Monday, May 11, 2020

Hoàng Lộc

VỀ TẬP “ THƠ TÌNH Ở HỘI AN “ của nhà thơ HOÀNG LỘC.

Tôi may mắn được anh ưu ái gửi cho tập bản thảo Thơ Tình Ở Hội An trước khi tập thơ được mang đi in. Chủ đề của tập thơ là thị xã Hội An, quê hương của nhà thơ Hoàng Lộc. Hội An, đất địa linh nhân kiệt, nơi có rất nhiều các thi sĩ tài hoa như Nguyễn Nho Nhượn, Hạ Đình Thao, Du Mỹ, Lê Văn Trung, nhạc sĩ Đynh Trầm Ca, Vũ Đức Sao Biển v.v. và ngôi trường Trung Học Trần Quý Cáp, nơi những tâm hồn non dại thuở chưa bước chân vào đời đã học của rất nhiều nhà thơ. Nơi có dòng sông Hoài lãng mạn và ngôi Chùa Cầu, nơi có vô vàn ký ức của thời niên thiếu, thị xã Hội An nhỏ bé đã thấm sâu vào máu thịt của những nhà thơ sống cuộc đời lưu vong ở xứ người nhưng trong những góc sâu thẳm nhất, trong tâm hồn của họ Hội An vẫn luôn hiện diện và là nơi muốn được quay về. Bàng bạc trong họ vẫn là cái “ chất “ Hội An mà sau cuộc biến động thê thảm nhất trong đời người, những người con của Hội An sau những ngày tù tội “ trả nợ quỷ thần “ đã tha hương tứ xứ trên quả đất này. Tôi tin rằng những người làm thơ như Hoàng Lộc và bè bạn đồng hương của anh sẽ chọn Hội An làm điểm dừng lại cuối cùng trong đời. Ước mong nhỏ nhoi nhưng thiêng liêng và hợp lý đó rất đỗi bình thường nhưng có lẽ không dễ dàng chút nào. Càng lớn tuổi, điều mong mỏi cuối đời càng trở thành điều day dứt, lúc nào cũng âm ỉ trong lòng.
…Riêng với Hoàng Lộc, anh hầu như mỗi năm mỗi về. Trong tập thơ “ Ngăn Ngắn Tình Si “ mà anh gửi tặng cho tôi trước đây mấy năm có những câu thơ giản dị nhưng có sức lay động trong tâm hồn của một người làm thơ tha thiết nhớ về quê hương trong những tháng năm sống lưu vong:

“ Ta thực sự muốn ở hoài một chỗ
Mà ông Trời cứ mãi đẩy ta đi
Và em cũng một đời như gió núp
Tóc bay mây thổi suốt buổi anh về
Ngày Xuân cuối hết hoa - dù hoa ẩn nguyệt -
Để ngàn trùng cơn gió nỗi niềm xa
Mẹ già ta đã yên nằm trong đất
Quê nhà đây sao vẫn nhớ quê nhà ?

Thơ H.L. là như vậy. Suốt đời, anh chỉ viết những bài thơ giản dị nhưng chân thành. Anh thủ thỉ với lòng mình, tự dỗ dành mình, dỗ dành người anh yêu. Anh thủ thỉ với người Mẹ đã qua đời, thủ thỉ với những người anh đã yêu nhưng qua nhiều biến động của cuộc đời đã bỏ anh mà đi. Anh không giận ai, cũng không oán trách ai. Và khi từ xa xôi về lại thăm quê cũ, anh bùi ngùi với từng góc phố, từng con đường, từng ngọn cỏ nhỏ nhoi, từng chiếc lá rụng trên vỉa hè bên những ngôi nhà cổ kính xanh ngắt màu rêu. Trong mịt mù ký ức những mối tình xa xưa, những khuôn mặt người yêu dấu, những bè bạn thân thiết đã bỏ mình trong cuộc chiến cứ mơ mơ hồ hồ trong tâm tưởng. Trong anh quá khứ và thực tại đan xen với nhau, cuộc chiến đi qua đã mấy mươi năm nhưng những ký ức vẫn còn làm đau lòng người lính cũ.

ĐƯỢC TIN NGƯỜI YÊU CŨ
TẢN CƯ KHỎI HỘI AN
em biết thương chưa trời thị xã
ơi ngày bỏ phố có phân vân
đêm rồi đạn pháo bao nhiêu quả
mà cổ thành rơi vỡ bóng trăng !
từ đó sân trường thêm cỏ mọc
con chim mùa phượng cũ bay rồi
mai này em sẽ... em đơn chiếc
khi lỡ tìm theo nỗi ngược xuôi
ai khóc, hình như lòng nhau xưa
căn nhà ta cũng nát bao giờ
em đi vườn chắc thêm hiu quạnh
tình đã xuân đâu mà tàn thu
ta vẫn quê người thân lính thú
năm năm chưa dứt nạn sa trường
có về ngói vụn, tường xiêu đổ
nào thấy gì nhau để xót thương
đời ta trời mưa, trời mưa mau
Hội An một bóng áo tình đầu
hỡi em... hai đứa cùng lưu lạc
biết có còn nghe tiếng gọi nhau ?
1971
( Thơ HL)
…” Hỡi em…hai đứa cùng lưu lạc
Biết có còn nghe tiếng gọi nhau ? “

Nếu chưa từng trải qua thời gian chiến tranh sẽ khó mà hiểu được. Những đêm ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất miền Nam VN, đêm nằm nghe tiếng pháo kích và những tiếng nổ kinh hoàng, sáng ngày mai thấy nhà cửa đổ nát ngun ngút khói và máu me bắn tung khắp nơi trên những vách nhà đã sụp đổ vì trúng đạn pháo kích đêm qua. Mặt trời lên soi rõ tội ác và cái chết. Câu thơ thống thiết như một tiếng kêu của những con chim bị thương, của những mối tình tan tác bởi chiến tranh cùng bao nhiều điều đã tàn phai và đổ vỡ. Có thể họ đã không còn gặp nhau nữa, không còn được nghe tiếng nói, còn được nhìn thấy nụ cười của nhau trong cuộc đời.

VỀ HỘI AN MỚI THẤY BUỒN
có phải đây thành phố bao giờ
có hồn ta mát lụa vàng xưa
để rơi nước mắt thời lưu lạc
chừng buổi về thăm đã tuyệt mù
phải thuở yêu người ta ở đây
qua sân trường tình bao nhiêu ngày
tình như ta có ai hơn được
mà chắc trọn đời người không hay ?
thà ở quê người ta được khóc
nuôi hoài một nỗi nhớ huy hoàng
cứ tưởng em còn thương giấc mộng
cứ tưởng thuyền chưa nỡ quá giang
ai lại về khi trời sang đông
ai lại về đứng ngó bờ sông
khi đưa tay níu thân cầu gãy
buồn như mưa, buồn ơi vô chừng...
( Thơ H.L. – 1971 )
“ Để rơi nước mắt thời lưu lạc
Chừng buổi về thăm đã tuyệt mù "

Cô bạn của anh vì chiến tranh, vì bom đạn đã đi khỏi thành phố đó không kịp một lời nhắn nhủ.
“ Chừng buổi về thăm đã tuyệt mù “. Ôi chao, câu thơ buồn ơi là buồn !
Như hầu hết những nhà thơ khác, anh không…chỉ yêu một người. Đó là ân huệ hay sự trớ trêu của Thượng Đế đối với những người làm thơ thì chẳng ai dám chắc. Anh chưa kịp lãng quên mối tình cũ thì lại xuất hiện trong đời anh một bóng hồng khác. Chắc cô so với anh còn nhỏ lắm nhưng trong trái tim …luôn còn thừa nhiều chỗ của nhà thơ thì “ cô bé “ này cũng không kém phần lẫy lừng vì anh đang… kêu khổ với “ bông hoa Cúc “ của mình, một cô bé chắc ly lai trên tuổi ô mai chút đỉnh vì cô còn đi học.

KHI QUA TRƯỜNG HỌC
MÙA THU CŨ
ta khổ quá chừng cô bé hỡi
em như hoa cúc nở trong vườn
mùa thu bay qua đời rất vội
mà dấu tình chưa kịp lãng quên
em bỏ trăm ngày phơi áo lụa
trong ta trăm buổi sáng mơ vàng
ví dù nắng có reo ngoài nội
chưa chắc tình kia động cánh hồn
ta dối ta vầng trăng đã lặn
em về lớp học một ngày mưa
để nghe trái đất sầu vô hạn
hiên gió mù tăm áo lụa người
( Thơ tình Hội An – bài 27 )

THƠ TẶNG CÔ GIÁO
DẠY TRƯỜNG TRẦN QUÝ CÁP
chiều nay người đi dạy về
thấy hồn ta dựng bên hè phố không ?
học trò người dạy thật đông
có tên nào giống ta không, hỡi người ?
học yêu thương suốt một đời
vẫn sông nước bỏ, vẫn trời gió bay
chiều nay, người hết một ngày
khi thành phố cũ lên đầy mù sương
khi về qua những con đường
thấy hồn ta, tượng-đá-buồn đó không ?
( Thơ Tình ở H.A. – Hoàng Lộc – 1973 )

Ai chớ H.L. thì khi còn nhỏ chắc chắn anh cũng có lần từng đã… yêu cô giáo của mình. Rồi cuộc đời anh giống như bị một cái “ huông “ ( ! ) không giải thích được, anh lại đứng ở ven đường để chờ một cô giáo khác. Còn phần cô giáo có “ thấy hồn ta dựng bên hè phố không ? “ lại là chuyện khác. Không chừng cô giáo sau buổi dạy về cô đang tính trong lòng chiều nay nên làm món gì…cho chồng nhậu để chồng vui, làm gì mà thấy nổi cái “ tượng- đá - buồn “ đang đứng một mình lủi thủi chờ cô một cách vô vọng đó ? Nhưng thật tình với những người làm thơ thì như thế …mới “ sướng “, mới đẹp. Không chừng đêm nay về, nhà thơ nghĩ tới cô giáo rồi lại mất ngủ, lại lọ mọ lấy giấy bút ra để tiếp tục “ mần thơ “ về cô giáo. Ai nói gì thì nói, tôi tin những nhà thơ đều hiền lành vì họ chỉ sống trong thế giới của mình mà không động chạm đến ai. Khi nghĩ đến một người yêu nào đó từng đã bỏ rơi mình, nghĩ đến cái lão chồng rất rất đáng ghét của cô anh nhà thơ có thể cáu chút chút. Nhưng anh lại chân thành mong cho cô ấy hạnh phúc vì anh chẳng mong gì hơn thế từ ngày cô bỏ anh đi lấy chồng.

VỀ HỘI AN UỐNG RƯỢU ĐỢI NGƯỜI
nhớ em nhớ buổi trăng tàn khuyết
quán cuồng hào sĩ cũng rưng rưng
như ta dễ một lần ta khóc ( mà khóc! )
em hát liêu trai khúc nguyệt cầm
về đây chợt ngó trường giang rộng
ngứa cổ cười khinh mùa phong yên
nương tử - tài hoa anh đã cạn
rượu buồn đâu dám đợi tay em
cố hương chừ một ta say khướt
thôi trăng rồi cũng lấp đầu non
tình vụng như rượu nồng, lỡ sặc
hồng nhan ơi, em có thương giùm ?
( Thơ H.L.)

Thấy chưa ! Nhà thơ HL cũng đã nhiều lần “ ngửa mặt lên trời cười ba tiếng rồi khóc ba tiếng “ như vậy. Mối tình “ vụng “ của anh y như hớp rượu nồng làm anh sặc. Để đến nỗi anh phải lên tiếng kêu “ Hồng nhan ơi, em có thương giùm ? “. Nghe thống thiết lắm. Não lòng lắm lắm. Nhưng cô ... có “ rảnh “ để “ thương giùm “ anh hay không lại là chuyện khác. Vì rất có thể vị “ nương tử “ mà anh gửi tín hiệu S.O.S lúc đó lại đang âu yếm với chồng. Không nhớ hai câu thơ này của ai nhưng có lẽ phù hợp với tâm trạng của anh:

“ Nửa đêm thắp ngọn nến hồng
Biết đâu em chẳng…bỏ chồng theo ta ? “

Tôi không rõ nhà thơ H.L. dùng chữ " vụng " ở đây theo nghĩa nào. Anh vụng về trong mối tình của mình hay " vụng " theo nghĩa không chính danh ? Thôi kệ anh, vì " vụng " nào cũng đều dễ thương cả. Cứ để mặc cho nhà thơ “ thắp ngọn nến hồng “ và tiếp tục tơ tưởng những chuyện của anh.

RA TÙ VỀ LẠI HỘI AN
ta về với phố tang thương
giấc mơ xưa dễ điếng hồn gọi nhau
qua sông lạnh mỗi vai cầu
ơi ta quán nhỏ cúi đầu hỏi thăm
hiểu nhau đến giọt lệ thầm
vẫn khô trên những tháng năm biệt mù
về, ta gặp phố sầu u
ta yêu em với ta tù tội đây
hình danh giữa một hình hài
hắt hiu từng sợi mưa ngoài bến sông.
( Thơ H.L )

...Nói gì thì nói kể cả chuyện ghẹo anh. Nhưng những dòng thơ của bài thơ " Ra tù " ở trên thì quả tình sự tang thương trong hoàn cảnh của anh làm người đọc đau lòng. Nỗi tang thương của thời cuộc mà mỗi chúng ta sau 75 đều đã trải qua làm chúng ta chạnh lòng và bùi ngùi cùng với nhà thơ H.L.. Tù tội nhiều năm, khi anh trở về với cuộc đời thì mọi điều đều đã khác. Trong những giấc mơ đau đớn làm điếng lòng người khi tỉnh giấc và thầm thì gọi tên người yêu dấu, giọt lệ cố nén để không rơi trước mặt kẻ thù, cố gắng tự lừa dối mình để sống sót và khi trở về đã tận mắt chứng kiến nỗi tang thương của lòng người và của thời cuộc. Dòng sông Hoài cơ hồ cũng khác, những giọt nước mắt lặng lẽ đang chảy trong lòng anh cũng hiu hắt như từng sợi mưa đang âm thầm rơi trên bến sông Hoài.

" hiểu nhau đến cả tấm lòng
vẫn nghe như để vô cùng hợp tan
ta về đây với Hội An
chết trong em với điêu tàn trong ta
dửng dưng ơi một hiên nhà
cơn điên bưng mặt khóc oà bởi đâu?
thế mà mang tiếng hiểu nhau
không nghìn xưa chẳng nghìn sau nữa rồi "

Bao dâu biển của cuộc đời đã làm thay đổi mọi việc. Cảnh cũ không còn, người xưa biệt mù tăm tích. Lòng người thay đổi.

“ thế mà mang tiếng hiểu nhau
không nghìn xưa chẳng nghìn sau nữa rồi “

Chữ " thế mà " anh dùng cực hay. Oán trách thì không nhưng vẫn vương vướng một điều gì đó bất đắc dĩ phải nói ra. Nhưng nói lại cũng phải chọn lời vì anh không nỡ trách người anh đã yêu, đã hẹn thề cùng anh. Bây giờ thì cô ấy đã không thể cùng đi với anh được nữa. Không thể có chuyện “ nghìn xưa nghìn sau “ nữa . Lòng anh trống toang hoác. Trong sự lạnh lẽo không cùng của lòng anh chỉ còn lại nỗi điêu tàn. Điêu tàn của Chế Lan Viên là điêu tàn của một vương triều. Điêu tàn của Hoàng Lộc là nỗi điêu tàn của thế cuộc và của nhân sinh. Mà nỗi “ điêu tàn “ của nhân sinh mới cực kỳ thê thảm. Có những người hôm qua ngỡ là bạn đã trở thành kẻ thù, một kẻ thù giấu mặt đã nhiều năm. Những giá trị bị đảo lộn. Những nghìn xưa nghìn sau đã chỉ trong một cuộc thương hải hóa tang điền mà tan tác.

THƠ VIẾT Ở CHÂN CẦU CẨM NAM
ôi chồng em dễ chi là Từ Hải
mà ta tin còn một buổi quy hàng
nên em ạ dù Nguyễn Du sống lại
cũng điếng hồn cho Kim Trọng lang thang
ta đã lang thang mấy lần Kim Trọng
từ hôm qua goá bụa một phần đời
có mỏi mắt trên Tiền Ðường nổi sóng
thì bạc lòng em cứ bạc lòng vui
như bến bãi mười năm rồi cát lở
có ngậm ngùi đến mấy cũng bằng không
cái thất thế khoanh đời ta một xó
gọi tình xưa, em tay bế tay bồng
ta có đến vịn vai cầu mấy bận
đứng trông trời mây trắng hãy còn bay
bóng hiu hắt thả đôi bờ, nước cuốn
em qua cầu thuở đó chắc không hay
( Thơ H. L. 1984 )

BỮA SAY GHÉ CHÙA ÔNG HỘI AN
Quan Vân Trường mặt đỏ cũng thành danh
ta đỏ mặt hơn ông, đời lại hỏng
ông cốt cách quỳnh tương, ta hồ đồ rượu dỏm
cuộc trăm năm đã đến thế - hoang tàn
Kinh Châu, Kinh Châu mờ hơi sương
lòng ông, lòng ta - ai biết được?
hào khí ngời thanh long, cũng sụt sùi ngọn bút
chuyện nghìn xưa thầm hỏi chuyện nghìn sau
ông còn đất để về, ta biết về đâu?
mịt mịt trời sương - mờ mờ thân thế
châu với quận đã lạc loài tri kỷ
mảnh trăng suông vừa nhạt thếch rượu mời
chốn trần gian tốc gió bốn trời
trên đất lạ còn rung bờm xích thố
ông tử vi thần thơm lừng thiên cổ
ta thơ cuồng vất vưởng mỗi tờ mây
để có lần ta chếnh choáng qua đây
chén rượu dỏm chừng không gượng nổi
ông linh hiển, mặt mày ông đỏ chói
đỏ mặt mình, ta gục dưới chân ông...
1987

DẶN LẠI HỘI AN
anh đi xa em cũng về
con đường bụi cát nhà quê thuở nào
thăm giùm ba mẹ đôi câu
có khi nỗi nhớ ngọt ngào trong em
xe thì cứ dựng đầu hiên
vắng anh còn bóng cây quen ngó chừng
tự nhiên rót nước em dùng
thiếu ly tách cũng xin đừng buồn, nghe!
gửi em ổ khoá đôi chìa
tủ thơ tủ sách bộn bề kia thôi
ghế em (lỡ đã ai ngồi!)
ngồi đi em để nhớ thời ghen xưa
chẳng chừng đọc lại trang thơ
em vui những lúc mình chưa tỏ tình
chẳng chừng thơ giúp cho anh
những sâu kín bất ngờ dành tặng nhau
ngó sông đừng đoán nông sâu
đừng coi thiên hạ qua cầu làm chi
phố buồn chỉ mấy lối đi
chớ lang thang để nhiều khi thắt lòng
trời lập thu trời sang đông
cái mưa nắng cũng không chừng đâu em
quê người có lúc thưa tin
kể như thiếu… chút tiền tem vậy mà !

thơ tình ở Hội An - Bài 51
dẫu khi anh không ghé nhà
vẫn chăm chuốt giúp lọ hoa để bàn
nhưng thôi đặt chiếc gạt tàn
kẻo vui điếu thuốc trễ tràng của ai…
dặn em lòng muốn dặn hoài
chi li lời thật dông dài lời thơ
những điều rất mới rất xưa
tưởng như lời hết mà chưa hết lời
1993

PHỐ NGƯỜI, GẶP ĐỒNG HƯƠNG HỘI AN
Hạ Tri Chương về quê
khoe tiếng quê chẳng đổi (*)
ông đây ở xứ người
dễ pha chi giọng nói ?
gặp ông trên phố Mỹ
mà ông Quảng Nam chay
phong thổ càng không thể
làm cái tình đổi thay
thơ tình ở hội an bài 53
đi ngót mấy mươi năm
trời ni chưa quen được
ông than đời xuôi ngược
đâu chỉ vì áo cơm
ông nhắc món Hội An
những cao lầu, hoành thánh...
đã ăn ở Hội An
tới đâu rồi cũng tránh

Bài 54
đã yêu ở Hội An
tình đã ra cửa Đợi
tới đâu, dù được yêu
cũng nghe mình có lỗi
Hội An từng tên đường
vang tên từng kỷ niệm
ông ăn cục nói hòn
mà rạch ròi thương, giận
nói cùng nhau một chặp
chưa hề ông lỡ lời
bất ngờ ta được gặp
Hội An trên phố người.
( Thơ H.L.1995 )
(*) Tiểu thiếu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao thôi...
(Ra đi hồi nhỏ, già mới về
Tóc mai dần rụng, giọng còn quê...)
Hạ Tri Chương
Bài 56 hoàng lộc

… Sẽ rất dài để nói hết những bài thơ mà chủ đề là Hội An của nhà thơ Hoàng Lộc. Thơ H.L. là thơ tình, tôi nghĩ không cần dùng những từ ngữ, những so sánh hay thí dụ quá uyên bác để nói về thơ anh. Vì thơ anh không cần sự phân tích. Lòng anh và thơ anh cần sự đồng cảm. Thơ H.L. là một trong số rất ít nhà thơ được yêu thích qua nhiều thế hệ. Thơ anh là những u uẩn của những mối tình đã mất, về những khắc khoải nhớ nhung của một quê nhà đã xa xôi và cả nỗi lo âu lẫn niềm sợ hãi mơ hồ về một ngày “ tử quy “ mà không ai tránh khỏi. Chữ dùng trong thơ của anh không lẫn với ai, có nhiều bài thơ của anh hay đến nỗi có lần tôi đã nói với anh là chữ nghĩa tìm đến với anh chứ anh chẳng thể nào tìm được những chữ dùng hay đến như vậy. Vì anh là Hoàng Lộc, một nhà thơ đã được tặng giải thưởng Thi Ca của Trung Tâm Văn Bút VN từ năm 1970. Xin chúc mừng các vị “ nương tử “ mà anh đã từng yêu, đã từng thương nhớ và đã cách xa. Để mai mốt đây, vào một lúc đẹp trời nào đó sẽ có những vị “ nương tử “ kể chuyện ngày còn trẻ của mình cho con cháu nghe bằng một giọng nói nhẹ như nhung, rất êm đềm, bằng một đôi mắt vô cùng dịu dàng và tình tứ: “ Ừ, ngày xưa có lần bà đã từng là người yêu của nhà thơ Hoàng Lộc."
nhukhong

5/2020
- Viết tặng nhà thơ Hoàng Lộc thay lời chúc mừng tập thơ mới của anh : “ Thơ Tình Ở Hội An “
Nhà thơ Hoàng Lộc

No comments:

Post a Comment

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...