Monday, December 21, 2020

Vũ Phan Long 1

 Thư của Thi Vũ

THI VŨ

       Paris, 8.8.1970.
       Kính Ông Vũ Phan Long,
   Đã lâu, tôi có nhận được tập thơ "Ngưỡng cửa chiều hôm"(*) chép tay của ông gửi tặng. Tôi rất lấy làm trang trọng, Lẽ ra tôi đã có thư phúc đáp và cám ơn, nhưng vì công vụ hải ngoại khiến tôi phải rày đây mai đó đi xa, sau lại có vài việc phải sắp xếp ở Ba-lê, nên lòng chưa ổn ngồi biên thư. Mong ông tha lỗi.
   Tôi có gửi tặng Ông bằng đường hàng không tập thơ Hoa Nắng do An Tiêm xuất bản, trong đó tôi báo tin là đã nhận được tập thơ Ông, nào ngờ tập thơ đó không đến tay Ông, khiến Ông trông ngóng.
   Biết rằng lúc này thư từ hay thất lạc, nên xin Ông miễn chấp nếu thư này tôi đã không viết tay.
   Tôi đã đọc kỹ ba lần tập thơ Ông gửi, Lần đầu, lúc tôi đang bịnh nằm trên giường, Hai lần sau đều đọc vào những lúc có chuẩn bị. Tôi không biết nên viết gì cho Ông, khi tôi đã được đọc trong phần phụ lục tập thơ Ông gửi những lời ca ngợi chân thành của các thi hào, văn sĩ, phê bình gia như Quách Tấn, Lam Giang, Châu Hải Kỳ, Từ Văn Ái... Với một nhà thơ, những lời giới thiệu trang trọng như vậy thật là quí, là đủ. Cho nên tôi chỉ muốn im lặng đứng xa, đứng trong bóng tối mà đọc thơ Ông. Đó cũng là lý do khiến tôi không thấy thúc bách ngồi viết những cảm tưởng sau khi đọc xong "Ngưỡng cửa chiều hôm".
   Hôm nay, tiện viết thư thăm Ông, tôi xin phép được nói vài lời cảm tưởng. Tuy nhiên, tôi sẽ viết nó trong tâm trạng của một người đọc thơ, một độc giả như muôn nghìn độc giả của Ông. Chủ đích tôi không viết trong tâm trạng của một phê bình gia, hay nhất là trong tâm trạng của một người làm thơ. Bởi vì, phê bình là nhìn và bóp cái nhìn theo cảm quan phê bình; và viết theo tâm trạng một người làm thơ là viết để ca tụng. Tôi nghĩ rằng Ông không cần thiết phê bình, một nhà thơ là một đỉnh núi; Ông cũng không cần thiết ca tụng, bởi đã có nhiều thi hữu ca tụng Ông rồi. Cái mà Ông thiếu là cảm tưởng của những độc giả khác nhau đọc trong những tâm trạng khác nhau về thơ Ông.
   Những bài thơ tôi thích trong tập là "Đàn tranh", "Đêm Thánh", "Giữa lòng thu vang" và "Xứ sở này vui tệ". Khi đọc những bài đó tôi thấy Ông không dụng công làm thơ, chính vì vậy mà thơ đã tràn chảy xuống người và cảnh quanh Ông. Đó là cái giây phút mà Ông không cần thiết sự liên đới của thi ca để bật nên ngôn ngữ, nhưng cũng nhờ vậy mà ngôn ngữ Ông đã thành ngôn ngữ thi ca. Thi ca mà tôi muốn nói ở đây cũng tựa như Tình Yêu của Ông đối với người của "Xứ em" chứ không phải là tình đối với "Thôi em bước khẽ đưa đèn anh soi". Ông có nghĩ vậy không? Phải chi mà Ông viết "Em ơi bước khẽ, đây đèn anh soi" thì chắc tôi đã không nghĩ khác đi.
   Trong những bài thơ mà tôi thích trên đây, Ông đã hoàn toàn "đánh mất Ông"- đánh mất tâm linh của Đêm Thánh. Bản ngã hoàn toàn trong tính Không. Nhò vậy nó hiện hữu rỡ ràng như mọi sự và không có gì lay chuyển được. Người ta chỉ lay chuyển được những hình khối đơn độc. Song người ta không thể làm gì được những vật thể tương duyên trùng trùng. Phải rồi, chính tương duyên mà Ông bỗng lóe thấy trong sát na nào đó kết nối Ông vào thi ca. Thường con người rất sợ bị "đánh mất tâm linh", nên họ đem cả đời ra mà trau chuốt tâm linh như trau chuốt một viên ngọc, họ không biết ngọc quí ở ngọc chứ không phải ở hình dáng thời trang. Phải đánh mất mình đi. Phải đánh mất thi ca đi. Phải đánh mất tên tuổi đi. Đánh mất tan nát trong hào khí đông phương thì mới thị hiện ra cuộc sống. Cái "quy hồi" (Riickschritt) của Nietzsche cũng chỉ là những bước sờ soạng, chập chững trong hào khí đông việt này. Nikos Kazantzaki trong bài thơ Ông viết cũng mới hé thấy hố thẳm lung linh, song chưa thấy hố thẳm của hố thẳm hay hố thẳm hố thẳm. Bởi vì Nietzsche thì mài công phá vỡ để xây dựng, Kazantzaki thì suốt đời là một cuộc hành hương. Cả hai người đều không biết không có gì để xây dựng cả. Tôi thấy thi sĩ Quách Tấn đã hiểu điều đó một cách bất ngờ khi ông gọi núi xuống liên hoan với người trong mấy cuốn Xứ Trầm Hương và Nước Non Bình Định, ông đã lần ra được mối tương duyên của Cosmos.
   Khi tôi nói rằng tôi thích những bài thơ nầy thơ nọ trong tập thơ Ông, không có nghĩa là tôi không thích những bài thơ kia, dù rằng những bài kia có thể là dụng công hơn, giàu có hơn. Nhưng chính vì nó giàu có quá, khiến tôi quên mất sự hồn hậu và nghèo xơ, vốn là tự tính của đời người. Tôi muốn được đọc những bài thơ Ông mà qua những bài thơ đó tôi đối diện với Vũ Phan Long như đối diện một đỉnh núi, chứ tôi không muốn thấy những người khác lố nhố chạy theo sau Ông. Sự đẽo gọt, từ ngữ, âm nhạc, vân vân lắm khi đã đánh lầm nhiều thi sĩ của chúng ta. Cũng như lắm khi chúng ta chỉ chú ý tới quần áo, cà vạt, dầu thơm, và quên hẳn thân thể mình. Một vài khi chúng ta cũng quá chú ý tới thân thể mình, và quên mất tâm linh. Nhưng một vài khi chúng ta lại quá chú ý tới tâm linh để quên mất cái không tâm linh.
   Đọc thơ Ông, tôi cảm cái buồn man mác của nấm mồ cô quạnh. Những hồ mồ rất đẹp, nhưng, buồn quá "Bước chân thiên cổ đáy mồ âm vang", "Chập chờn nhân thế mồ chôn khắp trời"... "Có ai tương biệt đây lời vĩnh ly" v.v... "Mình tôi đứng giữa ngục tù đăm chiêu"... "Còn ai trên những lối này mai sau".Tôi cầu mong cho tiếng buồn đó sẽ đứt như dây đàn "Một giây bỗng đứt đường chim sững sờ". Trăng nằm đó đợi một trời thơ. Trăng nằm đó trên đầu tay Ông, trên đầu bút Ông, Ông nắm đi và tan hòa trong đó. Tôi không có ý nói rằng hãy vĩnh ly mối buồn nầy, nhưng hãy đi tới tận cùng của nỗi buồn lớn, chớ ở lưng chừng. Tới tận cùng cho mối buồn khôn thấu chịu, phải nổ tung ra mênh mông trời đất và đời người và cuộc sống. Có vậy cuộc phiêu bồng Ông mới là sự bồng phiêu của mặt nhật giữa muôn nghìn đóm sáng trăng sao. Bây giờ trạng huống Việt Nam, và văn hóa đang bắt Ông phiêu bồng dưới trăng "Tiếng viên gạch vỡ phiêu bồng dưới trăng". Sao lại dưới mà không là giữa (?). Tôi hiểu bởi vì "Vườn khuya con nhện thẩn thờ dệt trăng", Ông đang dệt trăng, và nấm mồ kia khiến Ông thẩn thờ. Một ngày nào đó, nấm mồ sẽ vỡ nổ, con nhện sẽ âm thầm dệt trăng trong hào khí hồn hoa, và tiếng viên gạch vỡ sẽ vút mình hóa phượng bay cao trên hố lửa. Tôi trông chờ ngày đó quá.
   Ông có thấy nền văn hóa Việt đang sa sụp không? Ông có thấy thi sĩ dân tộc quá đông mà chúng ta chưa tạo được một cõi thi cho loài người, khiến một vài thi hào cổ kim của chúng ta phải thân đơn xông xáo giữa thế giới bao la. Tôi cầu mong với tài Ông sẵn có, Ông sẽ đi tới tận cùng "giữa sát na hiện tại" để cho tiếng sấm báo hiệu trời thơ Việt nổ vang giữa vùng sinh diệt.
               "Giữa sát na hiện tại
                Chưa ai bước đến cùng".
   Ông hãy bước ra khỏi ngưỡng cửa chiều hôm nơi mà Ông phải chân nhận "Tôi nhìn tôi một vùng xa lạ" để cho bản lai diện mục thị tiền.
   Nãy giờ tôi chỉ đề cập tới tư tưởng của thi ca, những gì Ông đã đem lại hay không đem lại cho dòng thi Việt. Tôi đã nói những chuyện không cần thiết cho Ông. Nhưng tôi xin muôn đời làm chuyện không cần thiết đó để cho chuyện cần thiết của Ông tồn hữu.
   Thư viết không dài, nhưng lòng tôi hẳn đã sống thực với "Ngưỡng cửa chiều hôm". Có điều chi phật ý, xin Ông cũng lấy đó làm tấm thịnh tình của kẻ muốn sống trong THƠ, Kính chúc Ông an hảo và sáng tác mạnh cho thi ca.
                                                                       Kính.
                                                                     THI VŨ
--------------------------------------------------------------------------------
(*)  Nhan cũ của thi tập DƯỚI BÓNG NGẬM NGÙI

Mưa!

Tôi ngồi giữa vũng cô liêu
Tháng năm mắt nhìn lay lắt
Mưa rơi! mưa mãi tiêu điều
Hư không u trầm se thắt.

Mưa trên chinh chiến tơi bời
Quê hương gầy trơ thương tích
Mưa trên mộng mị cuộc đời
Hận thù triền miên xiềng xích.

Mưa trên nỗi chết không rời
Cỏ khâu mọc lan ngày tháng
Mưa trên giọng lớn không lời
Dục vọng nhục nhằn sung mãn.

Mưa trên thân phận rạc rài
Cái "tôi" chung thân án tử
Mưa trên ảo tưởng ê chề
Tiếng "ôi !" niềm đau chí đại.

Mưa rơi nhỏ nhẹ qua hồn
Nụ tình hốt hoảng môi hôn
Giọt tình sụt sùi mắt lệ
Câu tình thoi thóp mồ chôn.

Mưa rơi! mưa rơi! dãi dầu
Im chìm máu chảy sông sâu
Tiếng-Sống động mình cách trở
Mộng-Đầu tắt lửa thiên thâu!

Dặm hồng

   Em niềm khác vọng vô biên
Hồn tôi bảy ngựa quàng xiên dặm hồng
   Từ thiên cổ cơn đói lòng
Bên ngôi bái vật phiêu bồng hóa thân:
   - Chim ngàn vạn kỷ thu phân
Tóc em trùng điệp thiên thần tổ xinh
   - Cánh ong trên lá rập rình
Môi em mật ngọt nụ tình nở hoa
   - Con sâu dưới lũng mù lòa
Hương thơm em trái gần xa treo cành
   - Nhành rong vạn thuở còn xanh
Đong đưa tắm mát cội ngành mắt em
   - Con tằm độ hóa triền miên
Tay em tăng trưởng vừa xuyên chu kỳ
   Em là hình nhỏ lưu ly
Hứng sương cam lộ tương tri nghĩa đời
   Em là giọng lớn ngàn khơi
Góp từ đáy nước những lời vi vu
   Tôi hồn du mục thiên thu
Tháng năm xuôi ngược mịt mù bên em.
 

Thời gian

Một cánh tay gầy
Thuyền chèo sông thẳm
Một bàn tay quắm
Chia chén đắng cay
Cánh tay vươn gầy
Đưa ta về bến
Bàn tay co quắm
Độc tửu mọc mời
Ta chính trò chơi
Rượu thuyền phương tiện
Bến xưa xa triệng
Tửu độc công hành...
Tiếng thét thiên thanh
Hai tay nguyên hình
Đời đời Mây Lửa
Con người đứng giữa
Hài cốt trầm tiêu!

Tôi hỡi! Chiều ơi!

   Có tôi, bên cạnh đây Chiều!
Xin nhau chia nỗi tiêu điều gió mưa
   Chiều ơi, Chiều đỡ sầu chưa
Cớ sao chẳng chịu gọi thưa mấy lời?
   Tôi, Chiều chung một cuộc đời
Phong ba lắm trải, đổi dời chuốt mang
   Chiều buồn, nắng rụng lưng ngàn
Tôi đau vì nỗi phai tàn mộng mơ
   Chiều buồn, chim đứt lời thơ
Tôi đau vì nỗi hoang sơ tháng ngày
   Chiều buồn, mưa gió lắt lay
Tôi đau vì nỗi rạt rài tin yêu
   Chiều buồn, lũng xám cô liêu
Tôi đau vì nỗi đìu hiu quê nhà
   Tuổi chiều như giọt mưa sa
Thân tôi, nấm độc hằng hà nhú cao
   Thôi xin tay bắt mặt chào
Hắt hiu có phận; ba đào có tên!...       

Chỉ là

Anh chỉ là một bóng mờ
Của chính em gọi là đời sống
Của chính em gọi là bình an
Của chính em gọi là đau khổ...

Anh chỉ là tấm gương soi
Cho mắt em ung dung nhìn ngắm
Anh là chiếc máy vi âm
Cho tiếng em miên trường ba động.

Anh chỉ là một vũ trường
Cho bước em dài xênh xang điệu múa
Anh chỉ là một cây đàn
Cho ngón em mềm khoan nhặt tình tang.

Anh chỉ là một cánh đồng
Em nắng tháng năm thân anh nức nẻ
Anh chỉ là một đồi thông
Em gió hôn hoàng lời anh nức nở

Anh chỉ là một bóng mờ
Của xác em gọi là đời sống
Của lòng em gọi là mơ mộng
Của tên em gọi là nguồn thơ...

Bàn tay  

Của Em vô số bàn tay
Tay kia hủy diệt tay này phát ban
Bàn tay khai mở thiên đàng
Bàn tay khua động hôn hoàng gió lên
Bàn tay ve vuốt êm đềm
Bàn tay roi vọt triền miên đọa đày
Bàn tay trù phú chua cay
Bàn tay bất tuyệt tháng ngày mộng mơ...
Tôi như đứa trẻ dại khờ
Đắng cay cam chịu nương nhờ tay em.       

Còn gì cho nhau

Còn gì cho nhau!
Lửa tắt mộng đầu
Thời gian chậm rãi
Ghi niềm tê tái
Từng hạt minh châu

Còn gì cho nhau!
Phút giây tiếc nuối
Niềm vui ngây thơ
Bàn tay buông hờ
Tin yêu nức rạn
Đêm đêm nhận dạng
Bóng lạ kinh mang
Nụ cười độc dược
Bước chân rắn trườn.

Mùa xuân hành hương
Phố phường lửa máu
Mùa đông nương náu
Đồi rẫy thịt xương
Hỏa châu thu trường
Súng thù nắng hạ
Còn gì mặc cả!
Còn gì cho nhau!

Con người khổ dau
Nhìn nhau mặt lạ
Quê hương vật vã
Méo mó hình hài
Nỗi chết vòng đai
Hận thù lưới bủa
Địa cầu quá nửa
Huyệt động lang thang
Tiếng thét kinh hoàng
Hư vô mọc ốc
Còn gì lừa lọc!
Còn gì trao nhau!

Còn gì nữa đâu!
Còn gì cho nhau!
Thời gian qua cầu
Trơ vơ hiện tại
Lạc loài quá khứ
Ơ hờ tương lai
Ta chính là ai?
Em chính là ai?
Cõi hoang bất định
Bước đi miệt mài...

Dòng sông trên cát 

Nhắc điệp khúc sầu thương và giận dỗi
Biệt nhau rồi tính lại, hỏi còn chi
Mộng xuân đầu một sớm bỗng rơi đi
Vai trĩu nặng tháng năm buồn lẽo đẽo.

Không có em những đêm dài thiếu ngủ
Ai nằm nghe anh kể chuyện liêu trai
Đời gió sương ai góp bước chung vai
Ai chia xẻ những buồn vui sân khấu.

Ai lắng nghe anh giờ vỹ cầm độc tấu
Kịch anh viết rồi, ai đóng "mẹ Phù sa"
Tay cầm tay ai tập bài ca
Cơm ai đợi những cơn say mềm anh bỏ bữa.

Đêm Bình Chương giặc về gieo máu lửa
Ngồi bên nhau em trao tặng bình yên
Ngày Phú Phong đầu anh vết đạn xuyên
Mắt đẫm lệ em bàn tay lẩy bẩy.

Không có em những buổi mai thức dậy
Vòng môi xinh ai trao đóa hồng xuân
Bước chân chim ai nhí nhảnh chiều sương
Cho lối nhỏ bừng hoa anh trẩy hội.

Mãi hò hẹn nên suốt đời chờ đợi
Trót công lao lửng quên xác dã tràng
Trăm tuổi đường dài anh làm kẻ lang thang
Trong tình em, ôi! chân trời hải đảo.

Nhưng chẳng bao giờ, chẳng bao giờ nữa
Em ra đi mang theo cả chân trời
Tám hướng mịt mùng nhịp gót đơn côi
Và hải đảo, bước dòng sông trên cát...

 Đời sống

Bước ra từ bóng đêm dày
Sau lưng hố thẳm; vực lầy trước chân
Con sâu khắc khoải tần ngần
Kinh thiên đói khát mù câm, độc hành!

Sự chết

Thoát đi từ một vì sao
Mong manh ánh chớp bước vào ly tâm
Tối đen vạn đại âm thầm
Bóng chân cô quả tuyệt trần viễn du...

Bước chân âm thầm

Xe đò vừa đổ bến
Thành phố đã lên đèn
Anh một mình hối hả
Tìm nhà trọ gặp em.

Đường đêm mưa lầy lội
Ngõ ngoại ô vắng tanh
Nhờ thư em tìm lối
Ngập ngừng anh bước quanh.

Bể xa sóng vỗ bờ
Tiêu điều xóm nghiệp ngư
Mắt đèn đêm bỡ ngỡ
Anh đọc lại tờ thư...

Thư bao lần giở đọc
Giờ xem vẫn thiết tha
Lời từng lời reo ngọc
Câu từng câu nở hoa.

Kia, nhà em cuối lối
Mỗi bước mỗi ngập ngừng
Tâm sự sắp bày tỏ
Từ lâu lòng kín bưng.

Rồi cửa mở, ngỡ em
Nhưng không... một cụ già!
Anh cúi đầu lễ phép
Hỏi thăm em có nhà?

"À, cô vừa đi khỏi
Đi Sài Gòn hồi mai!"
Anh vừa toan gạn hỏi
Cửa đã đóng then cài...

Trong đêm anh thất thểu
Tiếng bước khua đêm trường
Phương nào, ai hoan lạc?
Nơi này, ai gió sương!

Nẽo đại lộ hút xa
Dãy nhà cao im chìm
Sầu đêm mưa xứ lạ
Nghe dâng đầy trong tim.

Im lặng

Thôi!
Cho tôi xin, cho tôi xin
Xin chúng ta xin các anh
Xin những ngôn ngữ khuôn mòn, những ký thác vàng hanh
Xin những chứng tích hận thù tác phẩm bình sinh
Thôi!
Cho tôi xin, cho tôi xin
Xin các người, xin các anh
Những chiếc xác thạch cao triển lãm tội tình
Những đôi mắt gầy trơ thách thức cao xanh
Thôi!
Cho tôi xin, cho tôi xin
Xin thói đam mê đào huyệt chôn mình
Xin nỗi bình an của đời sống thong manh
Thôi!
Cho tôi xin, cho tôi xin
Xin chính tôi, xin lũ người, xin các anh
Hãy lặng im! và xéo đi cho nhanh
Kìa, chim trên cành tổ mẹ vầy quanh
Hãy lặng im! hãy cút đi thật nhanh
Cho em bé bước thiên thần mắt ngõ trời xanh
Hãy lặng im! hãy cút đi, cút nhanh
Ôi! những viên đá ngước nhìn tiếng mùa bước huyền thanh...

Tôi muốn tôi là ...

Tôi muốn tôi là bóng đêm
Là tên vệ sĩ cạnh ngôi em
Tôi muốn tôi là cây cỏ
Là con đường quen thuộc dưới chân em.

Tôi muốn tôi là chi? - là tất cả!
Mãi yêu em bất chấp cả trần gian
Tôi muốn tôi là chi? - là tất cả!
Kề bên em không đếm kể thời gian.

Tôi muốn đời tôi là mặt hồ in bóng
Bờ thùy dương em đẹp cánh thiên nga
Tôi muốn đời em cơn ác mộng
Tội lỗi, khổ đau: hòa điệu khúc tình ca.

Nhưng, ta có là chi cũng hoài công tất cả
Gọi mãi tên nhau mà mộng chẳng môi trường
Há bởi yêu thương đời thôi nghiệm xóa
Hai phương trình: thực tế với mơ vương.

2 Tháng 2

Vòng môi chín đỏ lời kinh
Lênh đênh trên biển giật mình gọi em
Tiếng kêu máu vỡ nguồn tim
Xuất thần theo một loài chim lạc miền...

Hư vô      

Cũng vô lý như mùa đi dưới lá
Vẫn ung dung như nỗi chết không rời
Cũng vô lý như lời kia sắp hỏi
Vẫn vô tình như đá ngủ chẳng thưa
Cũng vô lý như nhà thiêu dưới lửa
Viên đạn ba xu với mạng sống thiên thần
Với trẻ thơ đành bị cắt mất quê hương
Với con người đành bị đánh cắp tình thương
Với ánh sáng, đêm đen; trường kỳ cuộc đấu...

Và, trên ngõ về hư vô bặt lối
Ta đã nhìn thấy những gì? để nói nhau nghe!...

Vung tay ném đá

Lênh đênh thuyền tách xa bờ
Nắng mơn buồm khói sóng nhô mạn thuyền
Trần tiên ngăn cách đôi miền
Đại dương sâu thẳm ưu phiền vừa trao
Nghe thạch động lao xao sóng vỗ
Ngắm sườn non đá trổ cây tàng
Trời xanh mây trắng mơ màng
Dòng khơi cá lội lưng ngàn nhạn gieo
Hãy thư thả thuyền neo bến mộng
Tìm xa xôi tiên động đây rồi!
Bể dâu mấy dạo đổi dời
Thành non gió lộng hang trời trăng treo
Nhập thạch động lần theo lối quạnh
Ngắm thiên công lòng trạnh luân hồi
Bóng thiều quang hoa một thời
Tuổi xuân dòng biếc cuốn trôi hững hờ
Chớ thở than phù du ảo ảnh
Thói đau buồn nghịch cảnh nhân sinh
Ném tung mọi nỗi bất bình
Câu ca "đạp ngạn" vui tình nước non
Rượu Bá Luân đây còn lưng hũ
Thơ Thanh Liên điệu cũ noi vần
Non xanh nước biếc men nồng
Vung tay ném đá cười ngông rộn ràng
Chờ gió reo cung đàn họ Bá
Đợi đêm về mộng lạ Trang sinh
Nằm xem non nước giao tình
Đã nghe thoát tục mối tình tương tri.

Cô đơn

Trong mơ bỗng thấy em ngồi cạnh
Niềm đan tư chợt lắng bi thương
Anh mang cánh dế thu trường
Long lanh em giọt trời sương phới ngàn
Ôi! mắt em bồng bềnh sóng nước
Thuyền anh bơi xuôi ngược sông hồ
Giấc tình một đóa xuân tơ
Tháng năm phong nhụy bây giờ trao nhau
Và đây nỗi sầu đau cổ thụ
Khúc bi ca chép thuở quạnh hiu
Vắng em đời sớm mộ chiều
Bình trơ vị đắng đìu hiu bếp tàn
Trong đắm say mơ màng thăm hỏi
Môi giá băng em mãi không lời
Bên nhau ta vẫn cùng ngồi
Bể khơi tâm sự xa xôi dáng hình
Anh thảng thốt giật mình lay gọi
Vòng tay ôm chới với hư không
Canh gà giục thức ngoài song
Tỉnh ra còn thoáng chập chùng dáng ai
Trời bình minh hoa mai nở rộ
Khuya hồn anh cây cỏ hoang vu
Võng đưa anh dệt lời ru
Chiêm bao thôi cũng xa mù bóng em.

 Mặc!

Đời cứ rằng vui, Sơn hỡi Sơn!
Nhắc chi dâu bể buốt tâm hồn
Vuông tròn nhi thiếp đùa bom lửa
Lếch thếch gia đình mỉa áo cơm
Má phấn quên nghèo tình phóng phiếm
Kịch thơ lửng đói nghệ xanh rờn
Đảo điên thế sự ai cười khóc
Ta điếc ngươi mù mấy dại khôn?

 Chiều

...Rồi ra rừng trở cô đơn
Tóc sương đời núi hao mòn tuổi thơ
Nhà ai bản nhỏ bơ thờ
Đèn hôm mắt đỏ gầy trơ nỗi chiều!

Mãi mãi          

Chớ mặc cả hoài đi giờ hội ngộ
Kìa mùa thu đang thắp nến quanh ta
Ngàn thông trở mình trỗi khúc tình ca
Sóng bể chợt từng hồi buông phách đệm
Nhích lại gần nhau... đây, phút giây kỳ diễm
Rượu bỏng đầu môi tay điếng da ngà
Gẫy vụn trần tâm ta chẳng còn ta
Ném thực tại vào tận cùng ảo giác
Nhắc làm chi đến ngày mai tan tác
Để thề nguyền tình bền đẹp nghìn năm
Sông bồi núi lở hoa héo trăng bầm
Bước bể dâu âm thầm gieo nát rữa
Và thời gian? có riêng gì đôi lứa
Mà ngẩn ngơ toan tính chuyện dài lâu!
Xin lặng thinh đừng nhắc nỗi buồn đau
Khi đôi lứa vẫn hai tâm hồn sa mạc
Đời chẳng dung ta; những cuộc đời lang bạt
Ta chẳng biết đời; mới trôi dạt từ lâu!

Say lên em, và đừng chối từ nhau
Cho thần phách hôn mê, xác bừng đuốc lửa
Cho xiêu đổ không gian, lụi tàn ngày bửa
Tình tháng năm cầm chỉ phút giây thôi...
Dù ngày mai dù phải sớm chia phôi
Đời lãng tử thêm một ngày tuyệt mỹ.

Bao giờ?

...Khi mắt đêm thâu buốt lòa trái sáng
Khi hàng dây thép gai khóa vòng bước chân trời
Khi tiếng súng vang rền bặt tiếng à ơi
Khi giấc ngủ trẻ thơ môi tắt nụ cười
Khi lệ mẹ hiền giọt giọt đầy vơi
Khi trinh tiết người con gái đành cầm món trò chơi
Khi đất tổ bao lần chia cắt tả tơi
Khi văn minh vừa trao tay đồ tể
Khi hận thù vừa soán ngôi nhân đạo
Khi nhân danh không có ở con người
Khi tự do không sống dưới mặt trời
Khi thần linh vừa bỏ trốn cuộc đời
Khi ngạ quỷ vừa hiện thân tiếng nói...
Thì em ơi, em hỡi!
Biết đến bao giờ ta tìm được quê hương?
Biết đến bao giờ ta tìm thấy yêu thương.

Tiếng sầu gửi em

Khi anh biết rằng lòng em chẳng còn riêng nhau
Khi lời hẹn hò ngoài tầm thao thức canh thâu
Cuộc đời chợt buồn như tiếng nước xiết chân cầu
Buồn như hoàng hôn trùm lên mấy nấm cổ khâu...

Em ơi, xin nói rằng - tuy là lời dối quanh -
"Hồn em vẫn còn đóng khung chân dung anh..."
Anh sẽ đợi chờ em dù cuộc sống tan tành
Nghìn năm ôm cột đợi tình, anh làm Vỹ Sanh.

Và niềm hy vọng nếu còn xanh màu trong anh
Dù chỉ là một chút tình thương yêu mong manh
Anh sẽ tạo nên địa ngục thành cõi thiên đàng
Lời thơ anh vang đầy những mùa xuân cao sang.

Anh yêu em còn hơn những mối tình ngàn xưa
Anh yêu em như tự chưa yêu anh bao giờ
Anh nghe chập chờn nắng vàng bừng sau chiều mưa
Tiếng nhạc rộn ràng lời "yêu" reo trong câu thơ.

Nhưng đã hết rồi, thôi! còn chi nữa em ơi
Chuyện ân tình đã đi vào bóng đêm xa xôi
Anh chỉ còn gửi em một kỷ vật muôn đời
Ấy chính là tiếng lòng rên xiết của anh thôi.

Nhìn          

Tình yêu như kính chung soi
Mắt coi lấy mắt lòng coi lấy lòng
Mắt tôi, em ngắm môi hồng
Lòng em, tôi ngắm phiêu bồng tiếng thơ.

Thương ca

Đây!
Khai từ của một bản trường ca
Để mở với người thương thiên đường tâm sự
Chép rằng:
Nhớ chăng em, những ngày xưa cũ
Biết chăng em? Những phút giây gần gũi
Vũ trụ nở hoa, thời gian dừng cánh ngủ
Tiếng hát em đưa hồn anh về quá khứ
Thuở dịu hiền anh vào tuổi sơ sinh
Lời ru êm lòng nôi ngọt sữa mẹ no lành
Truyện tiên bụt chập chờn quanh giấc ngủ
Đường thênh thang hoa bốn mùa hé nụ
Anh bước lên lòng chứa đủ trinh nguyên
Anh chính là anh từ buổi khai thiên
Thản nhiên dẫm nát ưu phiền dưới chân
Và đôi mắt dìu anh về hiện tại
Đây chân trời hải đảo bập bềnh sương
Thú đau thưong thuyền anh mỏi tay chèo
Giữa bờ hoa xanh vút tiếng chim reo
Cuộc sống êm đềm tranh thủy mặc
Niềm yêu bừng đẹp ánh tinh cầu
Anh muốn chồm lên giữa sông núi tươi màu
Ôm vũ trụ vào vòng tay bé nhỏ
Làm kỷ vật trái tim vừa mở ngỏ...

Giờ bản thương ca đã vào nửa truyện
Như tờ niên lịch chua tháng ngày hung kiết
Như quyển nhật ký chép đủ chuyện vui sầu
Phiên khúc này ghi lúc cách xa nhau
Ôm cô đơn anh làm những chuyến tàu
Lạc mất hướng giữa đêm sầu quạnh quẽ
Và em, em là một nhà ga nhỏ bé
Say rừng khuya chẳng báo hiệu đèn tin
Anh ngờ anh là ngọn hải đăng trong đêm
Sầu hắt hiu chớp mắt mỏi thăm tìm
Một bóng tàu hay đôi cánh chim đêm
Mãi bằn bặt giữa trùng khơi bể cả
Bởi vì em, với anh là tất cả
Bởi vắng em, anh còn có gì đâu
Nên lời thơ anh đầy giọng mê sầu
Luôn hồi ảnh một niềm si da diết
Để hiến em một mối tình diễm tuyệt

Và đây, lời thê thiết
Đoạn cuối bản thương ca
Chỉ là tiếng ngân dài một chiều sương thung lũng
Như đuôi sao rung giữa bể trời đêm...
Vì em, giờ đây không còn nữa là em!

Chợ chiều

Chợ vãn, hoàng hôn đọng trước song
Ngàn cây xơ xác dưới hàn phong
Dăm phên nứa rách trơ trên bến
Đôi cánh buồm tơi rũ cuối sông
Quán vắng, mưa chan; lời tức tưởi
Lều hoang, lá rụng: giấc mơ mòng
Hỡi ôi, đối cảnh lòng thê thiết               
Gẫm kiếp phù sinh: sắc-thị-không!        

(hai câu cuối có sửa)
Đời người: phiên chợ trong mùa rét
Vừa mới đông vui đã lạnh lùng!

Mưa nắng sông em  

Dù tình yêu em có buồn như ga chiều thôn dã
Tôi cũng xin tìm một xó nương chân
Thế giới ngoài kia lọc lừa xa lạ
Xuôi ngược trên đời chẳng chốn dung thân.

Dù dòng sông kia có mưa nắng chập chùng
Trong nguồn mắt em, tôi lòng gội thung dung
Tội lỗi khổ đau thiên niên thủy táng
Quá khứ êm đềm cánh lớn thênh thang.

Dù nụ cười kia có trái đắng môi hường
Dù lời nói kia có tẩm độc làn hương
Trong em, một khoảng trời tôi hít thở
Vũ trụ buồn nôn xú khí ma vương.

Dù nỗi lòng kia đành đứt cỏ uyên ương
Dù thuở cao vui mộng đã chia đường
Tôi vẫn xin em ba đào tiếng gọi
Cho cõi biếc miên trường ánh lửa tình thương.

Chiêm bao

Đối bóng đêm trường gọi mãi em
Nhớ thương sầu mộng cứ triền miên
Trang thư đọc mãi không đành thuộc
Chợt tiếng gà khuya gọi dưới thềm.

Em gái thị thành, ta chốn đây
Nương khô đồi sỏi lũy tre gầy
Liêu trai nối truyện-tình thư tín
Chưa gặp nhau mà đã đắm say.

Dung nghi vời nhớ lẫn chiêm bao
Tóc lã màu đêm mắt biếc sao
Nụ má hồng duyên mùa rộ chín
Vườn xuân hoa nở thắm môi đào.

Yêu em từ bỏ cả thương đau
Một giấc mơ tình chuyện trước sau
Dâu bể đổi thay đời phó mặc
Lòng ta, ta vẫn của riêng nhau.

Trắng canh tâm sự mộng chung xây
Mường tượng quanh mình em có đây
Thảng thốt bình minh reo trước cửa
Tờ thư, lệ nến vết hoen đầy.

Quan san cách trở lối đăng trình
Duyên kiếp tiền thân đã mối manh
Đá hẹn ba sinh giờ ước nguyện
Đuốc hoa bừng nối mộng tròn xinh.

 Cổ khâu

 Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như...
                                    Nguyễn Du

Tiệc tan, say ngủ giữa tinh cầu
Choàng tỉnh thiên đường chợt cổ khâu
Nửa gánh giang sơn rơi vực thẳm
Đôi bờ Vân hán cách dòng sâu
Níu trời run rẩy bàn tay trắng
Lấp bể bơ phờ chiếc cánh nâu
Thắp đuốc đêm đêm tìm dĩ vãng
Áo xanh hoen vết lệ Giang Châu.

Hành trang

Chẳng chép mười phương ngữ tự
Viết hoài một chữ tên em
Chẳng học nghìn năm diễm sử
Đọc hoài một chữ tên em.

Về thu, tên em: dòng sông
Hè đến, tên em: quạt nồng
Mùa đông, tên em: lửa hồng
Xuân sang, tên em: hường bông

Tên em: nắng ấm reo cành
Vườn mộng hồn tôi lạnh lẽo
Tên em: tấm giấy thông hành
Từng bước đời tôi lẽo đẽo.

Trần tâm, bể khơi chới với
Tên em: hải đảo dừa xanh
Đỉnh chung, mộng đời chói vói
Tên em: vương điện kim thành.

Thôi giao bình minh ngôn ngữ
Giã từ thiên khải kinh đêm
Độc hành xin vai lữ thứ
Hành trang còn mỗi tên em.

Mặc khải    

...Trưa hè võng mẹ tròn câu
Chiều sương thức tiếng nhịp cầu ván chênh
Như đêm ngõ vắng trăng lên
Như đèn khuya cửa nhà em khép hờ
Nhịp chân ca múa trẻ thơ
Tích thương người lính những giờ bia công
Lòng em, còn nỗi mơ mòng
Tình tôi, thơ chép mãi dòng xót đau...

Là tất cả, có gì đâu
Tiếng ru mặc khải thẳm sâu ý đời!

Cúi mặt

Sao em không là vì sao nhỏ
Ở trên cao em cúi xuống trông tìm
Giữa đêm thâu anh bước chân bỡ ngỡ
Ngẩng nhìn em với đôi mắt triền miên.

Sao em không là mùa thu hải đảo
Để trăm năm anh làm cánh chim trời
Em mắt san hô và dung nhan mã não
Tay sóng chiều anh ve vuốt trùng khơi.

Sao ta không là những dòng sông
Để nước chung nguồn đưa nhau về cội
Và sao em không là mặt trời
Cho anh trọn đời xin làm kiếp hướng dương...

Em đứng đó, tay anh gầy không vói tới
Dáng thiên tiên anh vẽ vội trong hồn
Em bước đi, không một lời nhắn gọi
Cho đợi chờ anh mãi cứ hoàng hôn.

Tình yêu em là chân dung ngọc quý
Trong đền thiêng anh lễ bái thần linh
Mắt trông lên, em bỗng thành ác quỷ
Anh rụng rời đành cúi mặt làm thinh...                 

Bên triền hố thẳm

Xưa làm kiếp dã tràng
Xe cát lấp bể đông
Sóng xô chân ngắn mỏng
Nhọc sức mãi hoài công.

Đến thác vẫn mơ màng
Cửa trời tìm: đạo lý
Thượng đế hỏi: "xin gì?"
-"Thưa! được làm nghệ sỹ".

Rồi thơ nhạc lên đàng
Ý thức nặng hành trang
Khổ đau đời lấp cạn
Tin yêu bừng liên hoan.

Gót lẳn bốn phương trời
Cổ đắng lời thất thanh
Thơ: tuyên ngôn đoàn tụ
Nhạc: xướng danh hòa bình...

Như hạt muối trùng dương
Bóng đóm soi đêm trường
Những hận thù thế kỷ
Lớp bi hài vấn vương.

Đìu hiu cánh phượng hoàng
Chới với giữa trầm hoang
Tiếng kêu dài, ba động
Sương xao ánh nguyệt vàng.

Trên thượng đỉnh cô phong
Hồn thoát giấc mơ mòng
Đá triền sâu hố thẳm
Nằm nghiệm ý hư không...

 Mỹ Lan

Bây giờ em ở lại
Còn anh... anh ra đi!
Chuyện chúng mình hiện tại
Sum họp nữa mà chi!

Rồi ra cũng phân ly
Thương nhau có nghĩa gì?
Nếu không vì hạnh phúc
Người yêu khi vu quy.

Anh như một loài rêu
Đong đưa trong thủy triều
Trong cội nguồn ký thác
Của tình em, em yêu!

Riêng em, với tình yêu
Ôi! em được bao nhiêu?
Nỗi khác khao thụ hưởng
Niềm hy vọng trầm tiêu!

Bây giờ chia tay nhau
Càng nghĩ càng thêm đau
Cơn mưa sầu nắng quái
Ai vì em dãi dầu.

Với đoàn, em ở lại
Đêm từng đêm múa ca
Ta đâu quyền được mãi
Nhìn nhau mà xót xa.

Còn ai để đợi chờ
Thư tình em thẹn gởi
Còn ai để hững hờ
Hẹn hò rồi chẳng tới!

Em mắt lệ sụt sùi
Ai đôi phen ray rứt
Em môi vắng nụ cười
Ai từng đêm thao thức?

Em dồn mây trong tóc
Ai chuốt ngọc vào thơ
Em thu gầy trên vóc
Ai hành hương trong mơ?

Em giấc thiền trên gối
Ai nghe lòng ngẩn ngơ
Em bước chim trên lối
Ai nhìn nhau thẫn thờ?

Thôi! biết đến bao giờ
Xin hẹn thề kiếp sau
Nợ duyên nay đã lỡ
Thà nghiêng mình tạ nhau.

Ngày nao? và tháng sáu
Trân trọng nhé, em yêu!
Riêng mối tình lệ máu
Anh mang vào cô liêu!

Vô tình

Giọt nắng cành đông chợt tắt rồi
Đất trời cuồng nộ dấy phong lôi
Ổ chiều lá nhỏ vèo theo gió
Mù điếc thân trùng mặc nổi trôi!

Thôi

Tôi còn lại những gì đây
Nổi nênh thân phận hao gầy tuổi thơ
Hoài công tháng đợi năm chờ
Rồi ra vẫn chỉ giấc mơ võ vàng
Tình thương thoắt đã quan san
Cố viên nức nở thu tàn gió khuya
Bắc nam đôi ngả xa lìa
Một phần tâm khảm rời chia mỗi người
Lỡ còn sót lại trong tôi
Niềm đau thân phận cầm chơi với đời
Vào thu, tin báo vàng rơi
Bình sinh tay mộng níu trời được sao?
Thôi xin bỏ lớp chinh bào
Vết thương xé rách máu đào tuôn ra!

 

LAM GIANG

GHI LỜI CẢM ỨNG
(Lời tựa tập thơ ĐÌU HIU)
  Nghệ thuật chỉ làm thơ, chính tâm hồn mới là thi sĩ. (L'art ne fait que des vers, le coeur seul est poéte). Lời nói của André Chénier, thi sĩ cổ điển Pháp cách đây hai trăm năm đã trình bày gọn gàng một sự phân định cần thiết giữa nghề thơ và hồn thơ.
   Quê hương tôi, nước non Bình Định có hùng khí Tây Sơn, là nơi xuất hiện những tâm hồn thơ nhiệt thành, coi thơ là lẽ sống.
   Thơ của đất Bình Định đủ các sắc thái, từ cảm hứng bắt nguồn ở Cách mạng Dân tộc, triết lý nhân sinh, đến những tâm thanh di hưởng của một ân tình không thỏa nguyện.
   Tập thơ "Đìu hiu" của gã thanh niên thi sỹ Vũ Phan Long là hưởng điệp của những thi tứ đất Thần Châu Vijaya. Tôi bồi hồi trước những vần thơ hoài cổ:
               Lê thê lá rụng buồn cô lũy
               Lác đác hoa rơi lạnh miếu đường
               Dư ảnh phồn hoa mây tản mác
               Tháp Tiên dầu dãi áy tà dương...!
   Thành Đồ Bàn, gò Vân Sơn, biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt của Bình Định, đã gào mây thét gió, khóc cười thời thế, xông pha gió bụi điên bái mà tâm chí vẫn bất khuất ngang tàng:
               Sự nghiệp gì đây dòng nước lũ
               Đan tư nào đó đám mây nguồn
               Bờ mê tang hải mòn thân nộm
               Rạp mộng phong ba lỡ lớp tuồng.
   Người đời nay bắt gặp cái hào khí của người xưa, hào khí trong nghịch cảnh. Danh sĩ Nguyễn Trọng Trí há chẳng từng ngâm những câu phơi gan xé ruột đủ làm rơi lệ người ngàn năm sau:
   Mạt lộ cánh hà ngôn, Vân Sơn kỳ thọ cựu du, lãng tụng ngư tiều ngô dữ tử...
   Trần duyên an túc vấn, Yên Triệu bi ca bản sắc, trầm mai hào kiệt cổ nhi kim!
   Có người dịch rằng:
   Đường cuối cùng thôi biết nói sao, thú nhởn nhơ cây mát gò cao, Vân Sơn mấy vận ngư tiều, đây đó ngâm nga đà lắm lúc...
   Việc trần thế ra gì hỏi nữa, mặt ngơ ngác than dài thở vắn, Yên Triệu mấy chàng hào kiệt, xưa nay chôn lấp biết là bao!
   Những con người theo đuổi mộng lớn, bao nhiêu năm mộng vẫn còn là mộng, có thể ngâm chơi mấy câu trên của người xưa, hay trầm ngâm trước những vần đầm đìa xót thương của người đời nay:
               Hoài công tháng đợi năm chờ
               Rồi ra cũng chỉ giấc mơ võ vàng
               Tình thương thoắt đã quan san
               Cố viên nức nở thu tàn gió khuya.
   Tôi, người xa cố hương, đọc những vần trên đây của Vũ Phan Long, bỗng nhiên nghẹn ngào, trông vời mây trắng... Có những chiều xuân. Có những chiều thu. Nỗi buồn "Chiều" dưới đây phải chăng là chiều của núi Mạng Lăng, của rừng An Túc?
                   Rồi ra rừng trở cô đơn
               Tóc sương đời núi hao mòn tuổi thơ
                   Nhà ai bản nhỏ bơ thờ
               Đèn hôm mắt đỏ gầy trơ, nỗi chiều!
   Ở Vũ Phan Long, tôi còn nhận thấy khuynh hướng trữ tình sâu sắc, đi tìm triết lý cuộc đời và tình yêu.
   Tình yêu, đề tài bất diệt của lớp thi sĩ thanh niên. Ngàn xưa và ngàn sau. Kết cuộc của tình yêu phải chăng là:
               Còn gì cho nhau!
               Lửa tắt mộng đầu
               Thời gian chậm rãi
               Ghi niềm tê tái
               Từng hạt minh châu.
   Từ sắc thái xinh đẹp của đóa mộng đầu đến hồi tàn cuộc là giọt minh châu lấp lánh dưới trăng đêm, chúng ta đừng vội tưởng là tình yêu đã dứt. Bánh xe luân hồi vẫn chuyển biến, cho nên một hội hoa đăng khác lại bắt đầu:
               Quan san cách trở lối đăng trình
               Duyên kiếp tiền thân đã mối manh
               Đã hẹn ba sinh giờ ước nguyện
               Đuốc hoa bừng nối mộng tròn xinh.
   Nguồn thơ của Vũ Phan Long như một dòng sông vừa mới khởi hành ở đoạn thượng lưu.Từ đó, băng qua nhiều núi non, cao nguyên để xuống trung châu, tiến về trùng dương, con đường còn xa vời, hướng tiến còn bâng khuâng, phụ lưu còn đợi chờ nhiều thủy thế hợp lưu, nhưng chúng đứng ở thảo nguyên xinh đẹp thượng lưu, chúng ta có quyền hy vọng thấy một sông dài, đêm trăng vang lên nhạc điệu lưu thủy viễn khứ...
   Chắc tôi còn có cơ hội gặp lại các bạn yêu thơ.
                                                                                            Mùa mưa tha hương                                                           1968                                                                            LAM GIANG


No comments:

Post a Comment

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...