Tuesday, December 22, 2020

Vũ Phan Long 8

 

TỪ VĂN ÁI

 "...
   Từ cái dấu chấm định mệnh của thời gian ấy, dấu chấm ở ngay khoảng giữa đôi mắt anh, tôi đã nhìn thấy dưới những nếp gấp bình dị của thơ anh, của con người anh, và có lẽ của cả đời sống anh nữa; dưới những tình cảm bình dị ấy, một bầu trời trầm mặc bao la của vĩnh cửu. Nhà thơ vẫn yêu loài người dù sống giữa hận thù và gian dối; vẫn yêu mặt đất dù sống trong sự đày đọa của áo cơm. Tình yêu và khác vọng vĩnh cửu, tâm tình muôn thuở của thơ là thế."
 Đề tựa "Nhã thi" - 1975
TỪ VĂN ÁI

 

ĐĂNG ĐẠO

Đọc DƯỚI BÓNG NGẬM NGÙI của Vũ Phan Long


  Tôi vừa nhận được tập thơ Dưới Bóng Ngậm Ngùi mới xuất bản của thi sỹ Vũ Phan Long gởi tặng.
   Tôi vô cùng trân trọng và xin chân thành cảm ơn tác giả.
   Dưới Bóng Ngậm Ngùi là tập thơ thứ nhì của Vũ Phan Long. Tập thơ thứ nhất - tập Đìu Hiu - là những bước ngập ngừng của một người mới dấn bước trên đường thơ muôn dặm. Tập thứ nhì - Dưới Bóng Ngậm Ngùi - là những bước đi đã vững của đôi chân đang hăng hái bước nhanh, hầu mong chóng đến nơi mình muốn đến.Tôi nói "hăng hái bước nhanh" là vì từ Đìu Hiu đến Dưới Bóng Ngậm Ngùi, họ Vũ đã cố gắng đi một quãng đường khá dài, và đã hái được nhiều kết quả tốt đẹp:
                DƯỚI BÓNG U MINH
           Cành rơi nắng vàng tắt thở
           Trần gian gò đống xanh xao
           Hư vô giật mình mắt mở
           Trong sương gà gáy quê nào
           
           Bàng hoàng sông ngưng tiếng hát
           Cô đơn xuôi một dòng sầu
           Đôi bờ cỏ thơm lạnh ngát
           Về đâu viễn xứ trăng thâu

           Tôi đứng bên cầu lá rũ
           Thân trần giọt máu sơ sinh
           Tay run níu hồn vãng sự
           Khóc cười rợn bóng u minh.
   Có thể nói đây là một bài tiêu biểu của toàn tập thơ. Nó đã cho chúng ta thấy tâm trạng và nghệ thuật của tác giả. Tác giả đương ở trong tình trạng "thấy núi không phải là núi, nước không phải là nước" của một người đi tìm Đạo cho Đời sống và cho Thơ. Lòng băn khoăn bồi hồi, nghi ngờ e ngại. Tâm trạng bất an bất định ấy còn là biểu hiệu trong nhiều bài thơ khác. Như bài sau đây là một:
             TĨNH DẠ
           Ngày trôi
           Hồng rụng
           Tím lá mù hoa
           Tro tàn ải lạnh
           Ngập ngừng sương sa
           Không gian lặng lẽ
           Dựng cõi vô thường
           Núi se tóc tuyết
           Đất dậy trùng dương
           Bóng mây xa triệng
           Phương trời cố hương
           Luân hồi chuông động
           Chim kêu đoạn trường
           Ơi ơi tĩnh dạ
           Nghi ngút sầu ca
           Đời tối đơm hoa
           Rạng đông nỗi chết
           Dòng sông chảy xiết
           Thân phận hình hài
           Gửi gắm tàn phai
           Ai nữa còn ai !
           Người đợi gì ai ?
           Trong trăng ngươi ngắm
           Trong gió ngươi cười
           Cô liêu hạt móc
           Ngươi nằm thảnh thơi.
   Tâm trạng của con người đi tìm chân lý ấy, phản ảnh vào trong thơ dưới trăm màu ngàn sắc và gây trong lòng người đọc một nỗi buồn khi thì dịu dàng khi thì ray rức, khi thì quạnh quẽ cô liêu, khi thì mơ màng bát ngát.
   Được thế là nhờ kỹ thuật của họ Vũ đã lên đến trình độ cao, đến trình độ đủ phục vụ hữu hiệu cho tư tưởng. Xem như hai bài trên, lời gọn nhưng êm và tiết điệu uyển chuyển theo trào lòng lên xuống. Ngòi bút phải luyện lắm mới có thể điều khiển thể lục ngôn và tứ ngôn, là hai thể thơ dễ đi đến chỗ bằng phẳng, nhất là thể thơ lục ngôn đã bị sa thải hàng bốn năm thế kỷ nay. Thế mà với Vũ Phan Long, thể lục ngôn được hồi sinh. Nó nói lên sự ngột ngạt của tâm hồn tác giả, và khiến cho chúng ta cũng cảm thấy ngột ngạt khi đọc bài Dưới Bóng U Minh. Còn thể tứ ngôn trong bài Tĩnh Dạ, tác giả đã hòa hợp thể tứ ngôn của Kinh Thi và tứ ngôn của Việt Nam một cách khéo léo. Bài thơ là một dòng suối chảy từ đầu non đến đồng lúa xanh. Từ câu đầu đến câu "Chim kêu đoạn trường" dòng suối chảy róc rách theo nhịp điệu ôn hòa của Kinh Thi. Một nỗi buồn dìu dịu trôi lững lờ theo dòng tư tưởng của tác giả. Nỗi buồn đương trôi xuôi thì chợt qua một khúc quanh có hơi gấp, sóng sầu liền phát sanh và dòng tư tưởng bị thúc đẩy phải chảy mạnh theo thể thơ Việt Nam:
           Ơi ơi tĩnh dạ
           Nghi ngút sầu ca
           Đời tối đơm hoa
           Rạng đông nỗi chết
           Dòng sông chảy xiết
           Thân phận hình hài
           Gửi gắm tàn phai...
   Qua khỏi khúc quanh, dòng tư tưởng giảm bớt tốc độ và theo điệu Kinh Thi từ từ chảy vào quãng xanh biếc mênh mông...
   Thể thơ tứ ngôn và lục ngôn là hai thể thơ xưa nhất của Trung Hoa và Việt Nam. Chúng thuộc về thể thơ cũ. Nhưng thời hậu chiến, cũng như thời tiền chiến, không một nhà thơ cũ nào có giai tác truyền tụng về hai thể này. Trái lại, trong các nhà Thơ mới trước kia và hiện nay, có nhiều bài tứ ngôn và lục ngôn thành công. Hai bài của Vũ Phan Long trên là bằng chứng.
   Một hôm bàn về thơ cũ, thơ mới, thi sĩ Quách Tấn nói:
   - Thơ mới chẳng những không làm chết thơ cũ mà còn làm sống lại nhiều cái mà các nhà thơ cũ cố ý hay sơ ý đã bỏ ngắt ngoải trong bao thế kỷ nay.
   Rõ là lời nói của người tri kiến.
   Ngoài thể tứ ngôn và lục ngôn, Vũ Phan Long rất sở trường về thể lục bát.
   Nói đúng ra, thể lục bát mới là thể chính trong tập Dưới Bóng Ngậm Ngùi. Vì thơ trong tập phần nhiều theo thể này và những bài thơ theo thể này lại có nhiều bài hay.
 CÒN AI ĐỐT LỬA BÊN ĐỜI
Nhìn chi dưới bóng tiêu điều
Mùa trôi tấm tức bên triều tháng năm
 Mù sương đất trích căm căm
Mưa ! mưa ! cố quận giọt tầm tã rơi
Còn ai đốt lửa bên đời
Cho tôi gửi gắm một lời cuối xa...
 NHÁNH GÃY
Gió xua bóng nắng về ngàn
Tổ chiều con nhện giăng tràn mối tơ
Run run nhánh gãy mơ hồ
Bước chân thiên cổ đáy mồ âm vang
v...v... Nhiều câu tuyệt diệu! nhiều hình ảnh tân kỳ!
   Những vần thơ như thế không phải dễ tìm thấy hằng ngày.
   Nếu đem so sánh với câu thơ trong tập Đìu Hiu:
           Cánh ong trên lá rập rình
           Môi em mật ngọt nụ tình nở hoa
mà thi sĩ Quách Tấn đã tán thưởng, thì những câu trong Dưới Bóng Ngậm Ngùi có hơn chứ không thua. Không thua về mặt kỹ thuật, có hơn về mặt phong phú tế nhị của nội dung.
   Cũng không kém hai bài trên về cách điệu cũng như về lý thú, bài:
     VUN NẤM MỒ XANH
           Ô kìa !
           Nắng tắt ngang sông
           Bờ thu gió nổi
           Mờ rung cây cành
           Nao nao sóng lá khuynh thành
           Dưới sương vun nấm mồ xanh
           Má hường.
   Tại sao tác giả không sắp đặt theo thể lục bát thông thường, mà lại ngắt câu xuống hàng như thế? Lập dị chăng? không phải. Toàn bài là một cây trúc, mà mỗi đoạn ngắt là một đốt bị cưa rời, ở trong lòng có một sợi dây vô hình xâu lại. Nắm sợi dây giơ lên thì là một cây trúc nguyên vẹn, nhưng nắm xem từng đốt thì mỗi đốt có một tư thế một công dụng riêng biệt. Ngắt ra như thế là tác giả dụng ý làm cho độc giả lưu tâm đến từng đoạn một, để rồi chắp đoạn lại cho dễ thấu suốt những ý nghĩa u ẩn trong toàn thiện, những ý nghĩa thường nằm ở hàng chữ, ở cạnh lời văn.
   Trong tập còn nhiều thể khác, còn nhiều cái hay cái khéo khác. Nhưng ở đây tôi chỉ nêu ra những đặc đỉểm nổi bật.
   Trong tập cũng có những khuyết điểm, mà bất kỳ tập thơ nào từ xưa đến nay vẫn không sao tránh được. Song bài này chỉ là một bài giới thiệu, hoặc chỉ là những lời nhận định khiêm tốn - chớ không phải là một bài phê bình, mong đưa ra những gì hay đẹp của tác phẩm để bạn đọc thưởng lãm.
   Mỗi thi nhân là một thế giới, mỗi tập thơ là một vườn hoa. Muốn biết rõ thế giới ấy, vườn hoa ấy, người đọc phải đi sâu vào, nhìn kỹ vào, chứ những lời giới thiệu đơn sơ hoặc một bài phê bình sâu sắc đi nữa cũng chỉ là "ngón tay trỏ mặt trăng" mà thôi.
 ĐĂNG ĐẠO
23 - 3 - 1972

 

CHÂU HẢI KỲ

 

Đọc thi phẩm Đìu Hiu của Vũ Phan Long
Dựng Đất, tập san Văn học nghệ thuật, số 2 tháng 2, 1970

 Một tác giả đã xuất bản 2 tập thơ, một ngày nọ tỏ thật với tôi:
   - Tôi biết Thơ là loại bán không chạy và thường bị thiên hạ rẻ rúng. Thái độ dửng dưng gần như vô tình mà tàn nhẫn ấy đôi khi làm cho tôi chán nản. Tôi mong mỏi sao cho tác phẩm được đọc đến, dù khen hay chê, cũng là điều sung sướng an ủi đối với tôi rồi.
   Lời tỏ bày thật chí tình, chứa chan một nỗi thiết tha chân thật.
   Con người tình cảm rất sợ cô đơn. Mà ở đời kẻ nào tình cảm rạt rào hơn thi nhân? Một thi phẩm in ra cốt để truyền thông tư tưởng giải tỏ một tấm lòng, phơi bày một nỗi niềm, ẩn ức, xúc động của con tim... lại nằm im lìm trong hàng sách trước dòng tháng năm hờ hững lặng lẽ trôi qua... khiến người viết thêm ê chề, tái tê và càng thấy mình thêm cô độc, quạnh hiu, lạc lõng.
   Cảm thông với nỗi lòng của bao kẻ "tri âm của vần điệu", lại vốn yêu thơ và cảm tình với những kẻ đã thay mình, trong vai trò chứng nhân thời đại, đem những xúc động rung cảm của tâm hồn mình trang trải lên mặt giấy, tôi đọc bất kỳ cuốn thơ nào tôi gặp.
   Do đó mà lần này tôi đọc thi phẩm "Đìu Hiu" của Vũ Phan Long. Đọc thi phẩm này vì một nguyên nhân: Một hôm sang thăm thi sĩ Quách Tấn, tác giả "Mộng Ngân Sơn" đọc cho tôi nghe hai câu thơ:
           Cánh ong trên lá rập rình
           Môi em mật ngọt nụ tình nở hoa
   Thật là đẹp, đẹp từ hình ảnh đến nhạc điệu phong phú, đẹp từ cảnh đến tình (những câu thơ đủ cả cảnh tình, xinh như một bức tranh và man mác một mối tình - hồn của cảnh - ai bảo là không tuyệt diệu?), mà ý thì lại rất hàm súc, nghe xong hồi lâu mà đầu óc tôi lâng lâng như còn ở trong cảnh mộng mơ ngây ngất...
   Rồi tác giả "Nước non Bình Định" giới thiệu:
   - Đấy là hai câu thơ trong thi tập "Đìu Hiu" sẽ xuất bản của một thanh niên Bình Định có nhiều triển vọng nối gót Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Lam Giang, Võ Phiến... góp phần trang điểm nước non Bình Định...
   Tôi để bụng, mong ngóng được thưởng thức thi phẩm kia. Và tôi mãn nguyện. Tác giả "Nước non Bình Định" vừa trao cho tôi một thi phẩm gởi tặng. Nghĩ rằng tác giả Vũ Phan Long cũng cùng một tâm trạng như nhà thơ tôi nói ở đầu bài, nghĩa là mong mỏi ý kiến, dù ca tụng hay chỉ trích của bạn đọc, nên tôi không ngần ngại viết lên một ít điều nhận xét sau đây gọi là tỏ mối "cảm tình" với người bạn trẻ chưa quen.
   Thưởng thức thơ, mỗi người quan niệm một khác. Riêng tôi, tôi chú ý trước tiên đến nhạc điệu. Cầm một bài thơ, tôi chưa tìm hiểu nội dung mà bắt đầu bằng thưởng thức cái âm điệu du dương của nó đã. Bài thơ có đem lại cho tôi cái vui thú hay sự hồi hộp buồn bã nào mà không cần phân tích không? Nó có tạo cho tôi những cảm xúc tươi mát, gợi cho tôi những kỷ niệm, ru tôi vào cái thế giới mông lung, u uẩn? Chính sau khi tâm hồn mãn nguyện vì cái âm điệu dạt dào của nó rồi, tôi mới đi vào phần ý thơ.
   Về phương diện này, nói về toàn thể, thi phẩm "Đìu Hiu" chưa gây được cái cảm giác đìu hiu cho người đọc, mà đúng ra nhà thơ phải lưu ý trước tiên. Âm điệu giúp cho việc diễn tả ý thơ, gây cái không khí "đìu hiu" trợ lực cho công việc làm nổi bật trọng tâm. Có lẽ, trong khi diễn tả những rung động của lòng mình, tác giả chỉ chú trọng về phần nội dung mà quên phần âm thanh tiết điệu cũng nên.
   Sang phần "cảnh" và "tình" nghĩa là phần nội dung, tôi muốn mượn lời của thi sĩ Lam Giang trong đoạn kết thúc bài tựa tập "Đìu Hiu" để nói lên nhận xét của mình: "Nguồn thơ của Vũ Phan Long như một dòng sông vừa mới khởi hành ở đoạn thượng lưu. Từ đó, băng qua nhiều núi non, cao nguyên để xuông trung châu, tiến về trùng dương, con đường còn xa vời, hướng tiến còn bâng khuâng, phụ lưu còn đợi chờ nhiều thủy thế hợp lưu...". Vì cách dụng ngữ còn phải cần nhiều thời gian trau luyện, cho nên cảnh và tình chưa được diễn tả khéo léo, làm cho ý thơ ở đây dù có dồi dào sâu sắc đến đâu cũng giảm mấy phần thi vị.
   Ngoài khiếm khuyết trên về khả năng kỹ thuật dụng từ - điều tất nhiên phải có của một nhà thơ trẻ - tôi muốn nói thêm một nhận xét: Tác giả là một thanh niên, lớn lên trong thảm cảnh đất nước đổ vỡ, không biết bao nhiêu là biến cố xảy ra dồn dập, vậy mà ảnh hưởng thời cuộc rất mong manh ở tâm hồn họ Vũ. Trong tác phẩm, người đọc không tìm thấy phản ảnh được chút khía cạnh tình cảm nào của mình để tỏ rằng tác giả ít ra cũng đã hòa đồng vào cái chung của dân tộc, chẳng hạn hoặc nói lên cái ý thức về nhiệm vụ hoặc giải tỏ một nỗi lòng, một ước vọng tha thiết trước những đổi thay đang diễn biến?... mà có thể nói, người đọc chỉ gặp đơn độc có mỗi "cá nhân người thơ" qua những dòng tư tưởng yếm thế của một thanh niên đang bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời!
   Phần trên, tôi nói đến khuyết điểm. Nhưng qua thi phẩm "Đìu Hiu", tác giả không phải không đạt được sự thành công. Lời tựa của thi sĩ Lam Giang và lời bạt của thi sĩ Quách Tấn đủ nói lên điều đó, phụ họa cũng là thừa. Huống chi một đời sáng tác chỉ cần viết nên được đôi bài thơ kiệt tác, cũng đủ làm cho nhà thơ nổi danh rồi. Thi sĩ Quách Tấn chẳng "rung đùi cười tích tác" vì những câu thơ hay trong "Đìu Hiu" đó sao! Và kết thúc bài này, tôi nhận rằng, về nghệ thuật, Vũ Phan Long cho chúng ta nhiều hứa hẹn và nếu Thơ là một phương diện của "cuộc sống" thì thi phẩm "Đìu Hiu" đã mang lại cho chúng ta - những người đọc - một dấu hiệu tốt đẹp.
 CHÂU HẢI KỲ

 

  Huỳnh Hữu Ký

  Quảng Ngãi, 11 / 5 / 1981

Anh Vũ Phan Long  - Thi sĩ của quê hương Bình Định kính mến.

Nhiều lần tôi định viết thư thăm Anh, nhưng cứ loay hoay tìm một loại giấy tốt không có. Hỏi mua các quán ở đây cũng hết. Tôi biết anh rất cẩn thận và kén về hình thức thẩm mỹ. Viết bằng loại giấy rơm này, thật tình mà nói, nếu tôi là người được nhận thư, chắc cũng không ưng ý lắm. Điều đó rất mong Anh thông cảm cho và xin Anh hãy đón nhận ở tôi một tấm lòng kính mến đối với Anh. Tôi mong rằng lá thư này đến với Anh vào buổi chiều và được anh đọc vào lúc tâm hồn sảng khoái nhất.

    Tôi chợt nhớ đến câu thơ Anh:

 "Đi xuống phố chợt nghe mình mất ví"

Khi tôi cùng một người bạn dạo phố Quảng Ngãi trong buổi chiều mùa hạ. Tôi bị trẻ nhỏ lấy mất chiếc ví, tôi không giận chúng, chỉ thấy buồn cười vì sự trùng hợp có lôgich vô cùng với câu thơ của Anh. Trong ví tôi không có giấy tờ gì quan trọng, chỉ có ít tiền lẻ; và bổng nhiên tôi nhớ đến Anh, đến thơ anh quá đỗi:

 "Xin thâm tạ những phút giờ ngẫu nhĩ

Vui ngẫu nhiên và giận rất tình cờ"

    Nghe tôi đọc mấy câu thơ của Anh, bạn tôi liền hỏi:

    - Thơ của ai vậy?

    Tôi hào hứng trả lời:

    - Thơ của một nhà thơ Bình Định đấy! Cậu thấy thế nào? Có hay không?

    - Hay lắm chứ!

    Bạn tôi vốn là người có tâm hồn dễ rung động với thi ca, anh ấy có những nhận xét thật đơn giản mà thấm thía:

    - Những thi sĩ sao họ có những cái nhìn rất là bao la. Cái nhìn thiên phú cho nên sự việc bình thường mà họ vẫn có những vần thơ làm người đọc phải xúc động mãnh liệt.

    Tôi cười xòa không nói. Lòng tôi rộn lên xôn xao một nỗi tự hào vô tận về Anh, về thơ Anh... Anh nói rất đúng Anh Long ạ! Một tác phẩm văn học tuyệt vời, nó sẽ vượt qua giới tuyến của quốc gia, vượt qua giới hạn của giai cấp đến với tất cả lòng người và sống mãi trong tâm hồn họ.

        Mai sau dù có bao giờ!

    Biết đâu những trăm năm sau người đời sẽ lục lại đống sách bảo tàng của thế kỷ 20 để nghiên cứu về một thời lịch sử nền văn học Việt Nam dưới lớp bụi thời gian phủ lên, người ta gạt đi và trân trọng đọc lại thi phẩm của họ Vũ... thấy hiện lên long lanh sáng chói trong trời thơ Việt Nam? Biết đâu họ sẽ ước mong Anh còn sống để giải thích cho họ hiểu vì sao thời 1970, 1971, 1972 gì đó quá xa cách với thế hệ họ sống mà Anh đã viết đúng với những suy tư của họ ở trong thế kỷ 21, 22 này. Còn gì sung sướng hơn chính tác phẩm của mình tạc lại chân dung mình để cho muôn dời sau chiêm ngưỡng hả Anh Long. Họ sẽ "Đốt lò hương ấy so tơ phím này" ... họ sẽ tìm đến Anh như tìm đến "Hớp nước đầu đời"...

    ... Đi dạo mát, bạn tôi còn tò mò hỏi nhiều về Anh lắm: Thi sĩ đó là ai? Tác phẩm nào của họ nổi tiếng nhất? Cậu có thể đọc và chép cho mình một số bài hay nhất của họ không?.v...v...

    Bỡi không có thời gian và khả năng để phân tích cho bạn hiểu, tôi chỉ mỉm cười làm thinh. Hơn nữa tôi chỉ có thể đọc cho bạn tôi nghe một vài bài chứ nào tôi có ý dám chép. Không phải tôi không có ý truyền bá thơ Anh, nhưng tôi ngại vì tôi chưa được sự đồng ý của tác giả. Tự nhiên tôi ao ước sao có một ngày nào đó, Anh sẽ cho ra mắt bạn đọc xa gần - trong đó có bạn tôi - những bài thơ mới, những tác phẩm mới...

    ... Anh Long, tôi nhớ có người đã nói: Ở đâu có cuộc sống là ở đấy có thơ. Lẽ nào cuộc sống quanh ta thật đẹp, thật hạnh phúc mà ta không có thơ sao? Có phải chăng điều băn khoăn về kế mưu sinh cho gia đình đã đóng cửa thơ Anh lại? Nếu đúng vậy thì tôi rất mừng, vì một ngày không xa cuộc sống của ta sẽ bớt chật vật, cánh thơ của Anh sẽ thoát khỏi căn phòng đóng kín, bay lượn trăm vòng trên Tổ quốc thân yêu... Thế mà lòng tôi vẫn cứ day dứt ngờ ngợ không biết cái lẽ đóng kín nguồn thơ của Anh có phải vì kế mưu sinh là lý do chính đáng chăng? hay là vì một cái gì sâu xa hơn nữa?... Hãy tin, hãy yêu Anh Long ạ! Độc lập - Tự do này vĩnh viễn của ta... dẫu hôm nay ta còn thiếu gạo và hoa...

    Tôi rất mừng khi nghe tin Anh được Ty Văn hóa Thông tin mời dạy ở Trường Âm nhạc chuyên nghiệp Trung cấp tỉnh Nghĩa Bình. Tôi lại nhớ đến hai câu thơ mà Anh đã đọc cho tôi nghe:

        "Nỗi sầu như tóc bạc

        Cắt mãi cứ dài ra."

    Không! Anh không phải "sầu", tôi biết Anh không như vậy, vì tóc anh còn rất xanh. Và cũng chẳng có chuyện "Kháng chiến lại thừa ta"...

    Mãi bàn về thơ, về Anh mà tôi quên mất tôi. Tôi là ai? Chắc anh đã hiểu rồi, và có ngạc nhiên? Nhưng tôi không ngại điều đó, vã lại nếu bức thư này không đến tay Anh thì tôi vẫn hiểu rõ rằng tình kính mến chân thành, những tâm hồn đồng điệu vẫn thường gặp nhau. Ừ nhỉ, xưa tôi nhìn Anh với đôi mắt công an, Anh nhìn tôi với đôi mắt ngỡ ngàng, thì hôm nay giữa chúng ta không còn sự ngăn cách đó nữa mà đã chứa chan tình người, tình quê. Tôi thích vô cùng bài "Hòa âm cố quận" ở trong tập thơ thứ năm của Anh.

        "Tôi yêu đời, hạt bụi cũng yêu luôn"

câu thơ thật dễ thương, thật đôn hậu mặn mà quá mức.

    Viết thư cho anh-tôi gọi bằng anh-vì tôi có thói quen dùng chữ "Anh" viết hoa để tôn người hơn tôi về tài năng, và lời thư cứ tâm tình lai láng mê si như viết cho tình nhân vậy. Không biết Anh có phật lòng? Xin Anh hãy thông cảm lòng tôi qua những ngôn từ non nớt vụng về của tôi nhé. Tôi đâu dám "múa rìu qua mắt thợ"!

        Xin cảm ơn Anh ngàn lần! Người thầy đã dạy cho tôi biết cách dùng ngôn từ vần điệu để diễn đạt tình cảm, tình yêu... Nếu người xưa đã có công đặt ra và truyền bá chữ Quốc ngữ để mở khai nền văn hóa văn minh cho dân tộc, thì Anh đối với tôi cũng đã vô cùng công phu khai mở cho tôi con đường vạn dặm đi vào cõi nghệ thuật thi ca...

    Trước kia, khi Anh mới chập chững bước vào thế giới thi ca, chắc Anh đã từng xem một vài nhà thơ tiền bối nào đó là bậc thầy, bậc thi bá, thì Anh cũng hãy coi tâm trạng của tôi đối với Anh y như thế.

    Nào tôi có dám ước mong sẽ có được danh vị nhà thơ của hôm nay và ngày mai đâu. Tôi chỉ mong sao tấm lòng yêu Tổ quốc,... yêu người của tôi được thể hiện trung thực qua vần điệu thi ca. Trên bước đường học hỏi trưởng thành ấy, tôi hoàn toàn tin cậy ở sự dìu dắt của Anh, của tài Anh mà tên tuổi đã gắng liền với ĐÌU HIU, DƯỚI BÓNG NGẬM NGÙI, với HÒA ÂM CỐ QUẬN, NGÀY VỀ DƯỚI MÁI NHÀ XƯA...

    Anh Long, có bao giờ Anh nghĩ đến:

        "Tóc rẽ thời gian đầu chớm bạc
        Mà trời thu cũ vẫn còn xanh"

Chắc là có - vì có hơn một lần anh đã tư lự điều đó qua bài "Cầm gương soi tóc":

        "Ném gương, xốc áo lên đường
        Ngẩn ngơ tóc bạc nghe dường tóc xanh..."

    Nhưng làm sao con người cưỡng lại được quy luật sinh diệt của vạn vật hả Anh? Tóc của Anh, của tôi sẽ bạc, nhưng dẫu có bạc trắng đi sau một đêm viết nên vần thơ bất diệt thì cũng không uổng cho một kiếp nhân sinh!...

    Tôi viết thư cho Anh trong một đêm mùa hạ "chưa nằm đã sáng" mà cứ ngỡ rằng đang sống trong nhịp thời gian dằn vặt ở "Giữa lòng thu vang". Tôi ở xa Anh 175 km Quy Nhơn - Quãng Ngãi mà như gần nhau gang tấc? à đúng rồi! Khi người ta thương mến nhau thì xa mấy cũng hóa gần.

    Anh là trời thơ mở rộng hồn tôi...

    Tôi còn muốn tâm sự mãi mãi với Anh nhưng giấy tàn mực cạn và đêm mùa hè gà đã gáy vang. Thôi tôi xin dừng bút để:

    Nằm nghe thơ Anh náo động tâm tình...

 Bạn yêu thơ

 Huỳnh Hữu Ký


 Nguyễn Mộng Giác

NGÀY ĐỨA CON HOANG TRỞ VỀ

   "Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận hờn đến gần đứt sự sống" (*)

   Hàn Mặc Tử đã nói như vậy về cuộc sống mình. Và tất cả cái mãnh liệt vạn đại, được truyền thẳng vào thơ, khiến mỗi chữ mỗi câu như còn dính não cân, máu huyết của người sáng tạo.
   Cho đến một trình độ nào đó, sự sống trọn vẹn đủ làm cho thơ lớn dậy. Từ ngữ trở thành ngục tù. Âm điệu trở thành phù phím. Chỉ còn có sự sống, chỉ còn có xúc cảm là quan trọng. Vì vậy không gì thú vị cho bằng tìm thấy qua thơ hình ảnh trọn vẹn của một cuộc đời.
   Không phải cuộc đời riêng của Vũ Phan Long. Thấp thoáng trong ba tập thơ được xuất bản của nhà thơ ấy, chúng ta bồi hồi thấy lại chính cuộc đời ta.
   Thủa mới lớn lên, ta thấy gì khác hơn ngoài cuộc đời xôn xao quanh đó. Tim ta hồi hộp, mắt ta bừng sáng tai nghe nhã nhạc mũi hít hương thơm. Cuộc đời là một hòa điệu giữa hy vọng và mơ ước. Sắc hồng, nắng mới, lộc non hoa nở. Vạn vật như thức dậy, tự mình cảm thấy xao động một cảm giác ngây ngất chưa bao giờ cảm thấy:
Cánh ong trên lá rập rình
 Môi em mật ngọt nụ tình nở hoa.
   Dĩ nhiên giữa những xúc động xôn xao ấy, cũng có những khoảng trống hư vô. Trong tập thơ đầu Đìu hiu, tâm hồn Vũ Phan Long không thiếu những nét buồn. Nhưng buồn bã, thất vọng cô độc chỉ là những ngưng nghỉ của một cuộc tình dài lần lượt tiếp nối. Lời thơ nhẹ như nỗi mơ ước mới lớn. Ý thơ bay bay, dù là niềm ngây ngất hay là nỗi đìu hiu.
   Bẵng đi ba năm, chúng ta thấy Vũ Phan Long không cho in tập thơ nào nữa. Chúng ta tưởng nhà thơ ấy chỉ là một người tình hờ. Cười lên một tiếng, rồi thôi, giấu biệt nỗi đau đớn làm của riêng. Nhưng chúng ta đã lầm. Khoảng giữa năm 1971, Vũ Phan Long cho ra đời một tập thơ khác: "Dưới Bóng Ngậm Ngùi". Ta tự nhủ: Có lẽ chỉ là dư âm của một nỗi đìu hiu thuở trước. Cô đơn càng lan xa, càng tỏa rộng thì càng đưa hồn người thơ vào hoài niệm tiếc nuối. Nhưng không. Ta đã lầm. Ý thơ chuyển. Điệu thơ khác. Cả từ ngữ cũng biến thể. Cái du dương của một thuở yêu đời không còn. Trong mỗi câu của Dưới Bóng Ngậm Ngùi ta tìm thấy những ác âm. Những Hán tự rải rác đây đó trong tập thơ giống như những chướng ngại vật trên con đường đời. Như viên sỏi nhọn trên lối trăng. Như chiếc gai độc sau nụ hồng. Như cay đắng còn lại ở đáy cốc rượu:
Lê thê gió nổi thu phần
Quê hương khuất bóng phong trần bước ai
 Về đâu hải giác thiên nhai
 Dấu chân Từ Thức u hoài xưa sau.
   Người suốt một đời mơ những nắng mới, hương thơm, lộc non, điệu nhẹ, có thể cảm giác thấy tiếc nuối khi vừa đọc xong Đìu Hiu rồi chuyển qua Dưới Bóng Ngậm Ngùi. Nhưng các ác âm ấy báo hiệu sự chuyển hướng trong tâm hồn họ Vũ, mà cũng là sự thay đổi trong chính hồn ta. Phải đến một lúc nào đó, đột nhiên soi mặt vào gương, ta thấy mắt ta buồn, trán ta nhăn, môi ta mím lại cam chịu ê chề. Phải có một ngày nào đó ta trải qua nỗi ngẩn ngơ của Vũ:
Cầm gương soi tóc ngậm ngùi
Tóc rằng tóc bạc đời vui tận đời
 Bốn bề réo gọi má môi
 Phất phơ nghìn gái lũng đồi bốc hương

 Ném gương xốc áo lên đường

Ngẩn ngơ tóc bạc nghe dường tóc xanh.
Rồi cuộc đời trước mắt ta. Thơ chỉ còn là nỗi thống thiết, lạnh lẽo. Ta sẽ chập chờn thấy già cỗi:
Đêm nay trăng lạnh chìm sau núi
Một bóng tre nghiêng mãi cuối trời.

Ta sẽ chập chờn thấy cái chết:
Một con ốc chết trên cồn vắng
Xác tuyết nghìn thu lạnh bể khơi.
   Ta sẽ thấy hư vô chờn vờn quanh đây, cùng khắp:
Một cành củi vang
Trăng tà vỡ máu
Thương lá muộn màng
Về đâu nương náu.
   Và ta nghĩ đến đoạn kết của tất cả phận người. Kinh nghiệm đến phút cuối, là kinh nghiệm của lão, của bệnh, của tử. Trăng lạnh, bóng tre nghiêng, chân trời cuối, cồn vắng vẻ, lạnh bể khơi... những báo trước giờ tàn của cuộc đời. Sau Dưới Bóng Ngậm Ngùi, có lẽ chỉ là hư vô.
   Nhưng một lần nữa, Vũ Phan Long làm chúng ta kinh ngạc. Nhà thơ ấy cho in tiếp thi phẩm thứ ba: Hòa Âm Cố Quận. Ta ngỡ ngàng thấy ở cuối chân trời, bên kia bể lạnh còn có một vũ trụ khác hoan lạc lạ lùng. Họ Vũ mượn lời của Herman Hesse tâm sự:
   "Tôi đã học qua thể xác và linh hồn tôi rằng: tôi cần phải phạm tội, cần phải đắm mê dục lạc, cần phải lao tâm nhọc trí kiếm tiền của, trải qua những cơn buồn nôn và xuống tận cùng hố thẳm tuyệt vọng, để mà học yêu thương cuộc đời, và không còn so sánh nó với một ảo tưởng nào về Toàn Thiện, mà trái lại để cuộc đời nguyên trạng là nó, yêu thương và vui thích được dự phần với nó".
   Ta lại gặp một "cuộc đời nguyên trạng" trong Hòa Âm Cố Quận cũng vẫn bấy nhiêu lầm lạc, nôn mửa, vỡ mộng, tội lỗi. Cũng vẫn bấy nhiêu ác âm trong lời thơ. Có lẽ lại còn nhiều ác âm khúc mắc hơn cả Dưới Bóng Ngậm Ngùi. Hán tự hết là những cô đọng cần thiết, đôi lúc hoàn toàn trở thành những chướng ngại:
Nguồn nước lục chan hòa cỏ biếc
Cành thanh xuân phát tiết tay hoa
Chiêm bao cánh én la đà
Bình minh trì ngự giữa tà huy phai.
 (Mùa xuân lễ hội)
   Nhưng có điều mâu thuẫn là các ác âm ấy không làm nổi bật sự thống thiết đau đớn như trước kia, mà lại tô đậm một niềm hoan lạc tràn đầy. Chính nhờ những đày đọa của cuộc đời mà họ Vũ thấy cuộc đời đáng sống:
Ôi đất trời lòng thâm tạ rưng rưng
Đất nhung biếc cho ngón mềm tơ biếc
Hương trái mật cho nụ hồn ngát mật

Trời bồng mây cho xiêm áo vờn mây
Giữa quê hương vĩnh phúc nước non nầy
Tay ta đấy em tựa đầu gối mộng
Cõi ngoài kia dẫu chập chùng gió sóng
Tổ tình yêu em yên ngủ linh hồn
Ta yêu đời, hạt bụi cũng yêu luôn!
  (Con đồi vĩnh phúc)
   Nhờ mặt đất lầy lội mà thấy được sự huyền nhiệm của vũ trụ. Có gì khác nhau giữa cái tung tăng của một hạt bụi với cái bập bềnh phiêu bạt của một đời người. Và nếu chịu khó lắng nghe, ta sẽ thấy cái cuộc đời xôn xao ríu rít quanh ta: hạt bụi hòa hài, lá cây hớn hở, chim kêu ríu rít, núi sông tự tại. Vũ trụ bao bọc mơn trớn đời ta, như một người mẹ hiền:
Nằm hôn mặt đất lệ dầm
 Nghe hồn vũ trụ hòa âm bên người.
   Lúc bấy giờ thế giới hiện ra dưới một hình thái khác. Như một Đạo sư đạt đạo, Vũ Phan Long nhìn mọi sự chan hòa hoan lạc. Những giọt rượu đời không còn nồng vị chua cay:
Những giọt rượu thanh bình mơ ước
Mùa hằng xuân non nước quê hương
Ngủ vùi dưới bóng tà dương
Máu me quên cả tư lường đớn đau.
(Chiếc ly thơm)
   Cả đến những giọt lệ cũng trở thành giọt vui:
               Giọt nước mắt im lìm bên mộ
               Đẹp vòng tay Đất Mẹ chu toàn
               Lệ sầu hòa lệ hân hoan
               Nồng tươi cõi thế rộn ràng tiếng kêu.
     (Giọt nước mắt)
   Ngay cả những chuyện tạp nhạp nhất trần gian cũng trở thành những nguồn hoan lạc. Trong khi ý thơ của họ Vũ vẫn là những hệ lụy ray rứt của cuộc đời! Trong khi lời hòa Hòa Âm Cố Quận vẫn đầy những ác âm khúc mắc! Thế mới lạ lùng.
   Vang bóng sau bao nhiêu ác âm gai góc hiểm trở của ý và lời, ta thấy chan hòa một niềm vui bất tuyệt. Niềm vui của đứa con hoang trở về cố quận. Tiếng chân ngựa lóc cóc trên đường đá, vào buổi xế bóng của một đời, tự nhiên có một nỗi náo nức riêng, còn sâu còn đầy, hơn cả niềm xôn xao mới lớn. Có lẽ nên tưởng tượng thêm: trên chiếc xe ngựa trở về cố quận, còn có một thiền sư lim dim đôi mắt, khe khẽ ngâm theo nhịp vó:
 Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
  Qui Nhơn, đêm 07 - 03 - 1973
        NGUYỄN MỘNG GIÁC

                     Thư gửi Vũ Phan Long
                                                                 10 - 9  1981
                        Anh Vũ Phan Long,
   Chiều nay, vừa đem tập thơ tuyển của anh ra định tìm ý viết bài bạt như đã hứa với anh hôm trước, thì gặp ngay bài thơ ngắn "Một chuyến đi" anh viết hôm 26 - 6 - 1981
       Thăm bạn hiền, bước lên xe mất ví
       Bên ghế ngồi, chợt thấy nữ sinh quen
       Thơ như suối quên đường xa trưa tối
       Vai dẫu gầy, đầu hãy tựa...thưa em !
   Một trong những ông bạn hiền được hân hạnh nhắc tới trong câu đầu, là tôi. Điều đó khỏi cần phải hỏi lại. Đối với anh, với tôi, điều đó tự nhiên. Nhưng anh Vũ Phan Long ơi, có bao giờ anh chịu khó suy nghĩ xa về trước, sâu bên trong, để tìm hiểu cái "tình bạn hiền" giữa chúng ta không? Anh khác tôi quá chừng! Hồi cùng dạy học ở Tây Sơn, anh thân với ba tôi nhiều hơn với tôi. Tuổi tác là một lý do. Quá khứ phân rẽ là một lý do khác. Nhưng còn những lý do quan trọng nữa mà vì tế nhị, có thể cả anh lẫn tôi đều không nói ra. Thời ấy tuổi trẻ nông nỗi, lòng đam mê văn chương đi với niềm tin vào những từ ngữ "lý tưởng", "chân lý", "công bằng", "nhân bản" v.v... khiến tôi cả tin vào những thứ dao to búa lớn đại loại như "sứ mệnh", "dấn thân" v.v..., cho nên đọc thơ anh, tôi cứ thấy xa cách, hờ hững. Tôi đã nghĩ anh như một nhà thiên văn mãi miết đi tìm một ngôi sao lạ giữa cảnh bát nháo của chợ đời, giữa cảnh vợ con nheo nhóc và hàng xóm bắng nhăng. "Văn chương nhàn vịnh", tôi nghĩ vậy. Trong khi tôi xem văn như một dụng cụ và quí nó vì tin nó sắc như một lưỡi gươm quí, thì anh xem thơ như một hương trà, một đóa quỳnh. Anh ngưỡng mộ, anh tôn trọng thơ, tôi thì cứ loay hoay xoay ngang xoay ngược xem dùng thơ vào việc gì. Cho nên dù anh tham dự những cuộc rượu, những buổi bình thơ, những hôm ra mắt tập thơ đầu của thi hữu, ở Qui Nhơn, ở Bình Định hay Phù Cát, tôi không có được niềm vui như anh. Chắc chắn đôi lúc tôi có làm anh thất vọng. Vũ Phan Long nhớ không, cái đêm anh hẹn xuống ngủ với tôi một đêm ở Cường Để để "nói chuyện cho thỏa tình"? Đêm ấy chúng ta bắc ghế ra trước hiên lầu, trên trời hình như trăng sáng thì phải. Lá phượng rậm ấp ủ, hương đêm mơn man. Quả tình chúng ta cũng đã lan man tâm tình với nhau đủ thứ đầu cua tai nheo, nhưng tôi tin anh không được thỏa tình như mong ước. Tôi, hay nói chính xác hơn - chúng tôi - xin phép anh đi ngủ sớm để ngày mai còn lấy sức đi dạy học. Lúc ấy anh lấy làm tiếc vì nói chuyện chưa thỏa tình, nhưng điều đáng quí biết bao là anh không hề giận. Chỉ tiếc, như anh chàng hành khất nghiện trà của Nguyễn Tuân tiếc trong ấm trà ngon chủ nhân đãi mình có lẫn một ít trấu. Thế thôi. Lần tôi viết bài tựa tập Hòa Âm Cố Quận cho anh, Vũ Phan Long nhớ không, anh cũng chỉ tiếc nhẹ như vậy. Ý anh muốn tôi viết bài tựa bằng nét chữ nắn nót hoa bướm trên giấy quí để anh giữ làm kỷ niệm. Còn tôi, tôi lại viết trên giấy thi lục cá nguyệt của học trò!
   Sự tôn trọng của anh đối với văn chương, thời bấy giờ, tôi thầm xem như một phong thái lạc lõng, Tôi xem lòng tôn trọng đó bằng đôi mắt kinh ngạc và ngỡ ngàng. Tôi quí anh, nhưng thành thật mà nói, vẫn cảm thấy xa cách với anh.
   Phải chờ hơn sáu năm đâu bể, tôi mới nhận ra được rằng anh có lý. Xem văn chương như một phương cách cải tạo xã hội ư? Tìm cái chân đế nhân sinh cho bức tượng nàng Thơ ư? Những nguyên tắc đám trẻ tuổi nông nổi trước kia xem là khuôn vàng thước ngọc, bây giờ đã thành "quốc sách" rồi đó! Kết quả ra gì? Anh đã thấy từ lâu, nhưng bây giờ tôi mới thấy. Người ta mặc áo hoa cho Nàng Thơ, để rồi buộc Nàng làm vai hề cung đình. Chung quanh ta thiếu gì bọn lóm thóm, nín thở rụt đầu trước cửa quyền! Nàng Thơ lấm lét, run sợ, lựa chữ chọn vần để đánh bóng cho những pho tượng bằng đồng cũng có mà bằng đất sét nung vội cũng có. Còn đâu Lý Bạch uống rượu trên sập cao ra lệnh cho Cao Lực Sĩ cởi giày? Còn ai dám trợn mắt nhìn thế sự ngâm sang sảng
       Ngã dục cao đăng sầm
       Hạo ca khởi vân thủy
như Cao Chu Thần? Cho nên mãi đến hôm nay, xa anh trong không gian, nói cười không nghe được nhau, vui buồn không viết được cho nhau bằng lời, sau bao cuộc chìm nổi để sự thật lộ dần, tôi mới dám nhận là "bạn hiền" của Vũ Phan Long! Những gì tôi thiếu như lòng vô tư, như niềm tôn trọng đối với Thơ, như phong thái thung dung trước mọi cảnh huống, như ánh nhìn lạc quan, như...như biết bao nhiêu điều quí giá khác nơi tính tình và nhân cách của anh, kể cả lòng ưu ái hồn nhiên trong tình bạn bè, đã khiến tôi càng ngày càng quí anh hơn. Phải thế không? Vũ Phan Long, bạn hiền của tôi.
                                                   
   Điều thú vị là trong bài thơ ngắn anh tặng tôi - tất cả tâm hồn đôn hậu và đam mê của anh hiện ra đầy đủ cả.
   Cuộc đời quanh chúng ta thì vẫn vậy. Nó chỉ thay đổi cường độ chứ không đổi bản chất (Tôi lại bi quan rồi, nhưng biết làm sao giờ!). Này nhé! Bước chân ra đường, trước sau chúng ta chạm mặt ngay với phường trộm cắp. Anh đã một lần nhân ba tôi bị mất ví mà xúc cảm làm được bài thơ hay. Vừa rồi quyết định ra khỏi ẩn am đi Sài Gòn thăm bạn, anh liền bị mất ví. Ôi chao, đến lúc nào mới khỏi cái cảnh vừa đi vừa hồi hộp đưa tay thăm chừng cái ví xẹp của mình? Tiền mất, thôi được, mượn ai đó cũng xong! Khỏi lo, Vũ Phan Long ơi! Anh tự lập lại y nguyên căn cước của anh trong bài Một Chuyến Đi rồi đấy! Anh đừng nghĩ tôi nói đùa! Hãy đọc lại những dòng anh viết:
       Thăm bạn hiền, bước lên xe mất ví
       Bên ghế ngồi chợt thấy nữ sinh quen
       Thơ như suối quên đường xa trưa tối
       Vai dẫu gầy, đầu hãy tựa thưa em !
   Rõ ràng sáu năm dâu bể đâu có đủ sức "tàn phá" được chút gì của Vũ Phan Long!
   Mất ví? Ồ chuyện vặt! Cảnh túng quẩn ở chỗ xa lạ? Vợ con cằn nhằn? Nét mặt hồ nghi đăm đăm của công an kiểm soát? Vặt vãnh, ti tiểu hết! Con người luôn luôn mở rộng cửa lòng để đón mừng mọi người, đủ bản lĩnh để không sợ cả gió độc, thì cuộc đời cũng dành sẵn cho mọi điều hạnh phúc. Vũ Phan Long không hoài công tiếc của, lo âu, giận dỗi, nên vừa bước lên xe đã gặp ngay "nữ sinh quen". Tôi khoái cái chữ "quen" đó ! Chữ "quen" thôi, chứ không phải "thân", không phải "thương". Càng không phải là "cố nhân". Nhưng có hề gì! Vũ Phan Long gặp được một cô gái học trò cũ nào đó là được rồi ! Cả cái quá khứ ấp yêu những năm dạy văn ở Tây Sơn dồn dập trở lại. Thấp thoáng, rộn rã, đây đó thoạt hiện rồi thoạt biến, kỷ niệm chập chồng lên nhau trong trí Vũ Phan Long: một buổi bình thơ có đệm đàn thập lục, vạt áo trắng nữ sinh phủ hờ lên một dáng liễu e ấp; một sáng từ trên bục giảng nhìn xuống những đôi mắt trong đang uống từng ngụm cổ thi; một tiếng vĩ cầm còn non của người học trò tóc thề; và biết đâu đấy, một hai...ba mối tình thầy trò thơ dại và lành như nước suối ! Phải, như nước suối vì Vũ Phan Long đã xúc động mạnh mẽ, "Thơ như suối quên đường xa trưa tối". Và cái chất lành của Vũ Phan Long hiện thật rõ trong hai chữ "thưa em" ở cuối bài! Vũ Phan Long có gầy đi? Đúng! Nhưng chỉ cần hai chữ "thưa em" cũng đủ thấy Vũ Phan Long trẻ mãi, lãng mạn mà không phóng đãng, Đôn hậu mà không ngu ngơ. Chất thơ của Vũ Phan Long là ở chỗ đó!

   Những bạn trẻ bị cuộc sống cuốn hút hay bị quá nhiều hệ lụy có thể không thích thơ anh, trách anh đứng bên lề. Thơ anh không có tính thời sự. Còn bao nhiêu cái "tính" khác người ta kê khai "một là", "hai là" trong các cuốn thánh kinh văn học, thơ Vũ Phan Long lại càng thiếu thốn. Cứ muốn dùng thơ Vũ Phan Long để chứng minh điều gì đều sẽ phải thất vọng. Thơ Vũ Phan Long chẳng để làm gì cả ! Không thể dùng để chưng, không thể dùng để kết vòng hoa điếu tang! Thơ anh như một con hạc đen ngủ trên một đỉnh núi heo hút, hay như một bông hoa không có tên, không do ai vun tưới mà mọc tự nhiên giữa đám cỏ dại. Cái chất tự nhiên, ở ngoài thời cuộc của thơ anh sẽ còn khiến cho nhiều người băn khoăn. Ghép anh vào trường phái nào? Xếp anh vào cái túi nào ? Định bậc thợ cho anh sao đây? Anh không xếp hàng xin chân thợ thơ, phiền nhỉ! Phê bình thơ anh cũng khó như ý muốn xếp vị trí cho anh. Như đã nói từ đầu, có thời tôi nông nổi xem thơ anh thuộc loại "nhàn vịnh". Suy đi nghĩ lại, chỉ có thể viết:  Cuộc đời anh, cách sống của anh, bản chất tâm tình của anh đúng là một bài thơ. Cho nên thơ anh tự nhiên dung dị như chất thơ của cuộc đời, vui buồn thay đổi,dĩ nhiên rồi; nhưng vui hay buồn cũng thung dung, hồn hậu chứ không câu thúc. Lúc anh đổi ý cố rướn lên một chút, cho bằng hoặc giống cái này cái nọ, là lúc anh thất bại. Lúc anh thật sự "mất ví"! May mắn thay, những lúc như thế thật hiếm hoi!
   Xin anh đã sống thế nào thì viết thế ấy, để bạn bè xa gần giữ mãi được cái chất Vũ Phan Long như một vật lưu niệm quí giá của "tình bạn hiền" ! Ủa ! Mà xin làm gì ? Tự nhiên Vũ Phan Long sẽ mãi mãi là Vũ Phan Long! Sau sáu năm đổi thay đảo điên, họ Vũ có thay đổi chút nào đâu.
       Thơ như suối quên đường xa trưa tối
       Vai dẫu gầy, đầu hãy tựa...thưa em!
Lẳng lơ mà lành không chịu được!
    Sài Gòn, Mùa trung thu 1981
       Bạn hiền của anh.
     Nguyễn Mộng Giác

 LAM GIANG

 

GHI LỜI CẢM ỨNG

(Lời tựa tập thơ ĐÌU HIU)

  Nghệ thuật chỉ làm thơ, chính tâm hồn mới là thi sĩ. (L'art ne fait que des vers, le coeur seul est poéte). Lời nói của André Chénier, thi sĩ cổ điển Pháp cách đây hai trăm năm đã trình bày gọn gàng một sự phân định cần thiết giữa nghề thơ và hồn thơ.
   Quê hương tôi, nước non Bình Định có hùng khí Tây Sơn, là nơi xuất hiện những tâm hồn thơ nhiệt thành, coi thơ là lẽ sống.
   Thơ của đất Bình Định đủ các sắc thái, từ cảm hứng bắt nguồn ở Cách mạng Dân tộc, triết lý nhân sinh, đến những tâm thanh di hưởng của một ân tình không thỏa nguyện.
   Tập thơ "Đìu hiu" của gã thanh niên thi sỹ Vũ Phan Long là hưởng điệp của những thi tứ đất Thần Châu Vijaya. Tôi bồi hồi trước những vần thơ hoài cổ:
               Lê thê lá rụng buồn cô lũy
               Lác đác hoa rơi lạnh miếu đường
               Dư ảnh phồn hoa mây tản mác
               Tháp Tiên dầu dãi áy tà dương...!
   Thành Đồ Bàn, gò Vân Sơn, biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt của Bình Định, đã gào mây thét gió, khóc cười thời thế, xông pha gió bụi điên bái mà tâm chí vẫn bất khuất ngang tàng:
               Sự nghiệp gì đây dòng nước lũ
               Đan tư nào đó đám mây nguồn
               Bờ mê tang hải mòn thân nộm
               Rạp mộng phong ba lỡ lớp tuồng.
   Người đời nay bắt gặp cái hào khí của người xưa, hào khí trong nghịch cảnh. Danh sĩ Nguyễn Trọng Trí há chẳng từng ngâm những câu phơi gan xé ruột đủ làm rơi lệ người ngàn năm sau:
   Mạt lộ cánh hà ngôn, Vân Sơn kỳ thọ cựu du, lãng tụng ngư tiều ngô dữ tử...
   Trần duyên an túc vấn, Yên Triệu bi ca bản sắc, trầm mai hào kiệt cổ nhi kim!
   Có người dịch rằng:
   Đường cuối cùng thôi biết nói sao, thú nhởn nhơ cây mát gò cao, Vân Sơn mấy vận ngư tiều, đây đó ngâm nga đà lắm lúc...
   Việc trần thế ra gì hỏi nữa, mặt ngơ ngác than dài thở vắn, Yên Triệu mấy chàng hào kiệt, xưa nay chôn lấp biết là bao!
   Những con người theo đuổi mộng lớn, bao nhiêu năm mộng vẫn còn là mộng, có thể ngâm chơi mấy câu trên của người xưa, hay trầm ngâm trước những vần đầm đìa xót thương của người đời nay:
               Hoài công tháng đợi năm chờ
               Rồi ra cũng chỉ giấc mơ võ vàng
               Tình thương thoắt đã quan san
               Cố viên nức nở thu tàn gió khuya.
   Tôi, người xa cố hương, đọc những vần trên đây của Vũ Phan Long, bỗng nhiên nghẹn ngào, trông vời mây trắng... Có những chiều xuân. Có những chiều thu. Nỗi buồn "Chiều" dưới đây phải chăng là chiều của núi Mạng Lăng, của rừng An Túc?
                   Rồi ra rừng trở cô đơn
               Tóc sương đời núi hao mòn tuổi thơ
                   Nhà ai bản nhỏ bơ thờ
               Đèn hôm mắt đỏ gầy trơ, nỗi chiều!
   Ở Vũ Phan Long, tôi còn nhận thấy khuynh hướng trữ tình sâu sắc, đi tìm triết lý cuộc đời và tình yêu.
   Tình yêu, đề tài bất diệt của lớp thi sĩ thanh niên. Ngàn xưa và ngàn sau. Kết cuộc của tình yêu phải chăng là:
               Còn gì cho nhau!
               Lửa tắt mộng đầu
               Thời gian chậm rãi
               Ghi niềm tê tái
               Từng hạt minh châu.
   Từ sắc thái xinh đẹp của đóa mộng đầu đến hồi tàn cuộc là giọt minh châu lấp lánh dưới trăng đêm, chúng ta đừng vội tưởng là tình yêu đã dứt. Bánh xe luân hồi vẫn chuyển biến, cho nên một hội hoa đăng khác lại bắt đầu:
               Quan san cách trở lối đăng trình
               Duyên kiếp tiền thân đã mối manh
               Đã hẹn ba sinh giờ ước nguyện
               Đuốc hoa bừng nối mộng tròn xinh.
   Nguồn thơ của Vũ Phan Long như một dòng sông vừa mới khởi hành ở đoạn thượng lưu.Từ đó, băng qua nhiều núi non, cao nguyên để xuống trung châu, tiến về trùng dương, con đường còn xa vời, hướng tiến còn bâng khuâng, phụ lưu còn đợi chờ nhiều thủy thế hợp lưu, nhưng chúng đứng ở thảo nguyên xinh đẹp thượng lưu, chúng ta có quyền hy vọng thấy một sông dài, đêm trăng vang lên nhạc điệu lưu thủy viễn khứ...
   Chắc tôi còn có cơ hội gặp lại các bạn yêu thơ.
 Mùa mưa tha hương
1968
LAM GIANG

No comments:

Post a Comment

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...