Thursday, January 28, 2021

Lê Vĩnh Thái

 Khi hoa vàng nở rực triền đồi

em hứa đưa tôi lên ngọn đồi
nơi có căn nhà gỗ và đàn chim từng chiều bay nhảy
có gã di gan bóc từng viên sỏi thả vào ngày

em nói
con sói đã rời bầy đi khỏi ngọn đồi
chiều tiếng hú dội lên vách núi
nó sẽ cô độc
tiếng dội chẳng bao giờ cầm được

khi tôi hỏi em con đường thông còn cây nào rì rào câu chuyện
về khúc cua ngoặt triền dốc chao chát nụ môi hôn gió qua đồi
vi vút
thời của đôi dép làm bằng chứng
đôi dép đã mục nát triền đồi

có con đường nào băng qua ký ức tôi về lại
lối nhỏ nào lắm người đi tôi ngăn lối
buộc lại hơi thở ngày tháng cũ mèm còn đọng đầy trên lá

em vẽ tôi bằng ngọn cỏ lau màu đông trắng lạnh
và nặn khuôn mặt đất
vì như thế tôi sẽ ở đó chẳng như gã cao bồi, đi săn
em nhìn đến khi chán mặt
em hứa sẽ tặng tôi mũi tên vào lồng ngực
khi hoa vàng nở rực triền đồi

và em đã thả tôi
buổi chiều trên cánh đồng tím đầy hoa dại

em chỉ con đường
và đi bằng bước chân chậm chạp
cười theo tiếng lục lạc xe ngựa
thong dong qua dốc
giờ em đã ra khỏi đường đầy xác thông
tôi đứng trên thân cây gãy mục
nghêu ngao

nhà thờ điểm chuông
tôi
vẫn đứng bằng hình hài tượng
mùa hoa vàng vẫn chưa về
thoi thỏi dốc
gió
bầy sói và gã di gan đã đi xa hơn bên kia núi
mùa hoa vàng...



Người đàn bà đốt lửa qua đêm

người đàn bà đốt lửa, đêm nối dài sợi chỉ xoắn nâu màu mắt, loang lỗ tay hoang vừa dừng điểm gắp ố vàng chân dung người, phố ngã ba đường cuối ngày mưa lạnh. Người đàn bà đốt lửa đêm qua, ngựa cuồng chân, điên. Cừu nuôi giấc thảo nguyên mưa sâu rừng ướt, lũ cò sục mảnh dưới cội sen tàn vừa rơi khỏi chiếc bình sứ đỏ, người đàn bà nhúm lửa tím lên dòng sông ngậm thạch xương bồ chiều phủ đệ hoang lạnh lãnh cung, bầy tâm thần nghĩ về kiếp trước vàng son và đêm tối, người đời màng chi cung nữ, lửa luênh loang thếp son vào bóng người đàn bà trở về đốt lửa ngâm ánh mắt trong chiếc bình màu, những dấu hỏi nhảy vọt khỏi bức tường trống trải. Nhiều khi muốn tự thú với con sông từ ngày chưa cạn trăng đêm hạ huyền giấc mơ sớm mai vỡ đầy mưa. Người đàn bà ủ than mắt lửa, giấy trần truồng trong chiếc khung vờn những đường gân úa nhựa trên con mắt gỗ xoáy tròn mấy mươi vòng quay thân phận
người đàn bà sờ những vì sao lạc trên chiếc lưng trần, cành sen vừa qua mùa hạ, ngày đi như gió, đêm khắc khoải dài.


Nguyễn Trần Khải Duy

 
chùm thơ đoạt giải “Lục bát Tết” của Nguyễn Trần Khải Duy:
 
Tiềm thức Quy Nhơn
 
Chuyến tàu đáp xuống sân ga
Quy Nhơn vương víu vài ba phần hồn
Ngỡ ngàng chớp mắt hoàng hôn
Cô em gió nội hương thôn bất cần
 
Núi thì chân đất đầu trần
Chút thơm thảo của nghìn lần thảo thơm
Con và vào miệng vực cơm
Chợt nghèn nghẹn những rạ rơm thị thành
 
Đêm nay đèn điện tím xanh
Bỗng dưng thèm một trong lành nắng xuân
Ngô nghê lạc lõng bước chân
Cành mai phố biển lần khân nhớ rừng…
 
Tết ghé sân thiền
 
Bút ngoan cùng với sách hiền
Ngủ quên trước cổng sân thiền đêm qua
Chỉ còn bảng lảng hương hoa
Câu kinh trên áo cà sa ngủ rồi
 
Đột nhiên mưa gió luân hồi
Mai đào bừng tỉnh nghe hơi Tết về
Ở thành thị nhớ nhà quê
Ở quê nhà nhớ cơn mê thị thành
 
Vừa câu chữ đủ gieo vần Chạp Giêng
 
Vừa đủ nhớ để yêu thương
Vừa đủ củi lửa nên hương bếp lò
Vừa xăng xái đủ âu lo
Vừa nông sâu đủ nhỏ to Tết về
 
Vừa thân thuộc đủ ngô nghê
Vừa mong ngóng đủ lòng quê thực thà
Nhụy sen vừa đủ búp trà
Lá trầu vừa đủ đậm đà bình vôi
 
Vừa chồi lộc đủ rạng ngời
Vừa chao cánh én đủ lời ca xuân
Vừa mây gió đủ bâng khuâng
Vừa câu chữ đủ gieo vần Chạp Giêng
 
Tổ chim gọi cánh chim chuyền
Đò lành vừa bến, tàu hiền đủ ga
Vừa thơm đủ để thành hoa
Vừa đủ nước mắt mẹ già mừng con

Tuesday, January 26, 2021

Bùi Diệp

 
BÈO VÀ THƠ
Trong sân vườn lặng lẽ
Bèo rất bèo từ xưa
Hiền lành và cặm cụi
Xanh lên đời nắng mưa
Bèo nói bằng hơi gió
Bèo hát bằng lời chim
Bèo già nua tuổi tác
Bèo hồn nhiên hoa niên
Thơ cao sang trí giả
Thánh ngã cùng hàn lâm
Đại ngôn treo sao sáng
Hạ mục ôi tiểu nhân*
Thơ lánh xa phàm tục
Bèo đâu dám trèo cao
Vườn nhỏ cũng nhiễu sự
Tôi lạc tôi phương nào
Cuối năm ngồi tính sổ
Thơ vỗ ngực thơm danh
Tôi trắng tay xấu hổ
Vay tạm bèo lòng xanh
 
ĐỪNG EM
Đừng mơ Nửa giấc của rừng
Hồn xanh Về mọc ngập ngừng Trên tay
Em về đâu đó Cội mây
Che mênh mông Cõi lưu đày Từ bi
Nằm nghe mộ khúc Xuân thì
Nhớ ra chiều đã Ngãi nghì vô biên
Đừng em Xin khúc ưu phiền
Thương hồ tôi bẹo Triền miên Đò đầy
Em đừng khóc Dưới vòm cây
Để xin xuân Thắp Nụ Gầy Phố đông.
 
MÙA XUÂN LÊN ĐỒI
Tháng Chạp lên đồi sao chẳng thấy
Dòng sông bay mỏi cánh rong tàn
Em hái dùm ta câu thơ héo
Kịp về kẻo lỡ nắng đèo sang
Bóng xế trầm tư vai lau trắng
Chiều qua nẻo gió muộn màng chi
Dã hương người giấu sau tay áo
Đêm có vì nhau ủ xuân thì
Đêm nhớ sao trời phơi sương mỏng
Nhặt tiếng muôn trùng tạ lời kinh
Tôi nghe xuân cựa trong thai đá
Hoa lá chờ Nguyên Đán hạ sinh
Xuân sẽ vì em quên đòi đoạn
Xuân sẽ vì người thơm rạ rơm
Se sẻ đan vòm xanh mái phố
Hình như con chữ đã bồn chồn.
 
THÁNG CHẠP CÓ VỀ QUA NGÕ PHỐ
Tháng Chạp có về qua ngõ phố
Chim khách trên cành hót mấy câu
(Tưởng vậy chứ chim nào về nữa
Cây ngày xưa chết chỗ dãy lầu)
Còn lại con sông mùa dịch tả
Cá tôm bờ bãi rác và hoa
Mỗi chiều trên bến tương tư đó
Cafe giăng võng thắp đèn mờ
Hương rạ thơm thơm vai thôn nữ
Anh đem cổ tích kể cho người
Củ khoai mì luộc bùi nấc cụt
Lọn mía tím giòn ngọt lịm môi
Ngoại rim mứt tết toàn hoa trái
Hái được trong vườn nhỏ chứ đâu
Mứt khoai lang, bí đao, đu đủ
Ngào đường me, chuối với mãng cầu
Mẹ nâng niu luống bông huệ trắng
Để hoa kịp Tết cúng Phật Trời
Đem đong lại nếp nồi bánh tét
Ba dành củi gộc thắp đêm vui
Mấy con chim én chiều xưa đó
Bay lạc trong hồn bữa chiều nay
Xập xình phố xá chim bay mất
Chỉ còn tôi với buổi chiều gầy.
 
THÁNG GIÊNG EM CÒN HỒNG
gieo vào sông lận đận
mấy lời tình ba hoa
dại khờ chi ơi tím
tin chiều hoa mong chờ
ai còn trông cánh gió
mây bay ngoài bể dâu
bốn phương trời viễn xứ
kiếp giang hồ xưa sau
nửa đời chân phiêu lãng
bỗng lạc ngõ đường về
mùa xuân này em có
hong tóc thề vườn xưa
biệt khúc nào lâm ly
xót lòng trai mười sáu
ngoảnh lại bỗng thương mình
thuở trượng phu cao ngạo
tôi hát bài sến sẫm
đừng cười chi tóc râu
em giờ xài máy lạnh
trả lại tôi mo cau
trả lại tôi áo mỏng
xênh xang chiều ba mươi
khói trầm nương mái lá
vạn thọ thơm hiên ngoài
trả lại tôi guốc mộc
tà áo dài nâu quê
nguyên đán quỳ lễ phật
chim bay về chân đê
dấu thiên di em có
trả chim trời mênh mông
ngày mai ngày mai nữa
tháng giêng em còn hồng
 
VỚI PHỐ
Anh qua một buổi chiều vàng
Như chưa một lần gặp gỡ
Nói gì hồn sương đầu ngõ
Chạm khẽ đáy trời mắt yêu.
Mái ơi đừng chết đời rêu
Xanh xưa còn in chiều khói
Chùm lựu trước thềm chín bói
Hư hao trái ngộ đỉnh cười.
Biết em bốn mùa xuân thôi
Vẫn thương lá bàng ngày đỏ
Con phố lang thang chân gió
Có nhớ một thời mẹ xưa.
Phố tảo tần qua nắng mưa
Đâu hay chúng mình khôn lớn
Có mùa tóc bay trong lá
Gọi chim về đậu vai người.
Em về cho phố tinh khôi
Mẹ gặp lại thời con gái
Anh thêm một lần vụng dại
Cột chân với góc phố rồi.

Monday, January 25, 2021

Học Văn Chị Hiên 3

 

VIẾT CHO NHỮNG NĂM THÁNG ĐÃ ĐI QUA

 

Vội vàng kéo nắng về sau cơn mưa dông bão bùng ngoài kia, chợt thấy lòng mình bình yên đến lạ. Đó là cảm giác thêm một lần nữa được tìm về với những thổn thức của quá khứ, một lần trong những lần hiếm hoi nhìn lại mà không thấy mình đau đớn. Thời gian đúng là thứ thuốc thần dược diệu kỳ , hô biến mọi cảm xúc bất phân trên đời trở về với lặng yên. Sau cùng, năm tháng cứ đi qua, ta lại tự thấy bản thân mạnh mẽ với chính mình. Có những thứ rớt rơi, không muốn lượm nhặt lại, có những thứ bước ngang qua đời, nhất định hoài với không cho đi. Tự thấy bản thân mình thật nực cười...

Có những năm tháng đã đi qua...

Đó là những tháng năm thời gian vút bay nhanh như cơn gió qua khung cửa sổ trước nhà. Có chút bối rối, chút vương vấn, chút ngỡ ngàng đáng yêu, là khi ánh mắt ai kia vô tình chạm ánh mắt của người còn lại. Là những ngày đạp xe tới trường trên con đường quen thuộc, chỉ mong gặp nhau, được nhìn thấy nhau, nói với nhau vài 3 câu thật buồn cười, để bắt đầu một ngày mới với tâm trạng hào hứng và vui vẻ nhất.

Đó là những ngày trên lớp, chiếc điện thoại di động đời cũ nằm gọn gàng trong ngăn bàn nhỏ. Mắt vẫn ngước nhìn. tay vẫn lách tách những tin nhắn gửi tới cho ai kia. Rồi đến khi bắt gặp ánh mắt không mấy thân thiện của thầy cô. Lại nhẹ nhàng, tỉ mỉ bỏ tay ra khỏi chiếc điện thoại. Chăm chú lắng nghe bài... có một tiếng thở phào nho nhỏ. Khẽ khàng tới nỗi, ít ai có thể nhìn ra.

Đó là những ngày, cũng tập tành vài buổi hẹn hò vui chơi. Chọn cho nhau vài địa điểm trên phố nhỏ, không ồn ào, chọn một góc bình yên để kể cho nhau nghe những câu chuyện trên trường, trên lớp, những câu chuyện bạn bè đã trôi qua lâu mà chưa bao giờ cũ. Thủ thỉ vào tai nhau những nụ cười nho nhỏ, ấy vậy, mà tuyệt nhiên không có bất kỳ một cái nắm tay nào được trao đi. Thủa ấy hồn nhiên và trong sáng diệu kỳ, rồi để đến mai sau này, dẫu có đi đâu, làm gì, cũng không thể quên đi.

Đó là những ngày, ta có những nỗi buồn thật đẹp. Nỗi buồn từ sự chia xa, nỗi buồn đẩy ta vào những khoảng trống vụn vỡ mà níu mãi, níu mãi cũng không thể bứt mình ra khỏi. Ta đã có những đêm buồn không ngủ. những đêm sống trong sợ hãi, bế tắc, tuyệt vọng. Chỉ mong muốn có một dòng tin nhắn thân quen quay trở về... mà tất cả những hy vọng ta gửi gắm chỉ nhận lại là sự thất vọng muôn phần.

Đó là những ngày, ta mỉm cười khi ngước nhìn trời xanh. Sau bão giông cuộc đời ta chợt nhận ra mình hoàn toàn có thể mạnh mẽ để bước qua mọi trở ngại cuộc đời. Và tình yêu, đến một ngày sẽ quay trở lại, sưởi ấm tâm hồn và trái tim ta như cách mà ta đang yêu cuộc sống của mình bây giờ. Cứ mãi hoài niệm, ấp ôm những niềm thương. Ta thấy tâm hồn mình bây giờ bình yên đến lạ. Chẳng phải là cảm giác có những ngày đến cô đơn cũng bỏ ta đi, mà đó là cảm giác của hạnh phúc, của hy vọng, của niềm tin, của thời thanh xuân ta đang sống và yêu hết lòng mình.

Và... có những tháng ngày hiện tại...

Mỗi sáng thức giấc, lại mỉm cười, thấy cuộc đời này sao đáng yêu đến vậy. Ta còn nợ thanh xuân của ta những chuyến đi dài vô tận, nợ những cung đường ta chưa tới một lần sẽ đi qua. Nợ khoảng trời xanh những ánh nhìn trìu mến yêu thương và... ta nợ người... món nợ ta xin nguyện dùng cuộc đời này để trả.

Mỗi buổi tối cuối tuần, ta chọn cho mình những góc riêng tư. Lạch cạch gõ vài dòng không điều gì ra điều gì cả, rồi tự thưởng cho mình món đồ uống ưa thích, góc nhìn thành phố ưa thích. Tất cả đều rất đỗi quen thuộc, nhưng mỗi lần ghé lại lại là những cảm xúc rất khác. Vậy mới nói, thanh xuân này, sẽ có những con đường ta đi qua bao lần, nhưng mỗi lần con đường ấy lại đưa ta đến những khoảng trời khác nhau.

Thanh xuân của chúng ta là những ngày đang bước qua vội vã. Ta cũng đang gồng mình để chạy theo kịp, gồng mình để bứt phá xa hơn. Mỗi người trong cuộc đời này, đều tự nhiên mà ấp ôm cho bản thân những ước mơ nhỏ bé. Sẽ có nhiều lúc, thời gian xô ta ngã một cách thản nhiên và tàn nhẫn vô cùng. Những lúc như thế, chớ để nước mắt yếu mềm cứ thế tuôn rơi, hãy dằn lòng mình, níu lấy một bàn tay tin tưởng, để trải lòng, để mạnh mẽ đi qua cơn giông tố cuộc đời.

Và ngày hôm nay đây, chớ nên tiếc nuối vì những điều còn dang dở. Bởi cuộc đời này đâu có mấy ai cảm thấy mình vẹn toàn. Cho những điều qua, hãy nhìn bằng ánh mắt yêu thương và trìu mến, để thanh xuân này, ta thấy đó và sống trọn vẹn hơn. Sẽ có những đổi thay, sẽ có những muộn phiền vương vấn, có những tâm hồn hoang hoải đi lạc về miền trời xa xôi. Chỉ xin nhớ một điều, hãy sống thật vẹn tròn với nơi ta thuộc về.

Những năm tháng đi qua

Là khoảng thời gian ta nhìn về vô tận

Khoảng thời gian đôi mắt nhìn chân thật

Thấy nụ cười chỉ khe khẽ quay đi

 

Những năm tháng đi qua

Ta chìm đắm trong bao khúc tình si

Ghi lại bao điều cảm xúc ta tỉ mỉ

Nhiều người nói sao cứ hoài ấu trĩ

Đã qua rồi, đôi tay nên buông thôi

 

Những năm tháng đi qua

Ta ngập ngừng nhìn thời gian trôi

Có ánh mắt kia vẫn hướng về rất khẽ

Trái tim bỗng rung lên nhè nhẹ

Cám ơn người những giây phút chở che

 

Những năm tháng đi qua

Ta tự lòng mình học cách lắng nghe

Ngắm trời xanh và mỉm cười thật nhẹ

Cám ơn người đã đến bên tôi nhé

Cho thanh xuân này những giây phút yên vui

Tôi còn nợ người - bao cảm xúc đây thôi...

Hà Nội 7/10/2016

Học Văn Chị Hiên 2

 

Một nhận thức rất quan trọng, nhất là đối với loại hình nghệ thuật ngôn từ (văn học), đó là không có gì nằm ngoài ngôn ngữ. Cụ thể hơn, ngôn ngữ tạo ra hiện thực, tạo ra thế giới, tạo ra nhà văn. Bởi thế, đặt vấn đề hiện thực trong văn chương là một cách để hình dung về sự vận hành và biểu đạt của ngôn ngữ. Nghĩa là, ngôn ngữ hiện thực hóa kinh nghiệm, trí tưởng, hiểu biết, suy tư, cảm xúc của con người. Tuy nhiên, mỗi người, mỗi nhà văn có một cách biểu đạt riêng, vì thế, cái cách thế giới hiện ra không hoàn toàn giống nhau qua các ngôn ngữ.

NHẬN ĐỊNH VỀ THƠ 


Có thể, không bao giờ chúng ta nhìn thấy những thực tại ấy, nhưng ngôn ngữ thi ca đem đến cho chúng ta “cảm niệm triết học về thực tại” (Chu Văn Sơn) để có cái nhìn linh hoạt hơn, tiệm cận với những gì không thể giải thích, không thể định hình trong thực tại. Một thi sĩ đương đại khác của Việt Nam là Mai Văn Phấn cũng có cách kiến tạo hiện thực đầy giá trị biểu tượng trong bài Hoang tưởng năm 2000, ông viết:

 

“Thế rồi xe tới Hoàn Nguyên

Họ vụt òa lên nức nở

Nước mắt thành đầu còn cỗ xe thành chân trẻ nhỏ

Khi gửi xiêm y vào gió

Họ ôm chầm lấy nhau”.

 

Đó có phải là hiện thực? Dĩ nhiên, đó là một hiện thực tinh thần với niềm hòa ái và bao dung.

Tất cả rồi sẽ đến “Hoàn Nguyên”, rồi sẽ trở về cái điểm khởi đầu. Nước mắt là biểu tượng của cảm xúc đã thay cho cái đầu - biểu tượng của lý trí; cỗ xe - biểu tượng của văn minh đã thay bằng bàn chân trẻ nhỏ - biểu tượng của nguyên sơ; gửi xiêm y vào gió là hình ảnh tượng trưng của việc rũ bỏ các kiến tạo bên ngoài, trở về với hình hài nguyên thủy. Họ - con người, ôm chầm lấy nhau, khi nhận ra mọi thứ mà con người tạo ra ngày càng làm con người xa nhau. Bài thơ của Mai Văn Phấn quả thực đã đem lại cho chúng ta cái nhìn nhân văn hơn về đời sống, cũng như những khát vọng đưa con người đến gần nhau hơn.

 

NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

Hiện thực trong văn chương chấp nhận mọi khả năng mà con người - chủ thể sáng tạo, có thể liên tưởng, suy tưởng, tưởng tượng nên. Trong những sáng tác của Nguyễn Đình Tú (Bãi săn I - Giếng cổ; Bãi săn II - Phản đồ), Uông Triều (Tưởng tượng và dấu vết), Đinh Phương (Nhụy khúc, Mơ Lam Kinh), Nhật Phi (Người ngủ thuê)..., chúng ta có thể nhận ra những diễn biến tinh vi, xa lạ với kinh nghiệm, tri thức của bản thân cũng như những thực tại biểu kiến. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thế giới được kiến tạo trong văn chương không thực, phi thực. Đó là kinh nghiệm của chủ thể sáng tạo, là thực tại mà chủ thể sống, lâm vào, trải qua.

Thực tại đó có thể còn thực hơn những gì chúng ta biết qua các giác quan. Không có sự tưởng tượng nào bắt nguồn từ hư vô, cũng như, mọi hư cấu đều xuất phát từ một nền tảng thực tại nhất định. Bởi vậy, tựa như chiếc kính lúp, kính hiển vi, văn chương mang đến cho con người một góc nhìn có tính phân tích, giải phẫu, phóng đại, nhận thức lại hay dự đoán về thực tại. Hiện thực của văn chương, dù hoang đường đến bao nhiêu, vẫn gắn chặt với thực tại qua kinh nghiệm, tri kiến của nhà văn. Ai có thể hình dung được, trong thực tại khách quan tồn tại chiếc cầu dải yếm: “Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi” (Ca dao). Nhưng đó là hiện thực của tâm hồn những chàng trai, cô gái đang tuổi yêu đương. Chiếc cầu dải yếm kia là tất cả nỗi hoài mong, trông đợi, ân cần, đắm đuối mà người con gái dành cho người mình yêu. Nỗi niềm ấy, thực hóa mọi ước ao, dù là hoang đường, phi lý nhất. Ai bảo dải yếm kia chẳng thể là chiếc cầu?

Ngôn ngữ tạo nên tất cả đó là một thực tại. Khi nào, ngôn ngữ còn có thể biểu đạt, khi đó chúng ta vẫn phải nhìn nhận rằng, từ ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ nghệ thuật (văn học) nói riêng, hiện thực được kiến tạo. Hiện thực trong văn chương, trên những khả năng kỳ diệu của ngôn ngữ nghệ thuật, đem đến cho chúng ta cái nhìn sinh động hơn, đa dạng, phong phú hơn về thực tại, làm đầy đủ hơn những chiều kích của thực tại.

Đến bây giờ, có lẽ ít ai đòi hỏi một cách ngây thơ rằng, hiện thực trong văn chương phải giống đúc, vừa khít với thực tại khách quan. Lý luận văn học, mỹ học và nhận thức chung về nghệ thuật đã giúp con người đương đại nhận ra tính chất “đặc thù” của văn học nghệ thuật trong việc tiếp cận, chiếm lĩnh, biểu đạt về thực tại. Sẽ đến lúc nào đó, chúng ta nhận thức thêm rằng, văn học chính là một biến dạng đầy sinh động của triết học. Khi ấy, câu chuyện hiện thực đời sống, hiện thực văn chương sẽ có cơ hội được xem xét một cách kỹ lưỡng hơn nữa.


                    NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ


1. Dạng đề so sánh liên hệ

Đề 1: 

MB: dẫn dắt + nêu vấn đề

TB: 

LĐ 1: Khái quát về Nguyễn Tuân và “NLĐSĐ”; HPNT và “AĐĐTCDS”

LĐ 2: Cảm nhận vẻ đẹp của 2 dòng sông

  • Sông Đà: hung bạo và trữ tình
  • Sông Hương: vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa, lịch sử, thi ca, âm nhạc...

LĐ 3: So sánh

  • Tương đồng: 
  • vẻ đẹp trữ tình, nên thơ, thơ mộng
  • Tình yêu thiên nhiên đất nước của 2 nhà văn
  • Khác biệt:
  • Vẻ đẹp hung bạo của SĐ khác với vẻ đẹp trầm mặc của SH

LĐ 4: Lí giải và làm nổi bật phong cách sáng tác của 2 tg

  • Do vị trí địa lí của 2 con sông: SĐ ở Tây Bắc, SH ở Huế
  • Phong cách 2 nhà văn: Nguyễn Tuân tài hoa, uyên bác, người thợ kim hoàn của chữ, HPNT là nhà Huế học với giọng văn nhẹ nhàng, kết hợp chất trí tuệ và chất trữ tình.

LĐ 5: Đánh giá

KB: Khẳng định lại vấn đề + liên hệ mở rộng 

Đề 2: Tương tự đề 1. Khác ở LĐ 4: Lí giải và nhận xét: cần khẳng định rõ tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước của 2 nhà văn này.

Đề 3: 

MB: Dẫn dắt + Nêu vấn đề

TB:

LĐ 1: Khái quát về Nguyễn Tuân và 2 tác phẩm

LĐ 2: Phân tích hình tượng nhân vật:

  • Nhân vật Huấn Cao trong “CNTT”
  • Nhân vật người lái đò SĐ

LĐ 3: Nhận xét sự thay đổi về hình tượng nhân vật trước và sau CM

a. Nét chung (tính thống nhất):

- Nguyễn Tuân vẫn tiếp cận con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ.

- Vẫn là ngòi bút tài hoa, uyên bác, lịch lãm, vận dụng tri thức tổng hợp của nhiều ngành văn hóa nghệ thuật khác nhau trong miêu tả và biểu hiện.

- Vẫn sử dụng vốn ngôn từ hết sức tinh lọc, phong phú, độc đáo. Khả năng tổ chức câu văn xuôi đầy giá trị tạo hình, có nhạc điệu trầm bổng, biết co duỗi nhịp nhàng. Các phép tu từ được nhà văn phối hợp vô cùng điêu luyện.

b. Nét riêng (tính khác biệt):

- Trước Cách mạng tháng Tám, con người Nguyễn Tuân hướng tới và ca ngợi là những “con người đặc tuyển, những tính cách phi thường”. Sau Cách mạng tháng Tám, nhân vật tài hoa nghệ sĩ của Nguyễn Tuân có thể tìm thấy ngay trong cuộc chiến đấu, lao động hàng ngày của nhân dân.

- Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân là một người tài tử, thích chơi “ngông”, mắc cái bệnh ham mê thanh sắc, thích chiêm ngưỡng, chắt chiu cái Đẹp và nhấm nháp những cảm giác mới lạ. Sau Cách mạng tháng Tám, nhà văn nhạy cảm với con người mới, cuộc sống mới từ góc độ thẩm mĩ của nó. Nhưng không còn là một Nguyễn Tuân “nghệ thuật vị nghệ thuật” nữa. Ông đã nhìn cái đẹp của con người là cái đẹp gắn với nhân dân lao động, với cuộc sống đang nẩy nở sinh sôi, đồng thời lên án, tố cáo chế độ cũ, khẳng định bản chất nhân văn của chế độ mới.

LĐ 4: Đánh giá

KB: Khẳng định lại vấn đề + liên hệ mở rộng

Đề 4: Tương tự đề 1. Khác ở chỗ không cần phân tích vẻ đẹp hung bạo của SĐ

 

2. Dạng chứng minh nhận định

Đề 1: 

MB: Dẫn dắt + nêu vấn đề

TB: 

LĐ 1: Khái quát về NT và NLĐSĐ

LĐ 2: Giải thích nhận định:

  • Chất vàng của thiên nhiên: vẻ đẹp, giá trị của thiên nhiên hoang sơ và giàu tiềm năng của TB
  • Chất vàng mười đã qua thử lửa: vẻ đẹp tài năng và tâm hồn của con người TB

=> Qua việc nhìn nhận, khai thác, khẳng định sức mạnh và tiềm năng của thiên nhiên, NT đã cho thấy được tài năng, vẻ đẹp tâm hồn của người lao động bình thường, họ mang trong mình nét tài hoa nghệ sĩ và khả năng chinh phục thiên nhiên.

LĐ 3: Phân tích chất vàng mười đã qua thử lửa ở nhân vật người lái đò

  • Lai lịch, ngoại hình
  • Tài hoa, trí dũng vô song
  • Người nghệ sĩ trên sông nước

=> Người lao động bình thường mang tầm vóc phi thường

LĐ 4: Đánh giá:

  • Khẳng định tính đúng đắn của nhận định
  • Khẳng định vẻ đẹp của người lao động TB và tài năng cũng như tấm lòng của NT

KB: Khẳng định lại vấn đề + liên hệ mở rộng


Đề 2: 

MB: Dẫn dắt + nêu vấn đề

TB: 

LĐ 1: Khái quát về NT và NLĐSĐ

LĐ 2: Giải thích nhận định:

  • Công trình khảo cứu công phu: là một tác phẩm được tạo nên từ công sức tìm tòi, nghiên cứu dựa trên các tài liệu phong phú. Nó thể hiện vốn và tầm hiểu biết của nhà văn, đồng thời cũng đem đến cho người đọc những hiểu biết phong phú về các đặc điểm, tính chất của đối tượng được đề cập.
  • Áng văn giàu tính thẩm mĩ: là tác phẩm nghệ thuật đạt đến độ hoàn hảo trong việc tái hiện cái đẹp, khơi gợi những hứng thú và khả năng cảm nhận cái đẹp ở người đọc.

LĐ 3: Chứng minh 2 ý kiến

a) Công trình khảo cứu công phu 

  • Tác giả huy động một vốn kiến thức tổng hợp khá đồ sộ về rất nhiều ngành nghề khoa học và nghệ thuật.
  • Địa lí: Sắc nước mỗi mùa, tên của các con thác dọc sông Đà, đặc điểm địa hình, địa thế của sông…
  • Lịch sử: Các thời kì lịch sử khác nhau gắn với Sông Đà: thời tiền sử, thời Hùng Vương, Thời vua chúa phong kiến, thời kháng chiến, thời xây dựng chủ nghĩa xã hội…
  • Văn hoá: Những sinh hoạt vật chất ( đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam) và tinh thần ( bàn cá anh vũ, cá dầm xanh…)
  • Văn học: Hình ảnh con sông Đà trong thơ văn ( Đà giang độc bắc lưu), gợi nhớ thơ Lí Bạch, thơ Ba Lan…
  • Các kiến thức khác: quân sự, thể thao, âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh, sân khấu…
  • Cung cấp cho người đọc những hiểu biết về con sông Đà và về cuộc sống người lao động trên sông:
  • Về con sông Đà: từ chiều dài sông, đầu nguồn, lưu vực, tên sông qua các thời kì lịch sử ( Linh Giang)…
  • Về ông đò: Công việc lái đò rất vất vả, khi phải chống chọi lại với ghềnh thác và những hiểm hoạ bất ngờ của thiên nhiên nên đã làm bộc lộ ở người lái đò khả năng chinh phục thiên nhiên.

b) Áng văn giàu tính thẩm mĩ 

  • Người đọc có được khoái cảm thẩm mĩ thực sự trước vẻ đẹp tuyệt vời của con sông Đà hung bạo và trữ tình; vẻ đẹp của ông đò anh hùng và nghệ sĩ. Bên cạnh đó, người đọc còn được thưởng thức vẻ đẹp của một thiên anh hùng ca và một bản tình ca say đắm về thiên nhiên và cuộc sống.
  • Nhà văn đã biến những thông tin khô khan, tư liệu lạnh lùng thành hình tượng sống động, có đời sống, có tâm lí, tính cách, khả năng, số phận…cụ thể
  • Giá trị thẩm mĩ còn thể hiện ở thể văn Tuỳ bút vừa thực tế vừa tự do phóng túng, ở tài năng lựa chọn ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân.

LĐ 4: Bình luận hai ý kiến 

  • Hai ý kiến đề cập đến những phương diện khác nhau về vẻ đẹp của đoạn trích tuỳ bút. Ý kiến thứ nhất nhấn mạnh đến chất trí tuệ, ở lao động nghệ thuật rất công phu của một con người thiết tha yêu những giá trị vật chất và tinh thần của đất nước, của dân tộc và tình yêu, sự gần gũi đối với những người lao động bình thường. Ý kiến thứ hai thể hiện chất tài hoa, tài tử và phong cách độc đáo vừa thống nhất vừa cách tân sáng tạo trong nghệ thuật của Nguyễn Tuân .
  • Hai ý kiến tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, hợp thành sự nhìn nhận toàn diện và thống nhất; giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn về vẻ đẹp của Tuỳ bút Sông Đà và tư tưởng của nhà văn.

KB: Khẳng định lại vấn đề + Liên hệ mở rộng


Đề 3: 

MB: Dẫn dắt + nêu vấn đề

TB:

LĐ 1: Giải thích nhận định

  • Cảm giác, cảm xúc mới lạ, nồng nàn, say đắm: NT luôn săn tìm cái đẹp, đối tượng mà ông tìm đến phải mang vẻ đẹp tuyệt mĩ, gây ấn tượng mạnh mẽ. Bên cạnh đó NT cũng đem cảm quan nghệ sĩ đầy độc đáo của mình để soi tìm, nhìn nhận và đánh giá sự vật, con người.
  • Cách thể hiện truyền tới người đọc những cảm xúc mới lạ, nồng nàn, say đắm

=> Khẳng định phong cách nghệ thuật của NT

LĐ 2: Khái quát về tác phẩm NLĐSĐ

LĐ 3: Chứng minh nhận định qua tác phẩm NLĐSĐ

  • Cảm giác, cảm xúc mới lạ khi khai thác và khắc họa vẻ đẹp của SĐ và người lái đò
  • Cách thể hiện độc đáo, truyền cảm tới bạn đọc: Nghệ thuật sử dụng từ ngữ...

LĐ 4: Đánh giá

  • Khẳng định tính đúng đắn của nhận định và tài năng của NT

KB: Khẳng định lại vấn đề + liên hệ mở rộng


Đề 4:

MB: Dẫn dắt + nêu vấn đề

TB:

LĐ 1: Khái quát về tác giả tác phẩm

LĐ 2: Giải thích ý kiến

  • “Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa”: Người nghệ sĩ tài hoa là những người có rung động tâm hồn mãnh liệt trước mọi vui buồn của đời sống và có khả năng thể hiện những rung động ấy bằng những phương tiện nghệ thuật đặc thù. Ở ý kiến trên, người nghệ sĩ tài hoa được hiểu là người đạt tới trình độ điêu luyện trong nghề nghiệp và có đời sống tâm hồn đậm chất nghệ sĩ.
  • “Ông lái đò là một người lao động bình thường”: Người lao động bình thường là người lao động thầm lặng, vô danh, không tên tuổi giống như bao người lao động khác trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

=> Khẳng định 2 ý kiến trên bổ sung cho nhau, làm hoàn thiện chân dung, tính cách người lái đò sông Đà. 

LĐ 3: Chứng minh nhận định

  • Ông lái đò - một nghệ sĩ tài hoa:
  • Ông lái đò có tính cách phóng khoáng, thích đối mặt với thử thách, mạo hiểm, gian nguy.
  • Ông nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá như một nghệ sĩ điêu luyện, cao cường.
  • Cuộc băng ghềnh vượt thác ngoạn mục đã khẳng định vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của một "tay lái ra hoa”:

Vòng vây thứ nhất

Vòng vây thứ hai

Vòng vây thứ ba

  • Ông cũng là một người lao động bình thường:
  • Ông lái đò sinh ra bên bờ sông Đà và gắn bó với nghề sông nước như bao người lái đò khác nơi thượng nguồn sông Đà khuất nẻo.
  • Đời sống tâm hồn giản dị: không nói nhiều về chiến công; dù đi đâu cũng luôn nhớ về nương ruộng, bản mường.
  • Nghệ thuật thể hiện:
  • Ngôn ngữ phong phú, sáng tạo, tài hoa; kết hợp kể với tả nhuần nhuyễn và đặc sắc, nghệ thuật khắc họa nhân vật độc đáo, sáng tạo
  • Bút pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, liên tưởng độc đáo, thú vị; vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật góp phần miêu tả cuộc chiến hào hùng và khẳng định vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.

LĐ 4: Đánh giá

KB: Khẳng định lại vấn đề + liên hệ mở rộng

3. Dạng đề phân tích, cảm nhận

Đề 1: 

MB: Dẫn dắt + nêu vấn đề

TB:

LĐ 1: Khái quát tác giả tác phẩm

LĐ 2: Phân tích:

  • SĐ hung bạo
  • SĐ trữ tình

LĐ 3: Đánh giá

KB: Khẳng định lại vấn đề + liên hệ mở rộng


Đề 2: Định hướng làm bài: Khái quát tác giả tác phẩm => Phân tích vẻ đẹp của người lái đò SĐ: lai lịch ngoại hình, tài hoa trí dũng vô song, người nghệ sĩ trên sông nước => Đánh giá


Đề 3: 

MB: Dẫn dắt + nêu vấn đề

TB: 

LĐ 1: Khái quát tác giả tác phẩm

LĐ 2: Phân tích đặc sắc ngôn ngữ trong đoạn miêu tả sông Đà

  • Từ ngữ được sử dụng sắc sảo in đậm dấu ấn riêng. Ngữ nghĩa, ngữ điệu biến đổi, chuyển hóa: sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ, nắng ròn tan, nỗi niềm cổ tích tuổi xưa, đề thơ vào sông nước… Tác giả còn sáng tạo những từ ngữ mới, cô đọng, giàu ý nghĩa: luôn gân, luôn tim, bờm sóng…
  • Tác giả đã diễn tả đa dạng, nhiều góc cạnh. Câu văn rất đỗi ngắn gọn phối hợp với câu thật dài: đoạn tả chặng cuối vượt vòng vây thứ ba, đang viết câu chất chồng ý (… Cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền… xuyên nhanh, vừa xuyên vừa…), đã kết lại bằng một câu rất gọn, biểu thị ý hoàn thành: Thế là hết thác.
  • Nét độc đáo trong việc miêu tả con sông Đà là vừa có khi vừa thể hiện mặt hung dữ, vừa gợi lên khía cạnh thơ mộng của đối tượng miêu tả, vừa lại như ném ra những chi tiết rất tự nhiên, không trau chuốt (con sông đánh đòn hiểm độc nhất với con đò) vừa chắt lọc những chi tiết, những hình ảnh rất trữ tình, rất thơ (ven Sông Đà lặng tờ).

LĐ 3: Đánh giá

KB: Khẳng định lại vấn đề + liên hệ mở rộng

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...