Friday, August 21, 2020

Trần Thị Triều Dương

 Cám ơn bác sĩ Nguyễn Duy Long đã nhắc đến chị Trần Thị Triều Dương, gợi lại một thời sinh hoạt văn nghệ áo trắng sôi nổi và trong sáng ở thị xã Quảng Ngãi chúng ta những năm đầu thập niên 1970 với các bút nhóm Thi Hoài Vũ, Áo Trắng...

---------------------------------------------
Thơ đất Cẩm Thành (5): Đoản khúc tình yêu
Nhà thơ Trần Thị Triều Dương (1952 – 1979), tên thật Trần Thị Kỳ, nguyên quán Thừa Thiên, sinh tại thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Học Văn khoa Sài Gòn (1972), Sư phạm Qui Nhơn (1973) và là tổng thư ký Bút nhóm Thi Hoài vũ(1), Thi Văn đoàn Âu Cơ Quảng Ngãi (1971), thư ký Ban Báo chí Hội Ái hữu Sinh viên Học sinh Quảng Ngãi tại Sài Gòn (1972 – 1973).

Những năm trung học, đã có thơ đăng các báo địa phương và ra mắt tập thơ “Vết mực tím”(2). Hai chữ ”Triều Dương”(3) trong bút danh phải chăng là hướng về phía mặt trời, biểu tượng của sự bừng sáng, khởi đầu của sự sống, có thể thanh lọc phiền muộn và sưởi ấm không gian hoang lạnh. Ai cũng nghĩ vậy nhưng dường như nó lại không vận vào đời người còn trang thơ lại chen ngang một kiếp người tàn phai, nằng nặng tiếng nhạc trầm buồn, chênh chao phong vị sầu mộng và tròng trành trôi về miền vô định.

Nhà thơ suy tư khác với tâm hồn non trẻ, trong veo thuở đôi mươi: “Sự trở mặt nằm trong sự đổi thay đó là vết bầm của đời sống...” (Cho bạn bè và người yêu).

Trong phong khí tự do và phóng khoáng của thời đại, trái tim đa sầu không ngần ngại hé mở giấc mơ thầm lén. Tiếng thơ như lạc điệu giữa khung trời tuổi biết buồn, của giọt mực tím bằng lăng, của cuộc sống tươi non đang độ xuân thì.
Khu vườn tình ái thơ mộng nhưng sao người thơ chỉ gặp gỡ khổ lụy và hoài nghi. Tình duyên bồng bềnh, đến rồi đi, tụ hội chẳng được bao ngày:

”Tình si một chút hương thầm
Bầy chim én đến đổi mùa thênh thang
Hồng môi tà áo lụa vàng
Lụa vàng tình cũng theo nàng thiên thu”
(Từng nấc thang cuộc đời – Bài 6).

Và gợi lại hình ảnh một thiếu nữ xuân sắc và kiêu sa không tìm được cánh cửa dẫn vào xứ sở yêu thương:

”Cũng bởi ta ưa lênh đênh nên nhiều cuộc tình cúi mặt
Và đếm đốt tay buồn nghe chua xót lần đi”
(Trần tình).

Ấy là vì bầu trời tình yêu huyền hoặc không còn trinh nguyên nữa, lạnh lòng và quạnh quẽ, không hẳn khinh bạc mà đành gắng gượng:

”Ta treo sợi nhớ trên nguồn
Buổi chiều đi xuống nhện buồn sa mau
Nắng hong tình đổi thay màu
Ừ thôi cũng thế trước sau một lần”
(Đốt tình).

Ấy là vì tâm trạng của tuổi trẻ bơ vơ và tê tái:

”Một lần ta do dự trước thềm đời hanh nắng
Ta đưa tay lên che mát mặt mình
Cũng bởi ta cần sự cô đơn với từng đêm hiu hắt
Nên ngày tháng qua vài tuyệt vọng xuống đời”
(Trần tình).

Đầu này ngấn lệ, không thể nào buông bắt tình yêu như ân sủng của cuộc đời:

”Vàng lên tình đã mong manh
Ngày về ngày cũng long lanh giọt buồn
Hai tay thả nhẹ tình buông
Nghe mưa đổ xuống về nguồn đất xưa”
(Từng nấc thang cuộc đời – Bài 5).

Đầu kia đong đưa với cuộc đời đa sự, không mấy kẻ tri âm, không mấy người tri kỷ, đành buông xuôi đón nhận chút hương thừa và chìm vào sự lãng quên:

”Hai tay xin mối tình thừa
Đứng lên đón đợi mùa mưa ân tình (...)
Võ vàng nhân thế chơi vơi
Phân vân số phận ngàn đời lãng quên)
(Cho một lần lãng quên).

Và thảng hoặc lắng đọng chút bóng dáng hao gầy lẽo đẽo giữa bụi bặm đường trần quẩn quanh, mòn mỏi:

”Rồi tâm hồn em, rồi ý nghĩ của em
Đừng bao giờ đón nhận những phiền hà, xấu xa trong cuộc sống này
Em ơi! Cho em tình thương ngọt ngào
Xin làm thân đợt sóng xóa tẩy những ưu phiền của năm tháng sẽ hằn lên tâm hồn của em”
(Nhắn gửi).

Lời bộc bạch như là một xác tín hắt lên kiếp phận trầm luân:

”Ta cúi đầu đi vào trong giấc ngủ
Muốn hóa sanh vào loài thảo mộc vu vơ (...)
Gió vẫn trôi trong hồn cơn bão tố
Ta chứng nhân nên ân hận ngàn đời”
(Còn ngôn từ nào).

Tiếng thơ thật đẹp, thật buồn và đầy nhạc cảm đến nao lòng:

”Sầu đong còn đọng bên trời
Lá vàng hiu hắt chơi vơi hình hài”
(Từng nấc thang cuộc đời – Bài 9).

Nhưng nào ai tiên cảm được điều gì đợi chờ ở bến bờ khúc khuỷu phía trước. Có linh giác nào ám gợi âu lo vô hình về ”cung đàn bạc mệnh” khép lại dòng đời khi chưa đầy ba mươi tuổi:

”Ừ thôi một kiếp heo may
Người về người cũng theo ngày thênh thang
Xác thân rữa mục bàng hoàng
Từ trong nắm đất võ vàng tình si”
(Từng nấc thang cuộc đời, bài 1).

Không dừng ở đó, nhà thơ tiếp tục chạnh nghĩ về giấc mơ đời hư ảo, thao thức về sự chật hẹp của kiếp người, thắc thỏm về cái vô nghĩa của kiếp nhân sinh và viết lời định mệnh dành cho chính mình:

”Hai tay xuôi cũng thế rồi
Một mai nắm cát cũng trôi một đời”
(Bài ca hôm nay).

Đời người ngắn ngủi và Trần Thị Triều Dương đã kịp in bóng năm bảy đóa hoa ghi dấu ấn trong sinh hoạt tinh thần xứ Quảng, khu vườn thơ ca nói chung và văn chương nữ lưu nói riêng, xác lập một nhan sắc không lẫn giữa hồn thơ học trò thuở ấy. Với nhà thơ, hạnh phúc nào hơn khi thơ là chốn quay về là nơi trú ẩn, để mà rung cảm tin yêu và đợi chờ.
8.2020
---------------------------

(1) Bút nhóm Thi Hoài vũ. Ban điều hành. Trưởng nhóm: Hoài Thi. Phó trưởng nhóm: Vương Hoài Thương, Thụy Vũ. Tổng thư ký: Trần Thị Triều Dương. Trưởng ban nội vụ: Vũ Hàn Phương, Trưởng ban ngoại vụ: Huyền Huyễn Thạch. Với sự góp mặt của: Ngô Từ Thạch, Hoàng Trầm Tích Thạch, Hoàng Dzạ Lữ, Cà Cuống, Lam Điền Duy Bích, Áo Lụa, Trần Thị Cổ Tích, Lãng Du Tử, Phạm Linh Oanh, Ty Thỏ Đế, Dzã Trạch, Phạm Ngọc Sao Biển, Trần Thị Triều Dương, Song Lệ Thuỳ, Lê Minh, Vũ Hàn Phương, Nguyễn Đa Sự, Nhật Linh Trang, Hoài Ngọc Thu, Thu Thu Huyền Linh, Ngọc Linh. Với sự giúp đỡ của Hà Nguyên Thạch, Phan Nhự Thức, Đinh Hoàng Sa.

(2) Tập thơ in chung với Phạm Ngọc Sao Biển. Bút nhóm Thi Hoài vũ. Quảng Ngãi. 1971 (?).

(3) Trần Thị Cổ Tích, em gái của nhà thơ cho biết “Triều Dương” có nghĩa là nước biển dâng cao, thủy triều lên. ( Ý của nhà thơ TTTD)
Hình trang bìa và bìa trong "Vết mực tím" (Tư liệu của nhà thơ Trần Thị Cổ Tích).

No comments:

Post a Comment

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...