Wednesday, September 30, 2020

Văn chương 2

                NHÃ VĂN HỘI QUÁN

"Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ

Chén ngọc giờ chìm đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu
Xin chào Huế một lần anh đến
Ðể ngàn lần anh nhớ trong mơ
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô
Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt
Hải Vân ơi xin người dừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia".
Peony

BÀI CHO MÙA EM - hoàng chẩm
Em nâng một giọt sương mai
Trên từng phiến lá chưa phai dấu nồng
Tình ai trong nắng bềnh bồng
Đưa người về mộng thêm hồng mắt môi
Ta nâng tóc gió chiều rơi
Tình như tháp cổ chốn đời hư hao
Em về như một gửi trao
Thơm lây hương cỏ bay vào thiên thu
Nghiêng tay vén nắng sương mù
Tàn phai khép cuộc phù du phận buồn
Chiêm bao về giữa ngọn nguồn
Ngược xuôi lòng nhớ sầu tuôn gọi mùa.

TIẾNG MƯA ĐÊM - Tản văn Diệp Linh

Chưa bao giờ trong những tháng ngày này, cơn mưa thường hay đỏng đảnh với chúng ta như vậy. Có khi bước vội ra đường quên mang theo ô dù thì  một cơn bất chợt đổ ập xuống làm con người ta ướt như chuột dầm mưa. Nghe tiếng mưa rơi bên hiên nhà hay tiếng mưa từ cõi lòng hiu quạnh, sầu ai nhớ ai đến ai sầu ai nhớ.
Mưa ngang qua, làm con người ta lạnh hơn, cô đơn hay mong tìm được một vòng tay nào đó, cần một cái ôm cho lòng thêm ấm áp. Tiếng mưa rơi lả chả trong màn đêm âm u tĩnh mịch làm con người ta nhớ, ta sầu, làm ta đợi chờ.
Có người đâu có ưa mưa vì mưa bao giờ cũng gợi lên sự u buồn vô hạn, hay những cô gái lấy chồng xa xứ, xa cha mẹ già nghe mưa thì thôi não lòng lắm.  Tôi lại nhớ đến câu
Má ơi đừng gã con xa
Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu.
Với tôi mưa đến tôi yêu mưa đến kì lạ, thích cảm giác gió lành lạnh lùa qua áo, nhè nhẹ lướt qua chân tơ kẻ tóc, thấy mình yên ả biết bao,  ngoài đường, phố cũng  lặng lẽ không còn xô bồ như trước. Và mưa đến những bài mưa tình bolero chưa bao giờ hay đến nao lòng như thế, sâu lắng, buồn hơn nhưng nhẹ nhàng, ấm áp, làm người ta dễ chìm vào giấc mộng yên bình, hay vô tình gọi thầm tên anh trong giấc say nồng.
Mọi thứ đã trở thành quá khứ, thời gian là lớp bụi phủ mờ tất cả nhưng mưa vô tình rửa sạch để quá khứ, mối tình đầu lại hiện rõ mồn một trong tôi, lại nhớ anh từng là người tôi yêu thuở trước.
Giờ đây anh chỉ như một trong  biển người vô hạn khi chiều dần đổ bóng, một cơn mưa rào bỗng ghé qua làm rơi vài giọt rồi ngưng cũng đủ làm tôi giật mình tỉnh mộng sau cơn mê.
Vẫn khung cảnh ấy, phố cũ lối xưa, ánh mắt nụ cười cái nắm tay thật chặt ấy nhưng người đi bên anh không  phải là tôi. Vô tình trên vạn nẻo đường đời tấp nập ta lướt qua nhau bằng nụ cười của kẻ xa lạ bỗng giọt mưa rơi trên má lăn dài nóng hổi chẳng qua nước mắt ai rơi.
Mưa qua đi làm tôi thấy lạnh, vội lấy chiếc áo khoác vào người vậy cũng đủ ấm rồi. Đâu cần mưa phải có ai kề bên mới gọi là ấm. Đời vẫn đẹp sao khi mỗi người chỉ có 60 năm để sống và vui vẻ trọn vẹn thì tôi hà cớ gì cứ vùi đầu trong cái quá khứ mà bản thân nó đã ngủ yên theo thời gian.
Ngoài trời, tiếng mưa đêm vẫn rơi rả rích nhưng mong là lòng mau tạnh…

SINH RA TỪ LÀNG - Tản văn Nguyễn Thị Xuân Hương
Tôi, một người sinh ra và lớn lên từ làng! Mùi của đất, mùi rơm rạ và hoa lá cỏ cây như thấm đẫm vào da thịt, vào hơi thở và giọng nói của tôi. Bởi thế, tôi rất tự tin khi bước đi trên cỏ, trên con đường làng quen thuộc nơi tôi sinh ra… Ở nơi đó, tôi có thể thoải mái ngắm đồng ngô, ruộng lúa, vạt vườn mướt xanh sắc cỏ. Ở nơi đó, cỏ ve vuốt, nâng niu bàn chân tôi, cỏ tha hồ níu bám vào ống tay áo, ống quần khi tôi tung tăng một mình trên con đường quê trong chiều hoàng hôn lộng gió… Con đường làng ấy chạy dọc theo triền sông mùa hạ nước đã dâng đầy. Dòng sông nước trong xanh, mát lịm như làn nước mùa thu lững lờ êm trôi…       
                Chiều bên sông, nắng đã ngả màu vàng, mặt trời đã bớt chói chang, ráng chiều vàng vọt khi hoàng hôn đang chìm vào chạng vạng. Tôi đi trên con đường chạy dọc triền sông và ngắm nhìn mọi thứ. Tôi nghe trong làn gió thổi như có tiếng xạc xào của mùa thu chênh vênh, chấp chới… Chính nơi đây, ngày xưa tôi cùng với đám bạn chạy thả diều, cánh diều vút bay cao trong gió… Nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ tôi trong sự bình yên, trong trẻo đến khôn cùng…
    Bước chậm rãi trên con đường nhàu nhĩ bụi thời gian trong chiều chạng vạng, nhìn lũ trẻ đang lùa đàn bò về trong ánh hoàng hôn rơi rớt phía bên sông, lòng tôi nao nao dâng lên niềm nhớ, chất chứa hoài niệm theo dòng thời gian… Chiều quê hương nhẹ nhàng đưa tôi trở lại ngày xưa… Phút tĩnh lặng trôi đi, tôi ngờ ngợ hỏi tôi, đã bao mùa hạ vụt qua trong nuối tiếc? Tự nhiên thấy nhấp nhói nơi lồng ngực trái… bao bâng khuâng, khắc khoải… Mùa nhớ lại ùa về…
   Tháng sáu, chúng tôi được nghỉ hè. Chỉ sau đúng một ngày thôi,  lũ trẻ chăn trâu đã bắt đầu điểm danh hết lượt, từ đứa đầu làng cho đến đứa mãi nơi cuối xóm (những đứa trẻ có khi hơn kém nhau cả vài ba tuổi). Bãi cát vàng ven sông thật dài, với cái nhìn trẻ thơ thì bãi cát ấy dài bất tận. Công trường cát sỏi luôn nhộn nhịp với những băng chuyền, cần cẩu và hàng trăm công nhân san xúc không ngừng tay. Kho cát chính là nơi diễn ra nhiều trò chơi nhất của lũ trẻ chăn trâu. Con đê nhỏ hẹp lúc bấy giờ gồ ghề, nhấp nhô và có không biết bao nhiêu cái ổ gà, ổ voi to đến thế! Triền đê, sau cơn mưa đầu mùa hạ, cỏ mọc xanh non mịn màng mát rượi, thơm tho như dòng sữa mẹ. Cỏ lá, cỏ may rồi cỏ mận trầu sao mà ngon quá thể? Đàn trâu bò được quấn thừng quanh cổ một cách gọn gàng và dồn đuổi xuống triền đê thỏa sức mà gặm… Xong! Những đứa trẻ bắt đầu chia quân (bao giờ cũng chỉ 2 quân cho dù bọn trẻ có đông đến mấy). Trời mát thì chơi trận giả nấp mình sau những ụ cát hàng trăm, hàng ngàn khối. Chúng tôi leo được lên đỉnh ụ cát đã mỏi nhừ cả đôi chân, mũi mồm tranh nhau thở. Vậy mà vẫn thích xung phong, thích tấn công tạo nên bao “trận đánh” oanh liệt lẫy lừng. Đứa nào đứa ấy mặt đỏ hây hưa, tóc bết mồ hôi và dính đầy cát, chơi với nhau như thể cả ngày không biết chán.
 Những ngày trời gay gắt nắng, lũ trẻ lùa đàn trâu bò ra  phía bờ sông, nơi đó có vườn nhãn sum suê cành lá, khu vườn mát rượi và ríu rít tiếng chim. Đàn bò thung thăng gặm cỏ dọc theo bờ sông vắng. Trên vườn cây, bọn trẻ bắt đầu trèo tút ngút trên những cây nhãn trong vườn để chơi trò và đùa nghịch... Thương cho những cây nhãn rìa sông, cả thân và cành cây  chẳng để lại vết sần nào của lớp vỏ cây. Chẳng hiểu học từ đâu mà đứa lớn, đứa bé, trai hay gái làng tôi đều biết leo trèo hết lượt. Nhìn bọn trẻ chuyền cành nhanh như sóc khiến người lớn thót tim lo sợ… Nhưng chả sao cả, bọn trẻ cứ đùa nhau cười như nắc nẻ trên vòm cây.
       Rồi khi ánh hoàng hôn buông xuống, mặt nước dòng Lô đẹp lung linh đến ngẩn ngơ cũng là lúc bọn trẻ hò nhau xuống tắm. Nước mùa tháng sáu mát lạnh (Các cụ nói đó là nước nguồn)  lũ trẻ trâu tha hồ vẫy vùng bơi lội, tiếng trêu chọc nhau chí chóe, tiếng hét, tiếng cười và cả tiếng thách đố đuổi nhau dưới nước… Đã là trẻ làng tôi thì đứa nào mà chẳng biết bơi! Ông bà thường nói: “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo.” Vậy không biết các cụ làng tôi có phúc hay phải tội chăng?
    Những đêm hè trăng sáng, ánh trăng vàng dịu mơ màng trải khắp làng quê cũng làm tan bớt đi cái nóng nồng oi ả. Vùng quê nghèo chưa có điện, những đêm trăng sáng thế này lũ trẻ lại gọi nhau í ới ra bờ đê ngồi hóng gió mát từ phía dòng sông Lô thổi tới. Bọn trẻ chúng tôi cũng tập hát, tập hò, học lỏm người lớn những câu hò quen thuộc, để rồi hò trêu ghẹo nhau, đấm nhau thùm thụp, đuổi nhau chạy dọc con đê cười nghiêng ngả cho đến tận đêm khuya…
         Tháng sáu về, lòng tôi quay quắt nhớ… Nhớ cơn mưa mát lạnh đầu mùa, nhớ về tuổi thơ nhuộm đầy màu sắc ở một miền quê thanh bình yên ả. Nơi đó thắm đượm giọt mồ hôi nước mắt, sự vất vả của mẹ cha tháng ngày mong con khôn lớn… Nơi đó có ước mơ, có tiếng khóc, tiếng cười, có buồn vui sâu lắng như dòng chảy của con sông...
   Rồi chiều nay, rảo bước trên con đường làng thơm mùi hoa cỏ, tôi bắt gặp trong gió tiếng xào xạc của vòm cây, rả riết tiếng ve trong bản nhạc mùa hè dai dẳng… Bất chợt nhìn lên vòm lá mà cứ thế chơi vơi… chơi vơi… Để rồi chợt thấy lòng xốn xang về những ngày vĩnh viễn không còn trở lại…
          Ngày tháng trôi đi thật chậm mà cũng thật nhanh! Lũ trẻ trâu da đen nhẻm, tóc khét nắng đỏ như râu ngô làng tôi xưa kia giờ có người đã lên chức ông bà nội, ngoại, có người đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, người làm quan chức to trong quân đội, làm lãnh đạo tỉnh, huyện… và có người cũng  làm nghề gõ đầu trẻ như tôi… Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ làng đó có trở nên vững vàng cứng rắn bao nhiêu đi nữa thì khi trở về quê hương không thể không mềm lòng trước dòng sông êm ả với rặng tre xanh và làn khói lam chiều ngai ngái khi hoàng hôn đang chìm vào chạng vạng…






No comments:

Post a Comment

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...