Tuesday, December 22, 2020

Vũ Phan Long 9

 VÕ PHIẾN


Đọc ĐÌU HIU, Thơ Vũ Phan Long - 

tc TIỀN TUYỀN  15 - 5 - 1969

   Cầm tập Đìu Hiu trên tay, trông thoáng qua, đã thấy rõ cái tình chăm sóc chi chút đối với nó, cái nâng niu đùm bọc của một số người đối với nó. Số người ấy là những huynh trưởng đồng hương của tác giả.
   Tập Đìu Hiu của Vũ Phan Long, trước có lời tựa của Lam Giang, sau có lời bạt của Quách Tấn, bìa do Lâm Triết trình bày. Tất cả đều là người Bình Định. Trong lời tựa, Lam Giang nói lòng nhớ quê, đến cảnh và người ở quê; trong lời bạt Quách Tấn kể lại câu chuyện xưa trong đó có tình cha con, và Quách Tấn gọi Vũ Phan Long là "chú", nhưng cái tình trong tay câu chuyện xưa chính là để gợi đến cái tình của nhà thơ lão thành đối với "chú" Long.
   Tất cả những cái đó khiến ta nghĩ rằng trước khi đến với đồng bào bốn phương, Vũ Phan Long đã được cảm tình nồng nàn của một địa phương.
   Bỡi vì tính cách địa phương nổi rõ ở mặt ngoài tác phẩm, khiến cho đọc Vũ Phan Long ta không sao ngăn được những liên tưởng đến địa phương Bình Định.
   Bình Định là đất thi sĩ. Trước kia Hoài Thanh và Hoài Chân đã để ý như thế, bây giờ Nguyễn Văn Xuân lại vừa xác nhận như thế trong một tập tiểu luận về văn học miền Nam. Theo Hoài Thanh có một điều trùng hợp lạ lùng giữa các thi sĩ Bình Định! ấy là vầng trăng. Nó như là một ám ảnh đối với mọi nhà thơ Bình Định thời tiền chiến.
    Vũ Phan Long là bạn trẻ thời hậu chiến, chúng ta không thấy cái ám ảnh ấy ở Vũ.
   Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử, trong thơ Chế Lan Viên, Yến Lan v...v... trước kia không phải là một vầng trăng mơ màng, âu sầu. Không, ánh trăng tiền chiến trong thi ca Bình Định là cái gì mãnh liệt: nó kêu gọi những tình cảm điên cuồng rồ dại say sưa. Chế Lan Viên hô hào đòi "cởi truồng ra, cởi truồng ra". Hàn Mặc Tử kêu rằng "Cả miệng ta trăng là trăng"... Đám thi sĩ ấy ngất ngư vì trăng. Trăng thành ra huyền hoặc, quái dị.
   Ở Vũ Phan Long không có những tình cảm dữ dội như thế. Vũ Phan Long là một "chú em" hiền lành hơn nhiều. Nói đến trăng, Vũ cũng nói một cách hiền lành mực thước:
           Sương xao ánh nguyệt vàng
   Bình Định còn gợi đến tịch liêu hoang phế. Đất này chứng kiến sự tàn lụi của một dân tộc. Thành Đồ Bàn đổ nát dưới mắt làm cho người Việt ở đây áy náy không nguôi! Vũ Phan Long cũng mang nặng mối buồn thương ấy:
           Lê thê lá rụng buồn cô lũy
           Lác đác hoa rơi lạnh miếu đường
           Dư ảnh phồn hoa mây tản mác
           Tháp tiên dầu dãi áy tà dưong...!
   Những người thanh niên của thời buổi này, ngoài nỗi ngùi ngùi trước những đổ vỡ hoang tàn gây ra do chính cuộc chiến tranh hiện tại. Ngoài nỗi buồn đối với kẻ khác, còn nỗi buồn đối với hoàn cảnh hiện tại của chính mình:
           Mưa trên chinh chiến tơi bời
           Quê hương gầy trơ thương tích
           Mưa trên mộng mị cuộc đời
           Hận thù triền miên xiềng xích.
   Tâm hồn người thanh niên thi sĩ ấy ngập trong một nỗi âu sầu mênh mông như thế, một nỗi "đìu hiu" như thế, cho nên ngay trong yêu đương anh cũng không có cái nồng nàn của tuổi trẻ. Giọng anh rên rỉ như một kẻ đã dày dạn phong trần, trải qua đủ mọi trầm luân của nhân thế:
           Đối bóng đêm trường gọi mãi em
           Nhớ thương sầu mộng cứ triền miên
           Trang thư đọc mãi không đành thuộc
           Chợt tiếng gà khuya gọi dưới thềm.
   Quách Tấn sung sướng gặp ở Đìu Hiu những bài thơ "thật hay". Lam Giang còn nghĩ rằng ngoài cái kỹ thuật làm ra những bài thơ hay, Vũ còn có hồn thơ. Đó mới là chính yếu.
   Dù lời ấy có do lòng quá thương yêu đi chăng nữa, dù trong hai cái: Nghề thơ và Hồn thơ mà được có một cũng đã là quý rồi. Mong nhà thơ trẻ không phụ kỳ vọng của các bậc đàn anh, bao dung và nhiệt thành.
       VÕ PHIẾN

 

 VIỆT PHƯƠNG

 

VŨ PHAN LONG, thơ quỷ khí
Đọc và viết qua thi phẩm Dưới Bóng Ngậm Ngùi, 

2 - 5 - 1970


   Bình Định, quê hương của tác giả "Dưới Bóng Ngậm Ngùi". Phần đông những kẻ yêu văn nghệ chỉ biết Vũ Phan Long là một nhạc sỹ vỹ cầm, hoặc một tài hoa não nùng của ngón đàn thập lục... rất ít người nhìn được qua sự hoạt động phiêu bồng của văn nghệ, Vũ Phan Long là một thi sỹ có một hồn thơ hiu hắt vô song.
   Thi phẩm "Dưới Bóng Ngậm Ngùi" là thi tập thứ hai của tác giả - sắp xuất bản (Đìu Hiu, thi phẩm đầu tay do nhà Khai Trí xuất bản năm 1968). Thi phẩm này vang bóng gần trọn cái triết lý nhân sinh của họ Vũ với cuộc sống.
   Nét mặt đăm chiêu, tâm hồn luôn luôn thao thức dằn vặt, họ Vũ sống cô độc điêu linh giữa cõi trăm năm. Yêu đời vô lượng, nhưng đời luôn xa lạ, tình như nước tràn bờ nhưng người vẫn thờ ơ. Trời đất mang mang bước chân lạc loài không một chốn dung thân, niềm đau nỗi chết rẽ riêng, nỗi thương quê hương chìm khuất... Tất cả những suy tư khắc khoải kia là tiếng kêu trầm của buổi hoàng hôn trong toàn thể mạch thơ "Dưới Bóng Ngậm Ngùi".
   - Buổi chiều là mùa đông của ngày, một ngày qua là mỗi giọt thanh xuân rơi rụng. Tiếng chiều nhiếp vọng tâm hồn tác giả với tất cả âm u quỷ khí khôn hàn:
           Gió xua bóng nắng về ngàn
           Tổ chiều con nhện giăng tràn mối tơ
           Run run nhánh gãy mơ hồ
           Bước chân thiên cổ đáy mồ âm vang.
            (Nhánh gãy)
   - Giờ tắt nắng là giờ của hư vô. Trần gian xanh xao gò đống. Con người đứng bên cầu u minh, chợt nhìn bóng mình thành hòn máu sơ sinh, tay vội ôm ghì hồn vãng sự, cười khóc kinh hoàng:
           Tôi đứng bên cầu lá rũ
           Thân trần giọt máu sơ sinh
           Tay run níu hồn vãng sự
           Khóc cười rợn bóng u minh.
            (Bên cầu)
   - Ngày trôi, hồng rụng! giữa khung trời Dưới Bóng Ngậm Ngùi, chúng ta đã suy tư những gì? và tìm kiếm được chi dưới lớp tro tàn đang phới đổ tự trời cao? một cổ tháp hoang liêu... một giống Chàm tuyệt diệt!
           Ngày đi hồng rụng vội vàng
           Trời cao lớp lớp tro tàn phới sương
           Tìm chi dưới cõi vô thường
           Nghiêng tai cổ tháp miên trường lắng trông
           Về đâu hỡi một giống giòng
           Tiếng viên gạch vỡ phiêu bồng dưới trăng!
            (Phiêu bồng dưới trăng)
   Và, ô kìa! gió đã nổi, bờ thu từng chiếc lá lượn sóng khuynh thành dưới sương vun nấm mồ xanh má hường. Cái gì đã vun đắp nấm mồ xanh? Thưa, những chiếc lá rơi theo tiết nhịp khuynh thành. Nhưng cớ sao khuynh thành bước lá? Vì nấm mồ nơi nghìn thu yên nghỉ của đóa hồng nhan thì bước lá tiển đưa phải đong đưa khuynh thành vũ điệu... Và má hường là chi? giai nhân khuynh quốc hay xuân sắc nhân sinh?... Nghĩa thơ mơ màng buông lửng, câu thơ thư thả nhặt khoan, mạch thơ ngầm, úp mở mung lung của hồn thơ tự do phóng nhiệm:
           Ô kìa!
           Nắng tắt ngang sông
           Bờ thu gió nổi
           Mờ rung cây cành
           Nao nao sóng lá khuynh thành
           Dưới sương vun nấm mồ xanh
           Má hường!
           (Vun nấm mồ xanh)
   - Trong cuộc lữ hành thiên thâu, ta sẽ đi về đâu? gửi gắm và gượng níu được gì giữa vô cùng đất trích:
           Những người thân tôi đã đi về đâu
           Có đi về nguồn mà bước thiên thâu
           Tìm được quê hương - mảnh trời gượng níu
           Hay đã yên nằm thao thức mồ sâu.
            (Đi về đâu)
   - Và chốn cố hương bước chân trở về lại hơn một lần tần ngần tư lự bỡi màu quê xưa đã sương thâu xa lạ nghìn trùng:
           Tôi về châu quận sương thâu
           Nẽo xuôi cố thổ vang màu viễn phương
           (Viễn ly)
   - Thế nhưng chúng ta vẫn cứ lên đường, lòng nặng mang ảo vọng tìm bóng thanh bình đã mất. Chúng ta ra đi!... chúng ta miệt mài tranh đấu?... như người mộng du trong canh dài, tay nâng thanh kiếm gãy với mảnh xương tàn mà cứ ngỡ hòn đá thử vàng, đăm chiêu cọ mài chọn tuổi:
           Thương người đi bước nhầu trên cõi
           Lạnh máu xương mơ lối hồng hoang
           Nâng niu kiếm gãy, xương tàn
           Cọ bia tìm bóng đá vàng khôn nguôi.
            (Khôn nguôi)
   Nhưng tay chưa trắng nợ tang bồng, thì hý trường đã bời bời xương máu! Bất công trần gian hay oan khiêng kiếp kiếp? và bên bờ thiên cổ ai đợi ai để khóc nhau:
           Công lao bồi đắp hý trường
           Máu xương rơi rụng ven đường cỏ hoa
           Oan khiên lớp lớp giang hà
           Bên bờ thiên cổ đợi và khóc nhau!
             (Bên bờ thiên cổ)
   Ai đã khóc ai, khi cái chết là sự kết thúc vội vàng. Một sự chấm dứt ngậm ngùi chi xiết! Ta chết trong nỗi chết riêng ta, trời đất vô tâm và vạn vật vô tình:
           Một mai tôi sẽ qua đời
           Dòng sông vẫn trắng khung trời vẫn xanh
           Đời trôi biền biệt thăng trầm
           Một viên sỏi ném chìm tăm giữa dòng.
             (Một mai)
   Vũ Phan Long mang nặng trong tâm tư những hôn mê cay đắng, than thở trước chiếc lá rơi, Sụt sùi từng viên gạch rụng; chìm hồn trong cõi âm u quỷ khí để hướng thơ, tình thơ hoang vắng ngậm ngùi.
   Cũng bỡi buông lòng trong nguồn thơ hiu hắt vô biên nên đến tiếng nói của tình yêu, họ Vũ cũng để cho mạch hồn dâng dâng với những bài sầu ca nghi ngút:
   Như:
           Giật mình đâu bóng người thơ
           Vườn khuya con nhện thẫn thờ dệt trăng
             (Đàn khuya)
           Người đi, ngã nón nghiêng vai
           Người về, thương một nhớ hai vội vàng
             (Còn vang hương sắc)
           Anh đi giữa đất trời
           Như bóng quế hồn ma
           Cả bốn bề sấm nổi
           Khắp chùa miếu không nhà
              (Một nơi nào đó)
           v...v...
   Còn nữa, có lẽ phải trích ra đây một số bài tình thi diễm lệ và não nùng nhất của họ Vũ để chứng minh cho lời cảm ứng trên:
                   GIỮA LÒNG THU VANG
           Dưới trời sâu, ta sóng soài bổ ngửa
           Giữa giá băng chân cánh động côn trùng
           Cõi đời xa khóm thiên hà rậy lửa
           Sao đi về trên dòng biếc thu rung.

           Con sông lặng chợt vỗ về tiếng hát
           Gió miên man hoa lá khúc hòa thanh
           Em đứng đó, ô ! ngày xưa thơm ngát
           Vào tàn phai làm quạ rắn sao đành.

           Thân mục nát nghe nửa vời bỡ ngỡ
           Máu đầy môi và rên xiết đầy hồn
           Em xa quá! ôi tay nào nâng đỡ
           Mộng se màu, kìa chốn cũ ai hôn?
   Trích bao nhiêu thơ, tôi nhận thấy cũng đủ minh chứng rằng hướng thơ của họ Vũ là con đường mưa lạnh đêm sâu, âm u mộ địa... Tôi không bảo rằng nên hoặc bảo rằng đừng bỡi từ lâu những cuộc tranh biện về nghệ thuật vị nghệ thuật với nghệ thuật vị nhân sinh đã thành ra vô bổ và gay cấn bất phân. Tôi, kẻ viết bài này, chỉ nghĩ rằng Nghệ thuật thuần túy không hề phân biệt sắc hương, Nguồn Thơ Quỷ, Mạch Thi Tiên, nếu lời thơ đạt đến "lửa - trong - lò - biến - thành - sắc - xanh" thì Thi Tiên với Thơ Quỷ đều là những đóa hoa tuyệt trần trong vườn hoa văn nghệ.
   Để kết thúc bài nhận định của người viết với thi phẩm Dưới Bóng Ngậm Ngùi, tôi nghĩ rằng thi sỹ Vũ Phan Long - tôi gọi thi sỹ với tất cả sự chính xác uyên nguyên của danh từ - có một hồn thơ cô liêu dị thường; một nguồn thơ quỷ trong thi ca Việt Nam vậy.
    VIỆT PHƯƠNG
      1970


TUỆ SỸ

 

Đề tựa thi tập "LÁ CỎ"


   Quen biết nhau mười mấy năm trời, chúng tôi gặp nhau một vài lần ngắn ngủi trong những dịp tình cờ. Áo sơ mi nhà giáo. Mái tóc rủ trên cung bậc vỹ cầm. Cuộc đời của anh, và thơ của anh, cũng bình dị như con người của anh. Tôi nghĩ thế. Thiên thần đã ghi một dấu chấm, và tôi nhìn thấy nó, dấu chấm thời gian ấy, giữa đôi mắt anh như nhìn con suối nhỏ, bình thản với những lời ca trong mát giữa núi rừng u tịch. Bóng Trường Sơn vời vợi, lời ca không vang tận đỉnh cao. Ngày tháng trôi lững lờ, dòng nước dâng trọn tình yêu cho lau lách và sỏi đá. Vị ngọt thấm sâu lòng đá, Vẽ lên đấy hình ảnh bình dị bằng những đường nét kinh hoàng, pha lẫn màu sắc mờ nhạt của hoài niệm.
   Tôi nghĩ về sự bình dị của một tử tù vượt ngục. Tôi gặp nó trong một nhà trọ, nằm lùi sâu gần sát chân núi, bị cắt ngang bỡi một con suối cạn. Chúng tôi ngồi nhìn ánh đèn hắt ra khung cửa tỏa sáng một vùng hiu hắt trên luống cải. Gã cười nói hào hứng, như một kiếm khách ngang tàng của thời trung cổ. Bất chợt, tách trà thoát khỏi tay tôi, rơi xuống đất và vỡ vụn. Tôi vừa thoáng nhìn thấy dấu ấn thời gian, một dấu chấm định mệnh mà thiên thần quái ác đã ghi lên trán gã. Không có gì đơn giản hơn trong dấu chấm ấy. Nó chỉ nói một ý nghĩa. Đây là biên giới của sự sống và sự chết, phân cách phía trong và phía ngoài tầm đạn. Từ đó, gã tử tù vượt ngục ấy đi đâu, ở đâu, đang làm gì, tôi không biết rõ. Duy chỉ biết một điều. Gã đã hay đang ở trong hay ở ngoài tầm đạn.
   Cho đến tối hôm ấy, khi một con kiến lang thang tìm sống đi lạc vào ngay giữa trán, tôi bàng hoàng tỉnh giấc. Gã tử tù vượt ngục kể từ đêm ấy vĩnh viễn đi vào bóng tối của chiêm bao. Ngoài trời, ánh trăng bàng bạc, âu yếm tình tự với lá xanh. Một mối oan khiên nào đó, do bàn tay của định mệnh, hay do thói trào lộng của thời gian, một cọng lá xanh khắc khoải lìa cành, và trong hư không nghe vẳng bài ca vấy máu. Tôi muốn gợi nhớ một bài thơ của anh, bằng hình ảnh như thế:
    Ngủ vùi cây rớt máu xanh
    Con trăng nhai lá trên cành nín hơi
    Bóng trăng loang loáng đầy trời
    Rùng mình mặt đất trổ đầy huyết hoa.
   Như thế đó, tôi nghĩ về sự bình dị trong đời sống của anh. Hóa ra, sự bình dị ấy, với ngày tháng trôi đi trong thầm lặng, mà trong sâu thẳm tận cùng của sự bình dị ấy, tình yêu đang gặm nhắm tâm tư, để cho gầy trơ nỗi chết. Sự sống vẫn trôi đi lặng lẽ, như một giấc ngủ say, dù cho
    Dưới  kia dâu biển vô tình
thì ở đây vẫn
    Ngàn thu hạt móc trên cành ngủ say.
   Ngay bây giờ, tôi muốn gối đầu lên khuỷu tay, ngủ một giấc thật say sưa không mộng mị,  để cho trái tim đẩy dòng máu chảy ngược lại. Rồi khi tỉnh dậy, sắc màu và hình ảnh của trời đất thay đổi hết. Tôi sẽ tìm đến thăm anh, và thơ của anh, bằng tình cảm nào đây? Dù vậy, có lẽ anh vẫn đi tìm sự sống bằng những viên phấn trắng, và cây vỹ cầm trên vai, để
    Khinh thế sự suýt làm thân khất cái
hoặc
     Trang thơ vi vút triều hồng
     Cười vang tay trắng tang bồng mà chơi.
                               ***
   Biết anh từ ngày mình còn là thư sinh bồng bột. Mà đến nay, áo cơm và tóc trắng đã soi mòn chuỗi hạt. Ba mươi năm trời ruộng đồng ngập máu. Đêm đêm đọc sách bằng ánh hỏa châu. Tìm lối đi và về trong ánh chớp của lửa đạn. Thăm viếng bạn bè từ những huyệt mộ âm u. Công sự và chiến hào đã tạo dựng cho mỗi người một thế giới riêng biệt. Bàn tay bé bỏng không bắt được gió ngàn cuồng nộ. Khi đất cát hồi sinh, tiếng gào thét từ Thái Bình Dương dậy sóng, hòa âm cùng giai điệu thanh bình. Đứng ngay giữa lòng nhạc đội đại hòa tấu của bản giao hưởng ấy, bản giao hưởng không chủ đề, nghe văng vẳng đâu đây, trong anh hoặc trong tôi, dư vang của những âm giai ẩm ướt từ quá khứ:
  Mưa trên chinh chiến tơi bời
  Quê hương gầy trơ thương tích
  Mưa trên mộng mị cuộc đời
  Hận thù triền miên xiềng xích
   Những ngày ấy chưa xa lắm. Vết thương vẫn còn rỉ máu. Tôi tưởng tượng anh vẫn còn ngồi ôm gối, nhìn xa xăm về những phương trời đổ nát. Phương trời ấy thuộc về quá khứ.
   Trong quá khứ ấy, anh đã đứng nhìn trong câm lặng cô đơn:
    Vành khăn sô quanh tóc dài tóc ngắn
    Thôn lửa bừng và đèo dốc máu sa
    Giữa ly loạn tôi ẩn mình tháp trắng
    Cũng khổ đau thù hận nhớ thương và...
   Nhưng không phải chỉ chừng ấy dư vang, chừng ấy giai điệu. Thời gian đi qua. Chích máu mình , hòa men quá khứ, chế biến thành rượu ngọt và cay. Hương vị của nó vẫn chan hòa tình yêu và thù hận. Cuộc chơi trào lộng của Thời gian là thế. Nó là con trai của nữ thần Hoài niệm. Bà mẹ dịu dàng và từ ái đến thế, mà cậu quí tử ấy lại tinh nghịch quái ác đến thế:
     Rồi ra rừng trở cô đơn
     Tóc sương đời núi hao mòn tuổi thơ.
   Từ cái dấu chấm định mệnh của thời gian ấy, dấu chấm ở ngay khoảng giữa đôi mắt anh, tôi đã nhìn thấy, dưới những nếp gấp bình dị của thơ anh, của con người anh, và có lẽ của cả đời sống của anh nữa; dưới những tình cảm bình dị ấy, một bầu trời trầm mặc bao la của vĩnh cửu. Nhà thơ vẫn yêu loài người dù sống giữa hận thù và gian dối; vẫn yêu mặt đất dù sống trong sự đày đọa của áo cơm. Tình yêu và khát vọng vĩnh cửu, tâm tình muôn thuở của thơ là thế.
     Sài Gòn - Sau đông chí 73
    TUỆ SỸ

 

   QUÁCH TẤN

 

LỜI BẠT (Đìu Hiu)
   Nha Trang, ngày rằm tháng 6 năm mậu thân.
   (10 tháng 6 năm 1968)
    Chú Vũ Phan Long thân mến,
   Nằm đọc bản thảo tập ĐÌU HIU của chú, tôi chợt nhớ chuyện một nhà phú hộ ngày xưa.
   Nhà phú hộ có đứa con trai đĩnh ngộ. Con lớn khôn, phú ông bán nửa sự nghiệp cho con ra kinh kỳ ăn học. Sau mấy năm, con trở về đem theo một ca nhi kiều diễm và một tập thơ đã sáng tác bên cạnh giai nhân.
   Phú ông không nói không rằng, ngồi mở tập thơ ra xem. Xem được ít trang, đến câu:
    Hoa vàng nâng vó ký
    Mây trắng vướng tay roi.
trong bài "Đường núi sớm mùa thu", phú ông liền gấp sách lại, vuốt râu cười khoái trá:
   - Không cần xem nữa. Một câu đó cũng đủ làm cho má nó không tiếc công mang nặng đẻ đau, và ta không tiếc nửa gia tài đã bán. Và nó chỉ đem về một cô gái, chớ đem thêm bốn năm cô nữa cũng không sao.
   Chỉ có một câu thơ khả ái như kia, mà kẻ yêu thơ đã vui sướng dường ấy, huống hồ tập ĐÌU HIU của chú ngoài những câu đáng yêu Lam Giang đã trích dẫn trong bài "Ghi lời cảm ứng", còn lắm câu tứ mới lời tao. Như:
  Cánh ong trên lá rập rình
  Môi em mật ngọt nụ tình nở hoa.
trong bài "Dặm hồng". Thanh, sắc, vị đều đủ! Thật hay gấp mấy câu của người con trai phú ông!
   Đọc đến câu này, bắt chước phú ông, tôi gấp sách lại, rung đùi cười tích tác:
   - Không cần xem nữa.Một câu đó cũng đủ làm cho mình tin rằng chàng họ Vũ sẽ dựng nên sự nghiệp trên thi đàn Việt Nam và sẽ nối bước các bậc đàn anh Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Lam Giang, Võ Phiến..., góp phần trang điểm nước non Bình Định cho mỗi ngày một thêm mới thêm xinh.
   Rồi cao hứng ngồi dậy viết mấy hàng này gửi vào, trước chia vui cùng chú, sau đáp thịnh tình chú đã cho xem ĐÌU HIU trong khi còn nằm trong bản thảo.
   Xin chào chú và chúc chú thành công.
    QUÁCH TẤN


    
GIỌT TRĂNG BỆNH VIỆN

       Tặng tác giả "Dưới bóng ngậm ngùi"

           Xuân cuối đêm mười bốn
           Trăng nhà thương âm u
           Chùa đâu? chuông trở lạnh
           Từng giọt lá gieo thu.

   Qui Nhơn, tháng trà mi  năm ất dậu (1969)
     QUÁCH TẤN



Hoa trong DƯỚI BÓNG NGẬM NGÙI
                      (Năm canh tuất 1970)
   (Trích trong "Trong vườn hoa thơ", Lửa Thiêng xuất bản năm 1971)
                                               ***

   Vũ Phan Long ở Qui Nhơn gởi tặng Lão vườn một tập thơ vừa hoàn tất.
   Tập Dưới Bóng Ngậm Ngùi.
   Đây là tập thơ thứ hai của họ Vũ.
   Tập thứ nhất là tập Đìu Hiu đã ra đời năm 1968.
   Trong Đìu Hiu có câu làm cho lão để ý đến họ Vũ. Đó là câu:
     Cánh ong trên lá rập rình
     Môi em mật ngọt nụ tình nở hoa
   Câu này, theo lão là một cái mầm đầy nhựa sống, cho thấy trước rằng tâm hồn của tác giả là một khoảnh vườn phì nhiêu có nhiều giống kỳ hoa dị thảo chưa gặp thiện duyên để nảy lộc sanh chồi.
   Lão chờ đợi.
   Nhận được Dưới Bóng Ngậm Ngùi, lão nửa ngại nửa mừng. Mừng được sớm thấy những gì mình mong thấy. Ngại rủi những gì mình mong thấy không được thấy, lại thấy toàn những gì mình không mong.
   Tuy đương bận cuốc cỏ vườn và chọn hoa để đón tiếp bạn đến thăm vườn đầu tháng theo thường lệ, lão phải tạm gác lại để xem hoa trong Dưới Bóng Ngậm Ngùi.
   Lão nhận thấy:
   Từ Đìu Hiu đến Dưới Bóng Ngậm Ngùi, Vũ Phan Long đã bước một bước dài trên con đường thơ muôn dặm.
   Và trên con đường thơ muôn dặm, họ Vũ lại ưa lách vào những nẽo đen tối đìu hiu để tìm những cảm giác thê lương rùng rợn.
   Trong vườn hoa thơ của họ Vũ, thường nổi lên những nấm mồ, những nấm mồ đẹp đẽ, nhưng cô quạnh lạnh lùng:
           Gió xua bóng nắng về ngàn
           Tổ chiều con nhện giăng tràn mối tơ
           Run run nhánh gãy... mơ hồ
           Bước chân thiên cổ đáy mồ âm vang
     (Nhánh gãy)
           Bóng tràn ngưỡng cửa chiều hôm
           Chập chờn nhân thế mồ ôm khắp trời
           Mình tôi riêng đứng trên đời
           Có ai tương biệt? đây lời vĩnh ly!
      (Vĩnh ly)
           Ô kìa!
           Nắng tắt ngang sông
           Bờ thu gió nổi
           Mờ rung cây cành
           Nao nao sóng lá khuynh thành
           Dưới sương vun nấm mồ xanh
           Má hường!
      (Vun nấm mồ xanh)
           Quê nào xe nhịp đằm khơi
           Nắm xương huyệt lạnh ai lời nhắn nhe
      (Một mai)
           Một mai gốc đổ tay rìu
           Tìm nhau sắc cỏ tiêu điều mộ sương
    (Cây cố quận)
   v...v...
   Đó là hình ảnh tâm trạng của tác giả, một tâm trạng ảm đạm và luôn luôn dằn vặt bồi hồi. Tâm trạng ấy do cảnh bất hạnh trong đại gia đình, cảnh bất hạnh tác giả phải chịu từ thuở bé, và do những cuộc thất bại trên đường đời, những nỗi phũ phàng bạc bẽo của nhân tình thế thái, gây nên.
   Thường thường những người gặp cảnh bất xứng ý, cố tìm cách giải thoát. Vũ Phan Long lại đi ngược lại. Chẳng những không tìm cách khai phóng những nỗi u uất trong lòng mà còn nuôi nấng ấp iu, lắm lúc còn sợ mất là khác. Vì tâm tư khắc khoải mà:
Ma đưa lối quỉ đem đường
Lại tìm những nẽo đoạn trường mà đi.
   Đi trên nẽo đoạn trường, nhiều khi họ Vũ cảm thấy ngoài thân không có gì, trong thân cũng không có gì ngoài giọt máu sơ sinh. Hồn không biết nương vào đâu tựa vào đâu, bơ vơ lạc lõng đành bám víu vào những cái không bám víu được là cái đã mất đã qua, để mà khóc mà cười, khóc cười trong bóng tối, khóc cười với tiếng rùng rợn của đau thương:
Cành run nắng vàng tắt thở
Trần gian gò đống xanh xao
 Hư vô giật mình mắt mở
Trong sương gà gáy quê nào.

Bàng hoàng sông ngưng tiếng hát
Cô đơn xuôi một dòng sầu
Đôi bờ cỏ thơm lạnh ngát
Về đâu viễn xứ trăng thâu ?

Tôi đứng bên cầu lá rũ
Thân trần giọt máu sơ sinh
Tay vội níu hồn vãng sự
Khóc cười rợn bóng u minh.
(Dưới bóng u minh)
   Thật là lạnh lẽo não nùng, lạnh lẽo não nùng như tiếng than của Hàn Mặc Tử:
- Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu!
- Một vũng cô liêu cũ vạn đời!
   Bước đi trên nơi chôn nhau cắt rún, đôi khi họ Vũ cảm thấy hiu quạnh lẻ loi như người bị đày ra miền xa xôi lạnh lẽo:
Tôi về châu quận sương thâu
Nẽo xuôi cố thổ vang màu viễn phương
Theo chân nức nở máu hường
Hắt hiu khói sóng con đường hắt hiu
Tay nào đón đỡ nâng niu
Mắt nào quán lạnh đìu hiu lệ sầu
 (Vĩnh ly)
   Đứng giữa mùa xuân, đứng trong ánh nắng tươi sáng, họ Vũ thường nhìn thấy màu âm u và cảm thấy khí hiu hắt của mùa thu mùa đông:
 Mùa xuân ẩn náu sa mù
Mình tôi đứng giữa ngục tù đăm chiêu
 (Đăm chiêu)
  Long lanh giọt nắng nghiêng soi
Nghiêng đông đông thắm, nghiêng đoài đoài xanh
Mắt em rạng ánh đa tình
 Hồn tôi lũng tối cam đành tuyết dâng
 (Giọt nắng)
   Trong trăm năm là thế, ngoài trăm năm thì sao? Họ Vũ nghĩ "không còn gì hết"!
Ngày đi hồng rụng vội vàng
Trời cao lớp lớp tro tàn phới sương
Tìm chi dưới cõi vô thường
Nghiêng tai cổ tháp miên trường lắng trông
Về đâu hỡi một giống giòng
Tiếng viên gạch vỡ phiêu bồng dưới trăng
(Phiêu bồng dưới trăng)
   Đời cứ trôi, âm thầm trôi, trôi mãi không bao giờ dứt, không bao giờ ngừng, còn con người như viên gạch rụng nơi cổ tháp hay một viên sỏi ném giữa dòng sông:
Đời trôi biền biệt thăng trầm
Một viên sỏi ném chìm tăm giữa dòng
(Một mai)
   Nghĩa là một phen nhắm mắt buông xuôi tay, thì không còn tăm dạng.
   Nhưng "không còn tăm dạng" không có nghĩa là mất hẳn, là hết. Cổ nhân gọi "chết" là "khuất bóng", tức là "vẫn còn", vẫn còn ở "phía bên kia". Cũng như viên gạch tuy vỡ mà tiếng vang vẫn còn mãi trong ánh trăng, ánh trăng bất diệt. Vũ Phan Long vẫn tin như thế:
- Tiếng viên gạch vỡ phiêu bồng dưới trăng
- Một con ốc chết trên cồn vắng
Xác tuyết nghìn thu lạnh bể khơi
- Đêm nay trăng lạnh chìm sau núi
Một bóng tre nghiêng mãi cuối trời.
   Nhưng vì đức tin quá mong manh không đủ sức đánh bạt nổi màn hắt ám trong tâm hồn để đưa ánh từ quang vào thay thế.
   Lão không bảo thế là phải hay là quấy. Vì đối với Thơ, màu đen huyền và màu đỏ thắm, màu xanh lơ..., không màu nào đẹp hơn màu nào, nếu người sử dụng biết áp dụng cho đúng nơi, đúng lúc và đúng mức. Lão nói qua tâm trạng của họ Vũ - nói vì biết rõ nhờ gần gũi lâu ngày - cốt để giúp bạn đọc thân yêu dễ nhận thức những cái ưu những cái khuyết trong thơ Dưới Bóng Ngậm Ngùi mà thôi.
   Tâm hồn họ Vũ đại khái là thế.
   Còn tài nghệ?
   Những bài, những câu trích dẫn trên đây chứng tỏ rằng họ Vũ có thi tài, và nghệ thuật cũng đã luyện.
   Ngoài những bài thượng dẫn, trong Dưới Bóng Ngậm Ngùi còn có một số giai tác, lão thích nhất là những bài về đàn:
  ĐÀN TRANH
Cành khô lộng ánh sương mù
Bốn con thú lạ nhìn thu gọi đàn
Chân ru mỏ chạm gió ngàn
Tuyết rơi nắng sớm hương tràn sóng khuya.
VỸ CẦM
Nghiêng hồn vũ trụ trên vai
Một trời đông muộn ngủ dài trong cây
Làn sương kiếm loáng ngang mày
Ô kìa ! bươm bướm bay đầy không gian.
       ĐÀN KHUYA
           ......
 Lòng đang chín khúc say mềm
Một dây bỗng dứt đường chim sững sờ
Giật mình đâu bóng người thơ
Vườn khuya con nhện thẫn thờ dệt trăng.
    Bạn Thi Vũ thích bài Đàn Tranh
   Bạn Trần Thúc Lâm, trong số Xuân Canh Tuất, tạp chí Niềm Thương, khen bài Đàn Tranh và Đàn Khuya.
   Nói về Đàn Khuya, họ Trần có những lời ý vị:
   "Tôi liên tưởng đến những khúc đàn của Vương Thúy Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh và bài Nhị Hồ của Xuân Diệu. Liên tưởng để mà thưởng thức chứ không phải để so sánh. Mà nếu có so sánh chăng là so sánh cái cảm giác khi đọc mỗi bài thơ, khi nghe mỗi khúc đàn, chứ không phải so sánh văn chương cao thấp.
   Tác giả Đoạn Trường Tân Thanh, tác giả Nhị Hồ là những khách thẩm âm, tức là người nghe đàn. Tác giả Đàn Khuya lại là người gảy đàn, còn người nghe đàn không phải là con người bằng xương bằng thịt, mà là con người của mộng của thơ. Cho nên đọc Nguyễn Du, Xuân Diệu, chúng ta dù vui buồn vẫn thấy yên và ấm. Còn đọc Vũ Phan Long , chúng ta vừa cảm thấy lạnh lẽo, lẻ loi, vừa cảm thấy rờn rợn như đối cảnh "Vườn khuya con nhện thẫn thờ đệt trăng".
   Còn về phần lão thì cả ba bài đàn với những bài lão trích dẫn trên kia đều là những bài lão cho là trổi nhất trong Dưới Bóng Ngậm Ngùi.
   Những câu:
- Vườn khuya con nhện thẫn thờ dệt trăng
- Tuyết rơi nắng sớm hương tràn sóng khuya
- Xôn xao hoa tuyết bay đày bướm xuân
v...v...
   Theo lão, là những giọt sương mai đọng trên những cánh hoa hường mới nở dưới màu trời rạng đông. Ước có được nhiều nhiều để kết chuỗi tặng nàng thơ, tặng người yêu trong mộng. Và đọc câu "Xôn xao hoa tuyết bay đầy bướm xuân" lão chợt nhớ đến bài thơ Nhật của Fujitomi Yasuo mà Phạm Công Thiện đã dịch cho lão nghe mấy năm về trước:
           Ồ thật!
           Từ trong đàn vi-ô-lông
           Từng cánh bướm lao xao
           Bay ra và tản mạn
           Chao! Đẹp!
   Câu thơ của Vũ Phan Long không thanh thoát bằng câu thơ Nhật, nhưng giàu hình ảnh hơn. Hai bên tính chất lại khác nhau. Thơ Nhật ấm và nhẹ, thơ họ Vũ lạnh và trầm. Một bên là hoa đào, một bên là hoa mận. Cả hai đều có biệt thú.
   Có người bảo rằng trong Dưới Bóng Ngậm Ngùi, lắm bài phảng phất quỷ khí.
   Nhận thức như thế cũng chưa đúng hẳn mà cũng không phải là sai.Vũ Phan Long có khuynh hướng về quái đản. Đó là do tâm trạng như trên đã nói. Nhưng chưa đạt được ý muốn.
   Thơ có quỷ khí, hay tiên phong, hay đạo vị, không phải muốn là được. Tác giả phải hàm dưỡng tu luyện lâu ngày. Những giống phi phàm kia thâm nhiễm vào cốt tủy, biến thành tinh khí, thành huyết hản. Một khi hứng đến, tự nhiên theo tâm tư mà len ra bút mực, tác giả không tự biết, độc giả phải tinh lắm mới nhìn ra. Nghĩa là thơ có quỷ khí, có tiên phong, có đạo vị... luôn luôn xuất ư vô tâm.
   Riêng nói về thơ có quỷ khí, ví dụ nói về ngày lễ thanh minh, thơ Tống, Cao Cúc Khanh có câu:
Nhật lạc hồ ly miên trủng thượng
Dạ quy thiếu nữ tiếu đăng tiền.
   Nghĩa là: Mặt trời lặn, con hồ ly nằm ngủ trên gò mả, đến tối về trông thấy đứa gái nhỏ ngồi cười ở trước đèn.
   Đó chỉ là một câu thơ tức cảnh, có ngờ đâu lại làm cho độc giả phải lạnh mình! Tác giả đã chuyền quỷ khí nơi nghĩa trủng vào thơ: Còn gì ớn lạnh bằng hình ảnh con hồ ly nằm ôm gò mả lúc choạng vạng vắng bóng người? Bị ám ảnh bỡi cảnh tượng hồ ly, ai khỏi lạnh mình khi trông thấy cô gái nhỏ ngồi cười trước ngọn đèn hiu hắt? Người trần thế hay là hồ ly hóa nên.
   Chủ ý của tác giả là đem hai cảnh trái ngược nhau ở ngoài đường và ở trong nhà: ngoài đường lạnh lẽo đìu hiu như kia, còn trong nhà tươi cười ấm áp như thế. Nhưng "âm khí nặng nề" ở nơi nghĩa trủng, chẳng ngờ lại theo tác giả về nhà làm cho cảnh nhân thế trở thành nửa âm nửa dương, hắt hiu rờn rợn!
   Đọc câu thơ Tống, còn dễ nhận thấy quỷ khí vì phát hiện ra ngoài. Còn nhiều câu thơ quỷ khí len lỏi ở bên trong, không có nhà phê bình "cao tay ấn" chỉ cho thì khó mà nhận thấy.
   Lão xin kể một câu chuyện trong Tùy Viên:
   Vương Xuân Khê dạy học ở Sơn Trung, lấy trong thơ Đào Tiềm bốn chữ "Hạ trử thanh âm" (mùa hạ chứa bóng trong mát) mà ra đề cho học trò. Kẻ tộc đệ tên Như Sơn có câu kết rằng:
Dạ thâm vi võ quá
Tích túy trích thành âm.
   Nghĩa là: Đêm sâu trận mưa nhỏ qua, đọng chứa sắc xanh rơi thành tiếng.
   Họ Vương đem khoe cùng Viên Tử Tài. Viên khen rằng tác ý cao, song hiềm có quỷ khí.
   Không đầy một tháng sau tác giả Như Sơn mất. Viên khóc:
           Nan vong tích túy thành âm cú
           Thị ngã tâm phiền phúc thống thì
   Nghĩa là: Khó quên câu "Tích túy thành âm", đó là lúc ta nương niềm đau xót.
   Tại sao bảo rằng câu đó có quỷ khí?
   Bỡi vì màu xanh mà đọng lại thành giọt đã quái rồi, mà giọt xanh ấy nhỏ xuống thành tiếng thì lại càng quái thêm.
   Ông thầy đồ họ Vương chỉ thấy hay mà không thấy quái. Phải có con mắt tinh tế của Viên Mai, phải có tâm hồn tế nhị thâm thúy của Viên Mai mới nhận thấy, mới cảm thấy nổi.
   Cổ nhân rất sợ thơ có quỷ khí.
   Năm 1947, viếng mộ bạn Tam Hà ở Thuận Nghĩa (Bình Định) lão có câu:
Bên mồ nắm trấu riêng sùi sụt
Nhen bóng hoàng hôn đóm lửa xanh
   Cụ Chuyết Nhân ở Phú Thọ nhận thấy quỷ khí, nhưng không dám nói. Mỗi lần cụ nghe có biến cố trong quận, nhất là nghe lão bị bắt an trí, là cụ lo... Nhưng rồi lão vẫn được bình yên. Mãi đến 15 năm sau, cụ mới cho lão biết. Lão cười:
   - Như Sơn chết là vì không có ai chết để làm cho câu thơ thêm linh thiêng. Còn tôi không chết là vì ông bạn đã chết, khí thiêng của bạn cũng đủ làm cho câu thơ kia linh rồi.
   Nói tóm lại, theo lớp người cổ hủ như lão, thơ đeo quỷ khí không phải là chỗ sở cầu.
   Song lão vẫn hoan nghênh những nhà thơ hướng về chỗ tối tăm lạnh lẽo của âm phủ để tạo cho thơ mình một sắc thái riêng biệt, một khí vị riêng biệt. Bỡi sỹ các hữu chí. Kẻ thích lên non cao tìm ngọc, người ưng xuống biển sâu mò châu. Các bửu kỳ bửu, bất tất phải đồng loại mới tương ái tương thân. Nhưng muốn đạt mục đích, người làm thơ phải ra công luyện tập (hàm dưỡng tu luyện) như trên dã nói. Nghĩa là không nên chạy theo tư tưởng, mà phải sống với tư tưởng, để cho tâm linh thấm nhuần tư tưởng, rồi mặc cho nguồn sống tràn ra thi ca lúc nào thì tràn, không cần phải quan tâm lưu ý.
   Theo quan niệm của lão, thơ hay không phải tại có quỷ khí hay không có quỷ khí, cũng như có tiên phong đạo vị hay không tiên phong đạo vị. Thơ hay ở chỗ diệu. Tức là rung cảm lòng người về mặt tâm lý, hay sinh lý hay trí tuệ; sức rung cảm càng mạnh, càng thấm thía thì thơ càng hay. Và tức là gây cho người đọc một thú vị hoặc kín đáo mà thấm thía, hoặc bồng bột mà hào hứng, thú vị càng lâu dài càng bền bĩ thì thơ càng hay.
   Nói một cách khác, thơ hay là loại làm cho người đọc xong, tự thấy mình giàu sang thêm, cao quý thêm, như người được của báu, được sách quý; hoặc tự thấy mình trở thành thấp kém nghèo nàn, như hà bá sông Hoàng Hà lạc ra biển Đông, như một phú nông Bình Định vào Nam nhìn thấy đồng lúa phì nhiêu của các nhà đại điền chủ.
   Thơ được như thế là nhờ công uẩn nhưỡng phanh luyện. Tức là sống, sống mãnh liệt với ngoại cảnh cũng như nội tâm; sống đến mức độ ngoại cảnh và nội tâm nhập một. Chớ nếu sống một cách hời hợt, thì bút pháp dù tinh luyện đến đâu cũng không thể đi đến diệu xứ.
   Lại có người chê Vũ Phan Long nặng về kỹ thuật, nên thơ chưa được tự nhiên.
   Không đúng. Thơ không được tự nhiên không phải vì nặng về kỹ thuật, mà chính vì kỹ thuật chưa luyện đến mức tinh vi. Chớ bảo kẻ làm thơ không nặng về kỹ thuật thì nặng về cái gì? Bỡi Thơ là một môn mỹ nghệ kia mà. Huống nữa những nhà thơ xưa nay hơn kém nhau đâu phải về nội dung mà chính là về hình thức, tức về kỹ thuật. Ví dụ thơ Đường hơn thơ Tống, thơ Đoạn Trường Tân Thanh hơn thơ Hoa Tiên. Biện Hòa bị hai lần chặt chân là vì có ngọc mà không biết mài dũa. "Ngọc bất trác bất thành khí". Hồn thơ, tứ thơ... là chất ngọc, là ngọc ở trong đá, nếu không có kỹ thuật thì làm sao biến viên ngọc phát thành viên ngọc liên thành? Nhưng cổ nhân thường dạy "Dụng xảo vô phủ tục ngấn", tức là đừng để ngấn vết dụng công thì mới là khéo. Mà muốn không có ngấn vết dụng công trong thơ thì phải dày công phu rèn luyện kỹ thuật, chớ đâu phải vất bỏ kỹ thuật. Cái khéo của người lên đến cực điểm trở thành cái khéo của hóa công, tức là tự nhiên.
   Phạm Công Thiện có câu:
-Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trỗ hết bông.
   Vũ Phan Long trong Dưới Bóng Ngậm Ngùi có câu:
- Đêm nay trăng lạnh chìm sau núi
Một bóng tre nghiêng mãi cuối trời
   Là những câu thơ tự nhiên. Làm được những câu như thế đâu phải là việc dễ dàng.
   Không nên lẫn lộn tự nhiên với chất phác và thô thiển. Một bên là màu xanh của nước biển, của da trời, một bên là màu xanh của nước chàm chưa lọc, của nước vũng lẫn thanh phàn...
   Và muốn đến mức tự nhiên thì phải gắng luyện cho đến mức tinh xảo trước, cũng như muốn đi đến mức thanh đạm phải luyện cho đến mức nùng-diệm trước. Đó là lời của cổ nhân dạy môn đệ, và chính lão đã vâng theo hầu mong một ngày nào đó dệt thơ mình thành được một tấm áo trời không đường may.
   Lão cũng thường đem những lời của cổ nhân ra khuyên Vũ Phan Long, xem Dưới Bóng Ngậm Ngùi lão nhận thấy họ Vũ đã thực hiện được nhiều ít. Lão mừng!
   Viết bài này, chủ đích của lão không phải là phê bình Dưới Bóng Ngậm Ngùi, mà chỉ cốt giới thiệu cùng bạn đọc thân mến một ít hoa thơ trong tập. Những ý kiến đưa ra chỉ để làm gia vị cho cuộc thưởng lãm. Còn những ưu điểm và khuyết điểm trong tập thơ, thật như sao thì xin nhường cho các nhà phê bình khi tập thơ Dưới Bóng Ngậm Ngùi xuất bản.
Mùa đông năm canh tuất (1970)
 QUÁCH TẤN

 

 LAN THẠCH

 

LINH HỒN SIÊU THOÁT

Riêng tặng thi sĩ Vũ Phan Long
một kiếp sống điêu linh, một hồn thơ bát ngát.

Là mặc khách giữa đời bát ngát
Tâm hồn thơ siêu thoát mười phương
Trăm năm giữa cõi doanh hoàn
Linh hồn bay bỗng tận ngàn mây xanh
Mặc đời với lợi với danh
Cái thân ngoại vật đã thanh thoát nhiều
Hồn thơ túi mộng sớm chiều
Mơ màng xuân đến tiêu điều thu sang
Tình đời cay đắng lầm than
Mà hồn chửa cạn yêu thương bao giờ
Kiếp người là kiếp bơ vơ
Đau thương tràn ngập bến bờ trần gian
Bao giờ xác thịt tiêu tan
Cho ta về chốn thiên đàng hồn ta...
LAN THẠCH
1 - 6 - 1972

 

HOÀNG HÀ TĨNH

 

Mùa thu Đồ Bàn
đọc Dưới Bóng Ngậm Ngùi của Vũ Phan Long

Tạp chí Bằng Hữu, 4 - 1975 Sài Gòn

     Tôi ngồi một mình trong đêm già tĩnh mịch để đọc tập thơ Dưới Bóng Ngậm Ngùi của họ Vũ. Đêm thu từ nghìn xưa vẫn thế, những giọt trăng nhợt nhạt ma quái vẫn ngậm ngùi nhỏ xuống đất Thần Châu Vijaya hoang tàn huyền hoặc. Từ bao giờ cho tới bây giờ có lẽ nỗi oan khiêng kia không bao giờ phai. Cả một dân tộc đã trở thành những hồn ma kéo lê thê trong đêm tối như những dòng sông: Mùa thu Đồ Bàn rỉ máu. Mùa thu của Hàn Mặc Tử, của Chế Lan Viên, của những bóng mây hay chiếc lá vàng còn sót lại trong tâm hồn mỗi người và cho đến hôm nay Vũ Phan Long, người thi sĩ trẻ vẫn còn gọi lại đống tro tàn âm ỉ kia một chút ngậm ngùi nhưng sao đậm đà quá! Tôi nghe như bên tai tôi có:
"Tiếng viên gạch vỡ phiêu bồng dưới trăng!"
(Phiêu bồng dưới trăng - 26)
   Có ai đã đến thăm một ngôi cổ tháp vào một đêm trăng mà không rợn người? Cái vẻ âm u cao lớn và bất động của nó đủ làm cho người ta phải ớn lạnh. Nhưng cái vẻ đó đối với Vũ Phan Long lại khác. Người thi sĩ không sợ nó mà lại còn thân thiện với nó nữa. Hình như đối với anh mỗi viên gạch còn lại là một linh hồn, nó biết đi, biết nói và biết cười! nó là bóng ma giữa đêm trăng bạc mà anh rất trìu mến. Anh đã đi chung với muôn cô hồn và anh đi:
"Như bóng quế hồn ma"
bước chân anh đã đạp đổ những gì không thể đạp đổ:
"Đi giữa canh canh dài
Đi giữa ngày ngày lụn
Đi giữa hoa hoa rụng
Đi giữa nắng nắng phai"
 (Một nơi nào đó - 38)
   Nhưng không, người thi sĩ vẫn còn bước đi trước mắt tôi, trước mắt mọi người và sao lại thế:
"Lạnh máu me mơ lối hồng hoang"
   Không, anh đi, bước chân anh dẫm nát mặt địa cầu:
"Thương người đi bước nhầu trên cõi"
nhưng lòng anh, tâm hồn anh không còn ở hiện tại, ở thế kỷ 20 này. Cái thế kỷ đã giết chết con người. Thế kỷ đã giết chết thi ca. Và anh vẫn đi trên con đường vạn dặm với nỗi cô đơn bời bời:
"Còn ai đốt lửa bên đời
Cho tôi gửi gắm một lời cuối xa !"
 (Còn ai đốt lửa bên đời - 16)
   Tôi không biết phải cần viết lên đây một cảm tưởng nào về cuộc hành trình của người thi sĩ trẻ. Tôi nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta chỉ là một hạt bụi hay một cái gì bé nhỏ. Ta bước đi như một chiếc lá úa trên địa cầu khô khan và vắng vẻ mà từ bao lâu ta vẫn chưa bỏ ảo tưởng bình yên. Nhưng sao lại thế, cái đó cần gì và người vẫn bước đi, bước đi điềm nhiên không nhìn lại đằng sau dù có giông bão sấm sét, người bước đi và không sợ nắng mưa vì tất cả các thứ đó đối với người thi sĩ đã trở thành vô nghĩa: bóng ngậm ngùi che chở cho anh. Anh bước đi đến một nơi nào đó chợt nhớ ra:
"- Ồ em, ly biệt trường đình
Năm năm liễu quán còn xanh giọng chào"
(Thuở nào đưa tiễn - 22)
   Giọng chào năm năm vẫn còn xanh như cành liễu không chút vàng úa và cái ly biệt kia có những gì? Biệt ly và hội với người không còn nữa. Ra đi nhưng vẫn ở lại, nói biệt ly nhưng hội ngộ đã tự nghìn xưa. Và anh vẫn bước đi, đi vô tình đi thản nhiên dù giữa "cuộc đời tung xiềng xích" và một chiều nào người tự hỏi:
"Chờ đợi nào ai bóng chính mình"
   Có ai nghe bước chân anh đi, nghe tiếng nói của con tim anh? Chắc khó! Anh như một dòng sông, như một bóng ma ẩn hiện. Với anh chỉ một hình ảnh nhỏ bé cũng đủ tạo thành một vũ trụ bao la:
"Một con ốc chết trên cồn vắng
 (Vĩnh cửu - 21)
   Anh nghe những tiếng nói từ hư vô:
"Run run nhánh gãy mơ hồ
Bước chân thiên cổ đáy mồ âm vang"
 (Nhánh gãy - 19)
   Và mơ thấy một bình minh! một bình minh giữa trăng thâu tĩnh mịch. Bao giờ vẫn thế, con người vẫn chạy theo một cái bóng mờ, cái ảo tưởng để rồi chỉ là một kẻ đáng thương trên nẽo đường vạn lý nghiệt ngã oan khiêng:
 "Cành rơi nắng vàng tắt thở
Trần gian gò đống xanh xao
Hư vô giật mình mắt mở
Trong sương gà gáy quê nào?"
 (Dưới bóng u minh - 15)
   Ai biết được một bình minh ra sao hay vẫn là ánh đèn nê-ông dưới phố đã bao lần làm ta lầm tưởng. Cái lầm tưởng đến độ đau thương! để tâm hồn lắng nghe:
 "Luân hồi chuông động
Chim kêu đoạn trường"
 (Tĩnh dạ 24)
   Trong cái đêm tối mịt mùng người vẫn còn nghe tiếng kêu gào của vạn vật:
"Lê thê gió nổi thu phần"
 (Lên đường 31)
   Chỉ vỏn vẹn có 6 chữ mà đã làm cho ta phải lạnh người. Thật tôi chưa thấy bao giờ cái hồn thơ lục bát lại bát ngát đến thế. Sáu chữ, mỗi chữ một hồn ma đã làm cho ta phải khiếp sợ. Đọc câu thơ này vào một đêm thu Đồ Bàn chắc có người phải toát mồ hôi lạnh, vì như có cái gì thì thầm sau đó.
   Cái khác biệt của anh không phải chỉ bao nhiêu đó, tôi còn thấy ở những điểm rất thường nhưng đối với anh cái nhìn thật đặc biệt độc đáo. Nghe tiếng gà gáy buổi chiều chỉ làm cho ta lòng nao nao và buồn nhẹ, với anh khác hẳn:
 "Tiếng gà vỡ máu chiều hôm"
và mùa thu của anh cũng có cái gì không giống người khác:
"Thu vang dưới đóa hồng tàn
Thu đi trên chiếc lá vàng run cây"
 (Thu - 34)
   Chúng ta thấy không chỉ có mùa thu đi mà còn có một cái gì đi theo: một linh hồn; thơ của anh mỗi câu, không phải, mỗi chữ đều có kèm theo một linh hồn làm cho ta phải ghê rợn hay ngậm ngùi. Khác xa với những câu thơ thu của Xuân Diệu:
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh
hay:
Cành biếc run run chân ý nhi
   Cái nhìn về thu của Xuân Diệu vụ về bề ngoài hơn, khác với cái nhìn sâu thẳm của họ Vũ. Tình của Xuân Diệu với thu thì nhẹ nhàng nhưng thiếu nồng đậm hơn, trái lại họ Vũ nồng đậm hơn và cũng giàu sang hơn.
   Tôi đã viết về anh một đoạn lạc đề, nhưng tôi muốn như vậy vì tôi biết rằng đối với anh cái đó cũng là vô nghĩa vì chính thơ anh đã biện minh cho anh. Với anh, viết mãi vẫn chỉ là thừa và không viết một lời nào cũng không phải thiếu. Nhưng tôi muốn ghi lại một cảm tưởng ở đây mà thôi. Dù sao tất cả chúng ta vẫn chứng kiến cái cảnh:
"Người chết như về chợ"
và  "Lệ đâu rơi bây giờ?!"
(Xứ sở này vui tệ - 59)
nhưng anh vẫn điềm nhiên:
"Dạo quanh thành lũy tuyệt vời
 Bước vang vĩnh thể bước ngời hư vô"
(Nguyễn Du - 70)
   Người đời có thể ghét anh, nhưng điều đó cần gì khi con người ý thức được rằng tất cả chỉ là cái trò đùa to lớn và anh là kẻ may mắn thoát khoải cái trò đùa đó và bây giờ giữa cái đảo lộn của xã hội của tư tưởng Tây phương, cái bế tắc không lối thoát thì vẫn một mình một ngựa ra đi với một tâm hồn thanh thản như một thiền sư trở về nơi thiền định.
   Bài thơ làm cho tôi trầm tư nhiều nhất là bài: "Ôi đường trăng xa":
           "Tơ dứt cành hương
           Nhện giăng thổn thức
           Đá ngủ bên đường
           Cuối sương bức rức

           Ôi thềm trăng rộng
           Ôi đường trăng xa
           Phương nào đá mộng?
           Quê nào nhện qua?"
và bài "Nương náu":
           "Một cành củi vang
           Trăng tà vỡ máu
           Thương lá muộn màng
           Về đâu nương náu"
   Một chiếc lá là một linh hồn, một linh hồn muộn màng vì phải trầm luân trong cái luân hồi, biết tìm đâu để nương náu. Tâm hồn anh sao bao la quá! nồng nàn quá và trong cuộc sinh diệt của vũ trụ anh đã xem vạn vật ngang hàng và có tiếng nói như nhau, mặc dù tất cả đều chỉ là vô tình; vô tình với cái khác và với chính mình:
 "Một mai tôi sẽ qua đời
Dòng sông vẫn trắng khung trời vẫn xanh
Chim kêu mùa trổ bông cành
Ngày vui thiếu nữ long lanh môi cười
Quê nào xe nhịp đầm khơi
Nắm xương huyệt lạnh ai lời nhắn nhe..."
(Một mai - 84)
đã thế, người đời lại còn cố phô trương để che đậy một dã tâm bẩn thỉu, đê hèn:
"Ngọc cốt về đâu giữa thể môn
Đường trưa khép nép bóng âm hồn
Trập trùng quỉ mị tung mồ dậy
Áo gấm choàng tang khóc Thế Tôn"
(Áo gấm choàng tang - 80)
   Còn nỗi ngậm ngùi nào hơn nữa nếu mỗi người trong chúng ta, một phút nào đó để tâm hồn lắng đọng soát xét lại chính tâm hồn mình sẽ thấy đau đớn phải đọc những câu thơ trên kia! Người thi sĩ cô đơn ấy đã cho chúng ta thấy một sự thực phủ phàng nhất thế kỷ. Tuy anh vẫn muốn bước đi nhưng trong lòng vẫn còn canh cánh, yêu thương tất cả, nhưng tất cả đều bỏ anh dù thế anh vẫn không buồn và điềm nhiên trong cái hành trình vạn dặm.
   Chúng ta còn tìm đâu thấy được cái hình ảnh ngạo mạn này:
                       BẺ KIẾM
           Cuộn tròn tơ máu vô minh
           Kiếm toan một nhát tan tành ảo chân
           Bỗng nghe tiếng dậy tuyệt phần
           Nhân duyên quá mộng lục trần quá xinh
           Nét môi chát vị khuynh thành
           Lệ vàng còn hẹn chén xanh còn mời
           Quá quan! kiếm rụng bên trời
           Lòng tay ngửa rộng giọt đời ví von.
   Vũ Phan Long! Thơ anh đã bay bổng trên nền trời Thi ca Việt mà 25 năm qua đã quá u ám tối tăm. Thơ anh là vì sao mai báo hiệu một bình minh mới, mà từ lâu chúng ta hằng mơ ước đúng như lời Thi Vũ nhận xét:
   "Ông có thấy nền Văn hóa Việt đang suy sụp không? Ông có thấy thi sĩ dân tộc quá đông mà chúng ta chưa tạo được một cõi thi cho loài người, khiến một vài thi hào cổ kim của chúng ta phải thân đơn xông xáo giữa thế giới bao la. Tôi cầu mong với tài ông sẵn có, ông sẽ đi tới tận cùng "giữa sát na hiện tại" để cho tiếng sấm báo hiệu trời thơ Việt nổ vang giữa vùng sinh diệt...". Và dĩ nhiên mùa thu của Đồ Bàn hoang tàng tĩnh mịch của đất Thần Châu Vijaya ngậm ngùi vẫn sống mãi với thời gian.
   Tôi xin mượn hai câu thơ của Xuân Diệu để kết thúc bài này:
Tiếng thơ nhỏ chẳng xui chùm trái chín
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa.
Mùa thu Đồ Bàn
Năm tân hợi - 1971
HOÀNG HÀ TĨNH

 

VIỆT CUỒNG TỬ

Tán thưởng thơ luật của Vũ Phan Long
qua bài "Cánh Tiêu Liêu"

  Vắng nhau một thời gian không có dịp gặp Vũ Phan Long. Mãi đến cuối năm 1981, ta mới nhận được của Vũ quân gửi đến mấy bài thơ luật. Đọc kỹ, ta phải giật mình về tài gieo vàng rắc ngọc của Vũ quân. Ta không ngờ bút lực của Vũ quân đã thâm diệu đến thế. Sự kinh ngạc này làm cho ta nhớ đến câu nói của Lã Mông: "Là kẻ sĩ chỉ vắng nhau ba ngày, là phải trố mắt trông nhau".
   Từ lâu Vũ quân ít viết thơ luật, chỉ đam mê thơ mới. Bổng gần đây ta được đọc những bài thơ luật của Vũ quân gửi đến, ta bắt gặp trong thơ những ý tứ phiêu dật, những tự ngữ thanh kỳ, những âm thanh uyển chuyển êm ái, rồi đến những kỹ thuật chặt chẽ lồng vào những vần điệu du dương, dẫu những nhà thơ lão thành như Vũ Hoàng Chương, Bùi Khánh Đãn cũng khó tranh tiên.
   Ta từng xem Đường thi, đọc đến bầi "Quá Lâm Hoài cố lý" - Qua làng cũ Lâm Hoài - của Hàn Ốc tả ngôi đền cũ thờ Lý Quang Bật (người đồng triều với Quách Tử Nghi, có công bình loạn An Sử, khôi phục đế nghiệp cho nhà Đường, được phong tước Lâm Hoài Vương). Bài thơ có những câu
"Cựu miếu hoang lương thì hưởng tuyệt
Chư tôn cơ đống nhất quan thành"
   hoặc:
 "Vinh thạnh kỷ hà lưu lạc cửu
 Lệnh nhân hoài bão bạc phù sinh"
   Có nghĩa là:
 Miếu cổ vắng tanh ngày giỗ bỏ
Cháu xa đói rách cái lương còm
   hoặc:
Sang cả chưa bao sa sút mãi
Xui người ngán ngẩm kiếp phù sinh.
   Lại như bài "Quá Trương Hổ xử sĩ Đan Dương cố cư" của Nhan Huyên - Qua nhà cũ của xử sĩ Trương Hổ ở Đan Dương - với những câu:
 "Thư trai dĩ hoán đương thì chủ
 Thi bích không đề cố hữu danh"
   hoặc:
"Sài phi thảo ốc vô nhân vấn
 Do hường hoang điền trách địa chinh"
   xin tạm dịch:
 Viện sách người xa thay đứng chủ
 Vách thơ bạn cũ luống còn tên
   hoặc:
 Lều tranh cổng liếp không người viếng
Một mảnh vườn hoang thuế mãi đòi.
   Đọc những vần thơ trên, ta bồi hồi đau xót cho gia thế của vị công thần họ Lý, là bậc kiều mộc thế thần, lúc sinh tiền ngựa xe tàng lọng, oai quyền nghiêng nước, sang cả trùm đời. Thế mà khi nhắm mắt lại chỉ một thời gian ngắn, thì đền thờ hương tàn khói lạnh, cháu con rách áo đói cơm, rõ ngán ngẩm cho kiếp người khéo vẽ vời bằng bức tranh vân cẩu. Lại như cao sĩ Trương Hổ (tức Trương Thừa Cát) không màng công danh phú quý, mãng vui với bầu rượu túi thơ, sách đàn đầy vách, bạn bè đầy nhà, Đỗ Mục đã có vần thơ tán dương cái thanh cao của họ Trương với những câu:
 "Hà nhân đắc tự Trương công tử
Thiên thủ thi khinh vạn hộ hầu"
   nghĩa là:
 Nào ai sánh được Trương công tử
Xem nhẹ vương hầu chỉ thích thơ.
   Thế mà khi vĩnh viễn ra đi, thì hành trang cho vợ con chỉ còn lại mấy vần thơ mà Nhan Huyên đã đau thương diễn tả.
   Tả cảnh sa sút thê lương của hậu duệ một công thần, con cháu một cao sĩ, ta cho là Hàn Ốc và Nhan Huyên đã gây cho người đọc một cảm giác bàng hoàng đau xót trước lớp sóng phế hưng, bâng khuâng luyến tiếc sau giấc ngủ cành nam đối với sự nghiệp của vị công thần họ Lý và vị cao sĩ họ Trương. Bút lực ấy tưởng không ai diễn đạt hơn nữa.
   Thế nhưng gần đây ta được đọc bài "Cánh tiêu liêu" của tài tử Vũ Phan Long thì có thể nói "Thi thanh khấp quỷ thần" như Lão Đỗ đã dùng để khen tặng Lý Trích tiên.
   Ôi ! còn gì đau buồn hơn! một vị cao quan sau cơn dâu bể, vận nước biến thiên nhà tan nghiệp đổ. Bao hoài bão, bao ý chí đều tiêu tan và chùng bước trước phong ba của thế cuộc. Nồi kê chưa chín mà dĩ vãng vàng son của Lý sinh đã lạnh lẽo vì ngọn gió thu luồn vào kẽ tranh của chiếc quán nghèo xiêu vẹo. Nhìn trước trông sau chỉ những đe dọa của đói nghèo và những ray rức của áo cơm. Tính nghiêng toan ngửa thì gánh nặng lại đường xa mà tuổi đời đã theo bóng nắng chiều xế dần bên kia non đoài hiu hắt. Niềm đau này đã được Vũ quân diễn tả:
"Mộng đời, mộng nước đã phôi pha
 Một mảnh vườn con tuổi xế tà"
   Ngần ấy từ, ngần ấy ý đã chứa đựng biết bao niềm đau dĩ vãng và chua xót cho hiện tại.
Nhìn về Hán, Đường, kẻ sĩ thời ấy đều chủ trương: "Bất tố cao quan, tố phú ông" - chẳng ông quan lớn cũng ông nhà giàu.
   Nước ta vào thời Lê, Nguyễn, các cụ lại ôm cái hoài bão: "Tiến vi quan, thoái vi sư" - bước ra làm quan, lui về làm thầy - Cũng có lắm cụ khi cánh bằng đã mỏi, lại lui về cửa Không để di dưỡng tính tình, hầu hòa mình với thiên nhiên tĩnh mịch; lấy cái "vô cầu" của họ Thích, cái "vô vi" của Lão Trang để xoa dịu nỗi tân toan của thế vị, cho nên "anh hùng mạt lộ bán qui thiền" là chỗ lui chân sau cùng của các tiên nho ta ngày trước.
   Nhưng than ôi! mạt lộ của "Cánh tiêu liêu" không là ông nhà giàu, không là ông đồ hiền hòa khả kính, cũng không là một đạo sĩ, cao tăng tay cầm phất trần, tay nương gậy trúc để "Nghêu ngao vui thú yên hà, Sớm vào bể thánh tối ra non thần".
   Ngược lại mạt lộ của "cánh tiêu liêu" là bước theo Trần Trọng Tử để mưu sinh trên mảnh vườn còm cõi.
   Còn gì xót xa hơn, khi nhiệt huyết của tuổi xuân trong người một nam tử đã cạn dần cùng năm tháng, giờ phải đối diện với cái bức xúc của áo cơm, đương đầu với cơn lốc của dâu bể mà cũng đành phải dãi dầu thân thế của một lão nhân tuổi ngoại thất tuần. Lại còn gì đau buồn hơn, một tiểu thư đào tơ liễu nõn còn thơm mùi nghiên bút, hồ mắt trong còn long lanh bao kỳ vọng, vành môi thắm còn mọng đỏ những ước mơ, cũng phải dày vò trong mưa sầu nắng quái của cuộc đời, tưởng khi nghe Vũ quân đọc hai vần này ai mà không khỏi tan lòng nát ruột:
"Rám má nữ nhi cơn nắng táp
Phờ râu lão trượng trận mưa sa"
   Sau cơn đỉnh cách của Nguyễn triều, thất bại trong phong trào cần vương của Mai Xuân Thưởng, là kẻ sĩ có tâm huyết, ý thức bổn phận ở dưới gầm trời của mình, khi đã tự cảm thấy bất lực trước thời thế và bị đẩy lùi vào đường cùng, cụ Vân Sơn thường đau xót ngâm:
           "Mạt lộ cánh hà ngôn, Vân Sơn kỳ thụ cựu du lãng tụng ngư tiều ngô dữ tử.
           Trần duyên an túc vấn, Yên Triệu bi ca bản sắc, trầm mai hào kiệt cổ nhi kim"
   Xin tạm dịch:
           "Đường cuối nói gì đây, thú Vân Sơn cây mát gò cao, ngâm ngợi ngư tiều ta với bác
           Chuyện đời bàn chi nữa, đất Yên Triệu ca sầu điệu cũ, vùi chôn hào kiệt trước như sau".
   Bấy nhiêu chữ như bấy nhiêu mũi dao nhọn, bấy nhiêu khối băng lạnh xoáy vào ruột gan, dội vào thể xác những nam nhi tâm huyết, ai mà không xót xa tê tái.
   Thế nhưng cụ Vân Sơn có đau buồn trước cảnh vật đổi dời của thế cuộc, cụ cũng còn có cây mát gò cao để tiêu khiển, có tri âm để san sớt niềm đau, để trút vơi nỗi hận lòng bằng cách: "Đường cuối cùng biết nói sao đây,  thú Vân Sơn cây mát gò cao, ngâm ngợi ngư tiều ta với bác".
   Riêng đau buồn cho  "Cánh tiêu liêu" khi gặp phải mạt lộ đã không thành ông nhà giàu, không thể làm ông đồ vui với những cậu thư sinh mặt trắng, lại cũng không thể xõa tóc theo Xích Tùng để khuây khỏa tháng ngày trong lúc nhìn trước trông sau không có tri âm để san sẻ, bạn hãy nghe đây:
"Mưu sinh lẩn quẩn hàng cây cỗi
Tâm sự nguôi ngoai đám bạn già"
   Tưởng khi đọc hai vần thơ này thì niềm đau thân thế của "Cánh tiêu liêu" như triền miên sau trước và bàng bạc đó đây. Ôi ! còn phím tơ nào xao xuyến hơn, còn tiếng trúc nào não nuột hơn!
   Ai đã từng đọc "Chinh phụ ngâm" của nữ sĩ họ Đoàn và "Cung oán ngâm khúc" của tài lang Nguyễn Gia Thiều, và tất cả những diệu văn, giai tác xưa nay nói lên cái đau xót sầu thương của tao nhân  bất đắc chí, của những tài tử bất ngộ thì, của bao nhiêu chinh phu, oán nữ, của bao nhiêu cảnh biên sầu, khuê oán đã làm cho ta não lòng nát ruột với những áng văn chương bất hủ đó. Ở đây, có điều đáng nói, là ngoài sức thu hút ta vào lãnh vực đau thương bất tận, trong "Cánh tiêu liêu" còn nổi bật lên cái đặc biệt mà cụ Khổng đã nêu cho hậu nhân thấy ở thiên "Quan thơ" trong Kinh Thi là "ai nhi bất oán", nghĩa là "đau buồn mà không oán hận". Điều này mới làm cho ta thấy cái trung hậu khả ái của "Cánh tiêu liêu" và làm cho ta phải khinh ngạc ở hai vần chuyển kết trong "Cánh tiêu liêu":
 "Gửi cánh tiêu liêu trên nhánh mỏng
Xin trời chớ vội nổi phong ba!"
   Ôi ! gặp phải mạt lộ, đụng nhằm nghịch cảnh mà chỉ ước mong tìm một tổ ấm, một chổ dung thân âm thầm với niềm đau thân thế, mà không hề oán trời trách người. Rồi chỉ biết van vái đấng tạo hóa ban bố cho một ân huệ tầm thường là đừng "nổi phong ba" để được an thân lạc mệnh trong cảnh khó đường cùng. Thật là đáng yêu mà cũng đáng đau thương xiết bao!
   Ngày xưa Bạch Lạc Thiên nghe người ly phụ trên bến Tầm Dương kể lể nỗi niềm mà đầm đìa vạt áo xanh. Ta tin rằng nếu Giang Châu Tư Mã mà tái sinh để nghe giai tác "Cánh tiêu liêu" chắc phải khóc nhiều hơn ai hết.
   Và, ta xin mở ngoặc nơi đây để nói thêm rằng: Khi Lý Bạch đến viếng Hoàng Hạc Lâu đã phải viết:
"Nhỡn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu"
   có nghĩa là:
Cảnh đẹp nhỡn tiền không tả được
Bởi thơ Thôi Hiệu vịnh đây rồi!
   Dù có nói gì, viết gì nữa, cũng là chuyện "vẽ rắn thêm chân" và "tới đầu sông bán nước", không khỏi làm trò cười cho thức giả. Tuy thế, động lực của "nòi tình" đã thúc đẩy, nên ta cũng vụng về nhận định và viết thiên đoản văn này để tán dương giai tác "Cánh tiêu liêu" của Vũ quân cùng bạn bè bốn phương.

 Viết tại Tình phố, vào một sớm
chớm nở hoa trà mi, năm quí hợi (1973)
Tình phố chủ nhân
VIỆT CUỒNG TỬ

 

 THI VŨ

 

       Paris,  8,  8,  1970.
       Kính Ông Vũ Phan Long,
   Đã lâu, tôi có nhận được tập thơ "Ngưỡng cửa chiều hôm"(*) chép tay của ông gửi tặng. Tôi rất lấy làm trang trọng, Lẽ ra tôi đã có thư phúc đáp và cám ơn, nhưng vì công vụ hải ngoại khiến tôi phải rày đây mai đó đi xa, sau lại có vài việc phải sắp xếp ở Ba-lê, nên lòng chưa ổn ngồi biên thư. Mong ông tha lỗi.
   Tôi có gửi tặng Ông bằng đường hàng không tập thơ Hoa Nắng do An Tiêm xuất bản, trong đó tôi báo tin là đã nhận được tập thơ Ông, nào ngờ tập thơ đó không đến tay Ông, khiến Ông trông ngóng.
   Biết rằng lúc này thư từ hay thất lạc, nên xin Ông miễn chấp nếu thư này tôi đã không viết tay.
   Tôi đã đọc kỹ ba lần tập thơ Ông gửi, Lần đầu, lúc tôi đang bịnh nằm trên giường, Hai lần sau đều đọc vào những lúc có chuẩn bị. Tôi không biết nên viết gì cho Ông, khi tôi đã được đọc trong phần phụ lục tập thơ Ông gửi những lời ca ngợi chân thành của các thi hào, văn sĩ, phê bình gia như Quách Tấn, Lam Giang, Châu Hải Kỳ, Từ Văn Ái... Với một nhà thơ, những lời giới thiệu trang trọng như vậy thật là quí, là đủ. Cho nên tôi chỉ muốn im lặng đứng xa, đứng trong bóng tối mà đọc thơ Ông. Đó cũng là lý do khiến tôi không thấy thúc bách ngồi viết những cảm tưởng sau khi đọc xong "Ngưỡng cửa chiều hôm".
   Hôm nay, tiện viết thư thăm Ông, tôi xin phép được nói vài lời cảm tưởng. Tuy nhiên, tôi sẽ viết nó trong tâm trạng của một người đọc thơ, một độc giả như muôn nghìn độc giả của Ông. Chủ đích tôi không viết trong tâm trạng của một phê bình gia, hay nhất là trong tâm trạng của một người làm thơ. Bởi vì, phê bình là nhìn và bóp cái nhìn theo cảm quan phê bình; và viết theo tâm trạng một người làm thơ là viết để ca tụng. Tôi nghĩ rằng Ông không cần thiết phê bình, một nhà thơ là một đỉnh núi; Ông cũng không cần thiết ca tụng, bởi đã có nhiều thi hữu ca tụng Ông rồi. Cái mà Ông thiếu là cảm tưởng của những độc giả khác nhau đọc trong những tâm trạng khác nhau về thơ Ông.
   Những bài thơ tôi thích trong tập là "Đàn tranh", "Đêm Thánh", "Giữa lòng thu vang" và "Xứ sở này vui tệ". Khi đọc những bài đó tôi thấy Ông không dụng công làm thơ, chính vì vậy mà thơ đã tràn chảy xuống người và cảnh quanh Ông. Đó là cái giây phút mà Ông không cần thiết sự liên đới của thi ca để bật nên ngôn ngữ, nhưng cũng nhờ vậy mà ngôn ngữ Ông đã thành ngôn ngữ thi ca. Thi ca mà tôi muốn nói ở đây cũng tựa như Tình Yêu của Ông đối với người của "Xứ em" chứ không phải là tình đối với "Thôi em bước khẽ đưa đèn anh soi". Ông có nghĩ vậy không? Phải chi mà Ông viết "Em ơi bước khẽ, đây đèn anh soi" thì chắc tôi đã không nghĩ khác đi.
   Trong những bài thơ mà tôi thích trên đây, Ông đã hoàn toàn "đánh mất Ông"- đánh mất tâm linh của Đêm Thánh. Bản ngã hoàn toàn trong tính Không. Nhò vậy nó hiện hữu rỡ ràng như mọi sự và không có gì lay chuyển được. Người ta chỉ lay chuyển được những hình khối đơn độc. Song người ta không thể làm gì được những vật thể tương duyên trùng trùng. Phải rồi, chính tương duyên mà Ông bỗng lóe thấy trong sát na nào đó kết nối Ông vào thi ca. Thường con người rất sợ bị "đánh mất tâm linh", nên họ đem cả đời ra mà trau chuốt tâm linh như trau chuốt một viên ngọc, họ không biết ngọc quí ở ngọc chứ không phải ở hình dáng thời trang. Phải đánh mất mình đi. Phải đánh mất thi ca đi. Phải đánh mất tên tuổi đi. Đánh mất tan nát trong hào khí đông phương thì mới thị hiện ra cuộc sống. Cái "quy hồi" (Riickschritt) của Nietzsche cũng chỉ là những bước sờ soạng, chập chững trong hào khí đông việt này. Nikos Kazantzaki trong bài thơ Ông viết cũng mới hé thấy hố thẳm lung linh, song chưa thấy hố thẳm của hố thẳm hay hố thẳm hố thẳm. Bởi vì Nietzsche thì mài công phá vỡ để xây dựng, Kazantzaki thì suốt đời là một cuộc hành hương. Cả hai người đều không biết không có gì để xây dựng cả. Tôi thấy thi sĩ Quách Tấn đã hiểu điều đó một cách bất ngờ khi ông gọi núi xuống liên hoan với người trong mấy cuốn Xứ Trầm Hương và Nước Non Bình Định, ông đã lần ra được mối tương duyên của Cosmos.
   Khi tôi nói rằng tôi thích những bài thơ nầy thơ nọ trong tập thơ Ông, không có nghĩa là tôi không thích những bài thơ kia, dù rằng những bài kia có thể là dụng công hơn, giàu có hơn. Nhưng chính vì nó giàu có quá, khiến tôi quên mất sự hồn hậu và nghèo xơ, vốn là tự tính của đời người. Tôi muốn được đọc những bài thơ Ông mà qua những bài thơ đó tôi đối diện với Vũ Phan Long như đối diện một đỉnh núi, chứ tôi không muốn thấy những người khác lố nhố chạy theo sau Ông. Sự đẽo gọt, từ ngữ, âm nhạc, vân vân lắm khi đã đánh lầm nhiều thi sĩ của chúng ta. Cũng như lắm khi chúng ta chỉ chú ý tới quần áo, cà vạt, dầu thơm, và quên hẳn thân thể mình. Một vài khi chúng ta cũng quá chú ý tới thân thể mình, và quên mất tâm linh. Nhưng một vài khi chúng ta lại quá chú ý tới tâm linh để quên mất cái không tâm linh.
   Đọc thơ Ông, tôi cảm cái buồn man mác của nấm mồ cô quạnh. Những hồ mồ rất đẹp, nhưng, buồn quá "Bước chân thiên cổ đáy mồ âm vang", "Chập chờn nhân thế mồ chôn khắp trời"... "Có ai tương biệt đây lời vĩnh ly" v.v... "Mình tôi đứng giữa ngục tù đăm chiêu"... "Còn ai trên những lối này mai sau".Tôi cầu mong cho tiếng buồn đó sẽ đứt như dây đàn "Một giây bỗng đứt đường chim sững sờ". Trăng nằm đó đợi một trời thơ. Trăng nằm đó trên đầu tay Ông, trên đầu bút Ông, Ông nắm đi và tan hòa trong đó. Tôi không có ý nói rằng hãy vĩnh ly mối buồn nầy, nhưng hãy đi tới tận cùng của nỗi buồn lớn, chớ ở lưng chừng. Tới tận cùng cho mối buồn khôn thấu chịu, phải nổ tung ra mênh mông trời đất và đời người và cuộc sống. Có vậy cuộc phiêu bồng Ông mới là sự bồng phiêu của mặt nhật giữa muôn nghìn đóm sáng trăng sao. Bây giờ trạng huống Việt Nam, và văn hóa đang bắt Ông phiêu bồng dưới trăng "Tiếng viên gạch vỡ phiêu bồng dưới trăng". Sao lại dưới mà không là giữa (?). Tôi hiểu bởi vì "Vườn khuya con nhện thẩn thờ dệt trăng", Ông đang dệt trăng, và nấm mồ kia khiến Ông thẩn thờ. Một ngày nào đó, nấm mồ sẽ vỡ nổ, con nhện sẽ âm thầm dệt trăng trong hào khí hồn hoa, và tiếng viên gạch vỡ sẽ vút mình hóa phượng bay cao trên hố lửa. Tôi trông chờ ngày đó quá.
   Ông có thấy nền văn hóa Việt đang sa sụp không? Ông có thấy thi sĩ dân tộc quá đông mà chúng ta chưa tạo được một cõi thi cho loài người, khiến một vài thi hào cổ kim của chúng ta phải thân đơn xông xáo giữa thế giới bao la. Tôi cầu mong với tài Ông sẵn có, Ông sẽ đi tới tận cùng "giữa sát na hiện tại" để cho tiếng sấm báo hiệu trời thơ Việt nổ vang giữa vùng sinh diệt.
               "Giữa sát na hiện tại
                Chưa ai bước đến cùng".
   Ông hãy bước ra khỏi ngưỡng cửa chiều hôm nơi mà Ông phải chân nhận "Tôi nhìn tôi một vùng xa lạ" để cho bản lai diện mục thị tiền.
   Nãy giờ tôi chỉ đề cập tới tư tưởng của thi ca, những gì Ông đã đem lại hay không đem lại cho dòng thi Việt. Tôi đã nói những chuyện không cần thiết cho Ông. Nhưng tôi xin muôn đời làm chuyện không cần thiết đó để cho chuyện cần thiết của Ông tồn hữu.
   Thư viết không dài, nhưng lòng tôi hẳn đã sống thực với "Ngưỡng cửa chiều hôm". Có điều chi phật ý, xin Ông cũng lấy đó làm tấm thịnh tình của kẻ muốn sống trong THƠ, Kính chúc Ông an hảo và sáng tác mạnh cho thi ca.
    Kính.
  THI VŨ
(*)  Nhan cũ của thi tập DƯỚI BÓNG NGẬM NGÙI   

 

  TRẦN THÚC VŨ

 

   Vũ Phan Long,
   Từ ngươi, đã khai mở một cõi, cái cõi vô cùng của thi ca, chứ không phải Vũ trụ và khôn cùng hóa sinh trong thơ ngươi. Những dòng thơ ấy không hề thật, nhưng cũng chẳng hề biến đi, không phải như nắng sớm, như sương mai, mà như sự hình thành của sương mai và nắng sớm: bởi chính đó là cái tan đi trong cái sống hằng viễn.
   Ta suốt đời làm kẻ ngạo cuồng, không có mặt trời, chẳng có mặt trăng và biển khơi lẫn núi cao trong cái e dè ta đã dựng. Thế nhưng, chính những dòng thơ ngươi bắt đầu bởi cái vô cùng trong hữu thể đã sáng hơn mặt trời. Ta bơi trong dòng thơ ngươi, mà ngậm ngùi, thoắt chốc biến thành mênh mông.
   Người, như chim hạc một chiều còn não vọng xuống cõi đời vốn tự nó cho rằng phiền não.
Cánh hạc tiếc gì đêm tối nữa
 Mà tiếng kêu sương vọng xuống ngàn
   Chính ngươi, người và thơ của người đã giới hạn cõi vô cùng.
Tháng 7, Mưa ngâu, Mậu thìn 1988
TRẦN THÚC VŨ

     



 

No comments:

Post a Comment

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...