Thursday, April 1, 2021

Hoàng Chẩm 2

 

CẢM NHẬN THƠ: NHÀ THƠ: HOÀNG CHẨM.

Lê Yên

 

Có những lúc đầu óc trống rỗng. Con chữ chơi trò trốn tìm... Trống rỗng một khoảng mênh mông... Nó thử sức kiên nhẫn của con người. Nhắm mắt lại thì thầm "Ừ, ta nghỉ chơi đây." Lãng đãng như một dòng sông chia cắt đôi bờ thương nhớ, trong đầu tôi thấy nước! Là sông! Không phải sông nước ngọt ngào của miền Tây Nam bộ... Con nước đục ngầu, cuồn cuộn mùa bão lũ của miền Trung. Cơn gió Lào thổi thốc, hanh khô rám da người, cổ họng nóng ran cơn khát, chợt thèm một suối nước trong... Bẻ đôi cục đất nứt nẻ trưa hè, giữa ruộng lúa bao la... Có một người đã đem suối thơ của mình tưới lên những rát bỏng, khắc nghiệt làm mềm nắng cháy, thế giới thơ của ông có đủ yêu thương, có đủ Xuân, Hạ, Thu, Đông và chắc một điều không thiếu chiếc lá vàng và những giọt mưa... Đó là nhà thơ Hoàng Chẩm.

 

Ông được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nhiều dấu tích lịch sử. Quảng Trị! Cái eo miền Trung khắc nghiệt, như sự nén lại để đến thời điểm bung nở một đóa hoa tuyệt vời... Thơ với ông như hơi thở. Tôi chợt nhớ lời của một bài hát: " Quê hương anh là Quảng Trị/ Nhà của anh bên dòng sông Thạch Hãn/Thủa xưa đó anh học trường Nguyễn Hoàng/ Ngày hai buổi đi về đường Quang Trung..."

Chàng trai Hoàng Chẩm không ở bên dòng sông Thạch Hãn, con đường từ nhà anh đến trường Nguyễn Hoàng xa hơn đủ để cho những vần thơ vụng dại đầu đời ươm mầm dưới cơn mưa dầm the thắt vào tháng ngày Đông, hay những buổi tan trường nhạt nắng mà tưởng chừng Thu cũng hiu hắt lỡ làm rơi lá vàng vương trên tà áo trắng... Tất cả... Tất cả... Với thời gian đã chín mùi một Hoàng Chẩm hôm nay.


"Về thôi em nghe quê nhà rót mật
Một ngày yêu nghe hương lúa trải mùa
Tay nhặt nắng cho lòng em trẩy hội
Neo đậu lòng quê quên hết những thiệt hơn..."
(phóng tác bài: Về đi em.")


Gói ghém cho đủ yêu thương trên bước phong trần để rồi " Về thôi em nghe quê nhà rót mật..." Ông chợt nhận ra mùi mạ non giữa đồng bát ngát luôn níu bước chân. Chỉ có quê hương và người con gái với tình yêu chân chất đi cùng ông qua năm tháng mới nghe được hương lúa trải mùa để rồi " Tay nhặt nắng cho lòng em trẩy hội..." Sự xôn xao từ trong tâm, trống kèn từ bên trong và hạnh phúc hữu tại mỗi người... Với loại thơ tám chữ mượt mà không chỉ giàu cảm xúc mà còn thể hiện rõ bản ngã của mình giữa sân si cuộc đời, để rồi chọn lựa "Neo đậu lòng quê quen những thiệt hơn..." Và ông đã vỗ về người phụ nữ của mình như sau:

 
"Về thôi em đếm bao ngày viễn xứ
Tình chưa phai khi bước dạo trùng khơi
Dẫu lầm lỗi lòng bung lên niềm nhớ
Tóc có phai mắc cạn một đầy vơi..."
 

Phải chăng khi luôn tiến về phía trước với những bộn bề lo toan... Được, mất... Trong cuộc đời, tâm ta luôn bị giằng xé bởi lực ngược chiều khiến mất phương hướng, bị cô đơn chiếm hữu. Cô đơn và sự trống trải như những bước chân lạc trong đêm tối không tìm được lối ra... Hoàng Chẩm đã thốt lên:


"Tôi tìm tôi giữa phù vân
Chốn đời lạc bước xa gần chiêm bao
Kiếp nào tình đã hư hao
Tôi đi tìm lại thuở nào yêu em"
(Không đề)


Tôi chợt nhớ mấy câu thơ Hàn Mặc Tử thốt lên hỏi kiếp nhân sinh:

"Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?"
(Những giọt lệ)


Có phải các thi nhân với nỗi đau nhân đôi không? Sự tinh tế, nhạy cảm trong tâm khiến họ như sờ nắn được những cảm xúc vô hình có sức mạnh thần chết... Hoàng Chẩm của chúng ta cũng không ngoại lệ. Ông đã thốt lên "Tôi đi tìm tôi giữa phù vân..." Chỉ là một cõi phù vân/ Sao ta lạc mãi chốn mê này...

Thơ không ngừng chảy trong huyết quản của ông, trăn trở với tình yêu đôi lứa... Tình yêu là lửa, là ánh sáng con người không thể thiếu như vạn vật thiếu ánh mặt trời. Có tình yêu con người sẽ sống tốt, hoàn thiện hơn vì ai cũng muốn đem hạnh phúc cho những yêu thương của mình "Thương nhau chín bỏ làm mười". Câu thành ngữ muốn nói lên sự độ lượng bao dung, muốn những điều tốt đẹp cho người khác không tính thiệt hơn... Đó là cách cư xử của những tâm hồn hơn người... Một sự khao khát hướng thượng. Với cách dùng từ rất lạ, ý thơ như vơi như đầy nhưng không thiếu mất một tấm lòng:

"Em như dấu tích xa xôi
Gieo lời tri kỷ bồi hồi... Dạ thưa
Lấp đầy vụng dại ngày xưa
Tình như buổi chợ tan vừa nghe đau
Em như nắng đã ngã màu
Rụng đầy tóc gió úa nhàu đôi vai
Muộn màng một dấu hồng phai
Dấu thương còn lại trong ngoài mênh mông
Đôi bờ em níu dòng sông
Ngày đi thả mộng vừa nồng giấc mơ
Chút xưa bay ngược ban sơ
Trải lòng ban tặng để chờ có nhau"
(Chút lòng còn lại)

Tôi ngưng lại giữa chừng khi viết về Hoàng Chẩm. Thơ là tiếng lòng mà thi sĩ dệt lên những vần thơ đang mắc nghẹn trong tâm ai đó... Không gò bó, không niêm luật, chỉ là cảm xúc trong những con chữ tự do... Tôi chợt ngẫn ngơ khi đọc những câu thơ:

"Người đàn bà đã cũ
Dấu nỗi buồn trong đôi mắt
Nhớ kiếp người một bước truân chuyên
Sao phải lỡ Xuân thì
Sao nuốt niềm bi phẩn
Cuộc tình không hẹn mùa yêu
Đàn bà cũ gói nỗi buồn thế kĩ
Thầm nhớ đêm trần trụi một thuyền quyên..."
(Em đã cũ)
 

Lặng đi trong phút chốc... Người ta ví đàn bà đẹp là hoa Hồng... Không có đàn bà xấu... Nên đàn bà là hoa Hồng, hoa Hồng ở thời Xuân sắc hay là hoa Hồng khi đi qua cuộc đời rướm máu, để rồi những giọt máu đó kết tinh thành những cánh hoa mang màu máu có bóng dáng hoa Hồng... Những câu thơ chạm vào góc khuất người đàn bà muốn quên, khi nước mắt chảy ngược vào trong! Người đàn bà cũ đi qua cuộc đời lặng lẽ như đêm ba mươi, cũng là đêm! Một đêm dài... Thôi ta hãy để đó cho người đàn bà cũ chút thời gian mặc niệm tiếng yêu xưa, rồi sẽ qua... Sẽ qua thôi...!

"Ta xin...
Chạm với vô thường
Khoanh tay trầm mặc
Đo lường nhân sinh..."
(Chạm với hư vô)
 

Hoàng Chẩm đưa tay với vô thường để đo lường nhân sinh. Tác giả ngộ ra cái tạm bợ của kiếp người. Trải một đời qua bao thay đổi thời cuộc... Những sân, si của con người, ông đứng bên đời khoanh tay trầm mặc, vui với thiên nhiên, cây cỏ...

Nhà thơ Hoàng Chẩm với lối viết trữ tình, nhuần nhuyễn các thể loại thơ lục bát, thơ tám chữ và thơ tự do... Ông sinh ra để viết lên những tinh tuý cuộc đời...

Nhiều tác phẩm của ông được phổ nhạc và diễn ngâm, được in chung với nhiều tác giả tên tuổi khác.


Tác giả đã tham gia viết cho các tạp chí trong nước như: Tạp chí Cửa Việt, Văn nghệ An Nhơn, website Đất Đứng Hương Quê, Nhà Tương Tri Lục bát. Com. Trang Giới thiệu trên diễn đàn văn chương và cuộc sống. Các đặc san Kỹ niệm trường cũ. Nếu bạn yêu thơ Hoàng Chẩm hãy lên google gõ " Trang thơ Hoàng Chẩm" bạn sẽ chạm được sự tinh tuý trong thơ tác giả...

Với tâm thái một người yêu thơ, những cảm xúc hạn chế của tôi không nói hết sự phong phú trong thơ Hoàng Chẩm. Cũng xin mạn phép giới thiệu các bạn " TRANG THƠ HOÀNG CHẨM". Cám ơn tác giả đã góp cho đời những tác phẩm hay lưu hậu thế.

Một lần nữa xin cám ơn nhà thơ Hoàng Chẩm.

Lê Yên 27/3/19. SG.

 

MÓN QUÀ ĐẦU XUÂN

 

đã thấu cảm một bài thơ với góc nhìn thi ca đẹp bằng sự lấp lánh của ngôn ngữ bình thơ.Trân trọng giới thiệu cùng quý thi hữu
 
CÓ MỘT MÙA KHÔNG PHÔI PHAI
Lỡ dại một mùa trăng
Bên thềm hoa lòng thêm hao khuyết
Thu có vàng trên phiến lá
Đong đưa
Em cúi mặt mình vun vén
Chút tình xa vỡ tan như bong bóng trong mưa

Em cầm giữ
Mộng đã phai
Chiều ôm nỗi buồn xuống thấp
Chuông giáo đường buông nhịp chờ nhau.
Ta về trong mưa...
Em chờ đón
Phố đêm đèn giăng đầu ngõ
Thoáng qua trong mắt người về thấm mặn e ấp phôi pha
Có xưa đâu em! Tình vẫn thắm
Mùa đâu xa...
Có vội vã một vòng tay.
Có một mùa hoa...về rất muộn
Bên ni lòng đau đáu
Bên tê cũng xao xuyến nửa chừng xuân.

Lỡ dại một lần yêu em
Mà như thấu hiểu đêm vô cùng
Ta đếm đong bao lầm lỗi
Bóng đã ngút ngàn sương khói phía không nhau.
Nhặt nuối tiếc hắt hiu thầm nhớ
Có phải quay quắt níu lấy lòng nhau.
Lỡ một chuyến đò...đâu chỉ một chút xưa
Mà nay em tái tê ngày góp nhớ
Đâu chỉ là trùng phùng trong cách trở
Em có nghe tiếng vô cùng của buổi ban sơ
Miệt mài một cung tơ
Đan kín chiều sông quê vùi sâu cơn mộng

Tóc gió bay tình!
Khẽ khàng tay buông dấu xót xa.

Hoàng Chẩm


Lời bình:


Viết về tình yêu đôi lứa, ngòi bút của nhà thơ Hoàng Chẩm nghiêng về “tình đau”. Trang thơ tình của ông dày đặc những “đau”: thơ đau, tình đau, nhịp chèo đau, câu thơ viết giữa mòn đau…Khối tình đau ấy ông đem thả vào bốn mùa của đất trời. “Vẫn một mùa xuân trên tóc/ Áo phai chưa hết nỗi buồn”( Trích“Trong hơi thở mùa xuân”), “Cơn mưa Hạ…tình đau từ độ ấy” (Trích“Hạ và cơn mưa em”), “Mùa Thu còn đó…/Lá phai/ Nhớ chi… lá rụng mãi hoài/ Tình đau” (Trích “Tiếc thu”), “Chiều Đông/ Cúi mặt ngậm ngùi/ Lắng nghe biệt khúc/ Chôn vùi dấu thương” (Trích “Khúc tôi ơi chiều đông”). Mùa nào của đất trời cũng đến rồi đi nhưng trong thế giới thơ tình Hoàng Chẩm lại “Có một mùa không phôi phai”(tên một bài thơ của ông). Dệt nên “mùa không phôi phai” đó có Ta và Em.
Không biết “mùa không phôi phai” đó là mùa gì mà mới bước vào không gian của bài thơ, người đọc bắt gặp ngay “Lỡ dại một mùa trăng”. Trăng tự bao đời là “nhân vật” dự vào tình yêu đôi lứa. Chính cái huyền hồ thơ mộng của trăng đã làm nên chuyện tình lãng mạn giữa Ta và Em. Đâu chỉ là một đêm trăng mà là cả “một mùa trăng” dài rộng. Trong cái rộng dài của “mùa”, tình yêu của Ta và Em càng say đắm, đậm sâu. Hóa ra “mùa trăng” là “mùa yêu”. Ta và Em đã bước vào mùa yêu say đắm, mặn nồng. Vậy sao thi sĩ lại bảo là “Lỡ dại”. Cụm từ “Lỡ dại” nằm ngay ở cửa bài thơ sẽ mở ra bi kịch gì sau “mùa trăng” đó? Với đôi lứa yêu nhau có bi kịch nào ngoài sự chia phôi. Phải, tình yêu Ta và Em sâu đậm vậy nhưng đã “vỡ tan” để lại vết thương lòng “không phôi phai” được. Nay Ta và Em “Bên ni lòng đau đáu/ Bên tê cũng xao xuyến nửa chừng xuân”. Hai câu thơ không nói đến cách ngăn nhưng “Bên ni- Bên tê” nằm ở đầu hai dòng thơ đối nhau tựa như vết cắt xẻ đôi bảo sao không “đau đáu” và “xao xuyến” lòng. Tình yêu nồng đậm đó giờ đã là “Tình xa”. Dẫu xa nhưng nó sống hoài trong ký ức của Ta và Em. Ký ức tình yêu hiện về trong tâm tưởng bao giờ cũng đẹp nên Em “vun vén” và “cầm giữ” dù “mộng đã phai”. Còn Ta thì luôn an ủi lòng mình “Có xưa đâu em/ Tình vẫn thắm/ Mùa đâu xa…”. Đôi lứa chia lìa mà bảo “tình vẫn thắm”, tình yêu giờ là ký ức mà bảo “Có xưa đâu”, Mùa yêu giờ đã “ngút ngàn sương khói” mà cho là “Mùa đâu xa”. Thật là nghịch lý nhưng lại rất có lý đối với trái tim đau. Một khi “Tình xa” đem cất vào ngăn ký ức của cõi riêng thì nỗi nhớ cũng dâng đầy. Ta “Nhặt nuối tiếc hắt hiu thầm nhớ”. Còn Em cũng “tái tê ngày góp nhớ”. Hai người trong cuộc có cùng nỗi nhớ về nhau và độ sâu nỗi nhớ cũng không khác. Có khác chăng là ở cách nhớ mà thôi, Ta “thầm nhớ” Em trong “hắt hiu”, “nuối tiếc”. Em thì “góp nhớ” từng ngày trong nỗi “tái tê”. Chỉ vì cả hai muốn “níu lấy lòng nhau”. Quen nghe “níu áo”, “níu lưng” chứ “níu lòng” thì mới thấy trong thơ Hoàng Chẩm. Họ đã “níu lấy lòng nhau” bằng nỗi mòn đau, bằng chất chồng nỗi nhớ, bằng mong ngóng, đợi trông…Thế giới tâm tư của người trong cuộc tình đau như tràn ngập trên mỗi con chữ trong bài thơ. Tâm tư đầy ắp như thế họ biết trút vào đâu? Đây là nơi cho họ trút bầu tâm sự: “Chiều”. Phải, “chiều” tự bao giờ đã luôn song sinh cùng nỗi buồn. Cô gái có chồng xa xứ trong ca dao cũng mượn chiều để gửi nỗi buồn nhớ quê “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Cô Kiều (Truyện Kiều- Nguyễn Du) khi lưu lạc tha phương cũng “Buồn trông cửa bể chiều hôm”. Thơ nay, nhiều thi sĩ cũng đưa “chiều” vào thơ của họ để đồng hành cùng nỗi buồn. “Tiễn chiều vào chết/ dưới bầy nắng thưa” (Nguyễn Phúc Lộc Thành), “Chết chiều vào sông vắng/ Biệt ly gió thở dài” (Đinh Tiến Hải)…“Chiều” đi vào thơ ca nói trên đều với tư cách là khách thể đồng hành và cộng hưởng nỗi buồn cùng nhân vật trữ tình. Còn “Chiều ôm nỗi buồn xuống thấp” của Hoàng Chẩm lại mang một tư cách khác: tư cách chủ thể. Rõ ràng, Hoàng Chẩm đã phả vào chiều một linh hồn để chiều nhập thân cùng Em “ôm” nỗi buồn tình lỡ. Hoàng Chẩm đã tạc vào thơ mình một hình tượng “Chiều” lạ lẫm, ấn tượng. “Chiều” trong thơ ông không còn mang khái niệm về thời gian nữa mà đã hóa không gian, không gian cõi lòng. Cũng như thế, “Đêm” là bạn đồng hành cùng Ta “Lỡ dại một lần yêu em/ Mà thấu hiểu đêm vô cùng”. Không phải “đêm sâu”, “tàn đêm”, “trắng đêm” như bao người đã nói, Hoàng Chẩm đã mở biên độ của đêm đến “vô cùng”. Còn nhớ “Đêm mưa làm nhớ không gian/ Làm run thêm lạnh nỗi hàn bao la” mang niềm khắc khoải không gian của Huy Cận một thời. Hoàng Chẩm không nói đến không gian mà “đêm vô cùng” của ông cũng đã mở ra cái không gian đến “vô cùng” của đêm. Và đó cũng là biên độ của “tiếng lòng” được mở “Em có nghe tiếng vô cùng của buổi ban sơ”. Đố ai có thể đong đo được “tiếng vô cùng” của hai trái tim yêu. Hoàng Chẩm không chỉ “đào sâu” tâm trạng mà còn “mở rộng” nội tâm nhân vật đến “vô cùng”. Có phải “tiếng vô cùng” cộng hưởng cùng “đêm vô cùng” trong cái “mùa trăng” đã tạo nên “một mùa không phôi phai”?


Bài thơ dài được chia thành nhiều khổ ghi lại cảm xúc của đôi lứa trong cuộc tình đau theo dòng hồi tưởng của nhà thơ. Thi sĩ đã nhập thân vào cả hai nhân vật Ta và Em để bộc bạch nỗi lòng. Cảm xúc như vo tròn xáo trộn rồi vỡ òa khiến cho thi sĩ cũng bối rối. Nên thơ thì thành dòng nhưng không thành mạch ý. Ý thơ cứ xáo trộn như tâm tư của kẻ sống với ký ức tình yêu. Viết về “Tình đau” ,“Tình xa” của lứa tuổi chiều nên tình yêu và niềm nhớ tiếc của nhân vật trữ tình có phần lắng đọng và thâm trầm. Có lẽ cảm xúc đó được soi chiếu từ cái nhìn trầm tĩnh của người đã đi qua cuộc bể dâu . Nên dù tình yêu xưa có sống dậy thì cũng “Khẽ khàng tay buông dấu xót xa” thôi. Có lẽ điều ấy đã làm nên nét riêng cho thơ tình Hoàng Chẩm viết về đề tài “Tình lỡ”, “Tình xa” . Bài thơ “Có một mùa không phôi phai” thu hút người đọc không chỉ vì đề tài muôn thuở đó mà chủ yếu ở sự “làm mới” một số thi ngôn của nhà thơ Hoàng Chẩm.

 

TUỆ MỸ
01/01/2020

No comments:

Post a Comment

Huy Tưởng

  Chiều tĩnh vật   Chiều đã ngấm sâu dưới mái Em nghe không chất ngất tiếng hoàng hôn giập vỡ những cánh mây hiền giả những kè đá cam lò...