Wednesday, December 2, 2020

Nguyễn Ngọc Hưng

 BA CHẤM LỬNG

“Điều muốn nói anh chưa nói được
Gửi vui buồn vào ba chấm lửng lơ”
Tin vậy nên em thầm mong ước
Một ngày kia anh sẽ...Đâu ngờ…
Ba chấm lửng nghĩa là không có trước
Không có sau Và chẳng có bao giờ
Cả chút ân tình như bọt nước
Cũng tan hòa trong đáy mắt mộng mơ.
Uổng công em tìm vạn ý thơ
Tha thiết nằm trong ba chấm lửng
Anh không đến Nhớ thương tàn bóng sửng
Lối em về hụt hẫng, bơ vơ.
Cứ ngỡ duyên tằm nên rối ruột tơ
Nào em biết chim bay trời rộng
Ba chấm lửng Chỉ là… khoảng trống
Cầu Ô không nối được đôi bờ!
 
BÓNG DÁNG MỘT DÒNG SÔNG
Giọng hò ai biêng biếc nương dâu
Ru giấc mơ tôi về dòng sông tuổi nhỏ
Nơi có mẹ bùn nâu Nơi còn cha đất đỏ
Lặn ngụp một đời chưa thỏa đục trong.
Vốc nước lên cho thương nhớ chảy ròng
Bàn tay mát giọt chiều quê kiểng
Sao lòng tôi nghẹn điếng
Con đò nào quên bến hẹn Mười năm.
Bóng dáng một thời gần gũi hóa xa xăm
Cây đa cũ gió oằn Mái đình xưa bão tốc
Mùa xuân đắng tay người hái lộc
Ngôi chùa làng rụng tiếng chuông câm...
Dòng sông tuổi thơ ơi Nước nổi mạch ngầm
Đuôi cá quẫy trăng vàng xao mặt sóng
Ngày gió biển chưa no buồm khát vọng
Trái tim tôi còn đói cội nguồn! 

CHÁY MÃI SẮC HOA VÀNG
Một chút hương trong một chút nắng vàng
Thu đã cúc sang mùa xuân vẫn cúc
Vẫn bám cành dẫu lá phai diệp lục
Đến quắt queo hoa chẳng rụng bao giờ.
Trong sạch thanh tao pha chút hững hờ
Vừa vương giả em cũng vừa dân dã
Tôi đến trăm nơi tôi đi ngàn ngả
Chưa bao giờ thôi ngơ ngác tìm em.
Không động lòng như nhan sắc Lọ Lem
Em chiếm tôi bằng vẻ buồn thương nữ
Còn vương vấn nỗi gì trong quá khứ
Ánh nhìn hoa cứ thăm thẳm quay về.
Tôi chỉ là gã lãng – tử – chân – quê
Có đắm say cũng lặng thầm say đắm
Không đủ sức giúp hoa thêm nồng thắm
Ngỏ lời chi cho cánh nhạt hương nhoà.
Ước một ngày kia nắng gió chan hoà
Dung nhan ấy lại mặn mà xuân cúc
Dù chẳng đặng em thuỷ chung hiền thục
Sắc hoa vàng vẫn cháy mãi trong tôi

LỜI BÌNH

Bài thơ thật đẹp, hình ảnh người con gái có cái tên là Kim Cúc đã được Nguyễn Ngọc Hưng dùng hình tượng hoa cúc để khắc họa về vẻ đẹp của nàng: bình dị, kiêu sa và bất tử. Những câu thơ đẹp như thế làm dịu lòng ta trong bao mất mát và trong cả cuộc mưu sinh cam go vất vả, làm dịu đi cái khô khát của tuổi già, làm mềm đi những trái tim sắt đá, làm tan chảy những tâm hồn giá băng:

“Một chút hương trong một chút nắng vàng
Thu đã cúc sang mùa xuân vẫn cúc
Vẫn bám cành dẫu lá phai diệp lục
Đến quắt queo hoa chẳng rụng bao giờ”
Hoặc:
“Trong sạch thanh cao pha chút hững hờ
Vừa vương giả em cũng vừa dân dã
Tôi đến trăm nơi tôi đi ngàn ngả
Chưa bao giờ thôi ngơ ngác tìm em”
Và:
“Em chiếm tôi bằng vẻ buồn thương nữ”
“Vẻ buồn thương nữ” lần đầu tiên tôi gặp trong thơ, và cũng chỉ có Nguyễn Ngọc Hưng mới sáng tạo ra cụm từ hư ảo đó. Rồi một sự mặc cảm lại ùa về. Điều này tôi thường bắt gặp trong những bài thơ tình của Nguyễn Ngọc Hưng:

“Không đủ sức cho hoa thêm nồng thắm
Ngỏ lời chi cho cánh nhạt hương nhòa”

Bài thơ khép lại rồi mà ta vẫn như đang nhìn thấy ở phía chân trời xa kia những bông hoa vàng vừa vương giả và cũng vừa dân dã cứ cháy lên, cháy mãi trong tâm hồn thi nhân một tình yêu bất tử.


CHIM SẺ XÓM CHÙA
Xóm Chùa như cây đa cổ thụ
Nơi tụ đàn, phân tán các loài chim
Tôi là một chú sẻ non
Tụt khỏi tổ thơ khát trời cao rộng
Say mê xoải cánh bay tìm.
Háo hức trước trăm miền đất lạ
Cứ ngỡ mình sẽ dễ dàng quên
Hạt lúa đồng xưa Trái cây vườn cũ
Chiếc lá đa rung vào giấc ngủ
Chân mơ còn vướng sợi rơm mùa...
Mười mấy năm xa biệt xóm Chùa
Tôi vẫn thấy tiếng chuông chiều cong vút
Như một chiếc cầu âm thanh
Nối hồn quê với cánh chim lưu lạc
Nhớ thương thảng thốt gọi về!

CHƯA BAO GIỜ NGƯNG LẶNG
(Nhân 24 năm ngày "gặp lại" Vinh Phát - Huỳnh Thùy Dương)
Chỉ có mấy lần thư qua thư lại
Không hẹn hò không cả bóng hình chi
Như sương khói mỗi người đi một hướng
Chưa tụ đã tan lưu dấu nỗi gì?
Vẩn vơ khóc cười lá xanh lá rụng
Ngơ ngác buồn vui hoa nở hoa tàn
Lơ lửng trôi cùng lửng lơ trời đất
Trước sau mình vẫn mây trắng mang mang.
Thoắt mà đã đi giáp vòng hoa giáp
Nhĩ thuận rồi chắc tâm cũng thuận thôi
Đâu biết có ngày nước xuôi hoa ngược
Con bướm mơ vụt hiện giữa xuân hồi...
"Xửa xưa ấy tuổi trăng em vành vạnh
Hồn nhiên yêu thơ trong sáng mến người
Buổi theo chồng không quên thời con gái
Táo tác tìm thư cũ bặt tăm hơi.
Hôn nhân vỡ, mười năm sau trở lại
Nhà mẹ xưa phảng phất dấu hương xưa
Không cố ý mà bỗng dưng "tái hợp"
Những lá thư tươi nét mực như vừa...".
Ừ em nhỉ, trái tim không hiểu được
Có duyên vui không nợ cũng đáng mừng
Người với ta như chim trời cá nước
Sao nhớ về mỗi nhịp mỗi rưng rưng?
Nắng và gió và mênh mông cát trắng
Tự muôn đời cơ cực đất miền Trung
Dao động sóng chưa bao giờ ngưng lặng
Mong Thùy-Dương-Vinh-Phát vượt bão bùng!


GIẤC MƠ CHỮ

Cha mất, bạn thành núi
Mẹ đi, em hóa nguồn
Xác phàm ngơ ngắt thân vuông
Hồn ta phiêu phưởng vòng mây trắng
Đêm qua có giấc trăng tình lặng
Đáp xuống mái nhà
Chưa kịp nhìn gió đã phăng đi.
Tha thẩn buồn ta bói cỏ thi
Cỏ thi nói
Chẳng có quẻ nào cho kiếp cây cụt ngọn!
Thế là đông đặc tư duy
Ý thức như nhựa thông kết vón
Ngổn ngang chữ hóa than bòn lửa bọn
Đốt ta nham nhỡ vệt thơ buồn...
Hồn trắng mây tròn
Sao xác cây vuông?
 
GIỌT SƯƠNG TRÊN ĐÓA HỒNG
(Thương quý tặng Hoàng Điệp)
Phảng phất một vài hơi gió thoảng
Là anh đã biết ấy là ai
Huống nữa hăm mấy năm rồi em nhỉ
Tháng ngày đi như tiếng thỏ dài*.
Dẫu rất tin mình có duyên hạnh ngộ
Gặp nhau anh vẫn cứ bất ngờ
Như thể bước ra từ tích cổ
Em cười như thực lại như mơ.
Ơi giọt sương trên đóa hồng diễm lệ
Vương buồn nhưng rất đẹp rất trong
Tìm đâu ra nhỉ Hoàng Tử Bé
San sớt cùng em những chuyện lòng.
Xưa nghe hoa cười nghe lá hát
Bây giờ cay mắt với mặn môi
Bất đắc chứng nhân anh bất lực
Lặng nhìn em đau suốt cuộc lở bồi.
Xót thẳm tiếng kêu không thành tiếng
Thương sâu lời nghẹn chẳng nên lời
Chờ em đến đất trời rơi mưa gió
Tiễn em về chưa dứt gió mưa rơi...
Vẫn biết đông còn dai dẳng lắm
Qua mùa sẽ ấm nắng xuân thôi
Cầu cho em giữa điệp trùng sa mạc
Dần khởi lên một ốc đảo xanh chồi!
 
GỬI MÂY CHO GIÓ
Em chợt ra đi - gió mùa chợt đến
Chút dư hương cũng tan tự lúc nào
Như một gã khờ vẩn vơ quanh quẩn
Ngẩn ngơ tìm tôi chỉ thấy hư hao.
Còn giữ được chút gì không ta nhỉ
Nắng mỏng rồi sao sưởi ấm bàn tay
Con phố cũ mờ dấu chân người cũ
Ráng chiều phai có neo nổi bóng ngày?
Còn giữ được chút gì không ta nhỉ
Mắt nai trong làn môi thắm hoa cười
Mây tóc xõa bay mát trời thương nhớ
Giọng oanh vàng khúc khích gọi xuân tươi.
Còn giữ được chút gì không ta nhỉ
Một cuộc tình đẹp như ánh trăng tan
Nhẹ như khói sương mờ trên lá cỏ
Hơi thở ai thơm khoảnh khắc mơ màng...
Em vừa đi đã nghe mùa xao xác
Bịn rịn làm chi một chút thu vàng
Xin gỡ nốt niềm tơ vương dang dở
Gửi mây trời cho gió thổi mênh mang!

Không như văn xuôi, Thơ thường đi cùng/ từ nỗi buồn. Những bài thơ về một tình yêu dang dở, luôn gợi nhiều thương cảm... (Bởi tình yêu đôi lứa là cửa ải tử sinh của tất thảy "chúng hữu tình" dưới gầm trời này!). "Gửi Mây Cho Gió" - bài thơ khiến người đọc bùi ngùi.

Tứ thơ đã được khái quát từ câu mở đầu:

"Em chợt ra đi - gió mùa chợt đến" - (Vắng em rồi, đời miên viễn mùa... Thu!).

Một "hô ứng" theo hiệu ứng nhân quả khá khắc nghiệt: "em/ gió mùa", "chợt ra đi/ chợt đến"... "Em" - sắc xuân nồng, ánh hạ vàng mật ngọt, đã "đi" rồi! Nên, dù chỉ là một trong những yếu tố cơ cấu nên mùa thu - cái mùa cơ cầu của giới tao nhân mặc khách, nhưng khi "em chợt ra đi", ngọn "gió mùa" đã kịp "chợt đến", để "chợt mở ra" một-trời-quan-tái...!

Từ cửa ngõ bài thơ, cái heo hắt của ngọn thu phong lạnh lùng lan tỏa, thẩm thấu, sắt se mọi nỗi niềm... Nó khiến "chút dư hương cũng tan tự lúc nào", "nắng mỏng rồi"; đã "mờ dấu chân người cũ", đã "ráng chiều phai có neo nổi bóng ngày?"... Và có lẽ, nỗi cô hàn từ ngọn "gió mùa" kia, đã khiến người-ở -lại bỗng trở nên "như một gã khờ vẩn vơ quanh quẩn".

Và cái gã khờ ịt trong tình trường ấy, cứ "ngẩn ngơ tìm", mà xót xa chẳng biết có "còn giữ được chút gì không.... ".

"Còn giữ được chút gì không ta nhỉ".

Câu thơ mang niềm thống hối, được điệp lại liên tục ở đầu ba khổ thơ, khi gã tình si loay hoay trong vô vọng, ngậm ngùi lật tìm những dấu yêu bỗng bất chợt trở thành hoài niệm.

"Mắt nai, môi thắm, mây tóc xõa, giọng oanh vàng..." - những ước lệ kinh điển của vẻ đẹp nữ tính, qua lăng kính yêu đương, đã khảm khắc nên kiều mỵ một chân dung:

...

"Mắt nai trong làn môi thắm hoa cười
Mây tóc xõa bay mát trời thương nhớ
Giọng oanh vàng khúc khích gọi xuân tươi"
Nhân diện ấy -"nhan sắc khuynh thi" ấy dệt nên một cuộc tình đẹp đến phi thực:
...
"Một cuộc tình đẹp như ánh trăng tan
Nhẹ như khói sương mờ trên lá cỏ
Hơi thở ai thơm khoảnh khắc mơ màng".

"Tình yêu, nhìn từ xa là giọt sương. Đến gần là giọt nước mắt...!". Không may, trong "Gửi Mây Cho Gió" - tình yêu được soi ngắm cận kề, đã mang vị mặn... Nên chi, chỉ còn lại những-phút-giây-vĩnh-cửu của yêu thương...!

"Không có gì không có gì không có
Trong hư vô ngoài cõi cũng hư vô
Tôi thấy tôi dật dờ bên quán gió
Ngồi nhâm nhi những khái niệm mơ hồ..."
(Hành trình - NNH).

Thơ, ít nhiều là đồng vọng của tiếng lòng... Thơ của NNH cũng không nằm ngoài mặc định ấy. Thôi thì, minh triết Đức Phật đã nhắc nhở: Cuộc người là hành trình về với chữ KHÔNG vi diệu...! (Thì sá chi một chút đèo bòng...).

"Em vừa đi đã nghe mùa xao xác
Bịn rịn làm chi một chút thu vàng
Xin gỡ nốt niềm tơ vương dang dở
Gửi mây trời cho gió thổi mênh mang!"
Bà Rịa - Vũng Tàu 20/9/2018

NGUYÊN ĐẠO

HỌA MI

Nghe tên cứ ngỡ chim mùa
Đông về than đắng khóc chua phận mình
Đâu ngờ gió khẽ rung rinh
Ngàn muôn con mắt đa tình đong đưa!

LẬP ĐÔNG HỘI NGỘ
Vừa qua truông tứ tuyệt
Đất trời thoắt Lập Đông
Gió pha màu hiu hắt
Mây trở sắc chập chồng.
Xạc xài thân gỗ mục
Buồn rêu mốc phủ dày
Chạm tình thơ nghĩa nhạc
Mơ bướm rập rờn bay.
Tay ấm áp cầm tay
Mắt dịu dàng soi mắt
Đang mây ám mặt mày
Bỗng nắng lên bừng sắc...
Mấy mùa giông bão quật
Hương tri âm chẳng nhòa
Như mặt trời không tắt
Dã quỳ rực rỡ hoa!

SAU LỚP BỤI ĐỜI
Đã lâu lắm không về quê thăm mẹ
Mái tranh nghèo chắc xơ xác hơn xưa
Giếng nước trong soi bóng người đơn lẻ
Thềm rêu xanh đầu ngõ trắng bông dừa.
Cay khế lão sau vườn chi chít quả
Mùa vắng con chua ngọt có ai trèo
Vườn hoang phế rũ buồn con bướm dại
Hoa cúc vàng theo bóng nắng hanh heo.
Sao mà nhớ khoảng trời thu cũ vậy
Thiết tha ơi là sợi khói lam chiều
Đời mưa gió đã lăn thân sành sỏi
Con vẫn thèm nghe tiếng mẹ mắng yêu...
Bụi thành phố và khói xăng đô hội
Có che mờ một đôi góc trăng quê
Mẹ vẫn đấy, mẹ là sao Bắc Đẩu
Đêm từng đêm thao thức gọi con về!

SÔNG VỆ NHỚ THƯƠNG
Đâu chỉ là đôi chấm nhỏ nhớ thương
Mà tất cả vui buồn tôi ở đó
Một cánh bướm hoa một con chuồn cỏ
Cũng rưng rưng gợi muôn nỗi khóc cười.
Đâu chỉ là nơi hạt bụi hoá người
Mà tất cả cuộc đời tôi ở đó
Đèn hạt đỗ chập chờn trang sách nhỏ
Đã vỡ lòng bao nghĩa lý lớn lao.
Đâu phải không dưng đất thấp trời cao
Mà mưa nắng vơi đầy con nước chảy
Ôi sông Vệ, dù lặn sâu tận đáy
Con bống nâu vẫn mơ đớp trăng vàng.
Đồng xanh mênh mang dâu biếc ngút ngàn
Mỹ Hưng đấy – nơi chôn rau mình đấy
Hỏi có nơi nào gió thơm đến vậy
Hoa nối hoa mùa quả chín nối mùa.
Lúc bay lên phiêu phưởng tiếng chuông chùa
Khi vời vợi giọng đò đưa đêm vắng
Nào ai biết sau luỹ tre bình lặng
Bao cánh chim vườn vẫy mộng tha phương.
Ngoại hoá mây rồi mẹ cũng hoá sương
Xa biền biệt em hoá gì chẳng rõ
Ngơ ngác về soi – bụi đen bụi đỏ
May dòng quê chưa quên mất mặt mình.
Đâu chỉ là nơi cất giữ nghĩa tình
Văn vắt nước trong lọc niềm dâu bể
Xơ xác ngày va bão giông trần thế
Đêm dịu dàng trăng sông Vệ tái sinh.
Nguyễn Ngọc Hưng

LỜI BÌNH

Khi gửi tập bản thảo đầu tiên cho tôi, Nguyễn Ngọc Hưng đã lấy tên bài thơ này đặt tên cho tập thơ của anh. Không hiểu sao tôi vẫn thiên hướng về cái tên đó chứ không phải là “Bài ca con dế lửa”. Bài thơ chứa đựng nhiều sức nặng tâm trạng, sức nặng ám ảnh. Sức nặng đó trải dài, trải mãi theo suốt hành trình của thơ Nguyễn Ngọc Hưng như dòng sông Vệ nhớ thương đã chảy, đang chảy và còn chảy mãi qua tâm hồn thi nhân mang phù sa mỡ màu bồi đắp cho thế giới văn học của anh. Tôi vẫn nghĩ ngọn nguồn sáng tạo thi ca của Nguyễn Ngọc Hưng đều được bắt nguồn từ dòng sông yêu thương của quê hương này.
Sông Vệ nhớ thương là dòng sông của kỷ niệm, của ký ức, bài thơ đẹp mà đọc nó sao tôi thấy chạnh lòng. Sông Vệ ngày nay có còn những gì như thơ anh đã viết.
Tuy vậy ta vẫn tin, tin rằng có một sông Vệ nhớ thương đã nuôi Nguyễn Ngọc Hưng khôn lớn, đã bồi đắp cho cánh
đồng thi ca của anh thêm màu mỡ, vẫn tồn tại trong thơ và tồn tại trong đời.

“Đâu chỉ là đôi chấm nhỏ nhớ thương
Mà tất cả vui buồn tôi ở đó
Một cánh bướm hoa một con chuồn cỏ
Cũng rưng rưng gợi muôn nỗi khóc cười”

Tại sao một cánh bướm, một con chuồn cũng có thể gợi lên trong ta những nỗi buồn, những nỗi khóc cười, yêu thương và hờn tủi. Chính những cánh bướm mỏng manh, những con chuồn nhỏ bé nhiều lúc lại nuôi dưỡng tâm hồn và làm dịu mát tâm hồn ta.
Rồi Nguyễn Ngọc Hưng lại khẳng định:

“Đâu chỉ là nơi hạt bụi hóa người
Mà tất cả cuộc đời tôi ở đó
Đèn hạt đỗ chập chờn trang sách nhỏ
Đã vỡ lòng bao nghĩa lý lớn lao”.

Chính vì thế mà trên thế gian này thật hiếm có dòng sông nào như “Sông Vệ nhớ thương” của Nguyễn Ngọc Hưng:

“Hỏi có nơi nào gió thơm đến vậy
Hoa nối hoa mùa quả chín nối mùa”
Và cũng thật mông lung huyền ảo:
“Lúc bay lên phiêu phưởng tiếng chuông chùa
Khi vời vợi giọng đò đưa đêm vắng”

Chính khổ thơ này đã giải tỏa nỗi trằn trọc tiếc nuối trong tôi:

“Đâu chỉ là nơi cất giữ nghĩa tình
Văn vắt nước trong lọc niềm dâu bể
Xơ xác ngày va bão giông trần thế
Đêm dịu dàng trăng sông Vệ tái sinh. 

TRỞ LẠI PHỐ XƯA

Những vạt tím chiều chạy trốn
Ngày ta trở lại tìm em
Con phố dài như dấu lặng
Lặn vào hun hút bóng đêm.
Đâu đây thoảng mùi dạ lý
Ngõ xưa vàng vọt ánh đèn
Ô cửa nghìn con mắt mở
Hững hờ như chẳng hề quen...
Ta đi… Ta đi… Rười rượi
Tìm em, biết tìm em đâu
Lạc loài như trăng qua phố
Mấy ai bất chợt ngẩng đầu?
Nhà cũ không còn số cũ
Đường xưa mất dấu chân xưa
Ta gọi thầm… Đêm trở gió
Giật mình ngỡ tiếng ai thưa!

 

 

 

No comments:

Post a Comment

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...