Monday, June 1, 2020

Trung Chinh Ho 6 - Cam Nhan

VÀI CẢM NGHĨ KHI ĐỌC THƠ TRONG NGĂN KÉO” CỦA NHÀ THƠ HỒ TRUNG CHÍNH
-     Nguyễn Như Luận

Hồ Trung Chính là kẻ nhón những bước nhẹ nhàng trên con đường chiều đã sẫm bóng hoàng hôn khi những chiếc lá bên đường chiều đã rụng xuống chân ngày.
“ Vàng thu rụng xuống chân ngày
Đắng cay rót cạn cho đầy cơn say “
Bước qua chiều tà là màn đêm mộng mị đắm say của thi nhân , nhưng với ông nó dầy dật niềm đau nỗi cô đơn, thoảng hoặc những ánh chớp bừng ngộ xé toạc cái vô minh trong dằng dặc những đêm trường trầm mình đau đớn.
Khi đọc tập “ Thơ trong ngăn kéo “ ta thấy kẻ độc hành trên con đường vô định ấy với tuyên ngôn đoạn dứt những đắng cay, rót đầy men yêu cho những cơn say bất tận.
Trong “ Tứ diệu đế” mà Đức Phật chỉ ra con đường giải thoát : khổ - tập - diệt - đạo : nguồn cơn của sự khổ là chữ ái , cái nghĩa ái thì rộng bao hàm chữ yêu , sự sở hữu và lòng tham...luyến ái nam nữ chỉ là một địa hạt nhỏ trong ấy mà nó lại chiếm phần lớn trong thơ ca , tiên sinh Trung Chính Hồ hẳn không phải ngoại lệ .
Bể khổ của “cuộc người” biết đấy mà sao vẫn mê đắm , mà mê còn hơn cả yêu, trong cơn mê có cả sự ngụp lặn, trồi sụt trong nỗi hoan ca và niềm cay đắng, điều này những phu chữ mấy người không mắc phải. Ta có thể thấy tiên sinh Trung Chính Hồ yêu đến cùng cực sao , đau đến quằn quại sao, dẫu có những tia chớp bừng ngộ hoặc đã muộn, biết mà nhiều khi không muốn thoái bỏ những cơn cớ của định mệnh .
Tôi tự hỏi tại sao tác giả lại đặt cho đứa con tinh thần khi đã ở đận thu cuộc đời mới sinh hạ cái tên “ Thơ trong ngăn kéo", rồi tôi cũng chạnh nghĩ hẳn nó là những ký ức hay sự xếp đặt số phận mà ông ghi lại đã phủ bụi thời gian, có lúc những muốn quên đi (tôi trộm nghĩ vậy) nhưng cái nghiệp viết thúc hối và lớn hơn, là trách nhiệm với đời, với nhân sinh ông đã kéo nó ra ngoài ngăn kéo cuộc đời .
“Thơ trong ngăn kéo “ đã phác họa lại hình hài Hồ Trung Chính, đã nói lên sự khiêm nhường, là tâm đức của Hồ Trung Chính. Tập thơ là sự giãi bày nỗi niềm , đa phần là những tự sự, một thể loại mà thơ không dễ biểu đạt .
Tôi còn nhớ trong cuộc thi thơ của diễn đàn VH TRẺ tác phẩm “ Trả hết cho em “ của ông đã được hội đồng nghệ thuật gồm BQT và các nhà văn , nhà phê bình hàng đầu trong làng văn trong nước và hải ngoại thẩm thụ, quyết định trao giải nhất cho tác phẩm .
Dẫu chỉ là trong khuôn khổ một diễn đàn , nhưng sự ghi nhận của những tài năng lớn cho ta thấy đó chính là sự thừa nhận, là tri ân xứng đáng với một thi nhân .
Tôi không có ý định đi sâu phân tích toàn tập thơ vì đã có nhà phê bình chuyên nghiệp phân tích . Nhưng trong tôi và các thi hữu ông đã là nhà thơ lớn .
Ông có những tác phẩm lục bát và thất ngôn tuyệt hay. Tôi cũng hay gặp những tứ xuất thần của ông, tôi nghĩ những tứ thơ ấy xưng đáng xếp vào những áng thi thư trác tuyệt .
Thơ ông buồn có lẽ bởi những cắt cứa cuộc đời nhưng không bi luỵ , ngôn ngữ đặc biệt trau chuốt, tầm trí tuệ cao. Sự so sánh nào cũng là khập khiễng nhưng quả khi đọc thơ ông nhiều khi tôi cứ nghĩ như đang nghe nhạc Trịnh, mang mang một nỗi niềm .
Ông không sa vào bĩ cực. Sau những cơn đau luôn le lói ánh sáng của nhân quả, của giải thoát .
Mỗi con chữ trong mỗi tác phẩm thơ đều lấp lánh phát quang , mang trong đó nước mắt , niềm đau, sự hoan ca thoát tục của một tâm hồn. Thiết nghĩ những bầy biện của chúng ta nếu không khéo bỗng trở nên thừa thãi trước một trái tim, một tâm hồn, một tác phẩm với cái tên đầy dung dị: “ THƠ TRONG NGĂN KÉO “...
Nguyễn Như Luận
XIN ĐĂNG TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI NHẤT CỦA DĐVH TRẺ
( Trong tập “ Thơ trong ngăn kéo “ của nhà thơ Hồ Trung Chính)
TRẢ HẾT CHO EM
Em ở nơi đâu...
Cho tôi được trả lại
Sân nắng cũ ngày nào em vụn bước chân chim làm đau từng chiếc lá
Nơi trang sách học trò xưa buồn im ngái ngủ dưới hộc bàn còn gấp kín những ánh nhìn đuối đắm con tim ngu khờ tội vạ
Nơi em cố giấu bờ môi ngoan chưa đơm lời oan nghiệt một lần
Ngọn tóc chiều – chưa - gió rối sợi tơ rung
Mắt thèm biếc cả vòm me lưng chiều rụng vàng bông mật ngọt
Nơi chân em ngại bước trên từng bậc thang đời chưa lấm bùn son gót
Áo chưa phai màu nắng gội phong trần
Má chưa hờn mùi son phấn nhạt nụ môi hôn
Xin trả lại người
Giấc mơ hồng đêm gió tạt
Những dòng sông không dám chảy xa nguồn thành thân con sóng hát
Những vì sao chưa biết mủi lòng thao thức với cô đơn
Những con chim non lạc đàn không dám bỏ rừng mỏi cánh kêu sương
Con vạc sành nhớ bạn thâu đêm còn trầm kha gõ nhịp
Em ở nơi nào
Cho tôi được trả lại em mùa xuân non lá biếc
Những ham hố đời thường mấy lượt xô ngã lòng nhau
Những khoảnh khắc yêu thương tràn bờ làm lụt lội những chiêm bao
Bỏ ta lại phía luân trầm những ố hoen lầm lỡ
Xin trả lại cho em
Những ngọt đắng riêng chung bên bữa tiệc đời xấp ngửa
Những ngây ngất khôn cùng còn cất giấu trong đêm
Em ở nơi nào
Cho tôi xin được trả một lần
Và trả hết cho em...

HỒ TRUNG CHÍNH - CÁNH VẠC KÊU SƯƠNG TRONG NGĂN KÉO
Là người thơ rong ruổi giữa cõi đời hỗn hóa những yêu thương - sân hận, ích kỷ và vị tha, ô trọc và thanh bạch. Hồ Trung Chính thấm, thấm nên đau đớn trước sự u minh đó mà lầm lũi trở về với chính mình, tìm lại “bản lõi mình” trong căn phòng thao thức ánh đèn khuya, để được yêu niềm nỗi cô đơn, để được chơi với ngôn từ, sáng tạo với nghệ thuật và bòn rút máu xương mình thành thơ. Khôi nguyên như cách một đứa trẻ tự kỷ hoài niệm, lần giở thùng cacton, lôi ra những món đồ chơi cũ kỹ phủ bụi, vần vò mà lại yêu thương chúng. Đó là lý do mà cho đến chặng cuối đường đời, ông mới cóp nhặt từng mảnh vỡ thơ trong mấy mươi năm ròng rã viết, để ghép thành ấn bản phẩm đầu tay tròn trịa - mang tựa đề mộc mạc “Thơ trong ngăn kéo”.
“Thơ trong ngăn kéo” với 58 thi phẩm. Phối hưởng đa dạng các thể loại thơ 5, 6, 8 chữ, lục bát, thơ xuôi. Phổ khắp các chủ đề tình yêu, gia đình, chiến tranh, quê hương đất nước và chiêm nghiệm cuộc sống... Bởi thế nên thi tập phồn phú các cung bậc cảm xúc, các âm hưởng bi ca và hân lạc. Để từ đó phơi lộ các lát cắt nội tâm, phơi lộ tư duy của tác giả qua nhiều điểm nhìn về các chiều kích xã hội. Hay nói cách khác tác phẩm đã nói lên phẩm tính của tác giả, tác phẩm chính là ngòi bút tái dựng lại chân dung Hồ Trung Chính - tài năng và bi kịch.
1) Hồ Trung Chính là người thợ - người nghệ sỹ hào hoa đã phết lát hồ tươi ròng lên từng viên gạch 6/8 tưởng như đã cáu cớm rêu phong của bức tường lục bát truyền thống. Bằng sự “phá phách” về ý tưởng, “phá phách” về ngôn ngữ, ông đã tân điểm cho lục bát khuân diện mới mẻ, nhưng vẫn căng tràn thi vị:
"Về thôi
xâu lại hạt buồn
đeo vào nỗi nhớ
còn thương tích ngày"… ( Trích: Về)
Hoặc thi ảnh cũ mà mới, mềm và điên loạn:
Áo còn phơi lạnh hơi quen
Em mang đi cả hồn điên mê này ( Trích: Tự khúc đêm)
2) Hồ Trung Chính trọn đời cho cuộc yêu - cuộc hẹn thề - để mà lĩnh về cuộc đau khổ - mà hóa cuộc dấn thân thi ca - giải tỏa vết thương u ẩn tâm hồn.
Có một người con gái đi dọc xuyên suốt con đường thơ của Hồ Trung Chính mà không bao giờ chạm đích. Đó là nhân tình mà một ngày thu lá vàng chín rục vô tình “vấp” phải đời ông:
"Em đi qua chiều con gái
Theo mưa gió tạt vai gầy
Những gót son mềm thơm thảo
Nâng cùng bụi cát bay bay". ( Trích: Em xanh một đóa xương rồng)
Ừ phải! Em - thì con gái - chỉ thường! Còn “chiều con gái” mới vừa tu từ mà vừa là dụ ngôn. Trinh khôi mà “gió tạt vai gầy”, “gót son thơm thảo” mà chạm “cát bụi bay bay” thì cái trinh - son kia mới thực, cái tinh khôi mới không huyễn hóa giăng sao mà đậm mùi trần, đẹp mà dãi dầu, có phải thế nên thi sỹ mới thật thà thương, yêu:
"Dưới triền môi ngoan
em hoá tơ nhung"... ( Trích: Khoảnh khắc ấy)
Khổ, yêu là khổ, ghen/ giận/ nhớ nhung/ khổ não. Thì con người sinh ra để yêu chứ chẳng nhẽ tồn sinh để hận? Mà trái tim không muốn ngập lụt trong dòng máu sân hận thì phải đập lên nhịp yêu, mà yêu thì lại khổ, con tạo cứ xoay vần cuộc ái tình như vậy, nên:
"Thôi nhé, người đi vàng thu trước
Tóc có gầy vai, áo có phai
Hương xưa có nhạt mùi thương tưởng
Mắt có mờ theo dấu lệ đầy?" ( Trích: Buồn đã vàng thu)
Hoặc:
"Cay đắng têm vào nỗi nhớ
Xa người mưa cũng rơi theo". ( Trích: Cũng vừa một cuộc mua vui)
“Têm” - quả là sự vận luyện ngôn ngữ quá đỗi sáng tạo. Hồ Trung Chính mềm hóa một động từ xơ cứng, “điểm nhãn” vào vị đắc địa, vì vậy mà “têm” phát tỏa ánh sáng nghệ thuật. “têm” đã làm nền, là bờ vai gánh hai đầu quang gánh tâm tưởng “cay đắng” và “nỗi nhớ”.
"Nhớ ai hồn quạnh miếu đền
Lỡ trăm năm
đợi
còn huyền diệu em..." ( Trích: Lỡ)
Có nỗi nhớ nào đẹp như nỗi nhớ của ông, vắng em khiến cho tâm hồn cô tịch như ngôi đền thiêng không người đốt nến? - Ấy là không gian, còn thời gian thì sao? - Vắng thì đợi, đợi đến trăm năm, đợi đến mòn kiếp người mà vẫn đợi, vẫn em là duy chỉ, vẫn em là huyền diệu, và huyền diệu ấy cũng là bi kịch “dúi” Hồ Trung Chính vào thơ đến cạn cuộc đời.
3) Hồ Trung Chính đau đáu đau một “vết lăn trầm”, vết lăn màu trầm, âm trầm hay vết lăn - trầm lên gia đình, quê hương và thời đại!?
lMảng thơ chủ đề gia đình chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong thơ ông. Ít viết, ít ỏi vị tất đã là coi nhẹ? Mỗi lần đặt bút viết về mẹ, vợ, con... ông chậm lại - tiết chế phương pháp diễn ngôn - thứ diễn ngôn điêu luyện hào nhoáng mang phong cách Hồ Trung Chính, để thế vào đó lối “chân tự” mộc mạc nhằm diễn nghĩa cái “tình chân”, đủ thấu ông trọng gia đình đến thế nào. Thì chẳng phải, chiếc tổ nhỏ trên tán cây vốn dĩ ấm hơn lâu đài tráng lệ bên khóe rừng liêu tịch? Những mỹ ngôn tụng xưng sẽ trở thành xa vời, thừa thãi. Vậy nên khi “hột máu” nhớ về “vách dạ”, thì thơ ông giản dị gụi gần:
"Vẫn bước ta mòn dấu tuổi thơ
Về thôi mót lại tiếng ru trưa
Mẹ ơi gió bụi mù phương đó
Nắng đã gầy hao, mưa ốm o". (Trích: Một ngày bỏ lại)
Khi viết cho con:
"Ba mươi năm dài xiêu dạt
Con đi lạnh một khung trời
Ta đo thời gian trên tóc
Buồn theo chiếc lá khô rơi"
lCó một Hồ Trung Chính lầm lũi trước dòng sông, trước dòng chảy nhân tình thế thái, lạc lõng trở về, và: Đau.
Hồ Trung Chính đau gì?
Là xa xót khi chứng kiến thiên nhiên đang ngày một biến dị, kiệt quệ, chết mòn bởi bàn tay tàn phá của con người. Bằng phép nhân hóa, bằng lối ẩn dụ ông đã phù phép cho khổ thơ mang nhiều tầng bậc nghĩa. Phản ánh thế lực “mặt trời” - tượng trưng cho sự trị vì, cho ánh sáng công lý... thỏa hiệp, đồng lõa với tội ác làm tổn hại cho sự tiến hóa văn minh, no ấm của nhân loại:
" Lũ côn trùng trầm thân thớ đất, ăn xén nụ mầm. Mặt trời thỏa hiệp - cơn giông. Mây đen, mưa đen vần vũ. Bầy dơi đói chiều khóc một rừng cây tuẫn tiết"". ( Trích: Khúc niệm từ)
Người ta cũng bắt gặp ở cùng khắp các thi phẩm “U Minh trong nỗi nhớ”, “Bạn Ơi”, “ Nỗi nhớ trên cao”, “Viết cho ngày biển động”... một Hồ Trung Chính trầm tư với vết lăn lên quê hương, đất nước ông:
"Cay đắng một thời trận mạc
Máu xương nhuộm lấy đất này
Vết đau trên từng tán lá
Che đời thương tích quanh đây"
Có lẽ lòng ông phải rỗ vết đạn thù và bao dung như tán lá mới có thể thốt lên “che đời thương tích quanh đây”, và chỉ khi con người ta đi ra từ lửa khói mới có thể cảm được:
"Tự do đổi bằng xương máu
vô cùng những mảnh đời riêng"
Và:
"Đi qua tháng ngày bội bạc
Đau thương nhuộm xám lời nguyền
Thương nhớ, về đâu Bản Giốc?
Uất hờn thấm đất Vị Xuyên".
4) Trong địa hạt hạn chế của bài tiểu luận này, tất cả những lược dẫn, luận đàm ở trên hẳn chưa phô bày được hết những tinh túy thơ Hồ Trung Chính. Cốt chỉ thâu tóm hồn cốt, phát lộ những hướng tiếp cận, góp vào mạch cảm của mỗi độc giả thêm một điểm nhìn. Cũng không nhằm bảo chứng cho sự tỏa sáng “Thơ trong ngăn kéo”, bởi vốn dĩ tự thân đã là thi tập chất lượng đáng thưởng ngoạn, và xứng đáng là đại diện tiêu biểu trổ mầm giữa hàng trăm ngàn tác phẩm để tạc khác lên chân dung Hồ Trung Chính. Một chân dung thơ dị biệt, bòn tuổi thanh xuân và nỗi cô đơn mình thành thơ, đạt được thành tựu đáng kể trong sáng tác ở nhiều phương diện. Nổi bật nhất là cuộc cách tân ngôn ngữ đã góp phần không nhỏ trong việc mới hóa thể lục bát truyền thống nước nhà. Ở các thể - tài khác, bằng thi pháp điêu luyện, ông đã tạo nên một vòm trời hiện thức, chuyên chở ở trong đó những tâm tưởng bản thể/ tâm cảm thời đại khi gần khi xa, khi hiển lộ khi giấu giếm... nhưng đều gắn với một hiện thực đời sống nào đó. Nhằm phát gửi những tần số công bằng, bác ái, tha nhân ra nhân loại.
Qua quá trình khảo sát có thể nhận định Hồ Trung Chính là một nhà thơ tài hoa, tài hoa ngâm trong bi kịch, thơ đến với ông là một định mệnh thử thách, lại cũng vỗ về những bi kịch đời ông. Thứ bi kịch bám riết phận người khiến cho thơ ông u uẩn gam màu trầm buồn, cần có cuộc bứt thoát ngoạn mục ra vòm trời thanh trong vời vợi. Khi đó, niềm lạc quan và những tin yêu cuộc đời, sẽ đắp lên ông một làn xuân ấm nắng, đẹp như câu thơ ông viết - đẹp như Huế cổ kính rêu phong mà lòng người vẫn nguyên xanh giữa cố cung trầm mặc:
"Một lần trầm tư với Huế
Mà thương nhớ đất Thần Kinh
Phế tích rêu mờ Cửu Đỉnh
Lòng tôi trên ấy nguyên xanh".
( Trích: Thần kinh thương nhớ).
Thanh Hóa/ 04/2020
Mạc Phong Tuyền


No comments:

Post a Comment

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...