Monday, October 19, 2020

Thục Uyên 3

 Soi bóng cội nguồn (4 bài) - 

SOI BÓNG CỘI NGUỒN

Tôi về soi bóng cội nguồn
Thấy trưa mẹ hát điệu buồn ca dao
Khóm tre kẽo kẹt bờ ao
Thấy em khoe áo dạt dào nắng xuân

Hàng cau ngõ trước bâng khuâng
Hoa trang rụng khắp đường trăng em về
Hương rơm rạ ủ đê mê
Nghe như tiếng bước ai về với nhau

Nhớ cha tấm áo bạc màu
Bàn chân chai sạn sậm màu áo cơm
Buổi chiều mẹ nhóm lửa rơm
Mắt mẹ hong khói hoàng hôn nhạt màu

Quê hương ơi mối tình đầu
Tiếng mẹ tha thiết ví dầu ầu ơ
Con còn lưu lạc bơ vơ
Mẹ ngồi ru võng con. chờ trăm năm.
 

(Bài 2)

Tôi về soi bóng cội nguồn
Bốn ngàn năm vẫn điệu buồn ca dao
Nắng vàng đổ xuống lao xao
Em khoe môi thắm xuân nào bước qua
Thùy dương vờn mộng sóng xa
Đôi chim ríu rít la đà vườn trưa
Lời uyên ương mấy cho vừa
Mới bình minh chớm, đã lưa thưa chiều
Bóng cò bên ruộng liêu xiêu
Thương con lặn lội hắt hiu phận mình
Thân gầy phơi gió mông mênh
Buốt mùa đông trải bóng hình xác xơ
Cánh diều bạt gió ngây thơ
Bay đi cho thỏa ước mơ vào đời
Thả trong con gió viễn khơi
Mốt mai xoải cánh về trời quê hương
Về đi ngậm hạt lúa thơm
Về đi ngủ dưới rạ rơm quê mình
Cơn mộng đời vẫn điêu linh
Nhớ đêm trăng sáng môi xinh em cười

 Bài 3

Tôi về soi bóng cội nguồn
Mẹ bên hiên vắng, tay luồn chỉ khâu
Vá con tấm áo dãi dầu
Vá lưng áo bạc, vá màu quê hương
Chiều rơi tha thiết bên nương
Chim kêu xao xác ai thương nhớ nhà
Khói ơi khói tỏa xa xa
Mắt ai ươn ướt phôi pha nỗi chiều
Chiều buông một tiếng đìu hiu
Cha ngâm khe khẽ đoạn Kiều dở dang
Buồn sao buồn quá hồng nhan
Gánh sao cho hết đa đoan phận người
Oa oa tiếng khóc chào đời
Đã nghe tiếng mẹ ru ời nỗi đau
Đứa lên núi, đứa biển sâu
Mẹ ơi con mẹ xa nhau thật rồi
Bờ cát trắng dấu lỡ bồi
Bóng mẹ hiu hắt bên đời mẹ đi
Từng chiều lặng lẽ tà huy
Mênh mông sa mạc bước thì thầm xa

 Bài 4

Tôi về soi bóng cội nguồn
Hiu hiu ký ức vẫn luôn tìm về
Chim chiều chấp chới triền đê
Đông se sắt gợi bếp quê lửa hồng
Mạ non trải mượt cánh đồng
Mẹ lom khom cấy lưng ròng mồ hôi
Nhọc nhằn đổi bát cơm sôi
Lầm than mơ cuộc sống rồi ấm no
Sóng xa dằng dặc con đò
Đẩy đưa như tiếng ai hò trong mơ
Tóc chiều buông xõa ngây thơ
Gió nào xao đọng khép hờ lối xưa
Tường vi rũ bóng lưa thưa
Cánh rơi tan tác trong mưa lặng thầm
Tàn phai man mác tri âm
Mưa nghiêng theo giọt lăn trầm gọi tên
Chuông chùa bằn bặt mông mênh
Ngồi yên dưới bóng thật êm bồ đề
Tịnh an trong cuộc bộn bề
Giấc mơ gầy guộc trở về quê xưa.

 CÕI VỀ

Đêm, tiếng sấm động, chớp bể mưa nguồn, theo đó là những cơn mưa tầm tã!

Mưa lăn tròn trịa xuống đời, tiếng mưa đêm bằn bặt, mông mênh xa vắng, mưa vật vã, mưa ân cần, mưa rã rượi một mảnh tinh cầu.

Có tiếng kêu chiêm chiếp thảng thốt, chắc hẳn con chim non nào đó vừa mất mẹ, mất đi hơi ấm, mất đi đôi cánh vững chải chở che hoặc đã mất đi người bạn đời yêu thương nên tiếng kêu mới thê thiết bi ai đến vậy!

Tiếng chim yếu dần rồi im bặt trong thinh không, mưa vẫn còn vần vũ

Đêm, nương theo tiếng mưa và những cơn mơ lãng đãng, thật an nhiên để tâm thức trọn vẹn trở về. Về đâu, quê hương chăng? hay quê hương chỉ là một quán trọ, một đốm lửa nhen nhúm thoáng qua trong một chớp mắt bể dâu.

Về cội nguồn chăng, cội nguồn bao xa, chắc hẳn là xa lắm, mà cuộc lang thang của một linh hồn nhỏ nhoi, vất vưỡng, vô định đi hoài đi mãi vẫn chưa tìm thấy lối về. Linh hồn đó nương theo màu xanh của lá, màu cỏ uá của đêm, màu đen của bóng tối, màu ảm đạm của vầng mây xám nặng trĩu, chực đổ xuống nhân gian hồ nước long lanh lệ, linh hồn đó vẫn còn lăn mãi...

Ngày trôi theo chiếc bóng lăn
Tôi trôi theo vết băn khoăn phận người
Hỏi thăm nhật nguyệt đầy vơi
Sơn cùng thủy tận biết nơi nao về
Gió trầm luân vẫn mãi mê
Phù vân tan hợp thổi thê thiết ngày
Hạc bay tít tắp chân mây
Phù hoa ở lại mảng lay lắt buồn

Vâng, cánh hạc đã vút về miền hư ảo để lại mảnh linh hồn và những mảng phù hoa thật trơ trọi.

 

Về Đồi Phương Bối 

Từ lâu tôi đã rất yêu tên Phương Bối, một cái tên rất Đông Phương, rất thanh thoát, thật yêu kiều và cũng lạ như một loài hoa quí hiếm mặc dầu chưa bao giờ tìm hiểu ý nghĩa của nó!

Và một đồi thông mang tên Phương Bối càng thêm thơ mộng và trở nên huyền thoại hơn trong tôi!

Gia đình tôi có duyên tri ngộ với gia đình chú Nguyễn đức Sơn, thời cuộc đưa đẩy chúng tôi về ở cùng một thị xã với nhau. Không bao giờ tôi quên được hình ảnh chú Sơn Núi lái chiếc xe đạp mini vô ngõ nhà tôi, lúc nào tới chú cũng mang một chút quà gì đó.. một bịch sim rừng, một bịch ổi chín lịm, vài thứ trái cây nông sản... Chú chọn trong bịch một trái chín nhất đưa cho tôi nói Th. ăn trái này đi, càng nhỏ càng ngon, đừng chê trái nhỏ nghe.

Hình bóng chú còm cõi, khuôn mặt khắc khổ với chiếc mũ bê rê đi về ngược xuôi trên đồi núi Đại Lào trở thành một sự thân thuộc không thể thiếu. Nhớ lại thấy thương chú thật nhiều, gánh nặng cơm áo đè nặng trên đôi vai thư sinh yếu ớt, cộng với hoài bão tạo dựng vùng đất khô cằn trở thành rừng thông mênh mông đại ngàn. Một mơ ước thật ngoài tầm tay! Tuy vậy chú vẫn kiên định trồng thông xuống, nhịn ăn để mua thông, một số người xấu lại nhổ lên để hủy hoại và muốn lấn chiếm đất đai. Chú và một vài người bạn thân thiết trong đó có gia đình tôi đã phụ giúp chú để bảo vệ rừng thông và đã xảy ra không ít lần đổ máu. Tôi nhớ có một lần chú nhắn gấp hai anh em trai trong nhà tôi xuống giúp, đó là anh Toản, và Tuyên em út. Không biết cuộc hỗn chiến xảy ra thế nào, hai anh em Toản, Tuyên về nhà áo quần tơi tả, Tuyên ôm mặt sưng vù, đã bị bọn họ đánh gãy một cái răng. Hôm sau chú với chiếc mini cọc cạch ghé nhà tôi, giọng chú sang sảng không chút gì là buồn rầu chú ôm vai cậu Tuyên nói " Tuyên ,Toản rất ngon!" chú khen.

Vâng máu thật sự đã đổ xuống, bao nhiêu công sức, của cải, mồ hôi, sự lao động nhọc nhằn đã đổ xuống để rừng Phương Bối hôm nay trở nên xanh dày ngăn ngắt.

Ai ai cũng biết thi sĩ NĐS với những vần thơ khốc liệt đầy cá tính, lẫm liệt, sắc bén như gươm dao, kiêu ngạo như núi, nhưng ấn chứa trong sâu thẳm vẫn là nỗi cô đơn và sự yếu đuối vô hạn...

Nhưng có thi sĩ nào mà không cô đơn nhỉ? Hãy đọc truyện ngắn Ý Tưởng Chiều Tà của ông mới thấy hết sự lãng mạn yếm thế, và cả sự mệt mỏi của ông trong hành trình làm người. Bước đi trên con đường đầy chông gai ông đã chọn, bàn chân nào, tâm hồn nào mà không bị bỏng rát cào xướt rướm máu!

Lần cuối cùng tôi gặp lại chú thím năm 2015. Rừng thông sau mấy mới mươi năm xa cách nay tôi trở lại, đã cao vút kiêu hãnh ngước nhìn mây bay. Thật là màu nhiệm ! Như một giấc mơ, ngủ dậy sau một đêm đã thấy điều kỳ diệu!

Chú đã yếu, đi đứng phải chống gậy, thím Phượng đã già hơn xưa nhưng vẫn giữ được nét quí phái, một nét đẹp ta khó tìm thấy trên núi đồi hoang vu này! Phương Bối đã thành thiếu nữ cũng đã lập gia đình, khuôn mặt còn non trẻ nhưng rất chững chạc sâu sắc!

Tôi nhớ chú chào tôi "Ồ cô nàng đã trở về" tôi đáp, dạ cháu đã về!

Sao lại không về, phải không chú?

Không phải về bằng thân xác mà luôn về trong tâm thức, trong hoài niệm, luôn về với quê hương mỗi phút mỗi giây và mãi mãi.

Xin chú hãy ngủ thật yên dưới bóng mây quê hương, dưới đồi thông ngàn đời êm đềm, lao xao vỗ về những giấc mơ chưa trọn vẹn! Hãy chờ mỗi lúc trăng lên để xôn xao đêm nguyệt động, hãy nằm dưới những chòm tinh tú lấp lánh, soi sáng những vần thơ âm u nhất bi tráng nhất trong cõi nhân sinh này!

Nằm xuống, nằm xuống và yên nghĩ chú nhé!

No comments:

Post a Comment

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...