng qua cái chết để đến với sự bất tử của anh trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới. Trịnh Công Sơn không chỉ là một hiện tượng âm nhạc hậu bán thế kỷ thứ XX của Việt Nam; anh còn là một hiện tượng văn hóa của dân tộc đau thương và bất hạnh vào bậc nhất của thế giới này. Tuồng như không phải anh cô độc ôm đàn hát lên nỗi niềm day dứt mê ly của mình mà chính là những vết thương của lịch sử đang cất tiếng hát, vết thương của nỗi cô đơn, vết thương của tình yêu, vết thương của bất hạnh và hạnh phúc, vết thương của vô thường, vô ngã, vô vi, vô ưu, vô vọng, vô biên, vô lượng… cùng cất tiếng hát.
Trịnh Công Sơn, chính anh mới là cây đàn của mẹ Việt Nam. Mẹ Việt Nam đã ôm anh vào lòng như bức tranh người đàn ông ôm cây Tây Ban Cầm của Pablo Picasso để hát lên tình yêu và nỗi buồn vô tận của kiếp người. Hay nỗi buồn mượn anh mà hát lên những giai điệu có thể làm “đá ngây ngô” cũng ứa nước mắt? Hay cỏ cây, mây trời, núi sông, ruộng đồng… đã mượn anh mà hát lên nỗi niềm vạn thưở của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…?
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn không chỉ là ma thuật giai điệu hài hòa với phần lời rất thi ca sâu thẳm mà còn là thiền học, triết học cất lời, rót vào tâm hồn người cả nỗi ưu tư của đất trời, những thắc thỏm, u hoài trần thế, những băn khoăn, day dứt, sầu thương, hoài vọng, hoài nghi, hụt hẫng, ngơ ngác nhân sinh. Tôi cho rằng một số nhạc sĩ chê phần nhạc của Trịnh Công Sơn là đều đều, đơn điệu… là vô căn cứ nếu không phải là do đố kị tài năng. Nhạc Trịnh bỏ lời đi, vẫn vô cùng quyến rũ, vẫn làm mê mẩn hàng triệu người. Phần lời của nhạc Trịnh quả tình siêu việt, là thi ca được hát lên. Bằng chứng là rất nhiều bài hát Trịnh Công Sơn được hòa tấu không lời vẫn cứ tuyệt vời, làm thổn thức hàng triệu triệu trái tim người nghe.
Đánh tên Trịnh Công Sơn lên công cụ tìm kiếm Google, sẽ thấy rất nhiều bài báo vu cho Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, là tên văn công hạng bét, là phản bội Việt Nam cộng hòa, nơi đã sản sinh ra thiên tài Trịnh… Ngay cả một người bạn thân của anh Sơn là họa sĩ T.C. cũng cho Trịnh có ý đồ chính trị…Không, Trịnh Công Sơn trước hết là một con người phi chính trị, một văn nghệ sĩ thuần túy.
Âm nhạc của anh vượt lên mọi đối kháng chính trị trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Nếu Trịnh từng là Việt Cộng nằm vùng, không đời nào năm Mậu Thân 1968, anh lại viết bài hát “Tôi đã thấy”: “Chiều đi lên Bãi Dâu hát trên những xác người…” than khóc cho hàng nghìn người bị quân đỏ tàn sát? Nếu Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, không bao giờ anh viết về cuộc chiến Việt Nam là: “hai mươi năm nội chiến từng ngày”? Nếu Trịnh là Việt Cộng, không bao giờ anh dám viết bài hát (Requiem - Kinh cầu hồn) “Cho một người nằm xuống” là đại tá Lưu Kim Cương bị quân đỏ bắn chết năm Mậu Thân 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất? Nếu Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, sau năm 1975, sinh viên Huế sao lại dám mang nhạc anh ra đấu tố, anh phải đi lao động cải tạo trồng sắn trên núi; và quan trọng hơn là nhạc của anh mấy năm liền vẫn bị cấm hát? Anh phải bỏ Huế vào Sài Gòn sống với mẹ và các em.
Sau năm 1975, tôi có dịp sinh hoạt chi bộ với nhà văn Nguyễn Quang Sáng lúc anh Sáng bắt đầu cặp kè với Trịnh Công Sơn như bóng với hình. Chi bộ hỏi anh Sáng về chuyện đó, anh Sáng khai: “Thành ủy và anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) chỉ thị cho tôi bám sát Trịnh Công Sơn để lôi kéo anh ta về phía cách mạng. Trên bảo: nhạc sĩ này là thành phần đáng ngờ, có thể anh ta từng làm việc cho CIA, cần phải theo dõi anh ta trong mọi nơi mọi lúc”. Có thể vì chưa hiểu được nhiệm vụ cách mạng này của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà nhà văn Đặng Tiến (bên Pháp) mới viết rất không đúng rằng: “Nguyễn Quang Sáng và Nguyễn Duy điếu đóm cho Trịnh Công Sơn” chăng? Có thể vài bài hát của Trịnh Công Sơn như: “Huyền thoại mẹ”,” Em ở nông trường em ra biên giới”, “Ngọn lửa Matxcơva”… anh làm trong lúc bị “phê” rượu Tây với sự tranh thủ hết sức thân tình của Nguyễn Quang Sáng chăng?
Nếu anh Sơn là Việt Cộng, anh đã để cho nhà nước tổ chức đám tang mình ở Hội văn nghệ hay tại nhà tang lễ Lê Qúy Đôn giành cho những cán bộ công khai và cán bộ ngầm có công với hai cuộc kháng chiến. Anh Sơn trối lại cho các em là tang lễ anh sẽ chỉ tổ chức tại nhà mình 37D Phạm Ngọc Thạch mà thôi! Nếu anh Sơn là Việt Cộng nằm vùng, ít nhất anh đã được giải thưởng quốc gia về văn học nghệ thuật?
Trịnh Công Sơn không phải người của quân đỏ hay quân xanh. Anh là con của mẹ Việt Nam, đến đất mưa bom bão đạn này để hát lên niềm hi vọng về nỗi tuyệt vọng con người, hát lên tình yêu bi thảm kiếp người, hát lên nỗi buồn mang mang thiên cổ nhân sinh của một gã du tử đến từ khu vườn các thiên sứ.
Chừng như từ khi sinh ra Trịnh Công Sơn đã bị thần thi ca, thần âm nhạc Apollon cướp mất cả hồn xác, biến anh thành âm nhạc, thành thi ca thuần túy. Bao nhiêu người đàn bà đẹp mê anh, yêu anh chừng như đã không giành được thân xác anh và linh hồn anh mãi mãi? Tình yêu anh đã hiến tế cho âm nhạc, thi ca, cho triết học, thiền học, không còn chỗ cho phái đẹp cư trú.
Những người đàn bà ghé qua âm nhạc anh trú ngụ ít ngày rồi cũng “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Nói cho cùng, tình yêu của Trịnh Công Sơn dành cho các người đẹp là một tình yêu thiên sứ. Mà thiên sứ thì chỉ yêu bằng tâm hồn thôi! Còn thể xác anh đã tận hiến cho đất trời, cho cát bụi, cho Phật, cho Chúa… cho âm nhạc của mình muôn thưở trường tồn cùng dân tộc Việt Nam. Mười một năm trước, Trịnh Công Sơn đã mang nguyên vẹn niềm trinh nguyên thiên sứ của mình về với cát bụi để mãi mãi thủy chung cùng cõi hư vô, thủy chung cùng thần Apollon mà bất tử với cây đàn Lia vĩnh cửu trên Niết Bàn ẩn cư trong trái tim mỗi người Việt yêu nhạc Trịnh...
Sài Gòn ngày 30-03-2012

-----------
KHÍ TIẾT CỦA NGƯỜI QUÂN TỬ
NHƯ HOA MAI NGẠO NGHỄ
NỞ TRONG GIÓ TUYẾT
Hoa mai là loài hoa nằm trong Tứ Quân tử đại diện cho những phẩm chất, khí tiết hơn người của bậc đại trượng phu. Bạch mai (hoa mai trắng) là biểu tượng của sự thuần khiết, thanh cao, vươn mình lên khoe sắc giữa nghịch cảnh nhưng lại không quá phô trương. Đất trời hẳn là hữu ý, nên mỗi nhành cây, nụ hoa đều có nhắn gửi đạo lý cho con người. Chỉ đợi người nán lại, nhìn mà cảm nhận để rồi vỡ òa trong sự giác ngộ mà thôi.
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”
(Mười năm chu du tìm gươm báu
Một đời chỉ cúi lạy hoa mai)
Hai câu thơ bất hủ về hoa mai này được cho là của Tri phủ Hán Dương, Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tử Giản, nhưng cũng lại được người đời gán cho là của Chu Thần Cao Bá Quát. Bởi nó quá phù hợp với hình ảnh người quân tử khí phách, cốt cách thanh cao của ông.
Không rõ nguồn gốc thật sự của những câu thơ này là từ đâu, thế nhưng nó đã trở thành một “tuyên ngôn” kính ngưỡng đối với triết lý nhân sinh mà Thiên Địa đã gửi gắm vào trong loài hoa khiêm nhường này
Khai nở đầu xuân khi tiết trời còn lạnh, tuyết chưa ngừng rơi và băng giá trên mặt đất vẫn còn chưa tan. Tuy thân mình gầy guộc đen đúa, cánh hoa mỏng manh, nhỏ bé, nhưng trắng muốt tinh khôi, hương thơm thì vô cùng dịu dàng thanh khiết hàm chứa sự kiêu dũng của người quân tử.
Vượt qua mọi gió sương băng hàn của mùa đông khắc nghiệt, vẫn kết nụ, đơm hoa, chồi lên từ tuyết lạnh, khi các loài hoa khác còn đang co ro và trụ lại cho tới khi những bông hoa cuối cùng của mùa xuân đã lụi tàn.
Vừa có cả sắc cả hương, lại có sức sống mãnh liệt, dáng vẻ thanh tao, tinh khiết, mai được phong là bách hoa khôi, đứng đầu trăm hoa, ví như thanh niên ưu tú, tuấn tài. Mai cũng lại thuộc bộ Tứ Quân tử (lan, cúc, trúc, mai) đại diện cho những phẩm chất của người quân tử: lan thanh khiết, trúc chính trực, cúc khiêm nhường và mai kiên cường, cao quý.
Cành mai có những nét uốn lượn, đâm xổ đến bất ngờ. Vừa cương nghị đâm ngang, xổ dọc mạnh mẽ, vừa uốn cong dịu dàng. Người xưa thích chơi mai trong chiếc chậu nhỏ như loại cây thế cũng là bởi đường nét làm “đã mắt” người thưởng thức.
Nó bất ngờ đâm ngoạc, vút lên đơn độc giữ không trung và nở một nụ hoa trinh bạch. Lúc lại đi sang trái rồi quặt lại sang phải hay buông lơi nghiêng ngả một góc trời và để lại sự bất ngờ thích thú đầy cảm xúc cho người ngắm bằng một chùm hoa mãn khai chen lẫn nụ hàm tiếu e ấp.
Trước những cao nhân mặc khách, hoa mai không chỉ là một biểu tượng tuyệt đẹp của khí chất quân tử, mà còn là người bạn tâm giao, là bậc thầy gửi gắm triết lý nhân sinh cho bậc tu hành ngộ đạo.
Hiền sỹ Lâm Hòa Tĩnh đời nhà Tống xem mai là vợ, hạc là con. Nhà nho Lee Hwang, hiệu Thụy Khê thời Joseon khi trút hơi thở cuối cùng, đã nói: “Hãy tưới nước cho nhành mai!”.
Thiền sư Mãn Giác đời thứ 8 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông lại dùng hoa mai để nói lên đạo lý mà mình ngộ được từ tầng thứ của mình trước khi viên tịch.
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Nhà thơ Ngô Tất Tố có dịch lại bài “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư như sau:
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai.
Vũ trụ vốn có quy luật bất biến của mình, thiên nhiên hay con người luôn phải tuân theo mà chẳng thể thay đổi. Quy luật với thiên nhiên là “Xuân qua trăm hoa rụng/Xuân tới trăm hoa cười”. Quy luật với con người là “Trước mắt việc đi mãi/Trên đầu già đến rồi”. Thế nhưng vẫn có những điều huyền diệu, thần kỳ xảy ra.
Vì Pháp lý của vũ trụ có vô số tầng thứ, tầng trên có thể siêu xuất tầng dưới. Con người có thể vượt qua được sự chi phối của quy luật sinh tử bằng cách tu luyện, rũ bỏ dục vọng, nhân tâm, để trong sạch hơn mà thăng thượng lên các tầng thứ cao hơn. Thế nên..
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước, một nhành mai”.
Hoa mai không chỉ quá đẹp trong áng thơ, văn cổ, nó còn là một biểu tượng của sự kiên cường đến từ sức mạnh nội tâm và lòng dũng cảm dám nói lên sự thật, tìm lại chính nghĩa trong chính thời đại ngày nay.

(St)


No comments:

Post a Comment

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...