Monday, December 7, 2020

Văn 7

 

Vạt áo nâu loang loáng ánh trăng tưởng như đang muốn lao xao múa hát. Trăng và áo đồng lõa, lay động những ngón tay đang đặt lên nhau. Hương từ bụi dạ lý bên cửa sổ cũng nhập cuộc, cùng “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Tất cả chợt quyện vào nhau: Hành giả, trăng, hương dạ lý, vỗ đôi cánh nâu, nhịp nhàng theo một cung bực.

          Cung bực gì? Ở đâu vọng tới vậy?

          Gạn hỏi làm chi! Còi tầu đã giục! Bay lên đi! Theo âm thanh đó.

          Đây rồi. Người thiếu nữ tên Countess Giulietta Guicciardi đứng bên hồ Lucerne, lặng thinh và mờ ảo như sương. Nàng đứng im. Chỉ có những giọt dương cầm thánh thót rơi quanh. Những giọt dương cầm từ trái tim thiên tài âm nhạc thế kỷ thứ 18.

Beethoven đã phá vỡ những quy luật cổ điển về thể loại Sonata, khi ông không dành những cảm xúc sâu thẳm ở phần đầu, mà lại cuốn hút người nghe vào biển sóng dồn dập của nhịp điệu đô-thăng-thứ ở những trường canh cuối, nghiền nát bao đau thương tột cùng chảy tan thành lệ; rồi từng giọt, từng giọt rỏ xuống nhân gian, tạo thành những tiết tấu bất hủ trong “Moonlight Sonata 14” mà đến nay, đã hơn 200 năm, có ai dám tự nhận  bước qua?!

 

À, thì ra tương ngộ là đây. Thiền trăng 14 và Moonlight Sonata 14.

          Nếu gọi đầy đủ, thì tên của tác phẩm vượt thời gian, không gian này phải được xướng lên là “Moonlight Sonata No.14 Quasi Una Fantasia”. Tiếng Ý, Quasi Una Fantasia là Almost A Fantasy, là Hầu Như Ảo Vọng. Có lẽ cái tên không nhất thiết phải dài đến thế, nếu thời đó các nhạc sỹ có thể đặt “tựa” cho mỗi bản nhạc như bây giờ. Ở thế kỷ mà nền âm nhạc cổ điển được trân quý như âm thanh của chốn cung đình thì tên tác phẩm thường đặt theo thể loại (Sonata, Etude, Prelude, Symphony …) và số thứ tự; đôi khi, thêm vài nét đặc thù theo cảm xúc của tác giả khi sáng tác. Đó là trường hợp Moonlight Sonata No.14 có thêm ba chữ Quasi Una Fantasia.

          Thiên tài thường đi trước thời gian, những kẻ đồng thời mấy ai nhận biết! Nên khi Countess Giulietta Guicciardi nghe được, hiểu được, chia xẻ được giòng nhạc lạ lùng này thì Beethoven sửng sốt, cảm động, bàng hoàng, tưởng như chỉ là ảo vọng.

          Nhưng nàng có thật.

Nàng đứng đó, nghiêng đầu, uống từng giọt lệ rơi xuống từ mỗi cung bực. Những trường canh nhẹ như tơ lướt theo cánh buồm căng gió. Trăng nhấp nhô, vỡ vụn trên mặt hồ khi âm thanh chuyển dần vào bóng tối của những nhánh cây khô chĩa ra từ ven bờ. 

          Khổ đau đã có mặt. Sự thật đầu tiên trong Tứ Diệu Đế tất nhiên có mặt, vì trong mỗi phút giây của sự sống đều có lực đẩy của sự chết, trong gần gũi đã có chia xa, trong tôi, em sẽ biến mất!

Nhận ra điều đó chính là sự thật thứ hai, là nguyên nhân của khổ đau.

          Cánh buồm chao đảo, quằn quại sức gió. Âm thanh chuyển tiếp ngất ngây những tiếng nấc hoan lạc khi trăng ẩn vào mây, nơi ấy đã sẵn sự thật thứ ba. Đó là sự chấm dứt khổ đau.

          Tới đây, tuyệt chiêu của ma lực âm thanh vỡ ra, rách bung cánh buồm không người, đang lững lờ trôi dần vào hải đảo tự thân. Cuối cùng chỉ là trở về bản thể bằng sự thật thứ tư, là con đường đi tới sự chấm dứt khổ đau.

 

          Cùng với Tứ Diệu Đế, những nốt cuối của Moonlight Sonata No.14 lặng lẽ rụng rơi, trả bàn phím trở về thân gỗ mục.

          Như Beethoven và Countess bàng hoàng lạc nhau.

          Như trăng 14 ngủ yên trong mây nên trăng khuyết.

          Như dạ lý quên đánh thức gió nên hương chẳng bay xa.

          Tất cả đều phải trở về sự lắng trong, thinh lặng và Cô Đơn Tuyệt Đối.

          Đó là bi thương cùng cực, mà cũng là hạnh phúc vô bờ của kiếp nhân sinh và vạn hữu. 

Hành giả đã vào Định.

          Khung cửa rất hẹp, chỉ vừa lọt đủ một chữ KHÔNG. 

   THIỀN TRĂNG 
Diệu Trân

          Hành giả lặng lẽ quán sát thân, tâm, cảnh trí trước khi nhẹ nhàng ngồi xuống tọa cụ trong thế kiết già. Bộ áo lụa nâu, mềm và rộng sẽ giúp thân thoải mái. Tâm đã lắng như bể nước mưa, phiền não tuy còn đâu đó nhưng chắc mờ nhạt lắm, tựa bụi bặm tận sâu đáy bể. Căn phòng nhỏ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ, không giường lớn nệm cao, chỉ có tọa cụ trên tấm thảm nhỏ và chiếc bàn con để dăm cuốn sách với ly nước lạnh. Lòng bàn tay phải đặt lên tay trái, hai đầu ngón cái chạm nhau như giao ước cho một thời thiền tĩnh lặng, hành giả lắc vai qua phải, qua trái, phía trước, phía sau, kiểm soát thế ngồi cho thoải mái, xong, khép hờ đôi mắt mới thấy thêm vị khách sẽ theo hành giả cùng vào thiền. Đó là ánh trăng mười bốn len qua song cửa, mềm, nhẹ và thơm ngát hương đêm rằm.

          Đêm nay hành giả sẽ quán công án KHÔNG. Chỉ Không thôi, không gì nữa. Có trăng hay không trăng cũng nằm trong Không, có ta hay không ta cũng nằm trong Không, tọa thiền hay không tọa thiền cũng nằm trong Không. Phải hợp nhất vào Không vì rốt ráo, vì tận cùng, vì sâu thẳm, cái chúng sanh miệt mài đi tìm là cái Thường Hằng, cái Sẵn Có, cái Đã Là, Đang Là, Sẽ Là, cái Chưa Từng Đến, Chưa Từng Đi …… gọi cái đó tên gì tùy người tìm kiếm. Cái đó, tự bản thể trong suốt, không biệt phân hý luận mà giải tỏa trùng trùng hý luận, không mầu sắc mà rực rỡ lưu ly, không hương vị mà bát ngát mạn-đà-la mười phương ba cõi. Cái đó là Phật Tánh. Cánh cửa mở ra để thấy được Phật Tánh là Không. Tâm phải được nung đỏ như hòn sắt, chảy ra, hòa vào, hợp nhất với Không tới mức “không cả nghĩ tới Không” mới mong nhận thấy cái vi diệu ta vẫn thường hằng có. Cái đó vẫn ở đó, cùng ta, ngay cả phút giây người đi tìm chợt thấy, nó cũng vẫn Thường Là, chẳng hề biến diệt, đổi thay, thêm bớt. Chỉ có người đi tìm, khi bất chợt thấy được thì sửng sốt, kinh ngạc, nhìn nó như nhìn Thiên Sứ, như nhìn đóa hoa chưa từng thấy, như nghe giòng nhạc chưa từng nghe. Phút giây đó, hốt nhiên vạn hữu chuyển mình, muôn người, muôn loài phủ choàng mầu áo mới, thanh sắc mới, hương vị mới, rực rỡ như chưa từng bao giờ rực rỡ thế. Tất cả, chỉ vì người tìm kiếm bước qua được cửa Không, thấy Chính Mình, thấy cái “Thiên Thượng Thiên Hạ Vô Ngã Độc Tôn”.

          Đơn giản tột cùng mà khổ nhọc vô song !

          Chẳng thế mà hành giả vẫn thường thất bại, cả những lần hòn-sắt-tâm đã nung được tới cực đỏ mà lơ là một niệm khởi lên, nó lập tức nguội lạnh trong tiếng khóc tức tưởi của người thất bại !

          Trăng mười bốn mềm và mát như tơ tằm. Hành giả ơi, sao người khổ lụy thế ! Hãy để tâm an nhiên, hãy để nó hát khi muốn hát, khóc khi muốn khóc, dạo khi muốn dạo …… vì hành giả đã từng thấy nó rồi, đã từng biết Vọng cũng là Chân thì ngại chi vọng khởi. Hãy để mặc cái vọng tâm dong chơi vì qua sự quán chiếu của hành giả, vọng tâm tất tìm thấy chân tâm. Đó là sát na khi vọng tâm bước qua cửa Không và nó sẽ đột nhiên bừng sáng ! Vậy hãy mặc nó.

          Đêm nay, hành giả hãy cùng Trăng tọa thiền, hãy lặng thinh, êm ả, hãy như giòng suối trong, hãy như bờ cát trắng, hãy như giải mây bay lãng đãng, như làn gió xôn xao giữa nội cỏ hoa ngàn ….. Hành giả đang mỉm cười rồi, Trăng biết, hành giả đang cùng Trăng nghe được giòng nhạc đêm, không phải từ cung trời Đao Lợi đâu, từ ngay cõi ta-bà của hành giả đấy:

“Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi
Ngàn năm vang một nỗi đờ
 Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương
 Đan sa rã mộng phi thường
 Đào tiên trụi lá bên đường tử sinh
Đồng hoang mục tử chung tình
Đăm chiêu dư ảnh nóc đình hạc khô”.

          Những mỹ từ được bọn vô minh dụng ý xử dụng để “mị” người chỉ là “ngàn năm vang một nỗi đời” thôi, có hơn gì “đào tiên trụi lá”. Hành giả đừng vội thất vọng vì bên cuộc lữ đó, có những hạt ngọc phủ trong áo tơi:

 “Đồng hoang mục tử chung tình
 Đăm chiêu dư ảnh nóc đình hạc khô”

          Tình người ở nơi gần gũi nhất, lặng thinh nhất, tầm thường nhất, như khi hành giả khổ nhọc quán Không mà Không ở ngay nơi “không gì cả”!

          Ly nước lạnh của hành giả còn nguyên trên bàn đây, hãy nhấp một hớp rồi ta thiền tiếp. Bây giờ thì hành giả nghe thấy trước Trăng rồi, tiếng vĩ cầm quyện vào sáo trúc đó:

 “ … Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh
 Ngoài hư không có dấu chim bay
Từ tiếng gọi mầu đen đất khổ
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời?
Ta gọi kiến, ngập ngừng mây bạc
Đường ta đi, non nước bồi hồi
 Bóc quá khứ, thiên thần kinh ngạc
 Cắn vô biên trái mộng vỡ đôi …”

          A, chính hành giả cũng đang kinh ngạc như thiên thần ư ? kinh ngạc vì sự tàn phá thâm hiểm của vô minh, tàn phá từ lòng đất ! đất nuôi người mà đất nhiễm độc hại thì người không phải chỉ bị hủy diệt một đời mà là nhiều đời ! Hãy nhìn chính sách ngu dân và nghèo đói quanh hành giả mà xem, có phải là vô tình mà dân ngu dân đói đâu ! Khi kẻ cầm quyền dùng bụng (bao tử) để kiểm soát đầu (trí tuệ) thì không còn bao nhiêu cái đầu có thể làm chủ cái bụng, vì khi bụng lên tiếng khóc, đầu sẽ đầu hàng! Khi đời cha bị hủy diệt trí tuệ thì đời con, đời cháu còn chi !

          Chúng ta đi xa thiền quá rồi ư ? Không đâu, Trăng nghĩ là ta vẫn đang trong thiền đấy chứ. Tác giả bài thơ mơ màng viết “Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh ?” vậy mà bất ngờ có câu trả lời “Ngoài hư không có dấu chim bay”. Câu trả lời đầy thiền vị, khác chi giai thoại có người đến hỏi thiền sư “Thế nào là đạo?” Thiền sư trả lời: “Gạo ở Lô Lăng giá bao nhiêu?” Hành giả tu thiền thì đã biết rõ dụng ý câu trả lời này rồi, vì nếu thiền sư giảng giải đạo là gì thì người hỏi sẽ lập tức bị cái lưới hý luận ngôn từ phủ chụp xuống, còn biết đâu đường ra để mà quán chiếu; câu trả lời không dính nhập tới câu hỏi mới giúp người đó chặt đứt dòng suy tư mà có thể đón nhận lời chỉ dạy một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Như có vị học giả mang đầy bụng kiến thức tới tham vấn thiền sư chỉ vì tò mò, thiền sư rót nước mời khách, nước tràn ly rồi mà vẫn rót, rót mãi … tới lúc khách không chịu nổi, phải nhắc khẽ : “Thưa ngài, nước đã tràn”, thiền sư mới nhẹ nhàng bảo: “Vâng, tôi biết, cũng như ông, ông đến đây với đầy ắp kiến thức, tôi còn gì để nói nữa?!”.

          Trăng đoán rằng tác giả những câu thơ này vừa ngồi thiền vừa làm thơ. Nếu người ấy không là một thi sỹ thiền sư thì cũng là một thiền giả mang tâm từ bi, cùng khổ với dân khổ, cùng đói với dân đói, nhưng, vượt trên bờ sinh tử, người ấy giữ vững trí tuệ sáng ngời để dẫn dắt chúng sanh:

“ … Non nước ấy trầm ngâm từ độ
 Lửa rừng khuya yêu xác lá khô
 Ta đi tìm trái tim đã vỡ
Đói thời gian, ta gặm hư vô”

          À, hành giả đã cảm thấy được an ủi rồi phải không ? Trong tuyệt vọng chẳng phải tận cùng tuyệt vọng đâu mà còn có lửa rừng yêu lá khô, có hư vô che chở.

          Ly nước của hành giả cạn rồi, có cần rót thêm không ? Hành giả lại biết đùa rồi đấy, đòi uống ánh trăng khuya ! Vâng, xin mời, uống trăng rồi, theo với Trăng, hành giả đã thấp thoáng thấy thêm:

 “ … Đàn cò đứng gập ghềnh không ngủ
 Ngóng chân trời con mắt u linh
Chân trời sụp, ngàn cây bóng rủ
Cổng luân hồi mở rộng bình minh”

          Trời hỡi, hành giả là Phật tử mà thấy “cổng luân hồi mở rộng” hẳn là đau đớn biết bao cho cõi-người đó ! Nhưng khoan, đừng vội bi thương vì:

 “Chờ dứt cơn mưa ta vô rừng
 Bồi hồi nghe khói lạnh rưng rưng
 Ngàn lau quét nắng lùa lên tóc
Ảo ảnh vô thường, một thoáng chưng !”

 Một thoáng chưng. Đêm đã tàn rồi ư?

          Hành giả thở mạnh một hơi, dài thật dài. Mở mắt. Trăng không còn nữa, mà là tia nắng sớm. Ly nước trên bàn vẫn đầy như tấm lòng chưa vơi. Phải, hành giả vẫn tự biết lòng này chưa vơi nên dẫu cố gắng vẫn chẳng thể vượt cửa Không bằng tâm của người-ngoại-cuộc. Cuộc đây là cuộc lữ của cả một dân tộc đang vùng vẫy trong lưới vô minh. Đêm nay, có ngờ đâu, với Trăng, hành giả đã vừa bước qua cánh cửa vô hình đó, không bằng công án mà bằng những câu thơ:

 “Ta lên bờ, nắng vỗ bờ róc rách
 Gió ở đâu, mà sông núi thì thầm?
Kìa bóng cỏ nghiêng mình che hạt cát
Ráng chiều xa, ai thấy mộ sương dầm?”

          Hay như:

 “Khói ơi, bay thấp xuống đi
 Cho ta nắm lại chút gì thanh xuân
Ta đi trong cõi Vĩnh Hằng
Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa”

          Bất cứ khi thơ khóc, thơ đau, thơ nhục, ngay cả khi thơ tự khai là thơ chết mà người đọc, người nghe vẫn nhận ra cả một trời bất tử với ngân nga chuông Bát Nhã, với thấp thoáng bóng Bồ Tát từ bi, với rượi mát từng hạt mưa Cam Lộ.

          Đó là gì? Có phải trong mỗi chúng sanh đều sẵn ngôi nhà Phật. Đó là nơi an toàn đầu tiên và cuối cùng cho chúng ta. Tìm ra được nơi an toàn đó, chúng ta sẽ không bao giờ còn sợ hãi trước bất cứ sức mạnh nào bên ngoài.

          Tạ ơn Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, tác giả những giòng thơ rực lửa-bản-thể đã đốt đuốc cho chúng ta thấy đường tìm về nhà Phật. 
 

Diệu Trân
Tháng7, 2005
 Mùa An Cư Kiết Hạ

                            

                      LÒNG SÔNG CẠN

                                          Huệ Trân                                          

 

          Tình cờ, lật một trang sách, bắt gặp hai câu thơ của thi sỹ Seamus Heaney, người đoạt giải Nobel văn chương năm 1995:

          “The riverbed, dried up, half full of leaves,

          Us, listening to a river in the trees”

          Không biết hai câu này trích từ một bài thơ nào của ông, hay đây là bài thơ ngắn đã thừa sức trải dài tới mốc điểm giá trị văn học cao quý, được thế giới công nhận?

“Nửa lòng sông cạn, lá rơi đầy,
 Ta nghe sông chảy xiết trong cây”    

          Ngay khi đọc hai câu thơ nguyên bản bằng Anh-ngữ thì lạ thay, không suy nghĩ gì mà trong tôi bỗng bật ra hai câu phỏng dịch Việt-ngữ, tưởng như những giòng chữ này đã nằm sẵn trong tàng thức tự bao giờ!

          Và cũng lạ thay, tôi chợt nhìn thấy tôi là lòng sông cạn, là đám lá khô; đồng thời, cũng là con sông thầm lặng chảy trong cây cao, trong lá chết.

          Nên tôi xúc động vô cùng trong buổi sáng ngày đại lễ của xứ sở tôi đang dung thân. Ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ.

          Tôi cứ tưởng hôm nay sẽ náo nhiệt, ồn ào lắm nên đã thu xếp để chỉ ngồi yên trong Cốc Thảnh Thơi.

          Nhưng bên ngoài có vẻ im lắng. Tôi mở rộng cửa sổ. Nắng vàng ùa vào, tràn ngập căn phòng nhỏ. Trên kệ thờ, chân dung Đức Phật A Di Đà sáng rực hào quang. Từ ánh quang minh đó, tôi lại mơ hồ “Ta nghe sông chảy xiết trong cây”.

          Có ai cùng đi với tôi tới Lòng Sông Cạn của thi sỹ Seamus Heaney không?

          Chúng ta không cần nói gì cả. Chỉ im lặng đi bên nhau thôi, vì còn được đi bên nhau đã là quá hạnh phúc, trong khi ngoài đời-thường kia, người ta ruồng bỏ nhau, né tránh nhau, hành hạ nhau.

          Chúng ta im lặng đi bên nhau để tới nơi mà chúng ta cùng muốn tới. Trong ý niệm đó, chúng ta đang nói với nhau ngàn lời.

          Nói gì ư?

          Nói bằng tiếng chim đang ríu rít trên những vòm lá xanh. Âm thanh mang thông điệp của sự hiện hữu cộng đồng mà ta thường nghe bằng tâm hời hợt, nay, bạn có cảm nhận gì khác không?

          A`, bạn nhận ra những rung động mới mẻ, kỳ diệu là tiếng chim không Ở NGOÀI bạn, mà đang Ở TRONG bạn vì bạn đang nghe âm thanh đó bằng TÁNH NGHE chứ không bằng nhĩ căn. Nghe bằng tánh nghe, nhìn bằng tánh thấy sẽ thực chứng cho ta những phép lạ nhiệm mầu mà khi tâm ta tất bật, ta từng chẳng nhận ra.

          Phép lạ đó là: “Trong giây phút hiện tại này đây tôi đang thở nhẹ nhàng. Tôi biết tôi đang hít vào, thở ra. Bàn chân tôi đang chạm mặt đất. Tôi đang nghe tiếng chim hót. Tôi đang thấy bầu trời xanh. Tôi đang có tôi. Tôi đang sống. Hôm nay tôi trẻ hay ngày mai tôi già, mỗi phút giây hãy nhận biết sự hiện hữu của tôi, chính là nhận diện sự bất sinh bất diệt, sự chuyển hóa hài hòa trong vạn hữu. Cái này ra đi để cái kia tiếp nối thì Đi hay Ở đồng một nghĩa mà thôi”

  Bước đi bằng phép-lạ-bình-thường, thì con đường tưởng là thiên lý sẽ lập tức đến ngay điểm muốn tới.

  Lòng Sông Cạn của thi sỹ Seamus Heaney đây rồi.


  “Nửa lòng sông cạn, lá rơi đầy
 Ta nghe sông chảy xiết trong cây”

          Không có gì huyền bí, khó hiểu nữa. Sông nay đã cạn, với những con mắt vô tình, chỉ thấy lá khô phủ đầy lòng đất. Nhưng con sông vẫn biết nó là sông. Nó chỉ chuyển hóa nên tự thân, nó vẫn nghe được mạch nước thầm lặng chảy trong cây, trong lá, trong cả tia nắng lẫn hạt sương. Như áng mây chiều nay không còn nữa, nhưng ai thấy được áng mây ấy trong cơn mưa chiều mai, người ấy chắc đã từng được nghe lời Phật dạy về lý-duyên-sinh vô thỉ vô chung, để tin nhận rằng chúng sanh chính là tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta nhiều đời nhiều kiếp.

Thì phút giây Seamus Heaney đứng trước lòng sông cạn, phủ ngập lá khô rơi mà nghe được con sông vẫn tuôn chảy trong cây, hẳn là phút giây ấy, Seamus Heaney đã thấy giòng tiếp nối của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.


 Thấy được như thế là thấy chính mình.
 Nhưng phút giây này hiện hữu bao lâu?
Ta thấy ta được bao lâu, để rồi lại đánh mất ta vào giòng đời vô thường?

          Thôi thì, bạn ơi, dẫu chỉ phút giây chạm tới vĩnh hằng cũng đủ ân sủng nghe được tiếng sáo của Đức Thế Tôn khi Ngài dùng nghệ thuật âm thanh để cảm hóa những công tử giòng dõi quyền thế đang tham đắm trong hạnh phúc giả tạo.

          Cũng tiếng sáo này, ngày xưa, thái tử Tất Đạt Đa chỉ dành tặng công nương Da Du Đà La mỗi khi nàng ân cần đốt một lư trầm hương nhỏ, mang ra vườn ngự uyển.

          Nay, tiếng sáo ấy cất lên cho chúng sanh, vì chúng sanh, dù ở không gian nào, thời gian nào, tiếng sáo vẫn phảng phất hương trầm tri kỷ vì tự thân người nâng sáo trúc đã gặp được bản tâm.

   Nhìn dấu vết cây ngọc-lan trên nền sân rêu cũ.
  Vẫn ngào ngạt hương của trăm hoa.
 Dù cây ngọc-lan không còn đó.
 Cây ngọc-lan đã đi xa!

          Nên tôi không còn thổn thức khi thấy mình chỉ là lòng sông đã cạn.

          Và hoan hỷ nhận những lá chết phủ lên tôi.

                        

 

No comments:

Post a Comment

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...